VŨ XUÂN CẨN  – VỊ TỨ TRIỀU NGUYÊN LÃO TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM

Phạm Thị Yến

Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Ông là người con của đất Quảng Bình, đã đóng góp nhiều công trạng trong việc xây dựng đất nước thời kỳ nhà Nguyễn, làm quan trải qua bốn đời vua, được các quần thần trên dưới nể phục, kính trọng, nhân dân các vùng Hưng Hóa, Nghệ An, Sơn Tây, Bình Định yêu quý. Trong sự nghiệp của mình dù ở cương vị nào ông cũng làm tròn chức trách nhiệm vụ, ông luôn đặt quyền lợi của người dân lên trước để giải quyết thấu tình đạt lý, do vậy, đời sống nhân dân ở những nơi ông đến làm việc đều ổn định, ấm no. Ông xứng đáng được phong là vị “Tứ triều Nguyên lão – Ông lão có đức vọng lớn ở bốn triều”. Sau đây chúng tôi xin dịch và giới thiệu đến độc giả về thân thế và sự nghiệp của vị danh thần Vũ Xuân Cẩn qua tài liệu Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới.

Thân thế và sự nghiệp

Vũ Xuân Cẩn (1778 – 1852), quê huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, ông là một đại danh thần và là sử gia lớn của triều Nguyễn. Lúc còn nhỏ ông rất chăm chỉ học hành. Khi Thế Tổ Cao Hoàng đế lấy lại kinh thành Phú Xuân, ông vào yết kiến được bổ vào làm tại Hàn Lâm viện, năm Gia Long thứ 2 (1803), ông được phong chức Tham hiệp trấn Hưng Hóa, trải qua chức Cai bạ Bình Định. Buổi đầu năm Minh Mạng (1820) ông được tuyển giữ chức Hiệp trấn Sơn Nam, sau ông được triệu về kinh, bổ làm Tả Tham tri bộ Hình. Năm Minh Mạng thứ 5 (1824), ông lại được cử ra giữ chức Hiệp trấn Nghệ An. Sau đó ông được chuyển sang làm Tuyên phủ phủ Hoài Đức, rồi giữ chức Hình tào Bắc Thành Hữu Tham tri bộ Lại, thăng Thự Thượng thư bộ Công. Năm Minh Mạng thứ 14 (1833), ông được bổ làm Tổng đốc Bình Phú (Bình Định và Phú Yên ngày nay). Ngoài ra ông còn có công trong việc tuyển chọn quân ngũ, xét tội những kẻ a dua, ăn hối lộ làm trái pháp luật. Được các vua nhà Nguyễn khen thưởng, nhiều lần thăng đến Hiệp biện Đại học sĩ, gia hàm Thái tử thiếu bảo.

Người có công trong việc thi hành phép quân điền tại Bình Định

Vũ Xuân Cẩn là một vị quan luôn chăm lo đời sống cho nhân dân. Ông là người đã có công trong việc cải cách điền địa tại Bình Định. Năm thứ Minh Mạng thứ 19 (1838), ông tâu việc: tỉnh Bình Định ruộng công ít mà ruộng tư nhiều gấp đến 4 lần, kẻ cường hào giàu có kiêm hết, người nghèo không trông nhờ vào đâu. Thỉng xin cân nhắc để chế định lại. Tuy nhiên, Minh Mạng cho rằng đây là một việc mới, gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, nên không phê chuẩn.

Năm Minh Mạng thứ 20 (1839), ông về kinh yết triều. Vua hỏi tới việc chia ruộng mà ông đã trình bày trước đây. Ông liền khẩn trình rằng: tỉnh Bình Định đất tốt, nhà làm ruộng 1 năm gặt 2 mùa, nhưng phần nhiều bị người giàu kiêm tính cả, người nghèo không có 1 thước, 1 tấc ruộng nào, nay nếu kiểm xét lấy ruộng của người giàu ra, chỉ để lại cho 1, 2 phần làm thế nghiệp, còn số thừa ra, lấy lại để cấp cho nhân dân, thì dân nghèo có chỗ trông nhờ, mà cái lợi của đất đai mới được quân bình.

Vua bèn giao xuống cho bộ Hộ bàn kỹ lại. Sau khi hội bàn xong, bộ Hộ tâu: việc chia ruộng cho đều có thể làm được. Vua sai 6 Bộ hội bàn, mọi người bàn đều nói rằng: các ấp nào mà ruộng tư nhiều hơn ruộng công, thì chiết lấy một nửa ruộng tư; ấp nào mà người nhiều, ruộng ít, thì cân nhắc trích lấy ruộng công ở gần đấy mà cấp cho, khiến cho binh và dân đều được nhờ việc lợi này.

 

 

Bản dập Mộc bản chép về việc Vũ Xuân Cẩn tấu trình

việc thi hành phép quân điền tại Bình Định

Lời bàn dâng lên, vua quyết cho làm, sai ông cùng với Tham tri bộ Hộ là Doãn Uẩn đến Bình Định thi hành phép chia đều ruộng, phái thêm thuộc viên theo làm, phát giấy kho làm sổ sách. Tháng 10 năm ấy công việc hoàn thành, ông về kinh phụng mệnh. Vua rất vui mừng, khen và ban thưởng cho ông. Cho ông lĩnh chức Thượng thư bộ Hình kiêm quản viện Đô Sát viện sung Thực lục Tổng tài. Vua cho ông là người đầu tiên kiến nghị việc điền địa, nên gia thưởng ân đặc biệt cho 1 cấp. Thiệu Trị năm thứ 1 (1841), ông được thăng chức Thự Đông các Đại học sĩ, lĩnh chức ở bộ Hình như trước, rồi gia hàm Thái tử Thái bảo. Ông thấy tuổi đã cao, sức khỏe yếu, nên dâng sớ xin nghỉ việc nhưng không được vua chuẩn tấu. Vua đã nói với ông những lời tâm sự chân thành: “nước có bề tôi già, là điềm hay của thịnh triều, không cho nghỉ”. Vậy là buộc ông phải nghênh chiếu ở lại quan trường phục sự nhân dân, năm ấy ông đã ngoài 70 tuổi.

Việc quân điền ở Bình Định thành công đã đem lại đời sống ấm no cho hàng trăm ngàn người dân nghèo khổ. Đề cập đến việc làm này của ông, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu viết “Việc quân điền ở Bình Định quả là sự nghiệp trác dị của Vũ Xuân Cẩn”.

Dâng sớ xin gia ơn cho con cháu những người có tội

Không chỉ là vị quan luôn chăm lo đời sống cho nhân dân, ông còn là một người rất anh minh chính trực, ông luôn dụng tâm vào những điều tấu trình, với những lời lẽ thấu tình, đạt lý nên đều được vua cho thi hành. Năm Tự Đức năm thứ 1 (1848), ông dâng sớ xin gia ơn cho con cháu Anh Duệ Thái tử, nói rằng: “ bậc Đế vương cai trị thiên hạ ắt hẳn phải chú trọng đến cái gốc thân gần đối với người thân”, lời nói rất thiết tha, lại dâng sớ xin bổ dùng con cháu bọn Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt, Lê Chất, đại lược nói rằng: sách Chu Lễ có 8 điều(1) được bàn để khoan dung cho người có tội, sách Tả truyện(2) có đến 10 đời được tha để đối đãi với người có công. Ông lại nói rằng, cứ theo án đã thành, thì tội không thể chối được, nhưng xét về nguyên nhân phải tội, thì tình còn có thể thương được.

Vua rất cảm động về những lời ông tâu, nên đều cho thi hành cả. Lại cho là ông tuổi già đức cao, sai cho kiêm lãnh chức Sư bảo của hoàng thân(3).

Được vua ban thơ và tặng chiếc gậy linh thọ đầu chim cưu

Vì có nhiều công lao đóng góp, nên năm Tự Đức thứ 4 (1851), khi ông  80 tuổi, vua Tự Đức đã làm 2 bài thơ tặng ông và ban cho đồ trân bảo là chiếc gậy 9 đốt, đầu gậy khắc chạm đầu con chim cưu để mừng thọ ông. Thơ đề tặng rằng:

Phiên âm:

Tứ triều dần lượng biểu thuần trung

Hựu bỉnh thuyên hành lý bách công

Thiên hạ trung dung duy bá thủy

Thế gian đức vọng trọng văn công

Kê bì hạc phát thần do vượng

Mã sử lân kinh đạo khởi cùng

Nguyện đắc kỳ, di hoàn quắc thước

Ích chương nhân thụy tán hoàng phong.

Dịch nghĩa:

Bốn triều kính trọng biểu lộ là người thuần trung,

Lại giữ việc cất nhắc xếp đặt trăm quan,

Thiên hạ giữ đạo trung dung chỉ có một Bá Thủy,

Thế gian đức vọng phải tôn trọng Văn Công,

Tuy da gà tóc bạc nhưng tinh thần còn vượng,

Sử Mã, kinh Lân đạo nho há có cùng đâu,

Mong được thọ đến trăm tuổi mà còn quắc thước,

Để tỏ điềm hay bằng người thọ, giúp cho phong hóa của nhà vua.

Đề tặng bài hai:

Phiên âm:

Tằng văn nhân thọ thánh ngôn truyền

Nguyên vị bình sinh vạn thiện toàn

Ngu Hạ tác nhân do thượng sỉ

Triều đình hưng hiếu khởi di niên

Thái chi bất sổ Thương Sơn khách

Đồng giáp ưng khai Lạc Xã Diên

Tha nhật Vân Đài như hứu hội

Chỉ luân huân nghiệp khuyến lai hiền.

Dịch nghĩa:

Từng nghe thánh nói người nhân thì được thọ,

Vì lúc bình sinh làm mọi việc đều hay cả,

Nhà Ngu, nhà Hạ đào tạo nhân tài còn chuộng người tuổi già,

Triều đình khuyên hiếu há bỏ quên người già,

Không bàn đến những người hái cỏ chi ở núi Thương Sơn,

Những người cùng tuổi nên mở yến tiệc ở Lạc Xã,

Ngày khác Vân Đài như có vẽ tượng các công thần,

Chỉ bàn công nghiệp để khuyên người hiền sau này.

Vua Tự Đức ban thơ và tặng chiếc gậy linh thọ đầu chim cưu cho Vũ Xuân Cẩn

 

Năm Tự Đức thứ 5 (1852), vì tuổi đã cao, sức yếu ông cố xin về, vua y cho, rồi sai Nội các đến hỏi những việc nên làm. Ông đã trình bày 4 việc sau:

1. Năm được mùa giá thóc rẻ, đặt giá thêm lên đong vào, gặp năm mất mùa đem ra phát chẩn.

2. Lính ở miền Nam thì 6 đinh giảm đi 1 người, lính ở miền Bắc thì hàng năm về Kinh thao diễn, rồi lưu lại làm việc 6 tháng. Lính ở Kinh thì đầu xuân điểm duyệt xong, chia làm 2 ban, một ban ở lại, một ban cho về.

3. Con trai, con gái của các vương công, cho phép cùng với con trai, con gái, em và cháu của quan văn, quan võ từ tam phẩm trở xuống được lấy nhau; nếu có người nào làm việc mà xuất thân từ văn khoa võ tuyển, thì cho phép cùng được bổ dụng.

4. Xin phong cho mẹ đẻ của viên nguyên Án sát Lạng Sơn đã chết là Mai Anh Tuấn.

Những lời kiến giải của ông đều được vua sai chọn lấy để thi hành. Tháng 2, năm Tự Đức, vua ban cho ông được giữ chức Thái bảo về hưu trí, hàng năm chi hưởng thêm cho một nửa số lương và ban ơn hậu hĩnh. Vua lại dụ rằng: nếu ông nghe thấy ẩn tình của dân, chính sự có điều thiếu sót, cho phép đi ngựa trạm đến tâu. Ông đã trải qua các chức quan trong và ngoài kinh kỳ gần 50 năm.  Ông vốn là người trầm tĩnh, kín đáo trung thực. Lúc tuổi đã cao nhưng ông vẫn dốc lòng, dốc chí phục vụ nhân dân. Ông là người đã có công lao đóng góp, nên nhà vua thường sai các quan mang tờ dụ đến nhà hỏi thăm sức khỏe, lại sai Trung sứ mang thứ thuốc bổ dưỡng của vua dùng đến ban cho. Tháng 4, năm Nhâm Tí (1852) ông mất tại gia, thọ 81 tuổi. Vua thương tiếc lắm, sắc chỉ cấp vàng lụa để lo việc tang, sai quan đến tế, cho tên thụy là Văn Đoan. Lại sai bộ Lễ đem bài thơ và bài minh ở bia của vua làm cho khắc vào đá dựng ở làng ông, nhan đề rằng: “Tứ triều Nguyên lão”. Năm Tự Đức thứ 11 (1858), ông được đưa vào thờ ở đền Hiền Lương.

Ông có hai người vợ, một người họ Bạch, người vợ thứ họ Trần, sinh ra Trang Ý Thuận Hiếu Thái Hoàng Thái Hậu. Đến năm Đồng Khánh ông được gia phong là Lệ Quốc công; Bạch thị, Trần thị đều được ban tặng là Lệ Quốc phu nhân. Tổ tiên ông được truy tôn, phong cho 4 đời: Cao Tổ, gia tặng là Trung Thuận Đại Phu Hồng Lô Tự Khanh, ban tên thụy là Lượng Uyên. Tằng Tổ, gia tặng là Trung Thuận Đại Phu Hàn Lâm Viện Thị Độc Học Sĩ Thế Lộc Tử, tên thụy là Đoan Phác. Ông nội được gia tặng là Gia Nghị Đại Phu Hàn Lâm Viện Chưởng Viện Học Sĩ Đức Hòa Bá, tên thụy là Đôn Trực. Cha ông được ban như trước, tặng là Tư Thiện Đại Phu, hàm Thượng thư, gia phong là Thuận Xương Hầu, tên thụy là Đôn Nhã. Thờ riêng ở đền Tích Chi.

Ông sinh được 4 người con, con trưởng là Vũ Xuân Phúng, thụ hàm Hàn lâm viện Thị giảng học sĩ; con thứ là Vũ Xuân Nhân, làm Tri phủ phủ Trùng Khánh; người con thứ ba là Vũ Xuân Hội, làm Lang trung bộ Công; người con thứ tư là Vũ Xuân Đạm hàm Tu soạn.

Trong sự nghiệp của mình, Vũ Xuân Cẩn còn là vị Tổng tài Quốc sử quán tham gia biên soạn nhiều bộ chính sử trong đó có bộ Đại Nam liệt truyện tiền biên, Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, Đại Nam thực lục tiền biên và biên tập bộ Ngự chế văn sơ tập của vua Minh Mạng và vua Thiệu Trị.

 

Chú thích:

(1) Tám điều nghị: 1. nghị thân, 2. nghị cố, 3. nghị hiền, 4. nghị năng (tài năng), 5. nghị công, 6. nghị quy, 7. nghị cần (siêng năng), 8. nghị tân (khách).

(2) Tả truyện đời Tổ Trương Công năm thứ 21, Phúc Hướng bị tù, Tấn Hầu hỏi Nhạc Vương Phụ về tội Phúc Hướng. Vương Phụ thưa: Phúc Hướng là người nhiều mưu mà ít lỗi, làm ơn dạy bảo không mỏi để giữ bền cho xã tắc, nên con cháu 10 đời về sau có tội lỗi còn nên tha để khuyên người có tài năng sau này.

(3) Chức Sư bảo: dạy các hoàng tử.

……………………………………….

Tài liệu tham khảo:

1. Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ – Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

2. Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ – Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

3. Đại Nam thực lục chính biên đệ ngũ kỷ – Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

4. Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập – Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.