Trần Anh Tông là vị hoàng đế thứ tư của triều Trần, có tên húy là Thuyên, con trưởng của vua Trần Nhân Tông. Mùa xuân, tháng 3 năm Qúy Tỵ (1293), vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho Hoàng thái tử Thuyên rồi lui về Thiên Trường làm Thái Thượng hoàng.

Sách Toàn thư chép “Quý Tỵ, năm thứ 9 (1293), mùa xuân tháng 3, ngày mồng 9, vua nhường ngôi cho Hoàng thái tử Thuyên. (Hoàng thái tử Thuyên) lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Hưng Long năm thứ 1, đại xá, tự xưng là Anh Hoàng, tôn Thượng hoàng làm Hiến Nghiêu Quang Thánh Thái Thượng Hoàng đế, tôn Bảo Thánh Hoàng hậu làm Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng thái hậu. Quần thần dâng tôn hiệu là Ứng Thiên Quảng Vận Nhân Minh Thánh Hiếu Hoàng đế”.

Tranh phác họa chân dung vua Trần Anh Tông (Ảnh sưu tầm)

Chính sử đánh giá vua Trần Anh Tông như sau “Vua khéo biết kế thừa, cho nên thời cuộc đi tới thái bình, chính trị trở nên tốt đẹp, văn vật chế độ ngày càng thịnh vượng, cũng là bậc vua tốt của triều Trần”. Tuy nhiên, để trở thành vị vua siêng năng, cần mẫn, gây dựng cơ đồ cho nhà Trần vững bền thì có khoảng thời gian vua Trần Anh Tông đã phải “tu thân” từ bỏ nhiều thói xấu của bản thân, rút ra bài học đắt giá, rèn luyện bản thân để trở thành một bậc minh quân.

Khi mới lên ngôi, vua Anh Tông còn rất ham chơi, chưa chú trọng đến chính sự, thường ban đêm bí mật rời khỏi cung cùng với vài lính thị vệ đi vi hành khắp kinh thành, sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép một lần vua còn bị ném gạch vỡ đầu “Tính nhà vua thích vi hành, đêm đến, thường ngồi trên chiếc kiệu do người khiêng, cùng đi với vài chục người, dạo chơi khắp kinh thành, đến gà gáy mới trở về cung. Lại thường ra chơi chỗ quân phường. Một hôm, có đứa vô lại ném gạch phạm phải; người theo hầu quát lên rằng: “Xa giá nhà vua đấy!”. Mọi người mới sợ chạy. Sau, Thượng hoàng thấy vết thương, hỏi vì cớ gì. Nhà vua cứ thực tâu bày, Thượng hoàng giận dữ hồi lâu”.

Trong các bộ chính sử nước ta, hầu hết đều ghi lại câu chuyện vua Anh Tông say rượu mà suýt bị phế truất ngôi vua, câu chuyện đã trở thành bài học có ý nghĩa sâu sắc.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng:

Bấy giờ Thượng hoàng (Trần Nhân Tông) từ phủ Thiên Trường trở về kinh sư. Các quan trong triều không ai biết cả, vua thì uống rượu xương bồ say khướt.

Thượng hoàng thong thả đi thăm khắp các cung điện, từ giờ Thìn (độ 9 giờ sáng) đến giờ Tỵ (độ hơn 10 giờ sáng). Cung nhân dâng bữa, Thượng hoàng ngoảnh nhìn không thấy vua, lấy làm lạ, hỏi là Quan gia (tức vua Trần Anh Tông) ở đâu? Cung nhân vào trong nội đánh thức, nhưng ngài không tỉnh.

Thượng hoàng giận lắm, lập tức trở về Thiên Trường, xuống chiếu cho các quan ngay ngày mai đều phải tới phủ Thiên Trường để điểm danh, ai trái lệnh sẽ bị xử tội.

Đến giờ Mùi (độ hơn 1 giờ chiều), vua mới tỉnh, cung nhân đem việc ấy tâu lên. Vua sợ quá, đi rảo ra khỏi cửa cung không thấy ai coi giữ; qua chùa Tư Phúc, thấy học sinh Đoàn Nhữ Hài ở cửa chùa. Vua hỏi: “Sao ngươi lại ở đây?”. Nhữ Hài vội vàng lạy rạp xuống đất tâu: “Thần vì mải học, đi lỡ ra đây”. Vua bèn dẫn Nhữ Hài vào buồng ngủ và bảo:

“Vừa rồi trẫm vì say rượu, có tội với Thượng hoàng, giờ trẫm định đến trước mặt ngài tạ tội, ngươi hãy thảo cho trẫm bài biểu”.

Nhữ Hài đứng trước mặt vua, soạn xong tờ biểu. Vua bèn lấy thuyền nhẹ đi ngay, cho Nhữ Hài theo mình. Sáng sớm hôm sau, vua tới phủ Thiên Trường, dâng biểu tạ tội. Thượng hoàng thấy Nhữ Hài, liền hỏi là người nào. Nội nhân trả lời là người dâng biểu của Quan gia. Thượng hoàng không nói gì.

Buổi chiều, mưa gió ập đến. Nhữ Hài vẫn cứ quỳ không nhúc nhích. Thượng hoàng hỏi: “Người ở trong sân có còn đấy không?”. Nội nhân đáp rằng còn. Thượng hoàng bèn sai nhận biểu để xem, thấy lời lẽ khẩn thiết cho gọi vua vào bảo:

“Trẫm còn có con khác, cũng có thể nối ngôi được. Trẫm đang sống mà ngươi còn như thế, huống chi sau này?”. Vua rập đầu tạ tội. Thượng hoàng hỏi: “Ai soạn biểu cho ngươi”. Vua thưa: “Đó là thư sinh Đoàn Nhữ Hài”.

Thượng hoàng bèn gọi Nhữ Hài vào và bảo: “Bài biểu ngươi soạn, rất hợp lòng trẫm”. Rồi xuống chiếu cho Quan gia lại vẫn làm vua; các quan về triều như cũ.

Bản dập Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 6, mặt khắc 6 ghi chép về việc vua Trần Anh Tông uống rượu say (Nguồn: TTLTQGIV)

Vua Trần Anh Tông sau sự việc đáng nhớ này, đã không còn thích uống rượu, thay vào đó ông còn không ưa những người nghiện rượu. Sách Toàn thư chép, khi tuyển chức Hành Khiển, Trần Nhân Tông đề xuất Nguyễn Quốc Phụ vào chức đó “Nguyễn Quốc Phụ làm Nội thư chánh chưởng, là cận thần của Nhân Tông. Khoảng năm Hưng Long (1293 – 1314) khuyết chức Hành khiển. Có lần Thượng hoàng chầu Nhân Tông ở chùa Sùng Nghiêm, Nhân Tông bảo: “Quốc Phụ được đấy!” Thượng hoàng thưa: Nếu lấy ngôi thứ mà bàn, thì (Quốc Phụ) được rồi, chỉ hiềm hắn nghiện rượu thôi!”. Nhân Tông im lặng rồi không dùng.

Trong lịch sử nước ta, sử sách cũng ghi lại nhiều câu chuyện là bài học đắt giá của các bậc quân vương về tác hại của việc uống rượu, có người đã bỏ mạng, mất cơ đồ vì rượu. Những sự việc đó đã trở thành minh chứng cho việc tu thân, tề gia, tiết chế dục vọng bản thân trước những cám dỗ thường nhật. Lịch sử đã ghi về cái chết của Đinh Tiên Hoàng đế vào năm 979 trong một lần say rượu, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “nhân lúc vua ăn yến ban đêm, say rượu nằm trong sân cung, Đỗ Thích bèn giết chết vua, lại giết luôn cả Nam Việt Vương Liễn”, từ đó dẫn đến việc triều đại nhà Đinh chấm dứt chỉ sau 12 năm tồn tại. Việc vua Đinh Tiên Hoàng bị giết vì say rượu đã cho chúng ta nhận thấy tác hại và hệ lụy của việc uống rượu say khiến cho triều chính sụp đổ.

Còn về vua Trần Anh Tông, sau những năm tháng tuổi trẻ, nhà vua đã tự rèn luyện, tu dưỡng bản thân để trở thành một vị hoàng đế anh minh, chăm lo quốc sự, triều đại của ông chứng kiến một giai đoạn phát triển hưng thịnh của Đại Việt sau ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông.

Ngày 16, tháng 3 năm Canh Thân (1320), Thượng hoàng Trần Anh Tông băng ở cung Trùng Quang, phủ Thiên Trường, ở ngôi được 21 năm, nhường ngôi 6 năm, thọ 45 tuổi. “Hồi còn trẻ, (vua Anh Tông) thích uống rượu, Nhân Tông răn bảo chuyện đó, từ đấy không bao giờ uống nữa. Ngài từng ban tước hơi nhiều cho các quan trong triều. Vua Nhân Tông biết được, sai lấy sổ xem rồi ghi vào rằng: “Sao lại có một nước bé bằng bàn tay mà phong quan tước nhiều như thế”, từ đó lại càng thận trọng khi ban chức tước. Ngài không ngại sửa lỗi như vậy đó!. Những bài học được ghi chép trong chính sử luôn là những gợi ý sâu sắc và đắt giá để cho tất cả mọi người cùng chiêm nghiệm.

Bình luận về vua Trần Anh Tông, sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Gốc của thiên hạ là ở nước, gốc của nước là ở nhà, gốc của nhà là ở mình… Tôi đọc sử chép về Anh Tông, thấy không ngần ngại sửa bỏ lỗi lầm, kính cẩn thờ phụng cha mẹ, hòa mục với họ hàng, truy tôn tổ tiên làm đế làm hậu, chu đáo trong cúng tế, thận trọng trong tang lễ, đều là phải đạo; trong nhà đủ làm khuôn phép, người ngoài bắt chước theo. Cho nên trên thì Nhân Tông khen là hiếu, dưới thì Minh Tông tuân theo khuôn phép. Nước trở nên văn minh, dân tới chỗ giàu thịnh. Như thế chẳng phải là hiệu quả trị nước vốn ở gốc tu thân, tề gia là gì?”

Khánh Vy

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ sơ H31/7, Đại Việt sử ký toàn thư, Mộc bản triều Nguyễn;

2. Hồ sơ H31/10, Đại Việt sử ký toàn thư, Mộc bản triều Nguyễn;

3. Hồ sơ H31/11, Đại Việt sử ký toàn thư, Mộc bản triều Nguyễn;

4. Hồ sơ H31/12, Đại Việt sử ký toàn thư, Mộc bản triều Nguyễn;

5. Hồ sơ H97/3, Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, Mộc bản triều Nguyễn;

6. Hồ sơ H60/8, Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên, Mộc bản triều Nguyễn;

7. Bản dịch sách Đại Việt sử ký toàn thư – Bản in Nội các quan bản, Mộc bản khắc năm Chính Hòa, Nxb Khoa học xã hội, năm 2004.