ThS. Phạm Thị Huệ – Nguyễn Huy Khuyến

Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

 

I. Vài nét về nghề khắc in Mộc bản ở Việt Nam

Vào thế kỷ XV xuất hiện một làng nghề chuyên khắc ván in cho triều đình và nhu cầu xã hội, đó là làng Hồng Lục và Liễu Tràng thuộc huyện Gia Phúc, nay là xã Tân Hưng, huyện Gia Lộc – Hải Dương. Người có công gây dựng nghề in ở đây là Thám hoa Lương Như Hộc. Ông được tôn vinh là tổ sư nghề in của làng[1].

Hồng Lục và Liễu Tràng là 2 làng nghề khắc ván in nổi tiếng ở Việt Nam dưới thời Phong kiến. Nghề in ở Hồng Lục, Liễu Tràng đã phục vụ đắc lực cho sự nghiệp chính trị, văn hóa, giáo dục của đất nước. Tiêu biểu là bộ Đại Việt sử ký toàn thư được khắc in vào cuối thế kỷ XVII[2].

Đến thời Nguyễn, nghề in phát triển mạnh hơn. Các nhà in đều khẳng định danh tiếng của mình trên các ấn bản. Năm 1811, Lạc Thiện Đường khắc in sách Truyền kỳ tân phả của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Năm 1815, Tích Thiện Đường khắc in Chu dịch quốc âm ca của Đặng Thái Phương. Hải Học Đường do Trấn thủ Hải Dương là Ân Quang hầu Trần Công Hiến chủ trương, khắc in 12 quyển của bộ Tùng thư Danh thi hợp tuyển, trong đó có Bạch Vân Am thi tập[3] của Nguyễn Bỉnh Khiêm, quyển 5; Lập Trai thi tập của Phạm Quý Thích, quyển 8; Tinh sà kỷ hành của Phan Huy Ích, quyển 9… Càng về sau, các “đường” xuất hiện càng nhiều để khắc in sách như: Úc Văn đường, Hội Văn đường, Tân Tác đường, Quảng Văn đường, Hữu Văn đường, Đồng Văn đường, Thịnh Mỹ đường, Phúc Văn đường, Quan Văn đường, Chiêu Văn đường, Liễu Văn đường…vv…

Việc in và phát hành sách thời kỳ này có xu hướng thương mại hóa. Điều này phù hợp với quy luật, có tác động tích cực nhất định đối với đời sống văn hóa nước nhà.

Truyện Kiều của Nguyễn Du lần đầu tiên do Phạm Quý Thích khắc ván in đã mau chóng trở thành bản cực hiếm ngay dưới thời Minh Mạng[4]. Đây là thời kỳ nở rộ các ấn bản truyện thơ Nôm như Tống Trân – Cúc Hoa, Phạm Tải – Ngọc Hoa, Phương Hoa…v.v…

Vào thời điểm này, các “đường” đã cung cấp nhiều thợ giỏi vào Kinh đô Huế để khắc in các ấn bản của triều đình.

Ngoài dân gian có một số ấn bản của tư nhân được khắc in tương đối tốt như Ức Trai di tập do Dương Bá Cung đích thân trông nom việc khắc in.

Quốc Sử quán với tư cách là một cơ quan trước tác cấp nhà nước, kể từ khi bắt đầu hoạt động đã cho biên soạn và khắc in một loạt các công trình đồ sộ có giá trị cao còn lưu giữ lại ngày này như:

1-    Đại Nam liệt truyện[5]

2-    Đại Nam thực lục[6]

3-    Minh Mạng chính yếu[7]

4-    Khâm định Việt sử thông giám cương mục[8]

5-    Đại Nam nhất thống chí (thời Tự Đức)[9]

6-    Đồng Khánh Khải Định chính yếu[10]

7-    Đại Nam nhất thống chí (thời Duy Tân)[11]

8-    Quốc triều sử toát yếu

Các sách do Quốc Sử quán khắc in gồm:

1-    Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ[12]

2-    Ngự chế văn (Minh Mạng)[13]

3-    Ngự chế thi (Minh Mạng)[14]

4-    Ngự đề đồ hội thi tập (của vua Thiệu Trị)[15]

5-    Ngự chế thi (Thiệu Trị)[16]

6-    Ngự chế văn (Thiệu Trị)

7-    Ngự chế thi (Tự Đức)

8-    Ngự chế văn (Tự Đức)[17]

Tính đến đầu thế kỷ XX, số lượng sách do Quốc Sử quán khắc in lên tới 68 bộ[18]. Tính trung bình mỗi công trình dày từ 1.000 đến 10.000 trang chữ Hán. Tại Việt Nam, trước thế kỷ XIX, có lẽ không có một cơ quan trước tác nào biên soạn và khắc in một khối lượng công trình lớn như vậy. Qua thực tế lịch sử cho thấy các thế hệ sử thần Triều Nguyễn đã để lại cho hậu thế nhiều thông tin bổ ích về nhân văn Việt Nam.

Viện Sử học Việt Nam, đã có lý khi nhận định về bộ sử Đại Nam thực lục “là bộ sách lịch sử có nhiều tài liệu tốt cho công tác nghiên cứu sử học, văn học, triết học, kinh tế, chính trị học, luật học, quân sự, văn hóa, tư tưởng… của xã hội Việt Nam từ năm 1558 đến năm 1888” [19].

Và một số nhà nghiên cứu đã cho rằng: chỉ cần đọc hai bộ chính sử của Quốc Sử quán triều Nguyễn là Khâm định Việt sử thông giám cương mục và Đại Nam thực lục “là sẽ có một biểu nhất lãm tổng quát về lịch trình diễn tiến của Việt sử từ thuở sơ khai đến đời vua Đồng Khánh”[20].

II. Kỹ thuật khắc in Mộc bản

Vấn đề kỹ thuật khắc in Mộc bản hiện nay, đang có nhiều ý kiến khác nhau, cần được nghiên cứu tìm hiểu thêm…

Hiện tại Mộc bản triều Nguyễn tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV có khoảng 35.000 tấm. Trong đó có nhiều bộ sách, chữ được khắc trên Mộc bản rất nhỏ, diện tích 0,4cm2([21]). Như chúng ta đã biết, chữ Hán – Nôm là chữ khối vuông, gồm nhiều nét, có những chữ lên tới 30 nét[22], tất cả đều được khắc đầy đủ trên một diện tích nhỏ như vậy. Điều đó cho thấy kỹ thuật khắc in đã đạt tới trình độ điêu luyện và tinh xảo như thế nào.

Về chất liệu gỗ dùng làm ván khắc: Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” thì gỗ dùng làm ván khắc in là gỗ lồng mật (nha đồng mộc), thớ gỗ trắng, sáng như ngà voi (còn gọi là gỗ mức)[23].

Theo Châu bản triều Nguyễn, vào thời Tự Đức, Sử quán tấu trình về việc khắc in các sách Ngự chế thi sơ tập, Đại Nam thực lục chính biên đệ tam kỷ có viết: “Nay kiểm thấy bản mẫu cuốn thực lục gồm 1.900 trang, cần dùng 995 tấm gỗ thị”[24].

Cũng vào thời Tự Đức, khi đã xuất hiện bản in chữ bằng thiếc thì việc sử dụng Mộc bản để khắc in vẫn được coi trọng. Trong Châu bản triều Nguyễn có khi: Khi khắc in sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, ở quyển thủ có tên sách, xung quanh vẽ rồng mây, sức cho thợ khắc ván in bìa sách và lời đề tựa bằng mực đỏ, chúng thần trộm nghĩ, lời đề tựa nếu dùng bản in chữ bằng thiếc thì chữ in bằng mực đỏ nhỏ bé, e rằng không được rõ lắm. Xin cho Nội các sức cho viết tờ nhan đề, giao cho sử quán tư cho lĩnh gỗ thị giao cho thợ khắc ván, in bằng mực đỏ mới được rõ ràng, trang nhã[25].

Cũng trong Châu bản triều Nguyễn, vào thời vua Thành Thái, Quốc Sử quán tâu: Ngày tháng 9 năm ngoái, quán thần tâu theo các điều cung lục và phiến chuẩn của bộ Lễ tuân lệ đem 2 bộ sách Tự Đức thánh chế và Luận Ngữ thích nghĩa ca, Tự học giải nghĩa châm chước nghĩ viết thử mỗi bộ hai trang giấy tiến trình lên chờ chỉ, vâng được châu điểm. Nay Quán thần tuân phụng kiểm báo rằng hiện các sách trên đã viết xong, xin kính cẩn tiến lãm, chờ giao ra. Lại tuân viết bản riêng và cho Quán thần đem gỗ thị cho khắc in. Sau khi khắc xong cần in ấn bao nhiêu bộ sẽ lại phụng nghĩ xin[26].

Như vậy có thể nói rằng dưới thời Nguyễn, gỗ thị được sử dụng nhiều để khắc ván in các sách của triều đình.

Tuy nhiên trên thực tế, Mộc bản triều Nguyễn hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, gỗ dùng để làm ván khắc in có thể không phải chỉ có gỗ thị, mà còn có những loại gỗ khác. Vấn đề xác định các chủng loại gỗ dùng làm ván khắc in cần phải được nghiên cứu đầy đủ để có cơ sở khoa học cho việc bảo quản khối tài liệu quý hiếm này.

Ngoài kỹ thuật khắc in, chất liệu gỗ, việc sử dụng mực in cũng là một vấn đề cần quan tâm. Qua tài liệu Mộc bản, cho thấy hầu hết các sách của triều đình khắc in thường dùng mực nho để in. Riêng những trang bìa, những bài dụ, bài tựa của những bộ sách lớn được in bằng mực son.

Hai loại mực này có thể có tác dụng kéo dài tuổi thọ của Mộc bản. Qua khảo sát và nghiên cứu thực tế Mộc bản đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV cho thấy trên một tấm Mộc bản, phần có mực phủ lên thì gỗ không bị mục, ít bị hủy hoại hơn so với phần gỗ không có mực.

Vấn đề này cần được nghiên cứu tiếp để tìm ra biện pháp bảo quản hữu hiệu đối với Mộc bản.

III. Kỹ thuật bảo quản tài liệu Mộc bản

Việc bảo quản Mộc bản dưới thời Nguyễn được các nhà vua đặc biệt quan tâm: đã cho xây dựng Quốc Sử quán để biên soạn các sách sử và bảo quản các ván khắc in những bộ sách chính văn, chính sử của triều đình. Sách Đại Nam thực lục cho biết: “Vua dụ bầy tôi rằng: nhà nước ta mở mang đến nay, các Thánh nối nhau 200 năm. Kịp Thế tổ Cao hoàng đế ta trung hưng thống nhất đất nước, trong khoảng ấy, sự tích công nghiệp nếu không có sử sách thì lấy gì để dạy bảo lâu dài về sau. Thần muốn lập Sử quán, sai các nho thần biên soạn Quốc sử thực lục để nêu công đức về kiến, đốc, cơ, cần làm phép cho đời sau cũng chẳng là phải sao”[27].

Năm Minh Mạng thứ nhất (1820), Quốc sử quán được dựng xong để biên soạn quốc sử. Năm Tự Đức thứ 2 (1849), dựng thêm Tàng Bản đường ở phía sau Sử quán để chứa Mộc bản.

Điều này cho thấy triều Nguyễn rất quan tâm đến việc bảo quản tài liệu Mộc bản, hạn chế đến mức thấp nhất tác hại của môi trường đối với tài liệu. Tuy nhiên, do khí hậu nước ta là khí hậu mang tính chất nhiệt đới gió mùa, độ ẩm trung bình hằng năm cao trên 80%, đó là điều kiện rất thuận lợi cho nấm mốc phát triển trên gỗ. Và vào mùa khô hanh, nhiệt độ cao làm cho Mộc bản dễ bị nứt. Trên thực tế cho thấy Mộc bản thường bị nứt theo thớ gỗ.

Để khắc phục tình trạng đó, người xưa đã biết sử dụng một phương pháp rất có hiệu quả. Đó là, trên hai đầu tấm Mộc bản, người ta đã cưa một rãnh cắt đứt liên kết giữa hai mặt của tấm Mộc bản, sau đó dùng thanh nêm bằng tre già để nêm chặt vào rãnh đó. Việc làm này giữ cho Mộc bản hạn chế bị nứt vỡ, hoặc trong trường hợp bị nứt cũng không thể vỡ rời thành hai mảnh. Bởi thanh nêm bằng tre đã cố định hai nửa của tấm Mộc bản. Trên thực tế, những tấm Mộc bản có nêm tre ít khi bị nứt. Đặc điểm này thấy rõ nhất trong bộ ván khắc sách Đại Nam thực lục chính biên, Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập và một số bộ sách quan trọng khác do Quốc Sử quán biên soạn.

Tóm lại, Mộc bản triều Nguyễn là di sản quý, hiếm của dân tộc Việt Nam nói riêng và của nhân loại nói chung. Ngoài giá trị về mặt nội dung, mỗi tấm Mộc bản còn là một tác phẩm nghệ thuật (lời nhận xét của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung khi đến thăm kho Mộc bản vào ngày 17/01/2007).

Chính vì giá trị nhiều mặt như vậy nên để bảo quản an toàn và kéo dài tuổi thọ cho khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn, vấn đề đặt ra là phải được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các cấp và phải có sự phối hợp nghiên cứu của nhiều ngành khoa học nhằm tìm ra điều kiện, tiêu chuẩn tối ưu, thích ứng bảo quản khối tài liệu quý hiếm này.

(Theo Tạp chí Văn thư Lưu trữ Việt Nam, số 11/2007)

 

[1] Lương Như Hộc đậu Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (Thám hoa). Khoa Nhâm Tuất niên hiệu Bảo Đại thứ 3 (1442) đời Lê Thái Tông. Hai lần được cử đi sứ nhà Minh. Làm quan đến chức Đô ngự sử, được về Trí sĩ, thọ 82 tuổi. Ông có công dạy nghề khắc ván in cho dân làng Hồng Lục – Liễu Tràng. Sau khi ông mất, dân làng tôn thờ làm Thành hoàng.
[2] Địa chỉ: WWW.haiduong.gov.vn

Bản khắc “Đại Việt sử ký toàn thư” hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV – Đà Lạt, ký hiệu H 31.
[3] Bản khắc “Danh thi hợp tuyển” và “Bạch Vân Am thi tập” hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV – Đà Lạt, ký hiệu H 1, H 10.
[4] Một số vấn đề văn bản học Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nxb Sử học Hà Nội, 1983, tr 63
([5]) (6)  (7) (8) (9) (10) (11) (12) (13) (14) (15) (16) (17) : Mộc bản các bộ sách trên hiện lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV – Đà Lạt
(18) Tuyển tập những bài nghiên cứu về triều Nguyễn, Tạp chí Nghiên cứu và phát triển, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, 2002, tr 218
(19)Lời giới thiệu bản dịch “Đại Nam thực lục” tập 1 (tiền biên), Nxb Sử học, Hà Nội, 1962, tr 8.
(20): Trương Bửu Lâm, lời giới thiệu bản dịch Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển thủ, Bộ Quốc gia Giáo Dục xuất bản, Sài Gòn, 1960, tr.III -V
(21) Những chữ Hán nhỏ này chủ yếu được khắc in trong bộ sách Tự học giải nghĩa ca của vua Tự Đức, hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV – Đà Lạt, ký hiệu H 135
(23) Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Nxb Thuận Hóa, 2006, tr 423.
(24)  Châu bản triều Nguyễn hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, số ký hiệu quyển 310, số thứ tự 010, tờ số 030.
(25)  Châu bản triều Nguyễn hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, số ký hiệu quyển 275, số thứ tự 056, tờ số 133.
(26)  Châu bản triều Nguyễn hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, số ký hiệu quyển 032, số thứ tự 093, tờ số 203.
(27)  Quốc Sử quán, Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, Nxb Giáo dục Hà Nội, 2004, tr.66

 

 

[1] Lương Như Hộc đậu Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (Thám hoa). Khoa Nhâm Tuất niên hiệu Bảo Đại thứ 3 (1442) đời Lê Thái Tông. Hai lần được cử đi sứ nhà Minh. Làm quan đến chức Đô ngự sử, được về Trí sĩ, thọ 82 tuổi. Ông có công dạy nghề khắc ván in cho dân làng Hồng Lục – Liễu Tràng. Sau khi ông mất, dân làng tôn thờ làm Thành hoàng.

[1] Địa chỉ: WWW.haiduong.gov.vn

Bản khắc “Đại Việt sử ký toàn thư” hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV – Đà Lạt, ký hiệu H 31.

[1] Bản khắc “Danh thi hợp tuyển” và “Bạch Vân Am thi tập” hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV – Đà Lạt, ký hiệu H 1, H 10.

[1] Một số vấn đề văn bản học Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nxb Sử học Hà Nội, 1983, tr 63

([1]) (6)  (7) (8) (9) (10) (11) (12) (13) (14) (15) (16) (17) : Mộc bản các bộ sách trên hiện lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV – Đà Lạt

(18) Tuyển tập những bài nghiên cứu về triều Nguyễn, Tạp chí Nghiên cứu và phát triển, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, 2002, tr 218

(19)Lời giới thiệu bản dịch “Đại Nam thực lục” tập 1 (tiền biên), Nxb Sử học, Hà Nội, 1962, tr 8.

(20): Trương Bửu Lâm, lời giới thiệu bản dịch Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển thủ, Bộ Quốc gia Giáo Dục xuất bản, Sài Gòn, 1960, tr.III -V

(21) Những chữ Hán nhỏ này chủ yếu được khắc in trong bộ sách Tự học giải nghĩa ca của vua Tự Đức, hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV – Đà Lạt, ký hiệu H 135

(23) Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Nxb Thuận Hóa, 2006, tr 423.

(24)  Châu bản triều Nguyễn hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, số ký hiệu quyển 310, số thứ tự 010, tờ số 030.

(25)  Châu bản triều Nguyễn hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, số ký hiệu quyển 275, số thứ tự 056, tờ số 133.

(26)  Châu bản triều Nguyễn hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, số ký hiệu quyển 032, số thứ tự 093, tờ số 203.

(27)  Quốc Sử quán, Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, Nxb Giáo dục Hà Nội, 2004, tr.66