Theo các nhà nghiên cứu, chiếc xe kéo đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam là được nhập khẩu từ Nhật Bản vào năm 1883. Đến năm 1884, một nhà thầu Pháp cho sản xuất khoảng 50 chiếc xe kéo cung cấp cho cả xứ Bắc Kỳ. Từ đây, chiếc xe kéo dần dần trở thành phương tiện quen thuộc ở Hà Nội. Sau đó xe kéo lan rộng ra tận Nam Kỳ và Trung Kỳ.
Xe kéo tay (Ảnh: Sưu tầm)
Loại hình xe kéo tay là một phương tiện vận tải bằng sức người, rất đặc trưng ở Việt Nam thời thuộc địa. Khi mới sản xuất, loại xe này có cấu tạo khá đơn giản, có bánh làm bằng sắt nên chạy không được êm và người phu xe phải tiêu tốn nhiều sức lực mới có thể kéo xe. Theo thời gian cùng với sự cải tiến về mặt kỹ thuật, chiếc xe kéo có bánh làm bằng sắt được thay thế bằng bánh cao su tạo nên sự êm ái cho người ngồi trên xe và giảm bớt một phần sức lực cho phu xe. Một chiếc xe kéo tay có thể chở tối đa là 2 người.
Khi mà đại đa số người tham gia giao thông ở Việt Nam vào thời điểm đó đều phải đi bộ, đi cáng, đi ngựa,… thì sự xuất hiện của chiếc xe kéo đã được tầng lớp thượng lưu đón nhận và sử dụng. Xe kéo tay có những tác động tích cực đáng kể đến xã hội Việt Nam như: phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, không gây ra khí thải độc hại, chở khách đi khắp nội thành và ngoại thành, đóng góp nguồn thuế cho ngân sách, giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn phu xe trong cả nước,… Bên cạnh những mặt tích cực, xe kéo tay còn tồn tại nhiều mặt hạn chế, đó là việc bóc lột sức người dã man giữa chủ, cai và phu xe do sử dụng sức người như lừa ngựa, biểu thị sự nô lệ và phân biệt giai cấp. Chính vì vậy mà sau hơn nửa thế kỷ hoạt động ở Việt Nam, loại phương tiện này dần dần đánh mất vai trò lịch sử của mình và bị cấm sử dụng trên toàn lãnh thổ.
Huế là kinh đô của vương triều Nguyễn, nơi có nhiều quan lại của triều đình và quan chức của chính quyền Pháp sinh sống nên số lượng xe kéo ở đất Thần kinh nhiều nhất xứ Trung Kỳ.
Năm 1949, Nha Cứu tế Xã hội và Lao động Trung Việt thống kê ở Huế có 800 chiếc xe kéo đang hoạt động. Việc cấm một loại phương tiện giao thông đã gắn bó rất lâu với người dân xứ Huế là một vấn đề không thể thực hiện một sớm một chiều mà cần phải có một lộ trình hợp lý và khoa học. Ngày 15/12/1949, Nha Cứu tế Xã hội và Lao động Trung Việt đã có công văn số 111-LĐ gửi Thủ hiến Trung Việt về việc đề nghị bãi bỏ xe kéo đồng thời đưa ra một số phương án để việc cấm xe kéo được thực hiện một cách triệt để.
Công văn số 111-LĐ ngày 15/12/1949 của Nha Cứu tế Xã hội và Lao động Trung Việt gửi Thủ hiến Trung Việt về việc đề nghị bãi bỏ xe kéo (Nguồn: Trung tâm lưu trữ quốc gia IV)
Trước hết là phải tìm một phương tiện khác để thay thế xe kéo nhằm đảm bảo cho việc vận chuyển người và hàng hóa trong tỉnh. Ngay từ năm 1949, chính quyền tỉnh Thừa Thiên đã khuyến khích các tư gia nhập xe xích lô từ Nam phần về Huế để thay thế dần xe kéo. Xích lô là một phương giao thông lịch sự, nhanh chóng mà còn có tính nhân đạo.
Song song với việc nhập thêm xe xích lô thì chính quyền cũng cấm hoàn toàn việc nhập xe kéo mới vào địa phận tỉnh Thừa Thiên. Đề ra một số quy định nghiêm ngặt đối với phương tiện này như: buộc các xe kéo phải có chuông, phải sạch sẽ, không cho chở quá 100 kg.
Những xe kéo cũ, hư hỏng và xấu không được phép sửa chữa mà phải loại dần. Giảm thuế xe xích lô xuống mức thấp nhất để những phu xe kéo có thể chuyển sang đạp xích lô, giải quyết nạn thất nghiệp cho hơn 800 phu xe đang hoạt động ở Huế.
Ngày 04/8/1950, Thủ hiến Trung Việt đã ban hành Nghị định số 1105 ND/PC về việc cấm dùng xe kéo (xe nhà và xe thuê) trong địa phận thị xã Huế từ ngày 01/01/1951. Các xe kéo tay còn lại chỉ được phép chuyên chở hàng hóa và đồ đạc, nhưng bắt đầu từ ngày 01/01/1952, việc dùng xe kéo để chở hàng hóa cũng bị cấm hẳn.
Nghị định số 1105 ND/PC về việc cấm dùng xe kéo trong địa phận thị xã Huế(Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)
Ngay sau khi nghị định cấm xe kéo ở Huế được ban hành, nhiều tầng lớp nhân dân đã đồng tình ủng hộ vì chính họ cũng nhận thấy rằng xe kéo tay là một loại phương tiện sử dụng sức người như lừa ngựa, biểu thị sự nô lệ và phân biệt giai cấp rõ rệt, do người làm công việc phu xe đều là tầng lớp yếu thế trong xã hội, họ không được học hành để có nghề nghiệp ổn định, nên đã dùng chính sức lực của bản thân để làm công việc khó nhọc này.
Tuy vậy, nhiều chủ xe ở Huế đã thiết tha viết đơn, thư gửi lên Thủ hiến để bày tỏ những mong muốn và trình bày những tổn thất về kinh tế mà chính họ phải gánh chịu khi nghị định cấm xe kéo thi hành. Trong số các đơn thư đó, có đơn của ông Thái Văn Hộ ở số nhà 60 đường Lê Thái Tổ, thành phố Huế, đại điện cho hơn 45 chủ xe kéo ở Thị xã Huế khẩn nài Thủ hiến gia hạn thêm thời gian cấm xe kéo chở người ở Huế. Dù các chủ xe có nguyện vọng thiết tha nhưng nghị định vẫn được thi hành đúng thời hạn đã ấn định.
Đơn của chủ xe kéo ở Huế xin được gia hạn thêm thời gian cấm xe kéo chở người (Nguồn: Trung tâm lưu trữ quốc gia IV)
Tại Trung Việt, Thị xã Huế là nơi đầu tiên thực hiện việc cấm xe kéo chở người và hàng hóa. Tiếp đến là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam,… Cuối cùng xe kéo đã chính thức bị xoá sổ hoàn toàn ở Trung Việt.
Ngày nay, khi đến Huế du khách có thể nhìn thấy chiếc xe kéo tay được trưng bày tại cung Diên Thọ trong Đại nội. Đây là chiếc xe kéo do vua Thành Thái mua tặng cho mẹ mình là Hoàng thái hậu Từ Minh. Vào năm 1907, sau khi vua Thành Thái bị truất ngôi, nhà vua đã viết giấy bán chiếc xe kéo này cho ông Prosper Jourdan – Đội trưởng Thị vệ bản xứ và được đưa về Pháp. Tháng 6/2014, chiếc xe đã được đấu giá thành công tại Chateau de Cheverny (Cộng hòa Pháp), sau hơn 100 năm ở trên đất Pháp, chiếc xe kéo này lại được đưa về Việt Nam.
Trải qua thời gian, người dân xứ Huế không còn thấy bóng dáng của những chiếc xe kéo tay cổ xưa rong ruổi ngược xuôi trên mọi nẻo đường. Thế nhưng sự ra đời và biến mất của xe kéo tay là một phần không thể thiếu của lịch sử hoạt động ngành vận tải trong khoảng gần 70 năm, giai đoạn từ năm 1883 đến đầu năm 1952.
Tài liệu tham khảo:
Hồ sơ 1997, Phông Phủ Thủ hiến Trung Việt, TTLTQG IV
THANH BIÊN