Trương Đăng Quế, có tên tự là Diên Phương, hiệu là Đoan Trai, biệt hiệu là Quảng Khê. Ông sinh vào năm 1793 tại Mỹ Khê, huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi. Tổ tiên của ông là người ở Thạch Hà, Hà Tĩnh. Ông là danh thần giữ nhiều trọng trách lớn trải qua bốn triều vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Ngoài ra, ông còn là nhà thơ, nhà sử học, là thầy dạy học của vua Thiệu Trị và các hoàng thân như Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương.

Chân dung Danh thần Trương Đăng Quế (Nguồn: Sưu tầm)

Trương Đăng Quế là con thứ, thuở nhỏ đã có tiếng giỏi văn. Năm Gia Long thứ 18 (1819), Trương Đăng Quế thi đỗ Hương tiến. Sau khi thi đỗ, ông được bổ làm Hành tẩu bộ Lễ dưới triều Gia Long, một chức quan nhỏ chuyên về văn thư. Đến năm Minh Mạng thứ nhất (1820), Trương Đăng Quế giữ chức Hành tẩu bộ Lễ, sau thăng chức Biên tu. Vì ông nổi tiếng về học hành và phẩm hạnh nên được sung vào dạy học cho Hoàng tử; rồi được cất nhắc lên làm Thị độc, sung chức Tán thiện. Khi vua Thiệu Trị chưa lên ngôi, đã cùng các ông Phụng Xuân, Ninh Thuận, Vĩnh Tường và Phú Bình đến học ở Trương Đăng Quế. Trương Đăng Quế dạy bảo rất hợp với ý chỉ nên được Thánh tổ khen ngợi, được thăng chức Thượng bảo thiếu khanh, quản lý công việc ở Văn thư phòng.

Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập, quyển 21, mặt khắc 1 ghi chép về tiểu sử Trương Đăng Quế (Nguồn: Trung tâm LTQGIV)

Thiệu Trị năm đầu (1841), nhà vua chuẩn cho Trương Đăng Quế giữ chức Văn Minh điện Đại học sĩ, gia hàm Thái bảo, quản lý bộ Binh, kiêm Cơ mật viện, kiêm sung chức Tổng tài ở Quốc sử quán, chủ biên các bộ sách lớn của Triều Nguyễn: Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam liệt truyện tiền biên, Đại Nam hội điển toát yếu,…

Trong Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập chép, năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), vua ngự giá đi tuần ra Bắc, Trương Đăng Quế được sung chức Ngự tiền đại thần. Đến khi lễ bang giao xong, ngày trở về vua xuống dụ rằng: “Trương Đăng Quế là người phụ tá rất tốt của đất nước, nên tấn phong cho tước Tử (tước 5 bậc: Công, hầu, bá, tử, nam, tước Tử là bậc thứ 4 trong 5 bậc) và ban thưởng cho một đồng kim tiền “Phan long, phụ phượng” hạng nhất có dây tua rủ xuống, 30 lạng bạc; lại thưởng thêm cho một chiếc nhẫn bằng ngọc kim cương rất lớn của vua dùng”. Năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), Trương Đăng Quế có bệnh xin phép được nghỉ. Vua thường sai Trung sứ đến thăm hỏi và ban cho thuốc bổ của vua dùng. Đến khi khỏi bệnh, Trương Đăng Quế vào tạ ơn, vua an ủi, hỏi chuyện hồi lâu rồi ban dụ rằng: Khanh tuổi đã cao, trẫm không muốn làm phiền khanh những việc nhỏ. Nếu có việc gì trọng đại, thì hãy cùng trẫm bàn định, còn việc gì tầm thường ở Bộ thì đã có các quan khác thay cho, để thường ngày khanh khỏi phải đến chầu. Trương Đăng Quế lạy tạ không dám nhận. Tháng 8 năm ấy, con của ông là Trương Đăng Trụ được ấm thụ làm Thừa chỉ viện Hàn Lâm, được chi lương cho ở nhà học tập. Trương Đăng Quế dâng sớ xin từ chối, đại lược tâu: “Thần gặp thời mới có được danh vị, lạm dụng ngôi cao, đức bạc quan to, đã vượt quá chức phận rồi. Con thần hãy còn ít tuổi, chưa học mà đã có chức quan, không làm việc mà được hưởng bổng lộc nhiều, thần sợ là sung mãn quá”. Vua không cho, bảo rằng: “Công thần nối đời giữ chức quan là thịnh điển của quốc gia, khanh cứ yên tâm”. Trương Đăng Quế sau lại tâu xin bổ dụng con cháu Mạc Thiên Tứ để đền công mở mang đất đai khi trước.

Đến năm Tự Đức thứ 2 (1849), bắt đầu đặt Viện Tập Hiền, Trương Đăng Quế được sung làm Kinh diên giảng quan.

Tháng giêng, năm Tự Đức thứ 3 (1850), Trương Đăng Quế vâng mệnh đi duyệt binh. Kỳ xét công năm ấy, khi danh sách dâng lên thì Trương Đăng Quế được khen thưởng, được ban cho một cái khánh bằng vàng có khắc chữ “Tam triều thạc phụ” (tức: Người bề tôi lớn của cả ba triều).

Năm Tự Đức thứ 6 (1853), Trương Đăng Quế xin nghỉ ba tháng về quê thăm nom mộ phần. Vua làm hai bài thơ ban cho. Bài đầu tiên là:

Phiên âm:

Kê cổ hòa canh đức nghiệp long

Lưỡng triều cố mệnh ích khiêm xung

Tình ân bổ cổn ưng vong bệnh

Hiếu toại tu phần vị khuyến trung

Liễu mạch xuân phong trần bất động

Vân quan dạ nguyệt mộng hoàn thông

Nhi kim ngư, thủy vưu tương đắc

Trú cẩm hà tu hiệu Ngụy công.

Dịch nghĩa:

Từ xưa, người làm Tể tướng, đức nghiệp vọng trọng

Như khanh, nhận chiếu thư giúp đỡ vua của hai triều nhưng lại khiêm nhường

Có lòng giúp vua, nên quên cả đau ốm

Được thỏa lòng hiếu về sửa mộ phần là để khuyên người giữ lòng trung

Dặm liễu gió xuân không hề có chút bụi trần

Đêm trăng ở cửa Ải Vân vẫn mơ màng giấc mộng

Đến nay vua tôi như cá nước gặp nhau

Cần gì phải bắt chước Ngụy Công ngày xưa làm đường Trú Cẩm.

Bài thứ hai là:

Phiên âm:     

Phong tống bồ luân cựu lộ trường

Sơn già thủy khoát bội tương vọng

Nhất phong từ khuyết ngôn hòa lệ

Lục thập ninh gia phát tự sương

Hóa hợp phần du giai tiễn hiếu

Vinh triêm tuyền nhưỡng, túc tăng quang

Quỳ, Long bất nhật hoàn xương hạp

Tiền tịch trùng thính luận điển chương.

Dịch nghĩa:

Gió đưa xe bồ rong ruổi lối cũ dặm trường

Non cao sông thẳm trông ngóng bội phần

Một phong thơ từ biệt kinh sư lời nói hòa lẫn nước mắt

Sáu mươi tuổi về thăm nhà tóc bạc như sương

Giáo hóa khắp quê hương ai cũng hiếu thuận

Ơn nhuần đến suối vàng càng thêm phần vẻ vang

Chẳng bao lâu nữa bậc Qùy, Long sẽ trở về nơi cửa khuyết

Lại được nghe về điển chương ở chiếu giảng như trước.

Năm 1863, sau nhiều lần xin từ quan, ông được vua Tự Đức cho về trí sĩ. Sống những năm tháng cuối đời nơi làng quê chôn rau cắt rốn, ông vẫn đau đáu nỗi lòng trước tình cảnh đất nước rơi vào họa xâm lăng, nhiều lần dâng thư ra Huế bày tỏ nỗi lo toan vận nước. Trương Đăng Quế mất năm 1865, di hài an tang tại quê nhà. Nghe tin ông qua đời, vua Tự Đức bãi triều 3 ngày tổ chức quốc tang, ban tặng ông hàm Thái sư tên thụy là Văn Lương.

Với hơn 40 năm giữ nhiều trọng trách trong triều đình nhà Nguyễn, từ vua Gia Long, Minh Mạng đến Thiệu Trị, Tự Đức, trong đó có 20 năm giữ quyền lực cao, Trương Đăng Quế là vị đại thần có sức ảnh hưởng lớn. Dù ở cương vị nào ông cũng luôn tỏ ra là một vị danh thần trung quân, tài năng xuất chúng, là một người hết lòng vì dân, vì nước, giữ phẩm hạnh, sống thanh bạch, nghĩa khí cho đến ngày nằm lại yên bình nơi quê hương của mình. Ông mãi mãi là tấm gương sáng cho hậu thế.

Tài liệu tham khảo:

(1)  Hồ sơ H17, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

(2)  Hồ sơ H62, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

(3)  Bản dịch sách Đại Nam liệt truyện, Nxb Thuận Hoá, năm 2006.

Ánh Phượng