Vũ Trọng Bình, có tên tự là Sư Án, người ở Phong Phú, Quảng Bình. Năm Minh Mạng thứ 15 (1834), ông đỗ Hương tiến, được nhận chức Tri huyện Hòa Đa. Vũ Trọng Bình là một đại thần thời nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Ông nổi tiếng là người giỏi về chính sự. Ông làm quan trải 9 đời vua, nổi tiếng là người có tính cương trực, thanh liêm và biết quý trọng dân.

Vũ Trọng Bình được bổ giữ chức Giám sát ngự sử, rồi được thăng chức Chưởng ấn cấp sự trung Hộ khoa. Ông dâng sớ vạch tội viên Đổng lý, thanh tra Nguyễn Chấn tham của đút lót, quả đúng như thế nên ông được cất nhắc giữ chức Án sát sứ Thái Nguyên. Vũ Trọng Bình không chỉ giỏi việc quan trường mà còn là người rất quan tâm đến đời sống người dân, vì thế mà có tiếng là vị quan nhân ái.

Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập, quyển 31, mặt khắc 17, 18 khắc về thân thế vị quan Vũ Trọng Bình

Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), ông được lĩnh chức Bố chính sứ Phú Yên. Năm Tự Đức thứ nhất (1848), ông được nhận chức Phủ doãn phủ Thừa Thiên. Ông dâng sớ xin khơi thông sông Lợi Nông, đắp đê ngăn nước mặn và miễn giảm thuế ruộng công cho 3 trong tổng số 10 thành.

Năm Tự Đức thứ 6 (1853), tới kỳ xét công, vua cho rằng ông là người thanh liêm, cần mẫn, không nhũng nhiễu dân nên ban thưởng cho ông 1 chiếc kim khánh màu tía hạng lớn có khắc chữ “Liêm, bình, cần, cán”(nghĩa là thanh liêm, công bằng, siêng năng, tháo vát). Sau đó, ông được cất nhắc giữ chức Tuần phủ Hưng Yên. Mùa thu, năm Tự Đức thứ 7 (1854), tên đầu sỏ giặc là Bì Văn Tăng tụ tập bè đảng đến cướp ở huyện Phù Cừ. Vũ Trọng Bình phái quân đánh dẹp, phá tan được giặc, bắt sống tên tướng soái giặc là Lê Văn Cự (tức là tên Kỳ Đồng).

Năm Tự Đức thứ 9 (1856), ông giữ chức Hộ lý Tổng đốc Ninh Thái. Thời kỳ này thiên tai, bão lụt liên miên khiến cho cuộc sống của người dân rất khó khăn. Vũ Trọng Bình đã tâu xin hoãn việc bắt lính trốn và thiếu thuế, vua đều chuẩn cho thi hành. Năm đó đê điều bị vỡ nhiều nơi, triều đình giao cho ông phụ trách việc đắp đê, ông đã tìm hiểu và cho làm các công trình thủy lợi nhằm làm giảm thế nước mạnh, đắp đê chống lũ, giúp dân chúng yên tâm. Khi đê ở Hà Bắc bị vỡ, vua bảo tìm được người lo việc trị thủy rất khó, đình thần cho rằng Vũ Trọng Bình là người tài năng, thông thạo nên đề cử ông. Ông được đổi sang quản lý việc đê chính.

Năm Tự Đức thứ 11 (1858), ông đổi sang giữ chức Thự Tổng đốc Nghệ An và Hà Tĩnh, ông mưu tính việc vận chuyển trên sông, vua giao xuống cho Bộ bàn định mà thi hành.

Năm Tự Đức thứ 14 (1861), Vũ Trọng Bình lại tâu trình về 3 việc cho thực hiện ở Bắc Kỳ: Một là cách chức các quan gian lận, hai là giảm trừ lương của lính, ba là miễn tội cho người ra đầu thú. Vua khen phải, thăng ông lên chức Tổng đốc.

Năm Tự Đức thứ 16 (1863), ông chuyển sang giữ chức Thượng thư bộ Hộ, kiêm làm việc ở bộ Công, rồi sung chức Đại thần viện Cơ Mật. Vua cho rằng trước đây khi ở Nghệ An, ông được quan lại và dân chúng yêu quý, kính phục nên thưởng thêm một cấp trác dị và 1 thẻ bài kim khánh hạng lớn có khắc chữ “Liêm, bình, cần, cán”, và chuẩn cho con của ông được thừa ấm, ban thêm 1 trật, ghi lại và thông báo cho trong ngoài đều biết để khuyến khích. Vũ Trọng Bình xin từ chối không nhận, vua không chuẩn cho, lại ban dụ rằng: “Ban thưởng để khuyến khích, đó là điển lệ, khen một người để khuyên trăm người, cũng là bắt đầu từ cái ý của họ Ngỗi”.

Mùa xuân, năm Tự Đức thứ 17 (1864), giặc Thanh vào cướp phá tỉnh Lạng Sơn, có thư báo gấp, ông được đổi sang giữ chức Tổng đốc Bắc Ninh và Thái Nguyên, sung chức kinh lược các đạo: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn và Cao Bằng. Vũ Trọng Bình cùng 1.500 binh lính đi chống giặc. Ông mang cờ tiết đến Bắc Ninh và Cao Bằng, nhưng vì giặc vây hãm, đường chở lương không lưu thông được, ông liền tìm cách vận chuyển, tiếp tế rồi tiến quân đến Quang Lang (thuộc Lạng Sơn). Giặc bỏ đồn chạy trốn ngay trong đêm, đường trạm vì thế mà được thông suốt. Vũ Trọng Bình chuyển đến thành Lạng Sơn, đưa bài hịch cho các thân hào tỉnh Cao Bằng để tập hợp quân lính, án giữ đất để chống cự, hoặc đặt phục binh để chặn đánh. Rồi ông đem đại binh đóng đồn ở phố Cầu Phong, giặc tập kích đánh bất ngờ, quân ta bị tan vỡ, Vũ Trọng Bình liền thu quân, ra sức đánh lại rồi nhanh chóng dành được thắng lợi.

Năm Tự Đức thứ 19 (1866), tới kỳ đại kế xét công, vua cho rằng: Ông là người thanh liêm, cần mẫn, có tài năng, đi đến đâu cũng để lại tiếng tốt, nên thăng chức Thự Hiệp biện đại học sĩ cho ông. Tháng 3 năm ấy, lấy lại được Cao Bằng, bọn đầu mục giặc là Trương Cận Bang, Lưu Sỹ Anh, Hoàng Trung và Ngô Hòa Khanh lần lượt tới cửa quân xin đầu hàng. Vũ Trọng Bình đem quân trở về Bắc, xin tuyển chọn những tên giặc đã đầu hàng, lấy khoảng 200 tên có sức khỏe lập thành đoàn Hướng nghĩa, đặt ra tên đầu mục để quản thúc rồi phái đến quân thứ Thái Nguyên. Ông lại mưu tính công việc nên làm cho tỉnh Cao Bằng sau này được tốt, gồm 4 điều: Một là cho dân vay tiền mua binh khí; hai là phái quân đóng giữ, cho đổi về Nghệ An; ba là chọn thổ hào làm quản đồn, chiêu mộ lính giữ đồn; bốn là khuyên thổ hào chiêu mộ lập quân đồn điền. Vua đều chuẩn cho thi hành. Bấy giờ, vùng biên giới ở các tỉnh Bắc Kỳ nhiều lần báo có giặc, đều dâng sớ xin xây thành trì ở phủ, huyện và chiêu mộ quân, xin cấp súng ống để nghiêm việc phòng bị. Vua cho rằng làm như vậy sẽ khiến dân vất vả. Chuẩn giao cho Vũ Trọng Bình và Tổng đốc Sơn Tây là Nguyễn Bá Nghi bàn tính. Vũ Trọng Bình tâu: “Thành trì là hiểm yếu có hình, mà lòng người thì hiểm yếu vô hình, không nên để dân vất vả lâu, lại thêm sức và lao phí nữa”. Đến khi trong Kinh có biến, nghịch Trưng gây loạn, vua thấy đây là căn bản việc trọng, nên triệu Vũ Trọng Bình về, đổi ông sang lĩnh chức Thượng thư bộ Lại, kiêm quản Quốc Tử Giám, sung chức Đại thần Cơ Mật viện.

Năm Tự Đức thứ 27 (1874), Nghệ An có biến loạn, ông đổi sang lĩnh chức Tuần phủ Nghệ An. Vũ Trọng Bình vừa đánh dẹp vừa phủ dụ nên mọi việc cũng được yên. Vua cho bộ Lại xét duyệt, cân nhắc người tài, Vũ Trọng Bình là người vốn giữ tiết tháo thanh liêm, chính trực nên được đổi sang giữ chức Tả Tham tri bộ Lại.

Vua muốn giữ ông để sung vào làm việc ở bộ Lại, nhưng nghĩ rằng quan viên ở Bắc Kỳ phần nhiều là người mới, Vũ Trọng Bình là bậc lão thành, có tư chất nên có thể làm việc được, lại chuẩn cho về Sơn Tây. Bấy giờ, ở Bắc Kỳ có lời bàn việc vận chuyển không được minh bạch, ông muốn lật lại việc ở tàu thuyền để xem xét nên xin qua lại nơi đó để trông coi. Vua cho rằng việc tàu thuyền mới bắt đầu, Vũ Trọng Bình cũng đã từng làm, lại xin tự đảm đương việc này nên đổi ông sang làm Tổng đốc Định Yên, kiêm trông coi công việc.

Năm Tự Đức thứ 35 (1882), Vũ Trọng Bình đến lệ 70 tuổi, vua xuống dụ rằng: “Vũ Trọng Bình từng làm quan qua 3 triều, tính tình thường nóng vội nên hay vấp váp, nhưng vẫn giữ một lòng chất phác, trung thành, được ưu ái, đến già không thay đổi, ban thưởng cho tiền bạc, phẩm vật để khuyến khích sự vất vả, chăm chỉ và tỏ ý phụng dưỡng tuổi già”.

Mùa xuân, năm Tự Đức thứ 36 (1883), quân Pháp từ Hà Nội đến vây bức tỉnh thành, chúng đưa thuyền tới sông Vị Hoàng bắn phá, quân bộ bị áp sát vào cửa đông. Bấy giờ hòa ước chưa định, Vũ Trọng Bình và Bố chính Đồng Sỹ Vịnh, Án sát Hồ Bá Ôn ở trong thành chống giặc, còn Đề đốc Lê Văn Điếm ra ngoài thành giao chiến từ giờ Mão đến giờ Ngọ, Lê Văn Điếm bị tử trận, Hồ Bá Ôn bị thương, thành bị vây hãm. Vũ Trọng Bình bị cách chức, về Kinh chờ xét tội.

Năm Kiến Phúc thứ nhất (1883), Vũ Trọng Bình được phục chức, làm Thương biện công việc tỉnh Nghệ An, rồi ông được triệu về, cất nhắc lên làm Thượng thư bộ Hộ, vì tuổi già nên ông xin về hưu. Đầu năm Đồng Khánh (1886), Vũ Trọng Bình được chuẩn cho nhận hàm Thượng thư, về hưu, vua ban ơn cấp cho một nửa bổng lộc.

Năm Thành Thái thứ 10 (1898), ông mất ở nhà, thọ 91 tuổi. Tỉnh thần tâu lên, vua thương xót, nghĩ ông cũng là bậc cựu thần nên cho truy thụ hàm Hiệp biện Đại học sĩ, ban cấp tiền tuất. Lại cho con rể của ông là Hoàng Côn được giữ chức Phủ doãn phủ Thừa Thiên (nay giữ chức Thự Tổng đốc Thuận Khánh) được tạm nghỉ, về lo việc thờ tự.

Trong cuộc đời làm quan, Vũ Trọng Bình luôn giữ tính cương nghị, thẳng thắn, thật thà, đi đến đâu cũng được khen là thanh liêm, công bằng. Tuy không giỏi về cách dùng binh nhưng lại có sở trường về cách trị dân, nên khi đi, dân vẫn thương nhớ ông. Ông làm quan khắp trong, ngoài hơn 50 năm, thực xứng với câu: “Khổn bức vô họa, An tĩnh chi lại” (Nghĩa là: Thật thà không phù hoa, kẻ lại được yên tĩnh). Lúc gần mất, ông căn dặn lại con cháu: “Cả đời ta chỉ giữ 3 chữ: Không dối vua”, nay đã được biết rõ.

Tài liệu tham khảo:

1.     Hồ sơ H17, Mộc bản Triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

2.     Hồ sơ H22, Mộc bản Triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

3.     Hồ sơ H23, Mộc bản Triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

4.     Hồ sơ H24, Mộc bản Triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Chiêu Đan