Biên niên tiểu sử, cũng như những nghiên cứu gần đây về Chủ tịch Hồ Chí Minh đều khẳng định Nguyễn Tất Thành và anh trai là Nguyễn Tất Đạt đã theo học tại trường Tiểu học Pháp – Việt ở Vinh từ khoảng tháng 9 năm 1905 đến tháng 5 năm 1906. Năm đó Nguyễn Tất Thành 15 tuổi. Khoảng thời gian theo học tại ngôi trường này có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hình thành tri thức và nhân cách của người.

Sự ra đời của trường Tiểu học Pháp – Việt Vinh

Sau khi cơ bản hoàn thành việc xâm chiếm nước ta, thực dân Pháp đã nhanh chóng xây dựng, hình thành một nền giáo dục mới thay thế cho nền giáo dục khoa cử cũ. Trước khi có cải cách giáo dục lần thứ nhất vào năm 1905, hệ thống giáo dục ở Việt Nam tồn tại dưới 3 hình thức khác nhau. Ở Nam kỳ đa số các tổng xã đều có trường tiểu học Pháp – Việt dạy chữ Pháp và Quốc ngữ, chữ Hán hầu như bãi bỏ hoàn toàn hoặc chỉ là môn phụ. Ở Bắc và Trung kỳ số trường dạy chữ Pháp và chữ Quốc ngữ còn rất ít. Ngày 14 tháng 11 năm 1905 thực dân Pháp lập Nha học chính Đông Dương tại Hà Nội, đồng thời thực hiện cải cách giáo dục lần thứ nhất. Theo chính sách giáo dục thời kỳ đó, tại mỗi tỉnh lỵ, chính quyền Bảo hộ sẽ chu cấp toàn bộ kinh phí để duy trì hoạt động của trường tiểu học Pháp – Bản xứ (École franco-indigène) . Chương trình giảng dạy gồm: Giáo dục đạo đức, tập đọc, tập viết, số học, khái niệm về hình học thực hành và đo đạc, kế toán, tiếng Pháp, chữ Quốc ngữ, khái luận về lịch sử, địa lý Đông Dương, khái niệm về địa lý, khái luận về hình hoạ, khái niệm về khoa học vật lý và khoa học tự nhiên, ứng dụng khoa học trong nông nghiệp, vệ sinh, mỹ nghệ, và một số tiết chữ Hán. Trường tiểu học Pháp-Việt gồm 4 lớp: lớp dự bị (lớp tư), lớp sơ đẳng (lớp ba), lớp nhì, lớp nhất.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng trường Tiểu học Pháp – Việt Vinh chỉ có thể ra đời sau năm 1906, khi đã thực hiện cải cách giáo dục lần thứ nhất. Tuy nhiên, theo tài liệu mà chúng tôi có hiện nay, thì sự ra đời của ngôi Trường Tiểu học Pháp Việt ở Vinh (École Franco-Annamite à Vinh”) gắn với tên tuổi của hai danh nhân nổi tiếng, đó là Tổng đốc Đào Tấn và danh họa, nhà giáo Lê Huy Miến (còn gọi là Lê Văn Miến). Theo Tiểu sử họa sỹ Lê Huy Miến[1]: Sau 7 năm du học ở Pháp, năm 1898, Lê Huy Miến về nước. Vào năm 1899, ông làm việc tại nhà in Schneider, nhà in đầu tiên tại Hà-Nội.

Năm 1899, Lê Huy Miến được Tổng đốc Nghệ An là Đào Tấn mời về Vinh làm việc và lập trường Tiểu học Pháp Việt. Năm 1902 Đào Tấn được điều về Huế giữ chức Thượng thư bộ Công, ông đã đưa Lê Huy Miến đi theo vào làm việc trong bộ Công. Tại đây, vì cho là có liên lụy với các hoạt động yêu nước và chống Pháp của vua Thành Thái, nên năm 1904 Đào Tấn bị bức về hưu, còn Lê Huy Miến bị đưa trở lại Vinh. Về Vinh, Lê Huy Miến lại tiếp tục dạy học ở trường Tiểu học Pháp – Việt. Đến năm 1907 Lê Huy Miến lại được điều vào Huế để dạy tại trường Quốc Học.

Như vậy, nếu theo tiểu sử của danh họa Lê Huy Miến thì trường Tiểu học Pháp- Việt Vinh thành lập năm 1899.

Nhận định trên đây được củng cố và khẳng định bằng tài liệu viết về các trường học Pháp ở thuộc địa, xuất bản ở Paris năm 1900[2]. Theo đó đến tháng 9 năm 1899, tại Trung kỳ đã có 5 cơ sở giáo dục Pháp – Việt, trong đó ở Huế có 2 cơ sở, các cơ sở còn lại ở Nha Trang (thành lập tháng 10, năm 1898), Thanh Hóa (thành lập 8 năm 1899) và ở Vinh.  Riêng trường Pháp – Việt Vinh thành lập tháng 6 năm 1899, với 2 giáo viên và 30 học sinh. Ra đời trước khi có bộ Học chính tổng quy, quy định chính thức nội dung chương trình, cũng như mô hình tổ chức của trường Pháp Việt, nên các trường ở Trung Kỳ trong giai đoạn này, trong đó có trường Tiểu học Pháp- Việt Vinh chỉ dạy các môn: Tiếng Pháp, chữ Quốc ngữ, thực hành dịch Pháp – Việt, Toán học, Địa lí thường thức.

Ngoài ra, trong cuốn “Bibliotheca indosinica Dictionnaire bibliographique des ouvrages relatifs à la péninsule indochinoise” của Henri Cordier, xuất bản năm 1904[3] có giới thiệu tác phẩm “Từ vựng và ngữ pháp Pháp – Bắc Kỳ” của Hàn Thái Dương và Đỗ Thận. Trong đó Hàn Thái Dương được ghi chức vụ là “Hàn Thái Dương, hiệu trưởng trường Tiểu học Pháp – Việt Vinh” (Hàn Thái Dương, Directeur de L’École Franco-Annamite à Vinh”). Điều này cho thấy năm 1904 đã có trường Tiểu học Pháp – Việt Vinh.

Như vậy, có thể nhận định: Trường Tiểu học Pháp – Việt Vinh thành lập tháng 6 năm 1899, do Lê Văn Miến làm hiệu trưởng. Đến năm 1902, Lê Văn Miến cùng tổng đốc Đào Tấn vào Huế. Có thể người thay thế ông là nhà giáo Hàn Thái Dương. Đến năm 1904 khi Lê Văn Miến trở lại Vinh, thì Hàn Thái Dương ra Hà Nội làm chủ bút cho tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Hà Nội, tờ Đại Việt tân báo, có số ra đầu tiên vào ngày 7/8/1905.

Trường Tiểu học Pháp – Việt Vinh mang tên Cao Xuân Dục và Nguyễn Trường Tộ

Từ khi thành lập cho đến năm 1914 trường Tiểu học Pháp- Việt là trường chung cho cả học sinh nam và nữ (École primaire mixte pour garçons et filles). Từ năm 1914 chúng tôi bắt đầu thấy trên các công báo của chính quyền Đông Dương, trường Tiểu học Pháp – Việt Vinh là trường dành cho học sinh nam. Có thể từ đây, trường đã tách ra một cơ sở cho học sinh nữ.

Năm 1924, được Tòa Khâm sứ Trung Kỳ cho phép, công ty Phạm Văn Phi, (một doanh nghiệp chuyên vận tải hành khách từ Vinh đi các nơi và Lào) bỏ tiền để xây dựng lại trường Tiểu học Pháp – Việt ở Vinh[4]. Dự án được Công sứ Vinh đồng ý và được Tòa Khâm sứ Trung Kỳ phê duyệt ngày 21/7/1924. Công trình hoàn thành, nghiệm thu ngày 13/12/1924. Theo sơ đồ có thể ước tính diện tích của trường rộng hơn 5000 m2, nằm ở phía nam của đường Gia Long, tức đường Đặng Thái Thân hiện nay. Tổng chi phí xây dựng trường là 10.005 đồng.

Báo Đông Pháp, số ra ngày 18/6/1925 đã đăng bài “Lễ khánh thành trường” đưa tin: “Ngày hôm chủ nhật 14 tháng 6 vừa rồi, tại tỉnh Vinh có làm lễ khánh thành hai trường tiểu học Pháp – Việt (École primaire Franco- Annamite) mới lập, mà một trường đặt tên là Cao Xuân Dục và một trường đặt tên là Nguyễn Trường Tộ”. Có thể sau khi dự án xây dựng của công ty Phạm Văn Phi hoàn thành, chính quyền đã chính thức đặt tên danh nhân cho hai ngôi trường này. Từ đó, trường Tiểu học Pháp – Việt Vinh dành cho nam sinh mang tên Cao Xuân Dục, còn trường dành cho nữ sinh mang tên Nguyễn Trường Tộ.

Về vị trí của trường Tiểu học Pháp – Việt ở Vinh

Biên niên tiểu sử Hồ Chí Minh ghi: Khoảng tháng 9 năm 1905, Nguyễn Tất Thành và Nguyễn Tất Đạt được ông Nguyễn Sinh Huy xin cho theo học lớp dự bị (préparatoire) Trường tiểu học Pháp – bản xứ ở thành phố Vinh, cách Kim Liên khoảng 14km. Hai anh em trọ ở một gia đình nghèo mạn Cầu Rầm (Vinh) và chiều thứ bảy thường đi bộ về thăm nhà, sáng thứ hai lại xuống Vinh. Tài liệu này cũng cho biết, ngoài hai anh em Tất Thành, Tất Đạt, trong xã Kim Liên còn có một người nữa cũng được nhập học trong dịp này, đó là Chu Văn Phi[5].

Thế nhưng, tài liệu này cũng không cho biết cụ thể vị trí trường Tiểu học Pháp – Việt đóng ở đâu. Trong hồi ký của mình[6], giáo sư Nguyễn Xiển, một cựu học sinh trường Tiểu học Pháp Việt (1917- 1921) cũng chỉ cho biết trường ở gần nhà mình, mà nhà ông lại ở bên cạnh Chợ Vinh. Như vậy, vị trí của trường ở gần Chợ Vinh và cũng không cách xa Cầu Rầm là mấy.

Tra cứu bản đồ Vinh – Bến Thủy năm 1925, (trên bản đồ này khi đó chưa có chú thích tên đường) chúng tôi thấy, vị trí kí hiệu “C” được chú thích là “École F – A” (Trường Tiểu học F – A). Thiết nghĩ trong ngữ cảnh này chỉ có thể nghĩ đó là Trường tiểu học Pháp – Việt (École Franco – Annamite). Cũng cần nói thêm rằng trên bản đồ này, chỉ có hai ngôi trường được định vị, đó là Tiểu học Pháp – Việt (vị trí C) và Quốc Học Vinh (Vị trí R). Vị trí được kí hiệu “C” nằm trên trục đường chạy qua trước cổng Cửa Tiền thành Nghệ An, cách cổng thành chừng 200 mét.

Trong sơ đồ thuộc dự án xây dựng trường Tiểu học Pháp- Việt của công ty Phạm Văn Phi trình Khâm sứ Trung Kỳ, vị trí trường Tiểu học Pháp – Việt nằm bên trái (phía nam) đường Gia Long, phía bên phải (phía bắc) là trường nữ sinh (École des filles). Theo sơ đồ này, khu đất xây dựng trường có chiều dài theo đường Gia Long khoảng 100 mét, chiều rộng theo đường Paul Bert khoảng 50 mét, tổng diện tích khoảng 5000 m2.

Sơ đồ xây dựng Trường Tiểu học Pháp Việt của công ty Phạm Văn Phi,

năm 1924

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Trên bản đồ Vinh – Bến Thủy năm 1936, vị trí có kí hiệu “C” trước đây được đánh số 21 và được chú thích là “École”. Khi đó con đường này đã được đặt tên là đường Gia Long (nay là đường Đặng Thái Thân). Cũng theo bản đồ này, “trường” (bao gồm cả trường dành cho nam sinh và trường dành cho nữ sinh) được xây dựng cả ở hai bên đường Gia Long. Cụ thể được giới hạn bởi: Phía bắc là đường Jean Dupuis (Nay là đường Nguyễn Nghiễm); Phía đông là đường Paul Bert (Nay là đường Nguyễn Cảnh Chân; Phía nam là đường Đồng Khánh (Nay không còn); Phía tây là đường Clémenceaux (Nay là đường Nguyễn Công Trứ), còn đường Gia Long chạy xuyên qua giữa.

Vị trí trường Tiểu học Pháp – Việt trên bản đồ 1936    

Theo sơ đồ xây dựng năm 1924 của công ty Phạm Văn Phi thì trường Tiểu học Pháp – Việt dành cho nam sinh ở phía bên trái, còn trường Tiểu học Pháp – Việt dành cho nữ sinh nằm phía bên phải, cách nhau con đường Gia Long ở giữa. Thế nhưng, theo các cựu học sinh của trường Tiểu học Pháp – Việt Vinh những năm 1940 thì trường Cao Xuân Dục ở về cả hai phía đường Gia Long, còn trường nữ sinh Nguyễn Trường Tộ ngoảnh mặt ra đường Jean Dupuis (tức đường Nguyễn Nghiễm hiện nay). Phân cách giữa hai trường là hàng rào bê tông thưa. Có thể sau này, trường Tiểu học Pháp – Việt Cao Xuân Dục phát triển, phải lấy thêm đất phía bên kia đường, còn trường Nguyễn Trường Tộ thì quy mô thu hẹp lại.

Vị trí trường Tiểu học Pháp – Việt hiện nay thuộc phường Quang Trung. Vùng đất này hầu hết đã là nhà ở của dân. Tuy vậy, phía bên trái đường Đặng Thái Thân đang có một phần đất cho công ty Thương mại thuê. Phần đất này rộng gần 2000 m2, hiện đang có một số cửa hàng dịch vụ một tầng ở đó.

Trong quá trình tìm kiếm tư liệu, chúng tôi đã sưu tầm được một bức ảnh được lưu trữ tại Bảo tàng Quai Branly (37, Quai Branly, 75007 Paris), bức ảnh mang số hiệu quản lý: PV0019728. Bức ảnh được chú thích là (Trường Tiểu học, kèm theo các thông tin: Địa điểm: Châu Á / Đông Nam Á / Việt Nam / Nghệ Tĩnh / Vinh; Nhiếp ảnh gia: ẩn danh; Thời gian chụp trong khoảng từ năm 1920 đến 1929; Kích thước 18 x 24 cm. Mặc dù chỉ chú thích đơn giản là “École”, nhưng trên ảnh có tấm biển đề dòng chữ “École Franco – Annamite”. Bức ảnh chụp ngôi nhà một tầng, bốn gian. Một phía đầu hồi nhà có cửa ra một nhà cầu thấp hơn, chắc là dẫn sang một ngôi nhà khác. Ngôi nhà cao ráo, bề thế, có nhiều cửa sổ, có hai hành lang trước và sau. Dáng dấp kiến trúc và hoa văn trang trí, nhất là trên cửa sổ tương tự như những ngôi nhà do người Pháp xây đầu thế kỷ hai mươi ở Vinh (Dinh Công sứ, Nhà Kiểm Lâm Bến Thủy, Bưu điện, Ga Vinh, Bệnh viện…).

Hình ảnh Trường Tiểu học Pháp – Việt ở Vinh

Về giá trị lịch sử của trường Tiểu học Pháp – Việt Vinh

Về trường Tiểu học Pháp – Việt, hay trường Tiểu học Pháp – Việt Cao Xuân Dục ở Thành phố Vinh thời thuộc Pháp vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu và trao đổi, thế nhưng, bước đầu đã có những căn cứ để nhận định:

– Trường Tiểu học Pháp – Việt là một cơ sở giáo dục đầu tiên theo tân học ở Nghệ Tĩnh, ra đời vào năm cuối cùng của thế kỷ 19, tháng 6 năm 1899. Cùng với trường Quốc Học Vinh (Collège de Vinh) được thành lập năm 1920, và hàng loạt các trường tư thục sau này, trường Tiểu học Pháp – Việt đã góp phần làm  cho Vinh trở thành một trong những trung tâm giáo dục quan trọng nhất của khu vực Thanh Nghệ Tĩnh và Trung Kỳ thời thuộc Pháp.

– Nơi đây, Nguyễn Tất Thành đã theo học suốt gần một năm học, trong giai đoạn hết sức quan trọng của việc hình thành tri thức, nhân cách và chí hướng của cuộc đời một con người.

– Trường Tiểu học Pháp – Việt Vinh cũng là nơi mà nhiều nhà cách mạng và nhân sĩ, trí thức tài danh của nước ta đã từng giảng dạy hoặc học tập. Trước hết, có hai cố tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng giảng dạy tại đây, là Trần Phú (từ 1922 đến 1925) và Hà Huy Tập (1926 – 1927), cùng với những người thầy khác cũng là những nhà cách mạng tên tuổi, như Trần Mộng Bạch, Trần Văn Tăng, Bùi Văn Bình…

Bên cạnh đó hàng chục nhà cách mạng, nhà khoa học, nhân sỹ tên tuổi cũng đã từng học tập dưới mái trường này, như Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai, Siêu Hải, Nguyễn Ngọc Ba, Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị Xuyến, Nguyễn Thị Nhuận, Trần Thị Liên, Nguyễn Tiềm, Chu Văn Biên, Hồ Mỹ Xuyên, Nguyễn Đức Dương, Phạm Khắc Hòe, Nguyễn Xiển, Hoàng Xuân Hãn, Đặng Thai Mai …

– Trường Tiểu học Pháp – Việt cũng là nơi ghi dấu ấn của các danh sỹ Đào Tấn; Cao Xuân Dục; Nguyễn Trường Tộ và danh họa, nhà giáo Lê Huy Miến.

Chính vì tầm vóc lịch sử của ngôi trường như vậy, việc tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về ngôi trường này là cần thiết. Trong đó cần tiếp tục làm rõ hơn vai trò của các danh nhân Đào Tấn; Cao Xuân Dục và Lê Huy Miến đối với sự ra đời và hoạt động của trường. Cần sưu tầm, nghiên cứu để làm rõ hơn việc theo học tại Trường của anh em Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Tất Thành. Đặc biệt, hiện nay khu vực này đã là khu dân cư và cơ sở dịch vụ của doanh nghiệp thuộc phường Quang Trung  trước hết cần phải sớm khảo sát, lập hồ sơ khoa học để đề xuất công nhận Di tích lịch sử đối với địa điểm trường Tiểu học Pháp – Việt Vinh.

Chú thích:

[1] https://hoasivietnam.wordpress.com/tham-kh%E1%BA%A3o/le-van-mien/tieu-su-le-van-mien-le-huy-mien/
[2] Les colonies françaises. 4, L’Oeuvre scolaire de la France aux colonies / Henri
Froidevaux. [suivi de ] Survivance de l’esprit français aux colonies
perdues / par Victor Tantet. 1900.
[3] Tạm dịch: Từ điển thư mục các công trình liên quan đến Đông Dương

[4] Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia IV, Đà Lạt                                   
[5] http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/ho-so-su-kien/books-191820154294556/index-0918201542716563.html

[6] GS Nguyễn Xiển, Cuộc đời và Sự nghiệp, NXB Hội Nhà văn, 2007.

Phạm Xuân Cần – Phạm Thị Thanh Biên