Trong không khí hân hoan những ngày giáp tết, ngày cuối cùng của năm cũ luôn mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Và thời khắc được mong chờ nhất có lẽ chính là đêm giao thừa, mà người xưa gọi là đêm Trừ tịch.

Theo nghĩa Hán Việt, “trừ” có nghĩa là thay đổi, hoán đổi và “tịch” là đêm nên hai từ “trừ tịch” mang ý nghĩa là “đêm của sự thay đổi” hay “đêm của thời khắc giao thời”. Trong đêm trừ tịch, với quan niệm có 12 vị Hành khiển, Phán quan nhà trời luân phiên trông coi việc dưới hạ giới. Các “quan nhà trời” có ông thiện chuyên phù hộ những điều tốt đẹp cho con người và ông ác gây ra hạn hán, lụt lội, mất mùa, đói kém. Việc lành hay việc dữ là do sớ tấu của các quan Hành khiển, Ngọc Hoàng dựa vào đó mà ban phúc hay trừng phạt con người. Vì vậy, người xưa cử hành lễ Trừ tịch rất trịnh trọng từ trong nhà ra đến các đình chùa. Nói đến đây, chắc hẳn cũng sẽ có nhiều người đặt ra câu hỏi các vị hoàng đế đứng đầu đất nước, sẽ làm gì trong khoảng thời gian linh thiêng này?

Dưới triều Nguyễn, từ thời vua Gia Long đã ra định lệ tế ở các miếu và các từ đường. Ở Thái miếu, các lễ Trừ tịch, Nguyên đán, Đoan dương, hưởng tế, kỵ lạp, sóc vọng, mỗi  năm chi  tiền 4.600 quan. Ở Nguyên miếu, Nguyên đán chi tiền 43 quan, các lễ Đoan dương, tế Chạp, Trừ tịch đều chi tiền 34 quan. Nghi chú tiết Trừ tịch cùng tiết Nguyên đán cũng được bộ Lễ đưa ra cụ thể và được Vua sai chép làm lệ. Theo đó lễ Trừ tịch, Vua đến nhà Thái miếu làm lễ, các quan văn võ từ ngũ phẩm trở lên bồi tế. Ở  miếu  Triệu  tổ  và  miếu  Hoàng khảo, đều sai quan  làm  lễ  Trừ  tịch. Đêm ấy các quan văn võ từ tứ phẩm trở lên túc trực ở hai bên công thự tả hữu; các lễ quan chia nhau túc trực ở các miếu, nhạc công hát thờ.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 25, mặt
khắc 15 ghi chép việc định lệ tế ở các miếu và các từ đường.

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Đặc biệt, để chào đón năm mới, ngoài việc dựng nêu, cho treo cờ, đêm treo đèn trong khắp hoàng cung, dưới thời vua Minh Mạng, trong đêm Trừ tịch, ở sân điện Thái Hoà, mỗi khắc, vua lệnh cho nổ 20 tiếng ống lệnh, suốt đêm đủ 1.000 tiếng. Các cửa Tả Túc, Hữu túc của cung thành, các cửa Tả đoan, Hữu đoan của hoàng thành, các cửa Thể nguyên, Quảng Đức, Chính Nam, Chính Đông, Chính Tây, Chính Bắc, Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc của kinh thành và thuỷ quan cầu Thanh Long, đều sai mở rộng để tỏ rằng vệ Kim ngô không cấm.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 30, mặt khắc 15, 16 ghi chép việc chuẩn định đêm Trừ tịch và mồng 1 mồng 2 tháng Giêng các cửa Tả Túc, Hữu túc của cung thành, các cửa Tả đoan, Hữu đoan của hoàng thành, các cửa Thể nguyên, Quảng Đức, Chính Nam, Chính Đông, Chính Tây, Chính Bắc, Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc của kinh thành và thuỷ quan cầu Thanh Long, đều sai mở rộng để tỏ rằng vệ Kim ngô không cấm.

Nguồn Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Năm 1846, vào đêm Trừ tịch, trong không khí tết đến xuân về, vua Thiệu Trị làm tiệc mừng ban ơn. Các tù phạm bị đày ở trong quân, bị tội đồ làm nô, bị tội khổ sai, hiện đang phải giam ở Kinh là 115 người, nên hội đồng các quan ở Kinh, hiểu thị rõ ràng, tha cho về thăm nhà, hạn cho 15 ngày lại phải đến.

Qua những ghi chép của sử liệu, chúng ta có thể thấy ý nghĩa thực sự của đêm Trừ tịch và sự coi trọng Lễ Trừ tịch của người xưa. Để rồi từ đó, chúng ta càng thấy trân quý hơn những giây phút giao thừa bên người thân với lòng thành kính, sự biết ơn, với bao nhiêu niềm hy vọng, ước nguyện về một năm mới sẽ tốt đẹp, may mắn. Nhân dịp năm cũ sắp qua, năm mới tới, với bài viết này, chúng tôi hi vọng mọi người, mọi nhà sẽ có một đêm giao thừa bên gia đình thật ý nghĩa.

Tài liệu tham khảo:

1.       Hồ sơ H21 Mộc bản Triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

2.       Hồ sơ H22, H23 Mộc bản Triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Mai Duyên (Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)