VĂN HÓA CỦA CHIÊM THÀNH QUA GHI CHÉP CỦA TRIỀU NGUYỄN

Nhật Phương

Nước Chiêm Thành  khi xưa là nước Hồ Tôn, thuộc bộ Việt Thường thị; đời Tần là huyện Lâm Ấp, thuộc Tượng quận; đời Hán là huyện Tượng Lâm thuộc quận Nhật Nam. Huyện Tượng Lâm khi ấy dài rộng độ 600 dặm. Sau này đất mới rộng lớn, phía Đông đến biển, phía Tây đến Vân Nam, phía Nam đến Chân Lạp, phía Bắc đến Hoan Châu; mạn Đông Tây 700 dặm, mạn Nam Bắc 3.000 dặm. Phía Nam gọi là châu Thi Bị, phía Tây gọi là châu Thượng Nguyên, phía Bắc gọi là châu Ô Lý, thống quản cả 38 châu lớn nhỏ.

Nhà Tùy đặt làm 3 quận là Ty Ảnh, Hải Âm và Lâm Ấp. Đầu đời nhà Đường, đổi Lâm Ấp làm Lâm Châu, Ty Ảnh làm Cảnh Châu, Hải Âm làm Sơn Châu. Đầu năm Nguyên Hòa (806) vào xâm cướp châu Hoan Ái của An Nam, Đô hộ là Trương Chu đánh phá tan, bèn bỏ Lâm ấp dời nước sang Chiêm, gọi là Chiêm Thành. Năm Minh Đạo thứ 3 (1044), vua Lý Thái Tông đi đánh Chiêm Thành, đặt ra làng ấp, phỏng theo hiệu cũ của Chiêm Thành.

Đến khi nhà Nguyễn mở bờ cõi, nước ấy thần phục. Năm Thái Tổ Hoàng đế thứ 54 (1602), sai Chủ sự là Văn Phong đem quân đến đánh, lấy đất đặt là Phú Yên. Năm Hy Tông Hoàng đế thứ 16 (1653), lấy được đất đến sông Phan Lang, lấy đất về phía Đông sông ấy chia làm 2 phủ: Thái Khang (tức nay là Ninh Hòa) và Diên Ninh (tức là Diên Khánh), đặt làm doanh Thái Khang (tức là Khánh Hòa); còn về phía Tây sông ấy vẫn là đất Chiêm Thành, để giữ việc tiến cống.

Chiêm Thành có nền văn hóa khá đặc sắc. Đặc sắc về phong tục, tính lịch, chữ viết, truyền ngôi và cả việc xử phạt tội. Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, quyển 33, mặt khắc 25, 26, 27 ghi chép rõ về nét văn hóa này. Tục người Chiêm lấy vải lông nhỏ quấn từ ngực đến chân, áo trên hẹp, cửa tay chật, chải tóc kết làm búi tóc bỏ xõa làm đuôi gà đằng sau. Vua thì tóc ở đằng sau mão lấy dây buộc lại tóc bỏ xõa ra, mặc áo cát bối (áo cây bông) đội mũ hoa vàng, có 7 vật báu dắt thêm châu ngọc làm trang sức, đùi và ống chân để lộ cả, đi giày da không đi tất. Đàn bà ở sau mão cũng lấy dây buộc tóc không cài trâm lược, còn vái lạy cũng giống như đàn ông.

Vua thì ngày ngày đúng giờ Ngọ (giữa trưa) ngồi cái ghế nhà chùa, quan thuộc đến yết kiến chấp tay giơ cao vái một cái rồi thôi, có tâu việc gì cũng chấp tay giơ cao vái một vái rồi lùi ra. Vua mỗi khi đi chơi vài ngày mới về, gần thì đi võng vải mềm, xa thì cưỡi voi hoặc ngồi trên cái cáng nhỏ bốn người khiêng lên vai; trước hết sai một người bưng hộp trầu cau đi trước, người đi theo hơn 10 người đều cầm cung tên dao súng và thẻ bài, dân trông thấy chắp tay giơ cao vái.

Lịch của người Chiêm dựa vào mặt trăng. Ngày sóc ngày vọng thì lấy mặt trăng mới mọc là đầu tháng, không có trăng mọc là hết tháng, không có tháng nhuận. Ngày đêm đều chia 50 khắc, trống canh lấy 8 canh làm mức, không đến giữa trưa không dậy, không đến nửa đêm không nằm ngủ, thấy mặt trăng mọc thì uống rượu mà hát làm vui.

Để lưu truyền thông tin, người Chiêm không có giấy bút mà dùng da dê dát mỏng hun đen, tước tre nhỏ ra nhúng vào vôi để viết, hình chữ như con giun.

Hàng năm, Chiêm Thành cũng có các ngày lễ hội lớn. Hôm mồng 1 tháng giêng, họ dắt voi đi khắp nơi chỗ ở rồi sau mới xua ra ngoài thành, gọi là đuổi tà. Tháng 4 có bày ra cuộc chơi vui (trâu và hổ chọi nhau làm vui thích). Ngày 15 tháng 11, là ngày đông chí, người đều vào chầu mừng. Mỗi năm hôm 15 tháng 12, ngoài thành buộc gỗ làm tháp, vua và thần dân đem áo mặc, đồ vật và hương để lên trên tháp rồi đốt để tế trời đất.

Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, quyển 33, mặt khắc 25

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Thuyền buôn nào đến, lấy thuế 2 phần 10, thuế hương cũng lấy 2 phần 10. Tính thích sạch sẽ, lấy trầm hương, tốc hương hun xống áo.

Việc truyền ngôi của người Chiêm khác với việc truyền ngôi thường thấy xưa nay. Vua có thể lên ngôi, nhường ngôi rồi lên ngôi lại. Vua tại vị được 30 năm thì nhường ngôi vào ở hang sâu, lấy anh em con cháu lên thay, rồi ăn chay thụ giới khấn với trời rằng: “Nếu tôi làm vua không có đạo thì hổ lang ăn thịt tôi, hoặc bị bệnh chết”. Nếu ở hang được một năm không có việc gì, thì lại lên ngôi như trước, trong nước gọi là tích Lê Mã Cáp Lạt, là tiếng xưng hô với bậc chí tôn chí thánh.

Chiêm Thành có đầm cá sấu, việc ngục tụng nào còn nghi ngờ chưa quyết thì bắt hai bên cưỡi trâu đi cạnh đầm ấy, bên nào gian cong thì cá nhẩy lên ăn thịt, bên nào thẳng thắn thì đi lại mấy lần vẫn không bị cá sấu ăn thịt. Về hình phạt giam cầm cũng đặt gông xích, có lỗi nhỏ thì lấy roi mây đánh, tội xử tử thì lấy dây buộc vào cây, dùng cọc nhọn đâm vào họng rồi chặt đầu. Nếu tội cố sát hay cướp của giết người thì cho voi giày xéo giết đi. Ai phạm gian dâm thì phạt trâu chuộc tội. Dân vào núi bị hổ cắn, xuống biển bị cá sấu ăn thịt, vua sai vị Quốc sư đọc chú thư phù thì con hổ, con cá sấu ấy tức thì tự ra xin mạng.

Người Chiêm ở tỉnh Bình Thuận gọi là người Hài, người nào dời sang phía Nam nước Cao Man thì gọi là người Chàm. Người Chiêm là một phần của dân tộc Việt. Văn hóa Chiêm chính là sự đa dạng của văn hóa người Việt./.

Tài liệu tham khảo:

1.     Hồ sơ H16/34, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

2.     Đại Nam liệt truyện, Viện Sử học Việt Nam, Nxb Thuận Hóa, 2013.