Mừng thọ là phong tục truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam trong mỗi dịp tết đến xuân về. Việc tổ chức lễ mừng thọ cho ông bà, cha mẹ như một cách để con cháu báo hiếu, bày tỏ lòng kính trọng, biết ơn đối với bậc sinh thành, dưỡng dục. Thời xưa, các vua triều Nguyễn cũng rất quan tâm đến lễ mừng thọ cho Hoàng Thái Hậu (mẹ vua) trong dịp đầu xuân năm mới. Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới còn lưu giữ nhiều bản khắc ghi chép lại không khí mừng thọ mẹ trong Hoàng cung triều Nguyễn, xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc!

Không rõ lễ mừng thọ ở Việt Nam có từ bao giờ và được xuất phát từ đâu. Chỉ biết rằng, theo các nguồn thư tịch để lại thì triều Nguyễn là triều đại có nhiều dấu ấn về lễ mừng thọ Hoàng Thái hậu trong ngày đầu xuân nhất. Người Việt Nam thường quan niệm “Mồng 1 tết cha, mồng 2 tết mẹ, mồng 3 tết thầy”, tuy nhiên, đối với các vua Nguyễn, việc thực hiện nghi lễ mừng tuổi mẹ (Hoàng Thái hậu) được diễn ra vào đúng ngày đầu năm mới (tức mồng 1 tết). Nghi lễ này được bắt đầu từ đời vua Gia Long và được các triều vua sau nối nghiệp kế thừa.

Vào ngày mồng 1 tết Nguyên đán, sau khi thực hiện các nghi lễ thờ cúng tổ tiên ngày đầu năm mới trong Hoàng cung, sáng sớm tinh mơ hôm ấy, vua Gia Long đội mũ cửu long, mặc hoàng bào, đeo đai ngọc, cầm ngọc khuê, từ Đại nội dẫn theo các quan văn võ, hoàng tử, thân công đến cung Hoàng mẫu (còn gọi là Trường Thọ) lạy tạ, chúc mừng mẹ nhân dịp đầu xuân. Khi đến nơi, vua quỳ dâng tờ kim tiền, lễ phẩm, tuyên đọc rồi đưa vào trong cung. Xong, lạy 5 lạy lui ra. Lúc này, trên lầu Ngọ Môn chuông trống nổi lên giòn giã.

Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 70, mặt khắc 1 ghi về việc vua Gia Long mừng tuổi mẹ ngày tết ở Từ Cung

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Đến triều vua Minh Mạng phong tục mừng thọ Hoàng Thái hậu vẫn tiếp nối, theo những ghi chép trong sử liệu, vào năm Giáp Ngọ (1834), ngay từ sáng mồng 1 tết, vua từ Đại Nội tiến sang cung Từ Thọ để làm lễ lạy mừng, dâng lên 10 lạng vàng và kính dâng lời chúc mừng tốt đẹp tới Hoàng mẫu.

Sau đó, vua ngự điện Thái Hoà, bầy tôi chầu mừng. Trong buổi lễ ấy, vua Minh Mạng đã tự tay viết sáu chữ lớn “Phúc Thọ Thượng Thọ Hữu Niên” vào bốn bức giấy rồng, đưa cho quần thần và bảo rằng: “Năm mới trẫm khai bút viết sáu chữ ấy, hai chữ “Thượng Thọ” là dâng cung Từ Thọ, để cầu phúc lớn, hai chữ “Hữu Niên” để cầu cho dân ta năm nay được mùa, hai chữ “Phúc Thọ” để ở bên hữu chỗ ngồi để theo ý nghĩa nhà vua thu phúc mà ban cho dân”.

Ngoài ra, như một món quà tri ân dành tặng các bậc đại thần trong triều, vua Minh Mạng đã cho khắc Mộc bản chữ Thọ theo lối Hán Triện để in ban tặng cho các quan đem về tặng cha mẹ nhân dịp năm mới đến. Trong khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn còn lưu giữ được một bản khắc chữ Thọ này.

Vua Minh Mạng cho khắc Mộc bản chữ Thọ dành tặng các quan mang về tặng cha mẹ mỗi dịp tết đến xuân về

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Đến triều vua Thiệu Trị, dù bộn bề với nhiều nghi lễ ngày tết trong cung, nhưng cứ đúng ngày mồng 1 tết Nguyên đán, nhà vua đều không quên nghi lễ đến mừng tuổi mẹ: “Lễ kính mừng của nhà vua cần phải tâu xin trước để đến ngày mồng 1 tết, vua dẫn hoàng tử, hoàng thân và bách quan đều mặc triều phục, đến cung Từ Thọ làm lễ Khánh hạ”.

Sang triều vua Tự Đức, vốn nổi tiếng là người con có tấm lòng hiếu thảo, nên việc mừng thọ mẹ ngày tết được vua chuẩn bị hết sức chu đáo, trang nghiêm. Hàng năm, cứ sáng sớm ngày tiết Chánh đán, nhà vua lại khoác hoàng bào đích thân đến cung Gia Thọ để mừng thọ mẹ. Ngoài việc dâng lên Hoàng Thái hậu bài kim tiên với lời chúc mừng kính cẩn, tốt đẹp, vua Tự Đức còn kính đem vàng, bạc để mừng tuổi mẹ.

Nối tiếp truyền thống các đời vua trước, các đời vua sau này như Kiến Phúc, Đồng Khánh, Hàm Nghi, Thành Thái,… vẫn giữ thông lệ mừng tuổi mẹ vào dịp ngày đầu năm mới với sự trang nghiêm và lòng hiếu thảo. Từ Hoàng cung triều Nguyễn, nghi lễ này chắc chắn có sự ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân. Và ngày nay, không chỉ ở xứ Huế mà mỗi gia đình Việt Nam đều duy trì và phát huy truyền thống mừng thọ đấng sinh thành trong dịp đầu xuân năm mới.

Cao Thị Quang

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ sơ H21, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

2. Hồ sơ H22, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

3. Hồ sơ H23, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

4. Hồ sơ H24, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

5. Hồ sơ H25, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

6. Hồ sơ H26, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

7. Hồ sơ H35, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

8. Hồ sơ H48, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

9. Hồ sơ H49, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

10. Cao Tự Thanh, Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ, Nxb Văn hóa – Văn nghệ, năm 2012.