Nằm giữa hai huyện Vạn Ninh và Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa), vịnh Vân Phong với sóng nước êm đềm, mang một vẻ đẹp lãng mạn, nên thơ và trở thành một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Nhìn ngắm cảnh biển Vân Phong ngày nay, ít ai biết rằng, nơi ấy cách đây gần 200 năm, cũng trải qua biết bao thăng trầm lịch sử.

Vịnh Vân Phong trước đây còn có tên gọi là Hòn Khói (chữ Hán là Yên Cương). Đến mùa đông tháng 12, năm Ất Dậu (1825), vua Minh Mạng đã cho đổi tên là Vân Phong. Tên gọi này được duy trì và sử dụng ổn định từ đó cho đến ngày nay. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 36, mặt khắc 15 còn ghi chép về sự kiện này như sau: “Đổi cửa biển Yên Cương (Hòn Khói) ở Bình Hoà làm cửa tấn Vân Phong, vụng La Gàn ở Bình Thuận làm vụng La Hàn”.

Bản dập Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 11, mặt khắc 17 ghi về vị trí địa lý của vịnh Vân Phong

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Theo như miêu tả của Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 11, mặt khắc 17 thì vịnh Vân Phong được ghi lại rằng: “Vũng Vân Phong: ở cách huyện 21 dặm về phía Đông bắc, chu vi hơn 200 dặm … phía Nam là hòn Mi, hòn Gà, hòn Lí, phía Bắc là hòn Điệp, hòn Chim lớn, hòn Chim nhỏ, hòn Khô, hòn Độc, hòn Tranh, lại phía đông cũng có đảo”.

Từ thời các chúa Nguyễn cho đến triều Nguyễn, vịnh Vân Phong luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của đất nước. Nơi đây từng là địa điểm đóng quân an toàn của chúa Nguyễn Phúc Ánh trong cuộc giao tranh với triều đình Tây Sơn. Đó là vào các năm Giáp Ngọ (1774) và năm Quý Sửu (1793). Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 6, mặt khắc 19 ghi về việc này như sau: “Thuyền vua tiến đóng ở vụng Hòn Khói (Yên Cương). Quân giặc nghe tin, không đánh tự vỡ. Chỉ huy Trí (không rõ họ) chạy về Quy Nhơn. Quân và tướng còn lại đều đầu hàng. Lấy lại được phủ Bình Khang. Ra lệnh cho các tướng đầu hàng đều giữ ngạch binh như cũ, nhóm họp quân của mình và những bại binh tàn tốt của Tây Sơn, đều lệ thuộc vào dinh Hậu quân để sai bát”.

Năm 1802, sau khi đánh bại triều Tây Sơn, chúa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long lập ra triều Nguyễn, vua luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho vùng đất Khánh Hòa. Đến đời vua Minh Mạng, tiếp nối vua cha trong việc giữ vững biên cương cho tỉnh Khánh Hòa nói riêng và đất nước nói chung, vua Minh Mạng sai tỉnh Khánh Hòa lập hai đội quân gồm 50 người đóng giữ ở vịnh Vân Phong. Năm Đinh Hợi (1827), Vua cho “Chế kiềm gỗ cấp cho các sở giữ cửa biển các trấn. Cửa Đại Chiêm, Đại áp ở Quảng Nam, cửa Thái Cần, Đại Cổ Luỹ ở Quảng Ngãi, cửa Kim Bồng, An Du, Thi Nại ở Bình Định, cửa Cù Mông, Xuân Đài ở Phú Yên, cửa Cù Huân, Vân Phong (Hòn Khói) ở Bình Hoà, cửa Phan Thiết, cửa Phan Rang…”. Đến năm Kỷ Sửu (1829), vua Minh Mạng tiếp tục cho đặt thêm chức Hiệp thủ ở vịnh Vân Phong để trông giữ.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 49, mặt khắc 36 ghi về việc

vua Minh Mạng chế kiềm gỗ cấp cho các sở ở vịnh Vân Phong

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Tuy nhiên, vịnh Vân Phong là nơi kín đáo, dễ ẩn nấp nên bọn giặc cướp thường lui tới đó để cướp thuyền buôn đi lại. Trước tình cảnh ấy, năm Ất Mão (1855), quan tỉnh Khánh Hòa đã xin vua Tự Đức cho mộ thêm quân để trông giữ. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên để tứ kỷ, quyển 13, mặt khắc 43, 44 ghi: “Tỉnh thần Khánh Hoà tâu: Ba đồn Cầu Huân, Cam Linh, Vân Phong, hòn, đảo, đầm vụng, có nhiều ngả đi, bọn giặc dễ ẩn đậu ở đấy, việc xét hỏi sợ không chu đáo. Xin do các viên tấn thủ các đồn ấy, lựa chọn người nào giỏi giang, gọi mộ lấy mỗi đồn sở 50 tên, hoặc 30 tên, phụ cùng đồn ấy cho đủ sai phái. Người nào mộ đủ 50 tên thì bổ thụ chức Chánh đội trưởng suất đội; 30 tên thì bổ cho đội trưởng sung suất đội. Lại xin từ nay trở đi, phàm đi tuần thám ở ngoài biển, hoặc bắt gặp thuyền của nước Thanh sơn đen, mà trong thuyền hiện có súng và khí giới, cùng là giả hình là chở đồ chài lưới thì cho phép bắt giữ giải về xét hỏi. Nếu bắt được 1 thuyền tra đích là thuyền giặc, thì cho đem bán những sản vật bắt được của kẻ phạm lấy tiền cấp thưởng cho 100 quan tiền. Từ 2 chiếc trở lên, cũng chiểu lệ ấy mà cấp thêm dần lên. Nếu (số tiền sản vật bán được) cấp còn thừa, thì nộp vào kho, mà không đủ, thì xuất tiền kho để thưởng cho đủ”.

Trải qua nhiều thăng trầm của thời cuộc, ngày nay, vịnh Vân Phong là một trong những vịnh đẹp nổi tiếng ở Khánh Hòa với 28 đảo và các vịnh nhỏ khác nhau, trong đó được du khách yêu thích nhất là là đảo Điệp Sơn với con đường đi bộ giữa biển độc đáo. Đây là con đường bộ độc nhất dài 700m nối liền từ đất liền đến đảo Điệp Sơn. Con đường uốn lượn, rộng chừng 1m uốn lượn dưới làn nước trong xanh, mát lành./.

Cao Thị Quang