Sau khi chính thức thiết lập vương triều vào năm Nhâm Tuất (1802), các vua nhà Nguyễn đã đặc biệt chú trọng đến việc biên soạn lịch sử, bởi thông qua sử học có thể ổn định xã hội, cố kết nhân tâm, từ đó củng cố, nâng cao vai trò dòng tộc cũng như vị trí của vương triều.

Năm Tân Mùi (1811), Vua Gia Long đã cho thành lập Sử cục, cơ quan tiền thân của Quốc Sử quán, đồng thời xuống chiếu: “Nay soạn Quốc triều thực lục, phàm sự tích cũ cần phải tìm xét rộng rãi để sẵn mà tham khảo“.

Năm Canh Thìn (1820), ngay sau khi lên ngôi, Vua Minh Mệnh đã xuống chiếu cho tìm sách vở còn sót lại và thành lập Quốc Sử quán. Cơ quan này được giao trọng trách thực hiện việc biên soạn, khắc in và bảo quản các bộ chính sử, chính văn của triều đình. Trong hơn 100 năm tồn tại, Quốc Sử quán đã biên soạn được nhiều bộ sách có giá trị như Đại Nam thực lục, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí, Minh Mệnh chính yếu và rất nhiều tác phẩm sử học khác.

Ngoài Quốc Sử quán còn có một cơ quan đã trước thuật được nhiều công trình, xứng đáng xếp vào thành tựu của nền sử học nước nhà, đó là Nội các được thành lập vào năm Minh Mệnh thứ 10 (1829).

Như vậy, việc biên soạn và khắc in Mộc bản dưới Triều Nguyễn được các đời vua hết sức coi trọng, nhằm lưu truyền chính sử, chính sách, pháp luật của triều đình đến với dân chúng.

Mộc Bản Triều Nguyễn
Mộc Bản Triều Nguyễn
Sai ngay Thái sử chọn ngày khởi công ở quán, lại giao cho các viên Toản tu kiểm xét khoản thức chữ viết, mọi việc cho chu đáo ổn thỏa; các đại thần Tổng tài cũng cần xem xét luôn cho sớm xong việc lớn, để truyền bá về sau
lời dụ của vua Thiệu Trị

Quy trình biên soạn và khắc in Mộc bản

Để tiến hành biên soạn các bộ quốc sử, thực lục các triều vua, các sách chuyên khảo về địa chí, văn hóa, giáo dục theo mệnh lệnh vua, triều đình đã thiết lập một bộ máy biên tập, đứng đầu chịu trách nhiệm thi hành là những bậc văn võ đại thần đầu triều, bên cạnh đó còn có hàng loạt những quy chế nghiêm ngặt trong việc soạn thảo, san khắc, in ấn và tuyển chọn thợ khắc.

Việc biên soạn mỗi bộ chính sử thường kéo dài hàng thập kỷ, trải qua nhiều đời, tốn nhiều công sức và trí tuệ của các sử thần ví như phần Tiền biên của bộ Đại Nam Thực lục thời gian biên soạn kéo dài 25 năm (từ Minh Mệnh thứ 2 (1821) đến năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) mới hoàn thành. Riêng phần Chính biên bắt đầu khởi sự từ năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) kéo dài đến đời vua Khải Định (1916 – 1925) mới xong phần thất kỷ. Như vậy, việc biên soạn bộ Đại Nam thực lục đã phải kéo dài gần 100 năm mới hoàn thành bản thảo.

Để hoàn thành xong một ván khắc, các công đoạn được diễn ra như sau:

1.

Chuẩn bị vật liệu

Trước hết người ta cần chuẩn bị gỗ và những nguyên vật liệu như mực, giấy, dầu nước, chiếu vuông, chiếu dài, dùi, đục, chàng, nạc... với nhiều kích cỡ khác nhau. Tất cả nguyên vật liệu đều giao cho Hữu ty chuẩn bị đầy đủ.

Trong đó, khâu chuẩn bị gỗ là khâu mất nhiều thời gian, công sức, vì gỗ sau khi được chuyển từ các tỉnh thành về kinh sẽ được cưa, xẻ, ngâm tẩm, hong khô và làm phẳng. Công đoạn này cần nhiều thợ xẻ có sức khỏe vì phải thực hiện việc khá nặng nhọc, từ một đến hai năm mới xong. Gỗ được chọn làm ván khắc thường là gỗ Thị, Mít, gỗ Thừng Mực (Lồng mực, Lồng mức). Ngoài ra, còn có những loại gỗ được nhắc đến trong chính sử như gỗ Lê, gỗ Táo, ưu điểm của gỗ dùng làm ván khắc in phải có sức bền, không bị co rút nhiều, thẩm thấu mực tốt.

Gỗ sau khi tuyển chọn được phân thành khúc và mang đi ngâm tẩm để loại bỏ hết nhựa. Sau đó, được cưa xẻ thành phiến và hong khô, đến khi gỗ đảm bảo độ chắc, mềm sẽ được bào nhẵn bề mặt, tùy theo kích thước khổ khuôn in của các bộ sách, người thợ sẽ cắt ván khắc theo các kích cỡ thống nhất phục vụ cho việc chạm khắc.

Chuẩn bị vật liệu
2.

Dán nội dung bản thảo lên ván gỗ

Trên bề mặt ván khắc, một lớp hồ được phết thật kỹ và nhuyễn, đồng thời bản thảo sẽ được dán chữ ngược lên trên. Khi giấy khô, người ta bắt đầu bôi một lớp dầu thực vật để phần chữ viết nổi rõ.

Dán nội dung bản thảo lên ván gỗ
3.

Khắc ván

Đây là công đoạn tỉ mỉ, công phu, các dụng cụ khắc được sử dụng linh hoạt để làm nổi bật nét chữ, đường ranh,... Người thợ bắt đầu khắc đường chỉ ngăn cách các dòng trước, sau đó tách dần thớ gỗ không dính chữ, nguyên tắc khắc nét chữ bên trái trước, bên phải sau rồi đến lõi chữ, từng đường từng nét đều phải cực kỳ cẩn thận, hết hàng này thì chuyển sang hàng khác, cuối cùng là công đoạn chỉnh sửa lòng máng hoàn thiện mặt khắc.

Mỗi tấm Mộc bản sau khi khắc xong, được in lần đầu để kiểm tra những lỗi sai sót, nếu chỉ sai một hai chữ thì sẽ đục chữ đó đi để khắc chữ khác gắn vào, đây được gọi là hình thức điền bản. Ván khắc có nét chữ nổi lên thì gọi là “dương bản”, nếu chữ lõm xuống thì gọi là “âm bản”, thông thường các ván khắc Mộc bản là “dương bản”.

Khắc ván
4.

In sách, đóng quyển

Những bộ ván (Mộc bản) sau khi khắc xong, sẽ được đưa vào bảo quản tại Tàng bản đường trong Quốc Sử quán để phục vụ việc in ấn và ban cấp cho các nơi theo mệnh lệnh vua. Để in ra được những bản đẹp, người ta dùng chổi tự chế hoặc con lăn bôi mực đều lên bề mặt ván khắc, sau đó thợ in sẽ phủ tờ giấy dó lên khổ khuôn in, dùng bàn xoa chà nhẹ lên bề mặt giấy cho mực thấm vào giấy, chữ sẽ dần dần hiện lên rõ nét.

Mỗi mặt khắc gồm 2 trang sách, nên khi in dập xong, người ta sẽ gấp đôi lại, gáy trang xoay ra phía ngoài, vỗ thật đều rồi nẹp các trang theo quyển, xén quyển theo khổ sách, cuối cùng là công đoạn tháo nẹp, khâu sách.

Với Bộ biên tập và quy trình biên soạn, san khắc như vậy, các bộ chính văn, chính sử của Triều Nguyễn đã thể hiện tính pháp lý cao, nhờ đó tránh được tình trạng “tam sao thất bản” trong quá trình nghiên cứu, sử dụng.

In sách, đóng quyển
Mộc Bản Triều Nguyễn

Mộc bản Triều Nguyễn là một loại hình tài liệu đặc biệt quý hiếm trong kho tàng lịch sử văn hóa Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam vào ngày 31/7/2009.

Mộc Bản Triều Nguyễn

Bảo quản và di chuyển Mộc Bản

Mộc bản sau khi khắc xong được đưa vào bảo quản tại Quốc Sử quán, tuy nhiên do khối lượng ngày càng nhiều, nên năm Tự Đức thứ 2 (1849), Triều Nguyễn đã cho xây dựng thêm Tàng bản đường ở phía sau Quốc Sử quán để chứa ván khắc. Quốc Tử giám cũng được xây dựng, ngoài chức năng đào tạo, Quốc Tử giám còn tiếp nhận bảo quản, tu bổ ván in được thu chuyển từ Bắc thành về.

Hàng năm, các nhân viên coi giữ phải thường xuyên kiểm tra bản khắc, xem xét bản nào bị hư hỏng, chữ nào mất nét thì giao viên Đốc Công Vũ khố đốc sức cho thợ phục chế ngay.

Đến năm 1933, Quốc Sử quán bị bãi bỏ và được dùng làm trụ sở Thư viện đầu tiên của Nam triều. Sau đó, cơ sở này được tiến hành sửa chữa, nâng cấp với quy mô lớn trở thành một Tổng Thư viện Trung ương. Năm 1937, công việc hoàn tất, Thư viện được đặt tên là Thư viện Bảo Đại về sau được đổi tên là Viện Văn hóa Trung phần. Nơi đây tập trung rất nhiều sách, tài liệu của các khố văn thư lớn nhỏ từng thiết lập tại Huế, kể cả tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn.

Như vậy, trước khi được chuyển lên Đà Lạt thì toàn bộ khối tài liệu Mộc bản được lưu trữ tại Huế.