Trương Quốc Dụng thi đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu năm Minh Mệnh thứ 10 (1829), làm quan trải các triều vua Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức. Ông được đánh giá là vị quan tài cao, đức trọng, học rộng, biết nhiều, công chính thanh liêm, tính tình ngay thẳng, không ưa nịnh bợ. Khí tiết ngay thẳng của ông được thể hiện rõ trong bức thư gửi cho vua Tự Đức năm Mậu Thân (1848). Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc!
Ảnh Đông các Đại học sĩ – Tiến sĩ Trương Quốc Dụng
Nguồn: Sưu tầm
Trương Quốc Dụng trước có tên là Khánh, tự là Dĩ Hành, người làng Phong Phú huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ông thi đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu năm Minh Mệnh thứ 10 (1829), làm quan trải các triều vua Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình lúc bấy giờ.
Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập ghi chép về cuộc đời và sự nghiệp của Tiến sĩ Trương Quốc Dụng
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Ông là một tấm gương sáng ngời về nhân cách và khí tiết. Xuất thân từ khoa bảng, làm quan đến chức “tứ trụ triều đình”, điều cao đẹp nhất trong con người ông đó chính là tấm lòng yêu thương dân, lo cho dân. Bên cạnh đó, sử sách còn nhắc đến khí tiết ngay thẳng, trung thực của ông. Khí tiết ấy được thể hiện rõ trong bức thư ông viết gửi lên vua Tự Đức ngay sau khi nhà vua mới lên ngôi, cho đến nay nội dung bức thư vẫn còn nguyên tính thời sự: đó là vấn đề tiết kiệm chống lãng phí chống tham ô, coi tiết kiệm là quốc sách; việc xét xử thi hành án; thanh lọc đội ngũ quan lại; tinh giản bớt giấy tờ tránh sự chồng chéo gây phiền toái cho người dân; vấn đề cải cách thi cử giáo dục, sử dụng nhân tài,… Nội dung cụ thể bức thư được Trương Quốc Dụng tiến dâng vua Tự Đức đã được sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ ghi chép cụ thể như sau:
“1. Sẻn tiêu dùng (Nói: bỏ xa xỉ theo kiệm ước thì việc rất dễ, mà công hiệu rất rộng. Thế tổ Cao hoàng đế ta thống nhất bờ cõi, có cả thiên hạ, mà quy chế làm cung điện không ưa chạm vẽ; những đồ lỗ bộ ở điện Phụng Tiên, điện Minh Thành dùng cái lư hương tay xách bằng đồng, đều là vì thiên hạ mà tiếc của vậy. Hoàng thượng ta tính thanh tĩnh đơn giản, ít ưa muốn. Khi mới lên ngôi sai đình những việc phái đi biển và đặt mua hàng; về công việc đi tuần ngự miền Bắc, cần theo giảm bớt. Mọi người nghe thấy không ai là không vui vẻ cổ vũ, tưởng thấy đức hoá đã nêu. Xét ra, châu ngọc đồ chơi đẹp, càng nên ruồng bỏ. Xin sắc xuống cho quan có chức trách biết, phàm đồ châu ngọc không phải dùng để thêu áo chầu áo tế, hay dùng vào việc điển lễ, thì không được tiến trình. Hết thảy công việc sửa chữa, chỉ cần bền chắc mộc mạc, không được trang sức lộng lẫy, thì kẻ xảo nịnh không thể nhòm rình vào đâu được mà tiền tiêu cũng không đến nỗi phí hoài. Tự nhiên thuế khoá công dịch nhẹ đi, việc đi mua hàng ở biển ngoài có thể vĩnh viễn bỏ bớt được, thì đời sống của dân được dồi dào mà cội gốc của nước sẽ bền vững vậy).
2. Thương việc hình ngục (Nói: triều đình dựng phép, phàm những điều ngăn kẻ gian răn kẻ ác, rất rõ và đầy đủ. Đến sự xá lỗi tha tội: như bọn ăn cướp chưa từng vào nhà lấy của, và kẻ nào mới một lần làm tòng phạm, số tang vật không mấy, lệ được tuỳ từng án tâu xin; cùng là án trộm cắp án nhân mạng, tội danh đã thành, phần nhiều được hoãn hay giảm, không một việc gì là không chu đáo. Duy quan có trách nhiệm xét xử án, như các án nhân mạng, án trộm cắp, tình có thể xử nhẹ, thì biết viện lệ tâu xin, đến như gặp các tội phạm tầm thường, thì muốn tránh tiếng là khoan túng, phần nhiều đem tội nhẹ làm tội nặng. Nếu luật không thể làm nặng được, thì viện dẫn án đã xử trước hoặc thêm vào chữ “gia đẳng” (gia mức lên) để buộc tội. Như thế không phải là thể theo ý chu chí về việc sáng đức thận hình của người trên. Xin sắc xuống cho các nha xét xử hình ngục ở trong ngoài biết, trừ ra các việc vu cáo phản tọa cùng là vâng có minh Chỉ nghiêm nghị, gia lên mức nặng, thì không kể, còn hết thảy các việc án tra xét, đều phải y theo chữ trong luật, không được thiện tiện dùng chữ “gia đẳng”. Việc nào trong luật đã có điều nói rõ ràng, không được viện dẫn án đã xử trước mà phụ hội vào để mà xử nặng hơn. Lại những án lệ nên gia đẳng, trừ ra án vu cáo chiểu theo luật có thể theo thứ bậc gia lên dần, còn những án nghiêm nghị, cũng xin tội phạt trượng thì chỉ gia thêm số trượng, tội đồ thì chỉ gia thêm năm đồ, không nên gia tội trượng lên tội đồ, gia tội đồ lên tội lưu. Ngõ hầu trong khi thừa hành có thể nắm vững mà làm theo, quan có trách nhiệm không dám tự ý dùng chữ để xử nặng, mà mọi người cũng dễ lánh tội vậy).
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ ghi chép về nội dung bức thư Tiến sĩ Trương Quốc Dụng gửi vua Tự Đức năm 1848
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
3. Chọn lọc trong ngạch quan lại. (Nói: đặt quan dùng để làm việc, tất phải được người giỏi, thì sau trong hàng quan mới khỏi bỏ thiếu chức vụ. Triều đình dựng đặt đã đầy đủ, đặt quan dần dần nhiều thêm, mà gần đây những người hiếu sự, hoặc có xin phân chia phủ huyện, đặt thêm quan lại, viên số đã nhiều, không khỏi sinh ra tốn nhiều ăn hại. Các nhân viên phủ huyện người nào do văn học xuất thân, mỗi khi được suy cử phần nhiều giữ chặt ở những nơi yếu khuyết, thì binh lương án kiện đã nhiều, khó có kỳ chuyển thăng được. Mà dễ được cất nhắc lên, thì duy có bọn lại điển xuất thân làm việc lâu ngày mà thôi. Kể ra, dùng người không hạn chế về một mặt nào nhưng mà kẻ hay người dở có chút nào lẫn lộn, thì người sẽ chán nản. Huống chi ngày nay nhân tài chứa dùng, đã chẳng thiếu người, chức vị càng nên thận trọng. Xin sắc cho trong ngoài các tá lĩnh, các nha môn và quan lại các phủ huyện, hoặc có người nào tự xét tài năng trí thức không đủ, xin cho rút lui, mà xét ra không khiếm thiếu tiền lương, can liên án kiện, đều cho được theo ý muốn. Nếu có kẻ nào đê hèn ty tiện, cam lòng bám lấy địa vị, thì do thượng ty xét tâu cho thải về, để khuyến khích người yên lòng rút lui và trừng răn kẻ tham lam bên cạnh. Quan thượng ty các địa phương đều nên xét kỹ những phủ huyện trong hạt, nơi nào đinh điền số ít, có thể dồn lại được thì dồn lại, thuộc viên dư thừa có thể bớt được thì bớt đi, để rút bỏ bọn ăn hại. Đến như các quan ở trong triều đình, quan to ở các địa phương, người gian tà, người chính trực, người hay người dở đã ở nhà vua soi xét biết cả, như có ai lề mề, bỉ ổi, nhũng tạp thì xin cho giải chức lui về, để chỉnh lại phương pháp trong hàng quan. Lại xin lượng khoan cho lệ các phủ huyện phải giữ lưu ở lại, để cho người được tự bỏ hết tài, ngõ hầu con đường vào làm quan được trong sạch, mà kẻ làm quan không ai không dám làm trọn chức vụ vậy).
4. Bớt văn thư (Nói: chính trị quý có mức độ thường thường, giấy tờ cần có thể lệ cốt yếu. Nếu giấy tờ đã nhiều, không được không thêm lại viên đủ người làm việc. Khoảng năm Minh Mệnh vâng Chỉ chuẩn cho bộ thần: phàm các giấy tờ châm chước bàn giảm bớt, thực là muốn bỏ phiền rờm mà dùng cốt yếu. Gần đây quan có trách nhiệm quá câu nệ về sự nhỏ nhặt nên giấy tờ ngày càng bề bộn, khiến cho nha môn lớn nhỏ, chăm chắm vào việc sổ sách giấy tờ, còn rỗi đâu mà nghĩ đến chính thể khác nữa. Xin tỏ rõ lại phép cũ, sắc xuống các nha môn, phàm việc có quan hệ đến nha môn nào, thì hết thảy giấy tờ, nên châm chước bàn nghĩ, giấy tờ gì có thể bớt được thì bớt đi, ngõ hầu trong khi làm việc, không đến nỗi ngày càng bề bộn mà viên nhân thừa cũng có thể lần lượt bớt dần đi).
5. Sửa lại thói quen của nhân sĩ. (Nói: văn chương quan hệ ở vận đời. Nhân sĩ học tập, tất phải say mê về nhân nghĩa đạo đức, rồi sau mới phát ra làm văn chương, lớn thì có thể sửa nước giúp dân, nhỏ thì có thể sửa mình chữa tục, mới là thực dụng. Đời xưa lấy nhân sĩ phải gồm văn và hạnh. Người nhà Đường mới dùng thơ phú. Nhưng thơ ở lúc nhà Đường hưng thịnh thì khí cách hùng hồn, kịp đến lúc cuối nhà Đường mới dần dần thành ra khinh bạc. Đó là văn thể biến đổi vậy. Các học trò đời nay, phần nhiều không sưu tầm nghĩa lý, xét xem việc trước, lại bảo là chính văn của kinh sử, những người sơ học phải đọc, thì cho là thiển cận, chỉ xem tiểu thuyết. Lượm lặt câu cũ làm văn, mà văn thì lấy nịnh nọt làm hay, lời văn thì lấy nhiều làm giỏi. Gọi là lối tắt trong nghề thi đỗ. Hỏi về nghĩa lý trong kinh sách, thường thường nói không chạy. Quan trường ra đầu bài, cân nhắc bài văn lại không chuyên chú đến chính nghĩa của kinh truyện. Sợ rằng văn thể càng mỏng manh và khí càng kiêu bạc, tách rời với lối dạy về thông hoạt đôn hậu càng xa dù thơ vịnh vật gì đúng hệt vật ấy, nói nịnh êm tai, thì có ích gì cho việc. Xin sắc xuống: khoa cử thi học trò, chuyên dùng những văn về nghĩa lý, còn thói quen dùng tiểu thuyết, lời lẽ phù bạc không được lấy phiếm, thì người thầy truyền dạy, học trò tập đọc, không ai là không chăm theo nghĩa lý, thói quen của sĩ phu đã được sửa lại thì khí hồn hậu có thể lại trở lại, mà kế duy trì cho nhân tâm phong tục cũng ở nơi đó).
Lại nói: tiền của sức lực của dân gian kém trước đến 5 – 6 phần 10, mà bọn quan coi giữ địa phương, phần nhiều chỉ hư trương tiếng hão, hỏi dân số thì nói là tăng gia, hỏi lúa ruộng thì nói là phong thu, muốn khoe mẽ cái tiếng dân tăng, lúa được mùa, để gọi là tỏ chút lòng vì đức vì dân. Gần đây trong tháng trọng đông (tháng 11 âm lịch) mà vồng, mống nhiều lần mọc ra, sợ là khí âm khí dương, hoặc chưa điều hoà, có lẽ các quan trăm ty chưa biết tuyên dương đức ý của nhà vua, tình dân còn bị lấp nghẽn, cho nên trên phạm đến khí thái hoà. Xin sắc cho trăm ty, bớt rút phiền văn, răn điều hư, cần điều thực, giảm công dịch, nhẹ thuế khoá, thư rộng tài lực cho binh dân, lấy việc cố kết lòng người làm gốc. Lòng người vui đẹp thì khí hoà ứng theo, hạn lụt, tai biến tật dịch không tự đâu mà sinh ra được vậy). Vua dụ đình thần xét bàn phúc tâu thi hành”.
Nội dung trong bức thư đã biểu lộ thái độ và trách nhiệm của ông đối với thời cuộc, ông đã giám nói lên những điều mà ông biết khi làm Thự Tả tham tri bộ Công. Đó cũng chính là những suy nghĩ, trăn trở trở tâm huyết của ông trong cuộc đời làm quan của bản thân.
Năm Tự Đức thứ 17 (1864), khi đánh giặc ở Quảng Yên, quan quân bị thất thế, Trương Quốc Dụng cùng Tán lý Văn Đức Khuê, Tán tương Trần Duy San đều bị tử trận. Khi vua biết việc đã rất cảm động “Sai quan binh các tỉnh hộ tống quan tài của quân thứ đại thần là Trương Quốc Dụng (người Hà Tĩnh, đỗ Đồng tiến sĩ) và Văn Đức Khuê (người Nghệ An cũng đỗ Đồng tiến sĩ) về quê chôn cất; lại gia thưởng cho Quốc Dụng: gấm Trung Quốc 5 cây, sa mầu 5 cây, vải lụa đều 20 tấm, tiền 1.500 quan; cho Đức Khuê: gấm Trung Quốc 1 cây, lụa 3 tấm, vải 10 tấm, tiền 400 quan. Tỉnh thần ở sở tại HàTĩnh, Nghệ An vâng mệnh đến ban rượu và đến tế 1 tuần”.
Năm Tự Đức thứ 18 (1865), Trương Quốc Dụng được truy tặng hàm Đông các Đại học sĩ. Năm Tự Đức thứ 33 (1880), ông được chuẩn cho vào thờ gian chính giữa ở đền thờ Trung Nghĩa (Huế).
Tại quê hương ông, người dân đã lập đến thờ để tưởng nhớ công lao, hàng năm lễ giỗ được tổ chức thành một lễ hội của nhân dân, trở thành một nét văn hoá đặc trưng của vùng Thạch Khê – Hà Tĩnh. Khu mộ và đền thờ ông đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 2009.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Nxb Giáo dục, năm 2004;
2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, Nxb Thuận Hóa, năm 2006;
3. Hồ sơ H24/2, Mộc bản Triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
4. Hồ sơ H17/30, Mộc bản Triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
Bùi Mai