Hiện nay, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đang quản lý 37 phông/sưu tập tài liệu lưu trữ với hơn 2.700 mét giá tài liệu. Đây là những phông/sưu tập tài liệu có giá trị, được hình thành trong các thời kỳ lịch sử của Việt Nam như thời Phong kiến, Pháp thuộc, Việt Nam Cộng hòa, Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Nguồn tài liệu đang bảo quản tại Trung tâm không chỉ đa dạng về hình thức mà còn phong phú về nội dung, phản ánh chiều dài lịch sử, văn hóa Việt Nam từ thời Hùng Vương dựng nước cho đến nay.

Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu một số phông/sưu tập tài liệu lưu trữ tiêu biểu do Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV quản lý để độc giả trong và ngoài nước biết và tìm hiểu.

1

Sưu tập tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn

Tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn là một trong những bộ sưu tập tài liệu lưu trữ quý hiếm của Phông Lưu trữ quốc gia Việt Nam. Mộc bản là những bản gỗ khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm ngược để in ra thành sách, được dùng phổ biến ở Việt Nam trong thời kỳ phong kiến.

  • Số lượng tài liệu: 34.619 tấm với
  • Thời gian tài liệu: 1802 - 1945
  • Công cụ tra cứu: Mục lục hồ sơ và cơ sở dữ liệu nội bộ

Nội dung của khối tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn rất phong phú và đa dạng, phản ánh mọi mặt xã hội Việt Nam trong thời kỳ phong kiến như lịch sử, địa lý, chính trị - xã hội, quân sự, pháp chế, văn hóa - giáo dục, tôn giáo - tư tưởng - triết học, văn thơ, ngôn ngữ - văn tự.

Toàn bộ bản gốc đã được in dập, số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu tra cứu. Độc giả trong nước và quốc tế có thể khai thác Mộc bản thông qua hệ thống công cụ tra cứu gồm bộ Mục lục Mộc bản Triều Nguyễn và Phần mềm khai thác trên mạng nội bộ tại Phòng Đọc Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

2

Phông Tòa Khâm sứ Trung kỳ

Ngày 15/3/1874, triều đình nhà Nguyễn và Pháp ký kết bản Hiệp ước mang tên “Hiệp ước hòa bình và liên minh” tại Sài Gòn. Hiệp ước gồm 22 điều khoản, trong đó, điều 20 của Hiệp ước này quy định, kể từ năm 1875 triều đình Huế đồng ý cho Pháp đặt một viên Trú sứ (Résident), cấp bậc ngang hàm Thượng thư bên cạnh nhà vua, với mục đích duy trì mối quan hệ hòa hữu giữa hai bên, đồng thời để giám sát việc thi hành Hiệp ước trên.

Đến ngày 25/8/1883, triều đình Huế lại ký với Pháp một bản Hiệp ước khác còn gọi là Hiệp ước Harmand. Theo đó, nhà Nguyễn công nhận Nam kỳ là thuộc địa của Pháp, Bắc kỳ và Trung kỳ là hai xứ bảo hộ, đặt dưới quyền chỉ đạo của một Tổng Ủy viên (Commissaire général). Tại Trung kỳ, Pháp đặt một viên Tổng Trú sứ. Theo Hiệp ước đã ký kết ngày 25/8/1883 và ngày 06/6/1884, Pháp đã chính thức đặt chức Tổng Trú sứ (Résident général) thay cho chức Trú sứ đóng ở Huế trước đây. Viên Tổng Trú sứ này có quyền hành rất lớn, còn được gọi là Toàn quyền lưỡng kỳ, cai quản nền bảo hộ của Pháp tại Trung kỳ - Bắc kỳ. Ngày 09/5/1889, Tổng thống Pháp đã ban hành sắc lệnh bãi bỏ chức Tổng Trú sứ. Việc cai quản ở Trung kỳ được giao cho viên Khâm sứ Trung kỳ (Résident supérieur en Annam) đảm nhận. Chức năng nhiệm vụ của Khâm sứ được quy định tại các Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 01/4/1892, ngày 13/02/1899 và ngày 20/10/1911. Cơ quan này chính thức bị bãi bỏ vào năm 1945, khi chính quyền thuộc địa của Pháp tại Đông Dương bị lật đổ.

  • Số lượng tài liệu: 190 mét với 6.022 hồ sơ;
  • Thời gian tài liệu: 1874 – 1945;
  • Công cụ tra cứu: Mục lục hồ sơ và cơ sở dữ liệu nội bộ.

Nội dung của phông là tài liệu quản lý hành chính của Văn phòng Tòa Khâm sứ bao gồm hệ thống các văn bản pháp quy; tài liệu về tổ chức chính quyền trung ương, địa phương; báo cáo chính trị các tỉnh, tài liệu về thanh tra chính trị, hành chính các tỉnh Trung kỳ; tài liệu về tư pháp, điền địa, công chánh, giao thông, văn hóa, giáo dục, xã hội, kinh tế - tài chính,...

3

Phông Phủ Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam

Trước đây khối tài liệu này được lưu giữ tại Nha Văn khố Đà Lạt. Năm 1981, Kho lưu trữ TW 2 tại Đà Lạt đã tiếp nhận 300 bó tài liệu của Sở Tài chính Cao nguyên miền Nam cùng với 799 hộp, bó tài liệu của phông Văn phòng Quốc trưởng quốc gia Việt Nam và 270 bó tài liệu, 1.002 hộp, cặp tài liệu của phông Tòa Khâm sứ Trung kỳ và chuyển về bảo quản tại Kho Lưu trữ TW 2, số 34 Lý Tự Trọng, Tp. Hồ Chí Minh. Sau khi Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV được thành lập, toàn bộ Phông Phủ Quốc trưởng quốc gia Việt Nam được chuyển lên Đà Lạt và bảo quản tại đây.

  • Số lượng tài liệu: 48.6 mét gồm 1.350 hồ sơ;
  • Thời gian tài liệu: 1946 – 1956;
  • Công cụ tra cứu: Mục lục hồ sơ và cơ sở dữ liệu nội bộ.

Thành phần chủ yếu của phông Phủ Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam là tài liệu hành chính, kế toán với các nội dung sau: tài liệu về phân ranh địa giới; về tổ chức và hoạt động của các tỉnh thuộc Cao nguyên miền Nam; về tổ chức bộ máy, tổ chức nhân sự, thi đua khen thưởng; về công tác văn thư, lưu trữ; tập lưu công văn đi của Nha Tài chính Cao nguyên miền Nam; báo cáo quyết toán ngân sách vùng Cao nguyên miền Nam; tờ khai gia đình của công chức các Nha, Sở thuộc các tỉnh Cao nguyên miền Nam: KonTum, Pleiku…; phiếu lương bổng của nhân viên; phiếu ngưng trả lương nhân viên; ngân sách các tỉnh Cao nguyên miền Nam; bản so sánh thu, chi hàng tháng của ngân sách các tỉnh Cao nguyên miền Nam; chứng từ thu, chi của ngân sách các tỉnh Cao nguyên miền Nam; tài liệu về tình hình thu thuế,…

4

Phông Phủ Thủ hiến Trung Việt

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ Cộng hòa được thành lập. Tuy nhiên, thực dân Pháp đã quay trở lại xâm lược Việt Nam thêm một lần nữa với dã tâm thiết lập lại hệ thống thuộc địa tại đây. Để thực hiện mưu đồ này, chúng đã dựng lên chính quyền tay sai, bù nhìn trên lãnh thổ Việt Nam. Sau nhiều lần thay đổi với chiêu bài chính trị khác nhau, Pháp sử dụng “Lá bài Bảo Đại”. Ngày 08/3/1949, Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại đã ký Hiệp ước Elysée, thành lập một chính quyền Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp, gọi là Quốc gia Việt Nam, đứng đầu là Bảo Đại. Ngày 01/7/1949, Chính phủ Lâm thời của Quốc gia Việt Nam được thành lập theo Sắc lệnh 01- CP, đồng thời tấn phong Bảo Đại là Quốc trưởng.

Sau khi chính phủ Quốc gia thành lập, Quốc trưởng Bảo Đại ban hành các Dụ số 01, 02, ngày 01/7/1949 quy định về “Tổ chức và điều hành các cơ quan công quyền Việt Nam”, “Tổ chức quy chế các công sở”. Theo Dụ này, nước Việt Nam được chia thành ba phần: Bắc Việt, Trung Việt, Nam Việt và đứng đầu mỗi phần là một vị Thủ hiến. Như vậy, Phủ Thủ hiến Trung Việt đã chính thức được thành lập và đi vào hoạt động.

Năm 1954, để tiến hành cải tổ bộ máy công quyền, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã ban hành Dụ số 21 ngày 04/8/1954 bãi bỏ chức Thủ hiến và quy chế tự trị của các phần. Từ đây, Phủ Thủ hiến Trung Việt đã chính thức chấm dứt hoạt động và thay vào đó là một cơ quan mới với các chức năng và nhiệm vụ khác biệt với Phủ Thủ hiến, đó là Tòa Đại biểu Chánh phủ tại Trung nguyên Trung phần.

  • Số lượng tài liệu: 47.5 mét với 2.592 hồ sơ
  • Thời gian tài liệu: 1947-1954
  • Công cụ tra cứu: Mục lục hồ sơ và cơ sở dữ liệu nội bộ.

Tài liệu trong Phông Phủ Thủ hiến Trung Việt chủ yếu là tài liệu hành chánh, phản ánh mọi hoạt động của tất cả các lĩnh vực như kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của các tỉnh miền Trung, từ Quảng Bình đến Bình Thuận.

5

Phông Tòa Đại biểu Chánh phủ tại Trung nguyên Trung phần

Sau một thời gian hoạt động, tổ chức chính quyền theo các đạo Dụ số 01, 02 năm 1948 đã không còn phù hợp với các toan tính chính trị của Pháp và Mỹ nữa. Vì vậy, các thế lực này đã có những tính toán khác để thay thế. Đầu tiên là việc ép Bảo Đại phải chấp nhận đưa Ngô Đình Diệm, một kẻ chống Bảo Đại, từ Mỹ về để ngồi vào chiếc ghế Thủ tướng Chính phủ của Bảo Đại. Tiếp đó, hàng loạt cải tổ về tổ chức bộ máy chính quyền được tiến hành. Ngày 04/8/1954, Quốc trưởng Bảo Đại ra Đạo Dụ số 21 bãi bỏ chức Thủ hiến thay vào đó là các Đại biểu chánh phủ tại các Phần lãnh thổ, trong đó có Trung Việt. Ngày 26/10/1955, sau khi phế truất Bảo Đại và thông qua cuộc Trưng cầu dân ý ngày 23/10/1955, Ngô Đình Diệm đã chính thức ngồi vào chiếc ghế Tổng thống. Kể từ đây, nhà nước Việt Nam Cộng hòa đã tiến hành hàng loạt cuộc cải tổ từ trung ương đến địa phương.

Để thuận lợi cho việc quản lý, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đã ban hành Sắc lệnh số 147a/NV ngày 24 /10/1956 về việc phân chia lãnh thổ Trung phần thành Trung nguyên Trung phần và Cao nguyên Trung phần. Theo Sắc lệnh này, Cao nguyên Trung phần là lãnh thổ của Cao nguyên miền Nam cũ, Trung nguyên Trung phần là lãnh thổ của Trung Việt cũ. Tại Trung phần, sẽ có một Đại biểu Chánh phủ và một Đại biểu phụ tá. Trụ sở Tòa Đại biểu Chánh phủ đặt tại Ban Mê Thuột, trụ sở Tòa Đại biểu phụ tá đặt tại Huế.

Năm 1963, Việt Nam Cộng hòa có nhiều thay đổi, đặc biệt cuộc đảo chính ngày 01/11/1963 do một nhóm quân nhân thực hiện dưới sự bảo trợ của Mỹ. Cuộc đảo chính đã chấm dứt chế độ dân sự do Ngô Đình Diệm cầm quyền và thiết lập sự lãnh đạo của quân đội. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến những biến động về đường lối, chính sách đối nội cũng như đối ngoại.

Như vậy, từ năm 1963-1967, quyền của các Đại biểu Chánh phủ tại Trung phần đã mất dần, thay vào đó là sự điều khiển của các Tư lệnh Vùng Chiến thuật. Sau cuộc bầu cử tháng 9/1967, quyền lãnh đạo của giới quân sự đã chấm dứt, thay vào đó là chế độ dân sự. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã tiến hành các cuộc cải tổ. Đến 01/01/1969, với Luật 001/69 của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đã chính thức quy định việc bãi bỏ chức Đại biểu tại các Phần. Tiếp đó là Nghị định số 544 - NĐ/ThT/QTCS ngày 12/5/1969, bãi bỏ chức vụ hành chánh và giải tán Văn phòng Dân vụ cạnh các Tư lệnh Vùng Chiến thuật, toàn bộ nhân viên và tài sản được chuyển giao cho cơ quan Tổng Thanh tra TW, chấm dứt toàn bộ hoạt động của Đại biểu Chánh phủ tại Trung nguyên Trung phần.

  • Số lượng tài liệu: 75.4 mét với 3.516 hồ sơ.
  • Thời gian tài liệu: 1954 - 1969
  • Công cụ tra cứu: Mục lục hồ sơ và cơ sở dữ liệu nội bộ

Nội dung chủ yếu là tài liệu hành chánh, phản ánh mọi hoạt động của tất cả các lĩnh vực như kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của các tỉnh miền Trung, từ Quảng Bình đến Bình Thuận.

6

Sưu tập hồ sơ cá nhân Nha Học chánh Trung nguyên Trung phần

Nha Học chánh Trung nguyên Trung phần được thành lập theo Nghị định số 02 ngày 15/4/1947 của Hội đồng Chấp chánh Lâm thời Trung kỳ. Ban đầu Sở có tên là Sở Học chánh Trung kỳ, tiếp theo là Sở Học chánh Trung Việt. Năm 1950, khi chính quyền Pháp bàn giao các cơ quan Học chánh tại Trung Việt cho Việt Nam, Sở Học chánh được đổi thành Nha Học chánh Trung Việt. Từ cuối năm 1955, khi chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức lại nền hành chính tại các vùng miền thì Trung Việt được đổi thành Trung nguyên Trung phần. Do vậy, Nha Học chánh Trung Việt cũng được đổi thành Nha Học chánh Trung nguyên Trung phần từ đây.

  • Số lượng tài liệu: 23.6 mét với 3.743 hồ sơ
  • Thời gian tài liệu: 1947 - 1956
  • Công cụ tra cứu: Mục lục hồ sơ và cơ sở dữ liệu nội bộ

Tài liệu trong sưu tập này là hồ sơ các nhân của các giáo chức và công chức, nhân viên làm việc trong ngành giáo dục tại Trung Việt. Ngoài ra, còn một số lượng lớn hồ sơ cá nhân của các giáo chức và công chức, nhân viên Bắc Việt do Sở Nhân viên và Nha Học chánh Trung Việt tiếp nhân từ Nha Học chánh Bắc Việt chuyển vào sau khi Hiệp định Genève được thi hành.

7

Sưu tập bản đồ thời kỳ Pháp thuộc và Việt Nam cộng hoà

  • Số lượng tài liệu: 5.014 bản đồ (gồm 14.152 tờ/mảnh).
  • Thời gian tài liệu: 1852 - 1975
  • Công cụ tra cứu: Danh mục

Các bản đồ này chủ yếu do Sở Đồ bản quân đội Hoa Kỳ ấn hành hoặc do Phân cục Địa dư Đà Lạt - Nha địa dư Quốc gia Việt Nam xuất bản. Nội dung chính là về địa lý đại cương Bắc phần, Trung phần, Nam phần; bản đồ hành chính địa giới hành chính các tỉnh; bản đồ địa hình; bản đồ quân sự; bản đồ địa chất; ngoài ra còn có bản đồ về canh nông, thổ nhưỡng, thảo mộc, lâm nghiệp, dân số,... đặc biệt, trong khối tài liệu bản đồ này còn một số bản đồ nổi vô cùng quý giá, gồm bản đồ các tỉnh Yên Bái, Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng,..

8

Tòa Hành chánh tỉnh Thừa Thiên

Cơ quan hành chính tỉnh Thừa Thiên được thành lập 01/3/1947. Sau khi thành lập, Hội đồng Chấp chánh lâm thời Trung kỳ ban hành Nghị định số 07 ngày 21/4/1947 thiết lập các cơ quan hành chính tỉnh, thị xã và phủ huyện; đồng thời ấn định các chức chưởng điều khiển về hành chính và quân sự cho các cấp.

Sau đó từ năm 1948-1952, Hội đồng Chấp chánh lâm thời Trung kỳ và Phủ Thủ hiến Trung Việt đã ban hành nhiều Nghị định thay đổi trong tổ chức các huyện và thành phố.

  • Số lượng tài liệu: 3.4 mét với 261 hồ sơ
  • Thời gian tài liệu: 1947 - 1975 (giai đoạn từ năm 1953 đến năm 1975 tài liệu của sưu tập chưa đầy đủ)
  • Công cụ tra cứu: Mục lục hồ sơ và cơ sở dữ liệu nội bộ

Nội dung tài liệu: Chủ yếu là tài liệu về công tác quản lý nhà nước thuộc các vấn đề về chính trị, an ninh, quốc phòng của các tỉnh Thừa Thiên.

9

Sở Nhân viên Trung nguyên Trung phần

  • Số lượng tài liệu: 8,1 mét với 673 hồ sơ.
  • Thời gian tài liệu: 1947 - 1959
  • Công cụ tra cứu: Mục lục hồ sơ và cơ sở dữ liệu nội bộ

Nội dung tài liệu phản ánh các vấn đề về nhân sự của các cơ quan, tổ chức tại Trung nguyên Trung phần như: Về tuyển dụng, bổ nhiệm, thuyên chuyển, hoán bổ, cho thôi việc; về tổ chức các lớp huấn luyện; nghỉ phép, nghỉ dưỡng bệnh; cấp lương và phụ cấp cho nhân viên; hồ sơ nhân sự.

10

Các phông tài liệu khác

Ngoài các phông, sưu tập tài liệu tiêu biểu trên còn có nhiều phông, sưu tập tài liệu giá trị khác như:

- Sưu tầm tài liệu quý hiếm của Việt Nam và về Việt Nam tại Cộng Hoà Pháp năm 2011: Thành phần tài liệu chủ yếu là tài liệu hành chính, bao gồm tài liệu của các phông Tòa Khâm sứ Trung kỳ, phông Thống sứ Bắc kỳ, phông Phủ Cao ủy Đông Dương, phông Phủ Toàn quyền Đông Dương. Sưu tầm tài liệu đã được chỉnh lý khoa học gồm 3.9 mét với 113 hồ sơ.

- Các Sưu tập Mộc bản quý, hiếm tại các Phủ, Chùa, gia đình dòng họ: Tuy Lý Vương, Nguyễn Huy, Chùa Từ Đàm, Thiên Mụ, Từ Hiếu (Huế); Bổ Đà (Bắc Giang); Chúc Thánh, Phước Lâm, Vạn Đức (Quảng Nam)… gồm 5,7 mét tài liệu.

- Sưu tập Công báo: Là sưu tập tài liệu được hình thành từ năm 1902 đến năm 1956, gồm 97 cuốn. Nội dung tài liệu là Tập san Hành chính Cao ủy Cộng hòa Pháp tại Trung Việt từ năm 1948 - 1951, Công báo Hoàng triều Cương thổ năm 1953 - 1955, Tập san Hành chính Trung Việt năm 1951 - 1956, Tập san Hành chính Cao nguyên miền Nam năm 1956.

- Cụm cảng hàng không: Nội dung tài liệu phản ánh về các hoạt động của Cảng hàng không miền Trung từ năm 1976 - 2000 gồm 1,3 mét giá với 110 hồ sơ.

- Tổng công ty điện lực miền Trung: Thành phần chủ yếu của phông là tài liệu hành chính, tài liệu xây dựng cơ bản và tài liệu chuyên môn được hình thành từ năm 1997 - 2001.

- Phông Dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất (Công trình Đê Chắn sóng và công trình Cảng Xuất sản phẩm gồm 45 mét tài liệu) và Phông tài liệu của dự án Nhà máy sản xuất polypropylene Dung Quất (gồm 18.5 mét tài liệu): Gồm tài liệu hồ sơ mời thầu, dự thầu, xét thầu và hồ sơ hoàn công, hồ sơ tài liệu kỹ thuật các công trình hoàn thành.