Vua Minh Mạng từng cho rằng: Nước ta mở khoa thi kén lấy kẻ sĩ, đã thành quy chế hẳn hoi, duy có khoa thi võ chưa từng đặt ra. Kể ra, kẻ sĩ xuất thân từ văn chương, chưa có công với nước, một khi tên chiếm khôi khoa, bảng vàng bia đá. Đó thực là cách triều đình dùng để khuyến khích nhiều người. Quan võ có người xông pha tên đạn, huyết chiến ở chốn sa trường, ra sức vì nhà nước, làm cho mạnh mẽ biên giới, công của họ đáng ghi vào sử sách. Chính vì thế mà năm Minh Mạng thứ 16 (1835), vua cho dựng Võ miếu để cho những người theo việc cung đao biết hướng trông mong, bắt chước.

Năm 1834, vua Minh Mạng có bàn với bộ Lễ về việc dựng Võ miếu, mở khoa thi võ, lập bia công thần, để cho quan võ đều biết cảm kích phấn khởi. Như thế thì hai đường văn võ đều cùng cử hành, đủ để làm phép cho đời sau. Và sang năm thì vua cho thực hiện. Trước đây, bộ Lễ kiến nghị cho rằng đường lối trị  nước, văn võ đều trọng. Xét trong điển lệ quốc triều, trong Kinh và ngoài các tỉnh đều có làm nhà Văn miếu, xuân thu tế lễ, thực vì cho rằng đạo của thánh nhân bao hàm tất cả: có văn sự tất phải có võ bị, đành rằng đủ để khích lệ phong hoá và đào tạo nhân tài, song thiết tưởng: lễ nhạc nhà học chỉ riêng trọng văn giáo, còn võ giáo chưa được tiêu biểu.

Năm Ất Mùi, năm Minh Mạng thứ 16 (1835), bắt đầu dựng Võ miếu ở ngoài kinh thành, thuộc ấp Nội Súng, huyện Hương Trà. Quy mô của Võ miếu gồm: 1 cái chính đường, 1 cái tiền tế, hợp làm 1 toà. Nhà chính đường 3 gian, 2 chái; nhà tiền tế 5 gian. Hai toà nhà thờ phụ (tòng tự) ở hai bên tả, hữu đều 5 gian. Bốn bề chung quanh xây tường gạch, mặt trước xây một nghi môn, hai bên tả hữu đều có 1 cửa tò vò.

võ miếu

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ quyển 159 mặt khắc 31 ghi chép về việc dựng Võ miếu

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Những người được thờ trong Võ miếu không chỉ là võ tướng của nước Nam ta mà có cả võ tướng hùng dũng các đời của Trung Quốc. Gian chính giữa thờ Chu thượng phụ Khương Thái Công; giải vũ bên đông thờ Tề tướng quốc Quản Trọng, Ngô Thượng tướng Tôn Vũ Tử, Hán đại tướng Hàn Tín, Đường vệ công Lý Tĩnh, Đường thái uý Lý Thạnh, Minh đại tướng quân Từ Đạt; giải vũ bên tây thờ Tề đại tư mã Điền Nhương Thư, Hán Lưu hầu Trương Lương, Hán thừa tướng Gia Cát Lượng, Đường trung thư lệnh Quách Tử Nghi, Tống thiếu bảo Nhạc Phi.

Nếu gian chính giữa, giải vũ đông, tây thờ võ tướng Trung Quốc thì nhà tả, nhà hữu thờ võ tướng nước Nam ta. Nhà tả vũ thờ Trần thái sư thượng quốc công Trần Quốc Tuấn, bản triều khai quốc công thần Thái bảo Anh quốc công Nguyễn Hữu Tiến, bản triều Tá vận tôn thần Tôn Nhân phủ tả tôn chính Lạng Giang quận công Tôn Thất Hội. Nhà hữu vũ thờ Lê tư mã công Lê Khôi, bản triều khai quốc công thần Thái phó Tĩnh quốc công Nguyễn Hữu Dật, bản triều tá vận công thần Thái bảo Đoan Hùng quận công Nguyễn Văn Trương.

Danh tướng nào thờ trong Võ miếu cũng được khảo cứu rất kỹ, xem xét về tài năng và đức độ có xứng đáng hay không. Đình thần bàn rằng: Tôn Võ tử, Điền Nhương Thư, Quản Trọng, Lý Tĩnh đều có làm Binh thư và có võ công. Trương Lương, Hàn Tín, Gia Cát Lượng, Quách Tử Nghi, Lý Thạnh, cũng đều tinh thông thao lược, sự nghiệp rõ ràng. Chín người ấy liệt thờ ở giải vũ đông và giải vũ tây trong nhà chính đường, đều xưng danh tướng các triều đại; ghi rõ họ, tên chức, hàm. Còn như Phạm Lãi giúp Câu Tiễn, tuy có công phục quốc, song xét ra, cũng là may vì vua nước Ngô ngu tối, chứ Phạm Lãi chẳng có sự tính toán kỳ diệu gì của con nhà binh. Nhạc Nghị tuy báo thù được nước yên, nhưng rồi bị gièm pha phải bỏ nước, cuối cùng chẳng hoàn thành được sự nghiệp. Lý Tích ở nhà Đường, cũng hăng hái đánh giặc ở hồi mới khai quốc mà thôi, đến sau theo lập Võ hậu, một lời nói mất hết đạo làm tôi, thực không đáng đếm xỉa. Còn Bạch Khởi giết người đã hàng, thực không phải là đạo đức của nhà võ. Ngô Khởi giết vợ để cầu làm tướng, nhân phẩm lại càng hèn hạ bẩn thỉu; từ đời Tống đến nay, đã tước bỏ tên thờ đi rồi. Vậy đối với Phạm Lãi, Nhạc Nghị, Lý Tích, Bạch Khởi và Ngô Khởi 5 người, xin không nên liệt vào hàng được thờ. Rồi khảo kỹ thêm: Tống Nhạc Phi là người tinh trung, có mưu lược, lập được nhiều kỳ công, vốn làm cho người Kim xao xuyến, sợ hãi. Nếu chẳng vâng theo chiếu chỉ, rút quân về, thì có thể tính ngày lấy lại được Trung Nguyên. Võ công ấy, thực không nên bưng bít vì nửa chừng dở dang. Lưu Cơ đời Minh có mưu lạ, kế hay, nổi tiếng như là Tử Phòng và Gia Cát: công lao giúp nước bao trùm cả một đời. Vương Thủ Nhân nghĩ ra mưu lạ, đánh vỡ giặc mạnh, bắt Thần Hào, dẹp yên Điền Châu, bình 8 trại. Sử khen Thủ Nhân là có công với xã tắc. Ba người này thực là đại danh tướng đời Tống, đời Minh. Còn Nhạc Phi từ trước đến nay, không được dự vào Võ miếu, có lẽ vì nhà Nguyên diệt nhà Tống rồi, không chọn lấy bầy tôi nhà Tống, mà Lưu Cơ và Vương Thủ Nhân thì lại ở sau khi Võ miếu đã bãi bỏ. Nay chính nên nêu ra để bổ sung vào chỗ điển lễ còn thiếu. Vậy xin nên đặt bài vị ba người này mà thờ ở hai bên giải vũ, đặt ngang hàng với các danh tướng như Tôn Võ tử, Nhương Thư, cộng 12 người. Vả, Vương Thủ Nhân đã được thờ ở Văn miếu, song là vì người văn võ toàn tài, nên lại xin thờ vào Võ miếu nữa.

Vua Minh Mạng ban dụ rằng: “Điều cốt yếu trị nước là cả văn lẫn võ, không thể riêng bỏ một bên nào. Việc đặt ra Võ miếu, là lẽ nên làm. Lời bàn của Bộ phần nhiều đã ổn thoả cả, trong ấy nêu ra những danh tướng được thờ vào Võ miếu như Lưu Cơ nhà Minh tuy có mưu lạ, kế hiểm, song chỉ là bí mật tham dự ở nơi màn tướng, chứ không có võ công chiến đấu rõ ràng. Vương Thủ Nhân là một danh nho đời Minh, tuy có công phá giặc, nhưng đã được thờ phụ ở Văn miếu rồi thì chẳng nên lại biểu dương về võ công nữa. Vậy những người ấy không nên liệt vào Võ miếu. Có Từ Đạt nhà Minh là khai quốc nguyên huân giữ toàn vẹn được từ trước đến sau, đáng nên được thờ phụ, cộng với các danh tướng các triều đại, từ Tôn Võ tử đến Nhạc Phi tất cả 11 người đã được lựa, liệt vào thờ ở giải vũ đông, tây nhà Võ miếu, đều là xứng đáng”.

Đó là khảo cứu danh tướng của Trung Quốc, còn việc khảo cứu danh tướng của nước ta lại cẩn trọng hơn. Vua Minh Mạng ban dụ: Đến như nước An Nam ta, từ Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê đời nào cũng có người phò tá đời ấy, chẳng thiếu gì người tài giỏi binh cơ tướng lược. Huống chi bản triều từ khai quốc đến trung hưng, trong khoảng ấy những bầy tôi bày mưu giúp sức, công liệt rực rỡ, không kém người xưa, đáng nên biểu dương để khuyến khích nhân tài. Bộ thần các ngươi nên điều tra rõ ràng kỹ lưỡng, người nào công trạng sự nghiệp đáng nêu ra để cho thờ phụ thì tâu lên.

Sau đó, bộ thần tâu: Tra trong Sử ký các triều đại An Nam và Thực lục bản triều đã chép về sự trạng các công thần khai quốc và trung hưng: các đời trước ở An Nam thì như Đinh Tiên Hoàng có dũng lược hơn đời, bình được 12 sứ quân, xưng là Vạn Thắng vương. Công đánh dẹp đều tự mình làm nên, chẳng thấy bầy tôi có võ công gì. Lê Đại Hành do sự nhường ngôi được nước, cũng không có bề tôi võ thần có công to. Duy có Lý Thường Kiệt nhà Lý, có việc đánh châu Khâm, châu Liêm, bẻ gẫy quân Tống: đó là võ công bậc nhất xưa nay; lại hai lần đánh tan quân Chiêm Thành, giữ yên được biên giới, công lao và danh tiếng hơn cả một đời. Trần Quốc Tuấn nhà Trần: chém Toa Đô, bắt Ô Mã, dựng nhiều công lạ. Lại làm sách Binh gia diệu lý, Bát quái cửu cung càng thâm thuý về môn học thao lược. Trần Nhật Duật liệu thế giặc, đặt kỳ binh, bắt tướng Hồ ở cửa Hàm Tử. Trong cuộc đánh bại quân Nguyên ở đời Trùng Hưng (1285-1292), công nghiệp của Nhật Duật riêng trội hơn cả. Đến khi nhà Lê mới khai sáng, Đinh Liệt đánh bại quân Minh, giết được Liễu Thăng. Cái công bình Ngô đứng vào hàng đầu; sau lại dẹp Cầm Man, đánh Chiêm Thành: võ công rất rõ rệt. Lê Khôi: trước thì nhiều trận đánh tan quân Minh, sau trấn thủ Nghệ An, hai lần dẹp tên giặc Chiêm. Lê Khôi vào bờ cõi địch mà tù trưởng giặc Man xuống ngựa sụp lạy. Danh vọng và uy thế của Lê Khôi làm cho phương xa phải kinh sợ. Khoảng Lê Trung Hưng thì Hoàng Đình Ái trước theo Triệu tổ hoàng đế ta, khởi nghĩa ở Thanh Hoa: cung kiếm theo đòi, đánh hàng hơn trăm trận, sau diệt giặc Mạc, dẹp Hải Dương, lập nhiều công lao.

Bản triều, khi mới khai quốc, Đào Duy Từ bày mưu ở nơi màn trướng, sắp xếp nhiều kế hoạch, tuy chưa từng thân đi đánh trận, nhưng điều khiển quân cơ, có đủ mưu lược làm tướng, cũng ngang với Trương Lương. Lại làm được binh thư đến nay hãy còn lưu hành ở đời. Tôn Thất Thuần mới 20 tuổi, thế mà chính mình cầm quân, dẹp yên biên giới, có công với xã tắc. Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật dùng kỳ binh, đánh được giặc, nhiều lần đánh tan quân họ Trịnh. Những người đó đều có tiếng là danh tướng một đời.

Đến khi Thế tổ Cao hoàng đế ta đánh dẹp, trong khoảng ấy, những công thần giúp rập, thực khó chỉ kể một hai người được, tức như Chu Văn Tiếp và Võ Tánh là người trung dũng, có mưu lược, có công lao, đích thực là đáng ghi chép nhưng đều gặp nguy biến, chết theo nạn nước, e chưa nên biểu dương là võ liệt được. Tìm lấy những người có quân công rõ rệt như: Tôn Thất Hội theo đòi cương ngựa, trải khắp chiến trường, từ khi lấy lại được Gia Định trở về sau, luôn nắm dụng binh, nhiều lần lập được công trạng rõ rệt. Nguyễn Văn Trương thường theo đi đánh dẹp có công bình Tây rất nhiều. Nguyễn Hoàng Đức lập nhiều chiến công được người ta gọi là hổ tướng.

Bấy nay, những công thần trong họ thân hoặc có công lao của bản triều có 25 người được thờ phụ ở Thái miếu và Thế miếu; những công thần toàn quốc có 16 người được thờ phụ ở miếu Lịch đại đế vương, cộng tất cả là 41 người. Duy có 13 người trên đây, võ công trội hơn những người cùng hàng. Vậy nghĩ nên chọn lấy thờ phụ vào hai bên giải vũ ở Võ miếu. Duy có Lý Thường Kiệt đã tự thiến nhưng làm nên võ công rực rỡ, thì tưởng cũng không nên hiềm vì điều đó. Vậy nghĩ cũng nên thờ cả.

Vua lại dụ rằng: “Những người được thờ ở Võ miếu tất phải là bậc có công liệt rõ ràng, giữ trọn trước sau, mới đủ để nêu rõ ý nghĩa thờ tự và làm gương lâu dài cho sau này. Tựu trung Lý Thường Kiệt nhà Lý tuy ưu việt về phần võ lược, nhưng xuất thân từ hoạn quan. Còn như Trần Nhật Duật, Đinh Liệt và Hoàng Đình Ái cũng chỉ là những tướng đánh thành, phá trận, trội hơn mọi người một thời đó thôi, rút lại vẫn chưa được mười phần rực rỡ. Duy có Trần Quốc Tuấn nhà Trần: tinh thông binh pháp, hai lần đánh tan quân Nguyên; Lê Khôi đời nhà Lê: cũng nhiều lần đánh bại quân Minh, hai lần dẹp yên Chiêm Thành. Thao lược và oai vọng của hai người đó vang dội khắp nơi, mọi người đều nghe biết. Khi bản triều mới khai quốc, Đào Duy Từ bàn mưu ở nơi màn trướng; Tôn Thất Thuần điều khiển quân cơ: công thì to thật, nhưng bảo là võ liệt cao tột thì chưa đáng; Duy có Nguyễn Hữu Dật và Nguyễn Hữu Tiến ra quân kỳ, khống chế địch, nhiều lần đánh phá được quân giặc, đáng là danh tướng một đời. Đến thời trung hưng, Nguyễn Hoàng Đức tuy có tiếng là hổ tướng, nhưng so sánh lựa lấy hạng trội hơn cả mọi người thì chưa bằng Tôn Thất Hội theo đòi bên ngựa, từng trải chiến trường, công trạng to tát rõ ràng; Nguyễn Văn Trương biết hướng về nơi sáng, theo con đường chính, theo đi đánh dẹp, đi tới đâu có công đến đó; sự nghiệp của họ rực rỡ hơn cả. Nay chuẩn cho: trong danh tướng các triều đại thì lựa lấy Trần Quốc Tuấn và Lê Khôi; trong danh tướng tiên triều ta thì lựa lấy Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến, Tôn Thất Hội và Nguyễn Văn Trương tất cả 6 người, liệt vào thờ phụ ở giải vũ tả hữu nhà Võ miếu.

Thời gian và lễ phẩm tế ở Võ miếu cũng được định. Năm Minh Mạng năm thứ 16 (1835), vua định kỳ tế võ miếu vào ngày Kỷ, trung tuần tháng 2 và thượng tuần tháng 8 hằng năm, đến năm Minh Mạng thứ 21 thì lại đổi vào ngày Tỵ. Năm Tự Đức thứ 2 (1849) thì chuẩn cho lấy tháng 2 trọng xuân, ngày Kỷ tế Võ miếu. Lễ phẩm thì dùng 1 trâu, 1 dê, 2 lợn và 5 mâm xôi.

Năm 1836, vua Minh Mạng sai bàn đặt dựng bia võ công ở Võ miếu. Hai năm sau thì dựng bia võ công để ghi công trạng của những người có công đánh dẹp giặc. Trước vua nghĩ các quan vâng mệnh chuyên đi đánh dẹp, nhiều người có công lao, muốn dựng bia ghi công để mãi đời sau, sai bộ Binh bàn. Đến nay quan ở bộ tìm xét năm gần đây, bầy tôi kính theo việc võ như dẹp yên giặc Xiêm, uy dậy biên thuỳ, cùng là đánh dẹp giặc cướp ở Nam Kỳ, Bắc Kỳ, và thắng trận ở Ba Lan, Đại Đồng, phàm người theo việc đánh bắt, được phong tước và con được tập ấm là 20 người, nghĩ nên ghi vào bia, để nêu chiến công. Trương Minh Giảng làm trên nhất, thứ đến Nguyễn Xuân, Phạm Hữu Tâm, thứ nữa đến Phạm Văn Điển, Tạ Quang Cự, Lê Văn Đức, Phan Văn Thuý, Trần Văn Trí, Mai Công Ngôn, Tôn Thất Bật. Đều kê khai rõ quan hàm, họ tên sự trạng, khắc vào bia đá, để ở trước sân Võ miếu, bên tả: Trương Minh Giảng, Phạm Hữu Tâm, Tạ Quang Cự, Phan Văn Thuý, Mai Công Ngôn làm 1 bia đá; bên hữu: Nguyễn Xuân, Phạm Văn Điển, Lê Văn Đức, Trần Văn Trí, Tôn Thất Bật làm 1 bia.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ quyển 197 mặt khắc 30 ghi chép về việc dựng bia võ công

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Ngoài việc chú trọng thờ tự, tế lễ ở Võ miếu, nhà Nguyễn còn quan tâm đến không gian xung quanh của Võ miếu. Năm 1838, vua Minh Mạng cho trồng cây tùng và cây phong ở ngoài tường và đường đi mặt trước Võ miếu. Vua lại cho mộ lấy 20 người dân ngoại tịch ở gần miếu, sung làm thủ hộ để lo cho miếu.

Triều Nguyễn chú trọng dựng Võ miếu để mở mang biểu dương võ giáo, khuyến khích võ tướng vâng mệnh chịu chuyên trách trong việc đánh dẹp, phần nhiều vì nước, bày mưu hay, chống kẻ thù, dẹp yên ngoài biên, thật có công lao rõ rệt. Chính vì vậy, Võ miếu không chỉ là nơi thờ tự các anh hùng trên chiến trận mà còn là nơi để người kế tiếp trông mong lập công, là nơi để vua tôi triều Nguyễn ghi nhận và tưởng nhớ công lao của võ quan./.

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ sơ H22/160, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

2. Hồ sơ H22/198, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

3. Bản dịch sách Đại Nam thực lục, Viện khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Nxb Giáo dục (2004).

Nhật Phương