Mộc bản triều Nguyễn là loại hình tài liệu đặc biệt về hình thức, nội dung và phương thức chế tác; là bản gốc của các bộ chính văn, chính sử nổi tiếng của Việt Nam được biên soạn, khắc in chủ yếu dưới triều Nguyễn. Mộc bản được hình thành chủ yếu bằng kỹ thuật khắc ngược ký tự Hán Nôm trên gỗ để in ra thành sách được sử dụng phổ biến trong thời kỳ phong kiến và còn lưu giữ được đến ngày nay. Mộc bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam vào ngày 31/7/2009.

Mộc bản triều Nguyễn (Ảnh: TTLTQGIV)

I. CÁC GIẢI PHÁP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ TRONG VIỆC PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN

Công nghệ số hay chuyển đổi số nói chung là xu hướng tất yếu trong thời đại 4.0 hiện nay. Công nghệ số là quá trình chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình số, việc áp dụng công nghệ số vào công tác quảng bá, phát huy những giá trị di sản của dân tộc cũng nằm trong quá trình phát triển chung của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Công nghệ thực tế ảo VR 360, công nghệ cảm ứng trên kính và trình chiếu 3D Mapping, công nghệ trình chiếu Hologram 3D Box, cũng như việc số hoá và tái hiện lại câu chuyện lịch sử bằng công nghệ là những giải pháp công nghệ số đột phá trong công tác truyền thông hiện nay.

1. Công nghệ trình chiếu 3D Mapping

Projection 3D Mapping hay 3D Mapping là một công nghệ sáng tạo, sử dụng các thiết bị như đèn laser, máy chiếu để có thể biến đổi bề mặt hiện hữu, như các tòa nhà, công trình kiến trúc thành một bức tranh sống động, hoặc truyền tải một câu chuyện độc đáo. Máy chiếu (Projector) sẽ là thiết bị chính để phát hình ảnh và kỹ thuật Mapping sẽ được dùng để có thể dựng lại hình ảnh có tỉ lệ kích thước giống y hệt với bề mặt vật thể được chiếu hình ảnh lên. Có thể nói, đây là một kỹ thuật chiếu trực tiếp các thước phim 3D trên một bề mặt phẳng trong không gian thực tế, nhằm đem lại trải nghiệm mới lạ cho du khách.

Kỹ thuật này đã được áp dụng rộng rãi tại một số nước công nghệ tiên tiến trên thế giới như Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Singapore,… Tại Việt Nam, hiện nay công nghệ này cũng được áp dụng trong các sự kiện quảng bá, trưng bày triển lãm lớn, tại các bảo tàng, khu di tích lịch sử, nhằm tái hiện lại một phần lịch sử gắn liền với di tích đó. Với sự kết hợp của các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, câu chuyện và các hình ảnh đa chiều đã góp phần mang lại những trải nghiệm thị giác thú vị trên vật thể cho người xem.

Các yếu tố góp phần mang lại hiệu quả khi ứng dụng công nghệ 3D Mapping trong việc trưng bày, giới thiệu đó là không gian, nội dung thiết kế và vật thể chiếu.

Nội dung trình chiếu: Chính là thông điệp truyền tải đến khán giả, trong đó kịch bản phải được xây dựng chuyên nghiệp để làm nổi bật cùng với hiệu ứng ánh sáng, âm thanh sẽ mang lại một tác phẩm trình diễn hấp dẫn.

Vật thể trình chiếu: Vật thể trình chiếu và bề mặt được chiếu sẽ tác động đến hiệu quả nội dung truyền tải. Chất liệu bề mặt của vật thể ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hình ảnh hiển thị. Thông thường, việc khảo sát các vật thể trình chiếu giúp việc tính toán một cách chi tiết, chính xác về cách sử dụng ánh sáng, loại máy chiếu phù hợp với nội dung sẽ được trình chiếu.

Không gian trình chiếu: Cần bố trí một không gian phù hợp với nội dung mà 3D Mapping sẽ trình chiếu, không gian này sẽ góp phần mang lại những cảm nhận trong quá trình trải nghiệm của khán giả. Cùng một vật thể nhưng khi được đặt ở những không gian trong nhà, không bị tác động bởi nguồn sáng tự nhiên thường sẽ dễ kiểm soát hơn so với việc trình chiếu lên những vật thể được đặt ở ngoài trời.

Những ưu điểm nổi bật mà công nghệ 3D Mapping mang lại khi áp dụng đó là độ chính xác cao, hình ảnh, chi tiết được hiển thị sắc nét, nhất là trong việc phục dựng, tái hiện các công trình kiến trúc cổ.

2. Công nghệ 3D Hologram

Công nghệ hình ảnh 3D (3 chiều) Hologram do nhà vật lý người Anh gốc Hungary Dennis Gabor phát minh vào năm 1947.

Hologram được hiểu là sự bố trí các chi tiết trên 1 mặt phẳng ba chiều. Khi có sự xuất hiện phản xạ ánh sáng, các chi tiết nổi lên và tạo ra 1 hình ảnh ba chiều ấn tượng. Hologram cho phép người xem thấy các đối tượng từ nhiều góc độ, mang đến cảm giác như mọi vật đang tồn tại trong không gian thực tế. Công nghệ Hologram đã được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, từ các ứng dụng khoa học trong ngành công nghiệp đến nghệ thuật trưng bày, giải trí như trong triển lãm, trưng bày và phim 3D,…

Các lợi ích nhận được khi sử dụng công nghệ Hologram đó là: Với hình ảnh sống động, Hologram sẽ tạo điểm nhấn và thu hút mọi ánh nhìn trong việc trưng bày, truyền tải phục dựng lại những hiện vật có diện tích lớn, do vậy có thể sử dụng công nghệ Hologram để thu nhỏ để trình chiếu. Ngoài ra, Hologram giúp lưu trữ dữ liệu nhanh chóng, an toàn. Khi tái hiện lại nội dung trưng bày, triển lãm, Hologram giúp tăng sự hứng thú và giảm sự tẻ nhạt trong các buổi triển lãm. Có thể nói, Hologram chính là cầu nối giúp cho công chúng hiểu hơn về các di sản văn hoá.

Đối với các cuộc triển lãm giới thiệu nội dung thì kỹ thuật Hologram cho phép trình chiếu ảnh 3D đi kèm âm thanh vô cùng sống động là một giải pháp ấn tượng cho việc ứng dụng công nghệ vào việc quảng bá, viết lên những câu chuyện di sản, gắn liền với các thông tin tư liệu lưu trữ.

Công nghệ trình chiếu Hologram 3D Box đã tạo ra một làn sóng mới trong các ứng dụng quảng cáo, sự kiện, giáo dục và nghệ thuật, mang lại sự sáng tạo, sự kỳ diệu cho các trải nghiệm trực quan.

3. Công nghệ thực tế ảo VR 360

Công nghệ thực tế ảo VR 360 là sự phát triển xa hơn của những hình ảnh 2D thông thường thành những tấm ảnh 360 độ. Kèm theo đó là công nghệ phần mềm giúp tái tạo mô phỏng không gian từ ảnh 360 độ trở thành một không gian số, có thể truy xuất và trải nghiệm bằng các thiết bị hình ảnh như: kính thực tế ảo, máy tính, điện thoại thông minh,… Ở trong môi trường công nghệ thực tế ảo VR 360, người dùng có thể quan sát 360 độ, di chuyển, tương tác với không gian ở mức độ lập trình máy tính đã thực hiện trước đó.

Như vậy có thể nói, công nghệ thực tế ảo VR 360 là sản phẩm số hóa của một không gian và được trình diễn trên môi trường ảo qua thiết bị phần cứng về hình ảnh.

Những lợi ích mà công nghệ thực tế ảo mang đến cho người xem đối với việc thiết lập các kỳ quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh với độ chính xác gần như tuyệt đối. Qua đó, giúp quảng bá hình ảnh một cách chân thực nhất đến du khách, không bị giới hạn về thời gian và không gian, người xem có thể tương tác bất cứ khi nào dù ngày hay đêm.

II. ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ TRONG VIỆC PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN TƯ LIỆU MỘC BẢN TRIỀU NGUYỄN

Di sản tư liệu thế giới thường được mô tả là “Tất cả các kí ức được ghi chép lại” của người xưa. Di sản tư liệu được giải thích là các di sản thể hiện tư tưởng, giá trị của xã hội và quá trình truyền bá các thành tựu văn hóa của xã hội loài người (Joie Springer, 2015).

Tính đến nay, Việt Nam đã có 9 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, trong đó 3 di sản là Di sản tư liệu thế giới và 6 di sản là Di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Việc UNESCO lựa chọn công nhận những di sản tư liệu quan trọng mà nhân loại phải ghi nhớ để truyền lại cho hậu thế, trong đó UNESCO đề cao các biện pháp nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị di sản đến công chúng.

Để tăng cường hơn nữa công tác quảng bá, phát huy giá trị của Di sản tư liệu Mộc bản triều Nguyễn, đồng thời đáp ứng những thách thức trong việc đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn. Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đã ứng dụng công nghệ cảm ứng 3D Mapping, công nghệ Hologram 3D Box và công nghệ trình chiếu theo kịch bản nhận diện và 3D Mapping trên kính để kể những câu chuyện Di sản tư liệu, qua đó tạo cho người xem những trải nghiệm tương tác đa chiều và độc đáo.

Không gian trưng bày Mộc bản triều Nguyễn số tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, được mở cửa thường xuyên với 3 chuyên đề hấp dẫn, đặc sắc.

1. Công nghệ tương tác và 3D Mapping trên kính với chuyên đề  “Mộc bản – Bảo vật Hoàng triều”

Du khách sẽ được tham quan những hình ảnh chân thực về câu chuyện ra đời của Di sản Mộc bản triều Nguyễn bằng ứng dụng công nghệ cảm ứng trên kính và 3D Mapping. Tại đây du khách có thể tương tác trực tiếp trên nền tảng công nghệ được lập trình sẵn. Đó là việc tái hiện lại lịch sử nghề khắc in Mộc bản một hình thức nhân bản và lưu trữ những thông tin quan trọng thời kỳ phong kiến.

Công nghệ tương tác và 3D Mapping trên vách kính là một sáng kiến độc đáo trong lĩnh vực công nghệ, mở ra cánh cửa cho các trải nghiệm tương tác đa chiều và sáng tạo trên bề mặt kính trong không gian trải nghiệm. Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đã ứng dụng sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo, thị giác máy tính và các công nghệ cảm biến tiên tiến, đã biến các bề mặt kính hành lang kho lưu trữ trở thành một bề mặt tương tác thú vị đối với du khách.

Bằng cách sử dụng cảm biến và phần mềm chuyên biệt, vách kính sẽ hiển thị được thông tin nội dung và tương tác với người dùng. Điều này có thể bao gồm việc hiển thị thông tin hữu ích về các nội dung trưng bày trong không gian lưu trữ hoặc thậm chí là tạo ra các trò chơi và trải nghiệm độc đáo.

Một trong những điểm đặc biệt của công nghệ này là khả năng tạo ra các hiệu ứng hình ảnh 3D trực quan và sống động trên bề mặt kính. Thông qua kỹ thuật 3D Mapping, các hình ảnh và đối tượng có thể được tái tạo với độ chân thực cao tương tác với các hiện vật hay nội dung cố định trên vách kính hay không gian phía bên trong kính mà không làm mất đi tầm nhìn của không gian trưng bày bên trong.

2. Trình chiếu Hologram 3D Box với chuyên đề 2 “Quy trình biên soạn và khắc in Mộc bản”

Tại phần này, người xem được trải nghiệm, tìm hiểu về quy trình tạo tác  ra một tấm Mộc bản, đó là công đoạn tuyển chọn thợ khắc, chuẩn bị vật liệu, biên soạn và khắc in Mộc bản,… Tất cả đều được tái hiện sinh động, đa chiều bằng hình thức vẽ tranh cát sử dụng ứng dụng Hologram 3D Box.

Công nghệ trình chiếu Hologram 3D Box đưa trải nghiệm hiển thị đa chiều lên một tầm cao mới. Với sự kết hợp giữa các công nghệ trình chiếu tiên tiến và các kỹ thuật tạo hình học, hộp Hologram 3D biến bất kỳ không gian nào thành một sân khấu kỳ diệu, nơi mà các hình ảnh và đối tượng trở nên sống động và thuyết phục.

Bằng cách sử dụng một hệ thống các bề mặt phản chiếu và ánh sáng đa hướng, công nghệ này tạo ra các hình ảnh Hologram 3D trong không gian 360 độ, không cần kính đặc biệt hay thiết bị nào khác. Điều này tạo ra một trải nghiệm thú vị và gần gũi cho người xem, khi họ có thể quan sát các đối tượng từ mọi góc độ mà không bị giới hạn bởi một màn hình hoặc kính.

Công nghệ Hologram 3D Box tại Không gian Mộc bản triều Nguyễn số. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

3. Công nghệ trình chiếu theo kịch bản nhận diện và 3D Mapping trên kính với chuyên đề  “Con đường Di sản”

Tại phần này, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV sẽ đưa du khách trở về với quá khứ bằng việc tái hiện lại lịch sử hào hùng của dân tộc thông qua những tác phẩm bất hủ được khắc trong Mộc bản như Chiếu dời đô của Vua Lý Công Uẩn, Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, bài thơ Nam Quốc Sơn Hà được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc hay tác phẩm Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi,… Đây là những sự kiện lịch sử, chiến công hiển hách của ông cha được phục dựng bằng công nghệ trình chiếu theo kịch bản nhận diện 3D Mapping trên kính.

Du khách trải nghiệm công nghệ trình chiếu theo kịch bản nhận diện và 3D Mapping trên kính với chuyên đề  “Con đường Di sản”. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Khi tham quan không gian trưng bày, du khách còn cảm nhận được một thoáng cung đình cổ kính xưa, bởi những nét vẽ tranh sơn mài tái hiện lại nơi làm việc của Quốc Sử quán triều Nguyễn; phía trên là hệ thống đèn lồng trang trí sử dụng hình ảnh bìa sách Mộc bản chạm khắc hình long lân của triều đình.

Điều đặc biệt nhất, du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng những di sản Mộc bản đang bảo quản trong kho chuyên dụng của Trung tâm. Hàng nghìn tấm Mộc bản được sắp xếp trên kệ như mang hơi thở từ quá khứ sẽ khiến du khách như lạc vào chốn cung đình xưa. Du khách còn được tận tay trải nghiệm và ngắm nhìn những nét khắc qua phiên bản Mộc bản xếp trên kệ.

Không gian trưng bày Mộc bản triều Nguyễn được mở cửa thường xuyên để đón tiếp khách tham quan.

Thời gian tham quan:

– Sáng từ 7h30 – 11h30;

– Chiều từ 13h30-16h30.

Với việc lần đầu tiên, ứng dụng công nghệ số vào trưng bày, triển lãm tài liệu lưu trữ, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV hy vọng sẽ mở ra một phương thức mới, qua đó giúp công chúng có thể tiếp cận gần hơn với di sản của dân tộc. Không gian trưng bày Mộc bản triều Nguyễn thực sự là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước khi đặt chân đến thành phố hoa Đà Lạt.

Tài liệu tham khảo:

1. Luật Khoa học và Công nghệ số 29/2013/QH13.

2. Đề án “Bảo quản và phát huy giá trị tài liệu Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 209/QĐ-TTg ngày 03/02/2016.

3. Trang chủ mocban.vn.

4.https://www.autodesk.com/asean/solutions/3d-mapping-software#:~:text=What%20is%203D%20mapping%3F,by%20local%20authorities%20and%20planners

5.https://unesdoc.unesco.org/in/documentViewer.xhtml?v=2.1.196&id=p::usmarcdef_0000125637&file=/in/rest/annotationSVC/DownloadWatermarkedAttachment/attach_import_9eb3ca18-f63f-47f9-b92c-8608d33e6b92%3F_%3D125637eng.pdf&locale=en&multi=true&ark=/ark:/48223/pf0000125637/PDF/125637eng.pdf#%5B%7B%22num%22%3A173%2C%22gen%22%3A0%7D%2C%7B%22name%22%3A%22XYZ%22%7D%2Cnull%2Cnull%2C0%5D

6.https://hoanvugroup.com/3d-mapping-trai-nghiem-doc-dao-mang-den-mot-the-gioi-khac-la.

 Xuân Hùng – Phạm  Yến