Vua Quang Trung và Phượng Hoàng Trung đô

Cao Thị Quang

     Trong quá trình phát triển của dân tộc Việt Nam, bên cạnh những nhà quân sự thiên tài như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi… Nguyễn Huệ nổi lên như ngôi sao sáng rực giữa bầu trời. Cho đến nay, mặc dù tài liệu về Nguyễn Huệ còn lại không nhiều, nhưng từ những trang thông tin Mộc bản ít ỏi được biên chép lại bởi triều Nguyễn – “kẻ thù không đội trời chung” với ông thì con người của vị đệ nhất hào kiệt Tây Sơn vẫn hiện lên một cách chân thực bởi sự thật lịch sử vẫn mãi là sự thật dưới ánh mặt trời. Trong bài viết này, tác giả không đi về khía cạnh những cuộc chiến giữa triều đình Tây Sơn với nhà Nguyễn, xin được cung cấp thêm một số tư liệu quý góp phần làm sáng tỏ về kế hoạch xây dựng kinh đô ở Nghệ An của vua Quang Trung.

Nguyễn Văn Huệ (1753 – 1792), sinh ra tại Bình Định, trong một gia đình có gốc người Nghệ An. Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, quyển 30, mặt khắc 1, truyện về Nguyễn Văn Nhạc (anh trai Nguyễn Huệ) có ghi như sau: “Nguyễn Văn Nhạc, người ở huyện Phù Ly (nay là Phù Cát), trấn Quy Nhơn (nay là Bình Định). Tiên tổ là người huyện Hưng Nguyên trấn Nghệ An. Ông tổ bốn đời, khoảng năm Thịnh Đức (97) đời Lê, bị quân ta bắt được, cho ở ấp Tây Sơn Nhất (Tây Sơn có hai ấp là Nhất và Nhị, nay là thôn An Khê, thôn Cửu An) huyện Quy Ninh (nay là Hoài Nhân). Cha là Phước dời đến ấp Kiên Thành (nay là thôn Phú Lạc, thuộc huyện Tuy Viễn), sinh ba con trai, con cả là Nhạc, con thứ là Lữ, con thứ ba nữa là Huệ”.

Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, quyển 30, mặt khắc 1 ghi về tổ tiên của Nguyễn Huệ là người ở huyện Hưng Nguyên, trấn Nghệ An – Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

 

Nguyễn Huệ lớn lên lúc chế độ phong kiến đang lâm vào tình trạng suy thoái, trì trệ, đất nước đã bị phân chia làm hai là Đàng Trong và Đàng Ngoài. Ở Đàng Trong, chế độ chúa Nguyễn, đời Định vương Nguyễn Phúc Thuần rất đồi bại. Chúa lên ngôi lúc mới 12 tuổi, chỉ “thích chơi bời hát múa”, quyền hành tập trung hết vào tay quyền thần tham lam Trương Phúc Loan. Mộc bản sách Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 11, mặt khắc 9 còn ghi chép về xã hội bấy giờ tức vào năm Kỷ Sửu (1769) như sau: “Bấy giờ, Trương Phúc Loan cầm quyền, chính trị tự chuyên. Nội hữu chưởng dinh Tôn Thất Nghiễm, chưởng Thủy cơ  Tôn Thất Viên (đều là con Dận quốc công Tôn Thất Điền, bấy giờ người ta gọi là Nghiễm quận công) dẫu được chúa thân yêu, nhưng chỉ say mê tửu sắc, không để ý đến việc nước. Loan thấy thế bèn không kiêng nể gì, bán quan, buôn tước, ăn tiền tha tội, hình phạt phiền nhiễu, thuế má nặng nề, nhân dân đều lấy làm khổ. Trong khoảng 4, 5 năm, tai dị hiện ra luôn, đất động, núi lở, sao sa, nước đỏ, trăm họ đói kém, trộm cướp tứ tung. Trong nước tự đó sinh nhiều việc”.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 11, mặt khắc 9 ghi chép về tình hình xã hội dưới thời chúa Nguyễn Phúc Thuần – Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

 

Vừa độ trưởng thành, Nguyễn Huệ nhận thức rất rõ chế độ hà khắc, mục nát của chúa Nguyễn. Năm 18 tuổi, ông quyết theo anh là thủ lĩnh Nguyễn Nhạc dựng cờ khởi nghĩa trên vùng đất Tây Sơn thượng đạo. Cũng từ đây, hình ảnh một chiến binh gai góc, xông pha trận mạc được Mộc bản triều Nguyễn sách Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, quyển 30, mặt khắc 17, 18 phác họa lại rằng: “Nguyễn Huệ là em của Nguyễn Văn Nhạc, tiếng nói như tiếng chuông lớn, mắt sáng nhoáng nhoáng như chớp, giảo hoạt khôn ngoan, hay đánh nhau, người đều sợ cả. Năm Ất Mùi (1775) đánh úp phá được Phú Yên, Nhạc nêu công lên Hoàng Ngũ Phước, Ngũ Phước tạm cho làm Tây Sơn hiệu tiên phong tướng quân. Kịp khi Nhạc xưng đế cho làm Long Nhương tướng quân, bốn lần cướp Gia Định. Ra trận tất thân đi trước, tướng sĩ hiệu lệnh nghiêm ngặt rõ ràng, bộ khúc đều có lòng mến phục cả. Năm Bính Ngọ, Nhạc sai làm Tiết chế các bộ, đánh úp được Phạm Ngô Cầu, bèn đánh bừa ra Bắc. Từ đây, thế ngày càng lớn lên, không thể ngăn được…”.

Mộc bản triều Nguyễn sách Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, quyển 30, mặt khắc 18 phác họa bức chân dung của Quang Trung – Nguyễn Huệ – Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

     Trải nhiều thăng trầm lịch sử, nếm mật nằm gai chiến đấu với kẻ thù, sau nhiều trận chiến sống còn, vào ngày 25 tháng 11 năm Đinh Mùi (1788), Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung, và cố hương Nghệ An được vua dự định sẽ là kinh đô của vương triều. Trong tờ chiếu ngày 3 tháng 9 năm Mậu Thân (1/10/1788), gửi La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huệ có viết: “Nhớ lại buổi hồi loan kỳ trước, lúc qua Hoành Sơn, quả nhân cũng đã từng mở xem địa đồ, thấy ở huyện Chân Lộc, xã Yên Trường, hình thể rộng rãi, khí tượng tươi sáng, có thể chọn để xây kinh đô mới. Thực là chỗ đất đẹp để đóng đô vậy”. Vùng đất mà Quang Trung khen đẹp ấy nằm giữa núi Phượng Hoàng và núi Kỳ Lân nên còn gọi là Phượng hoàng Trung đô hoặc Trung kinh Phượng Hoàng.

Sau khi lên ngôi, Quang Trung đã đặt tên cho trấn Nghệ An là Trung đô. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 4, mặt khắc 20 khắc ghi: “Ngụy Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ đặt tên cho trấn Nghệ An là Trung Đô, sửa thành lũy, đặt kho tàng, dùng trọng binh túc trực ở đấy”.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 4, mặt khắc 20 ghi chép việc Nguyễn Huệ cho đặt tên trấn Nghệ An là Trung Đô, năm Kỷ Dậu (1789) – Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

 

Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, quyển 30, mặt khắc 40 cũng khắc ghi về việc này sau: “Huệ đã đắc chí, nghiễm nhiên tự xưng là đế, lập Lê Thị Ngọc Hân làm Bắc cung Hoàng hậu; con đích là Quang Toản làm Thái tử. Cho Nghệ An là ở giữa nước, quê quán tổ tiên ở đấy bèn đắp thành đất ở dưới Kỳ Lân, dựng làm lầu điện, gọi là Trung đô. Đổi thành Thăng Long gọi là Bắc Thành; chia Sơn Nam làm thượng hạ hai trấn (Hạ trấn đóng ở Vị Hoàng, thượng trấn dời đóng ở Châu Cầu)…”.

Những dự định, hoài bão to lớn của Quang Trung đành phải hoãn lại vì vua lâm bệnh nặng. Khi tỉnh dậy, vua cho triệu Trấn thủ Nghệ An là Trần Quang Diệu về triều bàn việc thiên đô ra Nghệ An. Tuy nhiên, do bệnh tình ngày càng nguy kịch, trước khi mất, Quang Trung đã căn dặn Trần Quang Diệu rằng: “Ta mở mang cõi đất, cả cõi nước Nam, nay bệnh tất không khỏi, Thái tử tư chất hơi cao, nhưng tuổi hãy còn nhỏ, ngoài có thù ở nước Gia Định. Thái Đức (tức Nguyễn Nhạc) thì tuổi già, nhàn rỗi vui chơi cầu yên, không mưu tính đến lo sau. Khi ta chết rồi, nên trong một tháng, làm lạo thảo để chôn táng thôi. Bọn ngươi nên cùng nhau giúp Thái tử sớm thiên đến Vĩnh Đô[1] để khống chế thiên hạ”.

Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, quyển 30, mặt khắc 42 ghi những lời căn dặn trước lúc mất của vua Quang Trung với Trần Quang Diệu về việc dời đô ra Nghệ An Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

     Có thể nói, qua các tư liệu Mộc bản đã được dẫn trên, ý định dời kinh đô từ Phú Xuân ra Phượng Hoàng trung Đô của vua Quang Trung là có thật. Kế hoạch đó, tuy không thực hiện được, nhưng với tầm nhìn văn hóa của người anh hùng áo vải thì Phượng Hoàng Trung đô đã được xây dựng, tồn tại trong lịch sử như một cố đô của đất nước./.

 

Tài liệu tham khảo.

1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Nxb Khoa học xã hội, năm 2004;

2. Hồ sơ H21/5, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

3. Hồ sơ H16/31, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

 

[1] Vĩnh Đô: thuộc đất Nghệ An