Dưới triều Nguyễn, vua Minh Mệnh (trị vì 1820-1840) nổi tiếng là một vị quân chủ anh minh, quyết đoán với tầm nhìn xây dựng một quốc gia cường thịnh. Không chỉ tập trung vào cải cách hành chính và ngoại giao, ông còn đặc biệt quan tâm đến đời sống dân sinh, quyết tâm bài trừ các tệ nạn xã hội để giữ gìn kỷ cương. Một trong những cuộc chiến quyết liệt nhất mà ông khởi xướng đó chính là việc chống nạn buôn bán và sử dụng thuốc phiện – thứ “thuốc độc” làm băng hoại xã hội bấy giờ.

Hình ảnh về người nghiện thuốc phiện – những “xác chết khô” vì “nàng tiên nâu” . Ảnh: Sưu tầm

1. Nỗi trăn trở của bậc quân vương

Ngay sau khi lên ngôi, vua Minh Mệnh đã nhận thức sâu sắc tác hại khủng khiếp của thuốc phiện. Ông trăn trở khi thấy quan lại vì nó mà bê trễ việc công, dân chúng thì khuynh gia bại sản, thân thể hao mòn. Nhà vua từng nhiều lần bày tỏ sự căm ghét và lo sợ đối với tệ nạn này: “Cái tệ thuốc phiện, ta rất ghét… hút lâu thành nghiện, lại khiến người ta không thể dứt bỏ được, nhiều người đến mất cơ nghiệp, thậm chí nghiện mãi không thôi, cũng có kẻ đến mòn mỏi mà chết!”

Ông chỉ rõ nguồn gốc của tệ nạn này chủ yếu đến từ các thuyền buôn nước ngoài. Vì vậy, bên cạnh việc nghiêm cấm dân trong nước, nhà vua đã ban hành những điều lệ chặt chẽ để kiểm soát tàu thuyền ngoại quốc, ngăn chặn thuốc phiện ngay từ cửa ngõ đất nước.

Năm 1824, nhận thấy luật lệ chưa đủ sức răn đe, vua Minh Mệnh đã sai đình thần định lại các điều cấm một cách nghiêm khắc hơn, cho thấy quyết tâm triệt để của triều đình.

Dụ của Vua Minh Mệnh về việc cấm buôn bán thuốc phiện (Nguồn: TTLTQGIV)

2. Hệ thống hình phạt nghiêm minh

Luật pháp dưới thời Minh Mệnh về tội danh thuốc phiện được quy định cực kỳ chi tiết và nghiêm ngặt, không có ngoại lệ. Nhà vua yêu cầu Bộ Hình phải phân biệt rõ mức độ phạm tội để xử phạt công bằng: kẻ buôn bán, tàng trữ phải bị phạt nặng hơn người hút.

Hệ thống hình phạt được xây dựng một cách toàn diện:

Đối với người hút trộm: Phạt 100 trượng, đi đày 3.000 dặm. Gia đình, hàng xóm biết mà không tố giác cũng bị phạt nặng.

Đối với kẻ buôn bán, tàng trữ: Tội nhẹ thì sung quân ở biên ải, nặng thì xử giảo giam hậu (chờ thắt cổ chết), tịch biên toàn bộ gia sản.

Đối với thuyền buôn nước ngoài: Lần đầu đến sẽ được phổ biến luật cấm. Nếu tái phạm, chủ thuyền có thể bị xử tử, thuyền và hàng hóa đều bị tịch thu.

Đối với quan lại, binh lính: Nếu phạm tội, hình phạt sẽ nặng hơn dân thường, có thể bị xử tử ngay lập tức (trảm lập quyết).

Khen thưởng người tố giác: Gia sản của kẻ phạm tội sẽ được dùng để thưởng cho người tố giác, khuyến khích người dân tham gia vào cuộc chiến chống tệ nạn.

3. Xử nặng quan lại để làm gương

Nguyên tắc “pháp luật bất vị thân” được vua Minh Mệnh thực thi triệt để. Ông không ngần ngại trừng phạt cả hoàng thân quốc thích và quan lại cấp cao để làm gương.

Vụ án Lê Văn Huyên: Vốn là Tôn Thất Huyên, thuộc dòng dõi hoàng tộc, nhưng vì hút trộm thuốc phiện đã bị vua tước bỏ họ Tôn Thất, đổi sang họ mẹ, bắt đi đày ở đảo Phú Quốc. Vua Minh Mệnh tuyên chỉ đanh thép: kẻ nào trong dòng dõi nhà vua mà sa ngã vào chốn “hèn hạ nhơ bẩn” thì sẽ bị pháp luật trừng trị, không được dự vào sổ họ Tôn Thất.

Vụ án Hoàng Công Tài: Nguyên là Tuần phủ Ninh Bình, bị phát hiện tàng trữ thuốc phiện lậu. Vua lập tức cách chức và xử tội trảm giam hậu. Qua vụ án này, ông chỉ dụ các quan phải “trông thấy mà sợ, coi đó làm gương”, tự giữ mình trong sạch.

Lời kết

Từ những tư liệu Mộc bản còn lưu lại cho thấy cuộc chiến chống thuốc phiện dưới triều Minh Mệnh là một chiến dịch toàn diện, quyết liệt và không khoan nhượng. Bằng việc xây dựng một hệ thống pháp luật nghiêm minh, áp dụng hình phạt không có vùng cấm và đề cao sự thưởng phạt công minh, vua Minh Mệnh đã thể hiện rõ quyết tâm xóa bỏ tệ nạn, ổn định xã hội.

Tài liệu tham khảo:

1.    Hồ sơ số: H22/5; H22/27; H22/65; H22/178, Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ – Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Phạm Yến