Là một trong những người phát triển hệ thống chữ Nôm, đặt ra thể thơ Hàn luật, Hàn Thuyên (tên thật Nguyễn Thuyên) còn để lại giai thoại về việc đuổi cá sấu trừ hại cho dân chỉ bằng một bài văn tế.

Hàn Thuyên, tên thật là Nguyễn Thuyên, người làng Lai Hạ, huyện Thanh Lâm, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang (nay là xã Lai Hạ, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh). Dưới thời Trần, Hàn Thuyên không chỉ là vị quan đầu triều mà còn là người rất giỏi chữ Nôm.

Với sự siêng năng, ham học và ý chí phấn đấu không ngừng, năm 1247, Nguyễn Thuyên thi đỗ Thái học sinh(1) và ra làm quan dưới triều vua Trần Thái Tông. Ông đã trở thành trọng thần trải qua ba triều vua là Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông; được vua tin yêu, giao cho nhiều trọng trách, trong đó, chức vụ cao nhất mà ông từng đảm nhận là Thượng thư Bộ Hình.

ĐUỔI CÁ SẤU CHỈ BẰNG MỘT BÀI VĂN TẾ

Năm Nhâm Ngọ (1282), có cá sấu đến sông Phú Lương (có sách chép là sông Lô) khiến dân chúng sợ hãi không yên. Vua sai Nguyễn Thuyên tìm cách trừ hại cho dân. Nguyễn Thuyên đã viết bài văn tế ném xuống sông, đuổi được cá sấu. Nhờ đó, cuộc sống của người dân làng chài ven sông đã trở lại yên bình. Sau việc đó, ông được vua khen giỏi như danh sỹ Hàn Dũ đời Đường, cho đổi sang họ Hàn. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 7, mặt khắc 26 còn ghi rõ: “Tháng 8, mùa thu, có cá sấu đến sông Phú Lương. Nhà vua sai quan Thượng thư Bộ Hình là Nguyễn Thuyên làm bài văn thả xuống sông, cá sấu tự nhiên bỏ đi; nhà vua thấy việc đó giống như việc Hàn Dũ, cho Nguyễn Thuyên được đổi sang họ Hàn”.

Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 7, mặt khắc 26 ghi việc Hàn Thuyên làm bài văn thả xuống sông đuổi cá sấu, năm Nhâm Ngọ (1282)

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

GIỎI CHỮ NÔM

Hàn Thuyên được biết đến là người rất giỏi làm thơ, phú bằng chữ Nôm, ông có tập thơ nổi tiếng là “Phi sa giản tập” được viết theo lối chữ này.

Nói về chữ Nôm, cho đến nay, vẫn chưa xác định được chính xác thời gian xuất hiện ở nước ta. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng Hàn Thuyên đã có nhiều đóng góp quan trọng cho việc phát triển thơ Nôm nước nhà. Ông được coi là người tiên phong mang chữ Nôm vào văn học bằng việc sử dụng luật làm thơ Đường để sáng tác thơ Nôm (về sau thơ Nôm được viết theo lối Đường luật được đặt tên là Hàn luật).

Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, quyển 6, mặt khắc 4 chép rằng: “Ông Thuyên lại hay làm thơ và phú Quốc ngữ. Thi phú nước ta phần nhiều dùng chữ Nôm từ đó”. Hay Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 5, mặt khắc 41 cũng khẳng định: “Thuyên lại giỏi làm thơ phú Quốc ngữ (2). Thơ phú nước ta dùng nhiều Quốc ngữ (3), thực bắt đầu từ đấy”. Sau này, cảm kích trước tài năng của Hàn Thuyên, vua Tự Đức đã làm bài thơ Ngự chế, trong đó có câu rằng: “Văn chương Quốc ngữ(4) có từ đây/Chẳng quên tiếng mẹ tham khảo hay…”

hàn thuyên

Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, quyển 6, mặt khắc 4 ghi về cuộc đời sự nghiệp của Hàn Thuyên

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Với tài năng thơ phú và những đóng góp quan trọng của ông đối với việc phát triển thơ Nôm, đưa tiếng nói dân tộc vào văn học, Hàn Thuyên được tôn vinh là ông tổ của văn Nôm, xứng đáng là nhà văn hóa lớn của Việt Nam. Tên ông đã được dùng đặt tên cho đường phố, trường học, nhà xuất bản,… không chỉ ở quê hương Bắc Ninh mà còn ở nhiều tỉnh thành khác trên cả nước./.

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ sơ H60/7 Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

2. Hồ sơ H97/7, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

3. Hồ sơ H31/8, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Chú giải:

(1): Thái học sinh: người đỗ khoa thi Hội thời Lý – Trần, thời Lê – Nguyễn gọi là Tiến sỹ

(2), (3), (4): Quốc ngữ: tức chữ Quốc âm (chữ Nôm)

Cao Quang