Triều Nguyễn là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam tồn tại hơn 1 thế kỷ (1802-1945), khởi đầu khi Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy niên hiệu là Gia Long (1802) cho đến khi Bảo Đại thoái vị vào năm 1945. Có thể nói lần đầu tiên trong lịch sử các triều đại phong kiến, triều Nguyễn đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thành sự nghiệpthống nhất lãnh thổ, xây dựng một thiết chế quản lý nhà nước chạy dài suốt từ Mục Nam Quan đến đất Hà Tiên.

Bên cạnh đó, triều Nguyễn còn là triều đại đã để lại nhiều di sản đáng ghi nhận, đặc biệt trên lĩnh vực sử học,với một khối lượng lớn di sản đồ sộ là những bộ sử và các công trình mang tính bách khoa do nhà nước tổ chức biên soạn; có  được những thành tựu đó, chính là nhờcác vua nhà Nguyễn đã nhận thức được tầm quan trọng của lịch sử, coi việc biên soạn quốc sử là công việc trọng đại của một quốc gia nhằm khẳng định tính chính thống của vương triều. Bằng chứng là việc ra đời của Quốc Sử quán – cơ quan công quyền cónhiệm vụ chuyên tráchbiên soạn chính sử, điều này đã chứng minh triều Nguyễn là đại biểu xuất sắc nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam.

Vua Gia Long (1802 – 1819)

Quốc Sử quán được thành lập vào năm Minh Mệnh thứ nhất (1820), trong hơn 100 năm tồn tại, cơ quan này đã biên soạn được nhiều bộ chính sử, chính văn rất có giá trị như Đại Nam thực lục, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí, Minh Mệnh chính yếu…và rất nhiều tác phẩm sử học khác.Bên cạnh Quốc Sử quán, còn có một cơ quan đã trước thuật được nhiều công trình, xứng đáng xếp vào những thành tựu của nền sử học nước nhà, đó là Nội các triều Nguyễn, được thành lập vào năm Minh Mạng thứ 10 (1829).

Mặc dù hiện nay, các bộ chính sử,chính văn đã bị thất thoát một phần bởi các tác động như: chiến tranh, khí hậu khắc nghiệt, những xung đột về chính trị,…nhưng những di sản còn lưu giữ được như Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, địa bạ, thư tịch, hệ thống các hương ước,… đã cho chúng ta thấy được giá trị lịch sử vô giá mà triều Nguyễn để lại trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc.

1. Lịch sử hình thành Quốc Sử quán và Nội các triều Nguyễn

Sau khi lên ngôi không lâu, mặc dù bận trăm công ngàn việc để ổn định chính trị của một vương triều vừa mới thành lập, nhưng vua Gia Long đã chú trọng ngay đến việc biên soạn lịch sử, bởi thông qua sử học có thể có thể củng cố, nâng cao vai trò vị thế của triều đại. Chính vì vậy, Sử cục đã được thành lập, đây chính là cơ quan sơ khai, tiền thân của Quốc Sử quán sau này. Sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ chép,vào năm Tân Mùi (1811), vua Gia Long bàn việc soạn bộ Quốc triều thực lục và lần đầu tiên tên gọi Sử cục đã xuất hiện trong thư tịch nhà Nguyễn“Triệu thị trung học sĩ là Phạm Thích, Đốc học Sơn Nam thượng là Nguyễn Đường, đốc học Hoài Đức là Trần Toản về kinh, sung chức Biên tu ở Sử cục”(1).Như vậy, có thể khẳng định Sử cục đã trở thành một cơ quan trong bộ máy nhà nước dưới thời vua Gia Long với nhiệm vụ biên soạn chính sử, trong quá trình hoạt động, Sử cục đã biên soạn được bộ “Hoàng Việt luật lệ” hay còn gọi là bộ “Luật Gia Long”, bộ luật này gồm 22 quyển, 398 điều, được biên soạn vào đầu năm 1811. Theo lời tựa sách thì vua trực tiếp đọc duyệt, tu chỉnh lại sau cùng, mới cho phép khắc in và ban hành trên phạm vi toàn quốc vào năm 1813 (tức vào năm Gia Long thứ 12).

Vua Minh Mạng (1820 – 1840)

Tiếp theo Sử cục, vị vua thứ hai của triều Nguyễn là Minh Mệnh đã cho lập ra một cơ quan viết sử lớn đầu tiên của triều đại đó là Quốc Sử quán. Quốc Sử quán bắt đầu được khởi công xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 1 (1820), vua dụ bầy tôi rằng: “Nhà nước ta từ khi mở mang đến nay, các thánh nối nhau hàng 200 năm. Kịp đến thế tổ các hoàng đế ta trung hưng thống nhất đất nước, trong khoảng ấy sự tích công nghiệp nếu không có sử sách thì lấy gì để dạy bảo lâu dài về sau. Trẫm muốn lập Sử quán, sai các nho thần biên soạn quốc sử thực lục, để nêu công đức về kiền, đốc, cơ, cần, làm phép cho đời sau,…”(2).Nhà vua bèn lệnh cho chọn đất ở bên tả trong Kinh thành, họp thợ xây đắp, hơn một tháng thì xong.Về địa điểm tọa lạc, theo sách “Đại Nam nhất thống chí” thì Quốc Sử quán được dựng ở phường Phú Văn trong kinh thành, gồm nhà chính để làm việc và hai dãy nhà phụ bên đểnhân viên Tu thư trong Quán cư trú. Khi vua Minh Mệnh tới thăm đã cho đặt “ngự tọa”ở chính giữa và cho dựng hai tấm bia “khuynh cái hạ mã” ở trước cửa.

Quốc Sử quán được khai trương chính thức vào ngày 6 tháng 5 năm 1821,tại điện Cần Chánh, triều đình đã tổ chức ban yến cho các quan văn, võ đại thần vì đây “là điển lệ to lớn của đất nước”.Trong quá trình hoạt động, đến đời vua Thiệu Trị đã cho mở rộng Quốc Sử quán,dựng thêm hai tòa nhà phụ, tòa nhà bên trái dành cho Toản tu có tên là Công thự, tòa nhà bên phải dành cho Biên tu có tên là Giải Vũ đài. Năm Tự Đức thứ 2 (1849), vì số lượng công trình được biên soạn và khắc in xong khá nhiều, nên triều Nguyễn đã cho dựng thêm Tàng bản đường ở phía sau Sử quán để chứa ván in sách. Sau đó, vào năm 1857, vua Tự Đức tiếp tục cho dựng thêm nhà chứa ván in ở cục in sách tại Sử quán“Tầng trên lát ván, đem ván in bộ thực lục để ở gian chính giữa, các ván in các tập thơ văn vua làm ra và bộ Khâm định tiễu bình Nam Bắc kỳ phương lược để ở hai bên tả hữu, lại đem ván in 2 pho Thông Giám, Uyên Giám mới (do Hải Dương, Sơn Tây đệ nộp) để ở tầng dưới, để tiện in ra”(3). Vào đời vua Kiến Phúc (1884), để tu sửa bộ “Dực tông Anh hoàng đế thực lục chính biên làm đệ tứ kỷ”, triều Nguyễn cho dựng thêm một dãy nhà ngói làm Sở khâm tu (về phía đông ở trước nhà Sử quán, gồm 7 gian, 2 chái). Trải qua thời gian, với quy mô ngày càng mở rộng dưới các đời vua,Quốc Sử quán đã chứng tỏ vai trò to lớn của mình trong việc biên soạn chính sử, thực lục của triều Nguyễn.

Nội các triều Nguyễn được thành lập vào năm Minh Mệnh thứ 10 (1829), tiền thân của Nội các là Thị thư viện, Thị hàn viện, Nội hàn viện và Thượng bảo ty, năm Minh Mệnh thứ 1 (1820), vua đã cho gộp 4 cơ quan này lại đặt thành Văn thư phòng nhằm quản lý thống nhất văn phòng giúp việc vua về công văn giấy tờ. Năm 1829, vua Minh Mệnh đã cải tổ Văn thư phòng và thành lập Nội các. Chức năng chính của Nội các là chuyên trách công việc ấn chương, giấy tờ, sổ sách của các cơ quan trong triều đình. Nhưng Nội các còn được giao một số nhiệm vụ mang tính chất sử học như ghi lại lời nói và việc làm của vua (được gọi là Khởi cư chú), chép việc làm của các bộ, viện,… và điển chế của nhà nước đã đem thi hành. Trong số những bộ sách do Nội các triều Nguyễn biên soạn và san khắc thì bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ là công trình to lớn nhất và có giá trị nhất.

Việc Quốc Sử quán và Nội các triều Nguyễn chính thức được thành lập và đi vàohoạt động trong hơn 100 năm với nhiệm vụ biên soạn chính sử,thực lục đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử, góp phần khẳng định cơ sở pháp lý mang tính chính thống của vương triều Nguyễn.

2. Vai trò của các vua Nguyễn trong việc biên soạn quốc sử

Dưới triều Nguyễn, công việc nghiên cứu và biên soạn lịch sử được các vua nhà Nguyễn rất chú trọng, các hoàng đế quan niệm rằng“sinh vào khoảng ngàn, trăm năm ở đời sau mà hay biết được những việc thuộc ngàn, trăm năm về trước, là do đâu, nếu không nhờ có sử? Cho nên, đời nào cũng vậy, các bậc vua tôi cùng những sĩ dân nam nữ không thể nào không đọc sử”(4), bởi lịch sử sẽ giúp cho các thế hệ hiểu biết được đầy đủ và đúng đắn về quá khứ của dân tộc.

Ngay sau khi lên ngôi không lâu, để kiện toàn đất nướccác trên lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực sử học,vua Gia Long đã xuống chiếu sưu tầm tư liệu cùng sách vở đang tàng trữ trong dân gian và trong các kho chứa. Tờ chiếu đã nêu rõ quan điểm của triều nguyễn là muốn kế thừa truyền thống trị nước tốt đẹp của các vương triều trước với nội dung “Đạo dựng nước, phải có phép thường; mà cách sửa trị, nên tìm điển cũ. Nước Việt ta, các đời Đinh, Lý, Trần, Lê nối nhau, chính trị có điều theo điều đổi, trong khoảng ấy điển chương pháp độ, há không có điều gì đáng thuật sao?”(5). Việc vua Gia Long cho tiến hành sưu tầm thư tịch, điển tích cũng không ngoài mục đích phục vụ việc biên soạn sử sách, công việc này đặc biệt rất được quan tâm:“Phàm dân chúng có điển xưa việc cũ, hoặc ở kho nhà nước còn để lại, hoặc được nhà riêng ghi chép, hết thảy điển chương điều lệ, cho phép do quan sở tại dâng lên”(6). Ngoài ra,Gia Long còn khuyến khích việc sưu tầm những sự tích cũ của triều Lê và Tây Sơn, nhà vua đã ban chiếu “cho các trấn ở Bắc Thành, ai có thu chép được sự tích nhà Lê cũ và sự tích giặc Tây Sơn thì đem sách dâng”(7). Bên cạnh đó, nhà vua còn khen thưởng cho những người cung cấp những tư liệu tốt. Với biện pháp khai thác sử liệu bằng nhiều hình thức, cùng với việc ban thưởng động viên, khích lệ quần chúng tham gia đã tạo thành một phong trào sưu tầm thư tịch trên cả nước, nhiều tư liệu sách sử quý như Đại Việt Sử ký toàn thư, Hồng Đức luật lệ, Hoàng Việt thông chí và những bộ sách quý của Lê Quý Đôn đã được hiến tặng phục vụ cho việc biên soạn Quốc triều thực lục.

Năm 1820, sau khi lên nối nghiệp cha, vua Minh Mệnh đã tiến hành nhiều biện pháp cải cách sâu rộng về hành chính, trong đó vấn đề văn khốđược đặc biệt quan tâm, sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ chép “Vua rất để ý việc soạn thuật, mới lên ngôi đã cho tìm thư tịch cũ còn sót ở mọi nơi”(8)nhà vua đã xuống chiếu tìm sách cũtrong toàn dân với mong muốn: “Trẫm nghĩ đế vương các đờidấy lên, tất có sách sử mỗi đời để chép lời nói việc làm và công việc chính trị mà để lại đời sau. Nhà nước ta, từ Triệu tổ hoàng đế mở đất dựng nước, Thái tổ hoàng đế chịu mệnh nối ngôi, các thánh nối nhau rỡ ràng sáng rạng hơn hai trăm năm, trong khoảng ấy đều có sự tích. Duy vương chế chưa đủ, Sử cục chưa có sự biên chép của quan Trụ hạ (tên quan đời Chu Tần, tức là Ngự sử đứng hầu dưới điện vua) hãy còn thiếu sót. Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta, trung hưng nghiệp đế, dựng nên thái bình, nhớ lại công xưa, nghĩ tìm thực lục, nhưng muôn việc nên không kịp làm, sử chức vẫn còn bỏ thiếu. Trẫm nghĩ đến điển xưa noi theo chí trước, ngửa nghĩ rằng nhờ công đức các đời mở đắp mới có ngày nay, càng muốn làm cho rõ rệt dấu xưa, giao cho sử quan soạn thuật. Nhưng từ lúc dấy quân về sau, kho sách không có bằng chứng, duy các nhà nhiều học thức hoặc còn ghi chép được chăng. Vậy chuẩn cho quan dân trong ngoài, phàm nhà nào cất được những bản biên chép điển cũ của triều trước, thì không kể tường hay lược, đem nguyên bản tiến nộp hoặc đưa cho nhà nước sao chép, đều có khen thưởng”(9).Việc sưu tầm, bổ sung tư liệu do đích thân nhà vua phát động đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo dân chúng, quan lại trong và ngoài kinh đều đem đến dâng những bộ sách quý, từ đó đã tập trung được nguồn thư tịch có giá trị phục vụ cho việc khảo cứu, biên soạn ra nhiều bộ chính sử có giá trị.

Khi kế tục sự nghiệp, vua Thiệu Trị cũng cho rằng “Tín sử chép rõ việc từng đời, để lại làm gương cho đời sau, là việc rất quan trọng”(10) cho nên việc biên soạn chính sử đã được củng cố với nhiều biện pháp như bổ thêm quan chức, lại dịch cho Quốc Sử quán, ban thưởng cho những người tham gia biên soạn sử sách; hàng loạt các bộ chính sử, chính văn đã được biên soạn xong trong thời gian này như Đại Nam thực lục tiền biên, Ngự chế thi, Ngự chế hoàng huấn,…

Nối tiếp các đời vua trước, vua Tự Đức đã phát huy việc biên soạn chính sử, nhà vua cho rằng:“…nước có chính sử là để tỏ rõ thể thống kỷ cương và truyền bảo cho đời sau, từ xưa đế vương dấy lên, sửa sang xây dựng, không việc nào lớn bằng việc ấy”(11). Vua Tự Đức từng chỉ dụ sử thần trong Sử quán “Ba quyền lớn trong cõi thì sử là một. Trong năm điều khó của tác giả, sử là kiêm cả. Huống chi hoàng tổ ta, tâm pháp truyền trao rất tinh, trị thống mở dăng rất diệu, làm ra thật là thánh, trí thuật lại thật là thông minh, bày ở văn thư thì pháp độ rất tường, ghi ở tả sử thì nhặt rất kỹ, xét sửa tìm tòi, việc rất bề bộn. Sử thần các ngươi đều nên gia tâm kê cứu, hết sức chép sửa, cốt sao cho văn có đủ bằng chứng, việc đều ghi được sự thật, thì mới làm cho thêm rạng đức sáng đời trước, để rõ tín sử để lại đời sau. Phải kính theo lời dụ ấy”(12).

Vua Tự Đức (1848 – 1883)

Việc thiết đặt các chức quan trong Quốc Sử quán cũng được triều Nguyễn chú trọng, dưới triều Gia Long các chức Biên tu, Tổng tài, phó Tổng tài đã được đặt ra, vị tổng tài đầu tiên của Sử cục triều Nguyễn là Nguyễn Văn Thành. Sau này, khi Quốc Sử quán đi vào hoạt động, để kiện toàn tổ chức bộ máy, vua Minh Mạng đã xuống chiếu “Nay dựng lên Sử quán để biên soạn quốc sử, thực lục các triều đại. Giao cho các đại thần huân lao, kỳ cựu cùng những quan giỏi văn từ sung vào chức sử thần, Tổng tài, Toản tu”(13).Tháng 5, năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), khi tiến hành biên soạn sách “Liệt thánh thực lục”, vua Minh Mệnh đã ban dụ “Nước phải có sử để làm tin ở đời này mà truyền lại cho đời sau. Từ xưa các đế vương đời nào cũng có chế tác, chẳng gì là không ghi chép, để lại cho tương lai, rồi hạ lệnh cho các sử quan trong ngoài từ tứ phẩm trở lên đều phải trình bày lý lịch đầy đủ để sung vào các chức quan tham gia biên soạn quốc sử, trong đó thự Chưởng Hữu quân Nguyễn Văn Nhân được cử làm Tổng tài, Thượng thư Trịnh Hoài Đức và Phạm Đăng Hưng làm Phó Tổng tài, Tham tri Trần Minh Nghĩa, Nguyễn Khoa Minh, Nguyễn Văn Hưng, thự Tham tri Nguyễn Huy Trinh, Hàn lâm chưởng viện học sĩ Hoàng Kim Hoán, Thái thường Tự khanh Lê Đồng Lý, Lại bộ Thiêm sự Lê Đăng Doanh, Đông các học sĩ Đinh Phiên, Hàn lâm Thị giảng học sĩ Nguyễn Tuần Lý, Nguyễn Mậu Bách sung làm Toản tu, Thị độc Cao Huy Diệu, Biên tu Hoàng Quýnh cùng 25 người khác làm Biên tu. Đặt ra 5 người giữ chức Khảo hiệu, 12 người giữ chức Thu chưởng, 8 người giữ chức Đằng lục. Ngoài ra để khích lệ tinh thần các sử quan, vua Minh Mạng còn ban cho bạc thay yến, mỗi chức vụ được ban thứ bậc khác nhau như: Tổng tài 15 lạng, Phó tổng tài 10 lạng, Toản tu 8 lạng, Biên tu 6 lạng, Khảo hiệu 4 lạng, Thu chưởng, Đằng tả 2 lạng; đồng thời mỗi ngày ban 1 bữa ăn. Sau lại cho đổi cấp tiền ăn hàng tháng, Toản tu 5 quan, Biên tu 3 quan, Khảo hiệu 2 quan, Thu trưởng, Đằng tả 1 quan 5 tiền(14). Đến năm Minh Mệnh thứ 11 (1830), việc phân cấp tuyển chọn nhân sự vào làm việc trong Quốc Sử quán cũng được quy định như sau:“Chức Tổng tài và Phó tổng tài thì do đích nhà vua đặc biệt kén chọn; chức Toản tu trở xuống thì xin lấy quan viên trong ngoài ai làm được việc thì sung bổ”(15). Công tác kiện toàn về cơ cấu tổ chức của Quốc Sử quánphục vụ công tácbiên soạn và khắc in các bộ chính sử,chính văn còn được tiếp tục bởi các vị vua như Thiệu Trị, Tự Đứccho đến các vua sau cùng của triều Nguyễn.

3. Những quy định của triều đình trong việc biên soạn, san khắc và in ấn

Để tiến hành biên soạn các bộ quốc sử, thực lục các triều vua, các sách chuyên khảo về địa chí, văn hóa, giáo dục theo mệnh lệnh vua, triều đình nhà Nguyễn đã thiết lập ra một bộ máy biên tập, đứng đầu chịu trách nhiệm thi hành là những văn, võ đại thần đầu triều, bên cạnh đó còn có hàng loạt những quy chế nghiêm ngặt trong việc soạn thảo, san khắc và in ấn. Trong quá trình biên soạn, để hoàn thành bản thảo, các sử quan phải khảo cứu thực hiện trong một thời gian dài, tốn nhiều công sức. Mỗi bộ sách sau khi biên soạn xong đều được các vị chuyên trách, đứng đầu là Tổng tài, kiểm duyệt kỹ càng, trải qua nhiều khâu, cuối cùng được chép “tinh tả” rõ ràng theo nguyên bản, kèm theo biểu dâng sách tiến trình hoàng đế “ngự lãm”.

Tuy nhiên, vì là tín sử (sử đáng tin) của thời thanh bình, cho nên việc tổ chức biên soạn, san khắc được triều Nguyễn rất coi trọng, sau khi thiết lập Quốc Sử quán, vua Minh Mạng liền hạ lệnh cho tiến hành biên soạn bộ Liệt thánh thực lục, việc soạn thảo, biên tập cũng được quy định cụ thể “thống nhất theo từng thời, theo từng năm để ghi việc, ý nghĩa về thể lệ đều rõ ràng”(16). Vua Minh Mạng đã không ít lần trăn trở, yêu cầu các sử quan phải cố gắng hết sức và chuyên tâm trong công việc, vua dụ “Nhà nước có sử là để làm tài liệu đáng tin cho đời nay và truyền mãi về sau… Những người được chọn vào việc này, đã được ban yến vẻ vang, lại được cấp lương ưu hậu…Thế mà từ Tổng tài, Toản tu trong đợt làm việc ấy trở xuống không chịu hăng hái cố gắng làm tốt, lại kéo dài bao năm. Nay ta muốn hai tay cầm đọc thì chỉ mới có bản thảo chưa viết tinh tường. Những người thừa hành mà bất lực như thế, thật phụ lòng ta quá lắm! Đáng phải giao cho bộ nghiêm xét, nhưng lại nghĩ nhiều người đã điệu bổ đi nơi khác hoặc đã quá cố rồi, hiện nay không còn mấy, vậy không cần truy cứu nữa”. Nhà vualại “chuẩn cho mỗi ngày 1 viên luân phiên nhau họp làm… lần này sai làm là lần thứ hai, các ngươi nên gia công khảo đính, sửa chữa, cốt cho đúng phương pháp trong cách chép hoặc tước bỏ, không thiếu sót trong việc sưu tầm lặt lượm. Mỗi khi làm xong một kỷ thì lại chuẩn cho viết rõ lại ngay, dâng lên.”(17)

Trong Biểu dâng tiến trình sách “Liệt thánh thực lục tiền biên”,các sử thần đã kính cẩn tâuvề việc biên soạn như sau: “Bọn thần học thức nông cạn, từ lúc vâng mệnh tới nay, ngày đêm lo sợ, cùng nhau cố gắng. Trước hết, kính cẩn kiểm duyệt những nguyên bản các kỷ tiền biên, sau xét các điển cũ và chí lục ở Sử quán, cùng sách vở ở các địa phương dâng lên, tìm tòi cho rõ thêm, có chỗ cần thêm đổi, ghi chép theo từng khoản, viết thành bản mẫu dâng trình để kính xin ngự lãm và quyết định. Trong đó, hoặc có sự tích chưa rõ, thì đã vâng sắc mà tìm thêm để bổ khuyết. Trông lên biết ý vua suy nghĩ rộng khắp kỹ càng, đã tinh còn muốn tinh thêm, thực rất chu đáo. Bọn thần kính vâng lời dạy, dốc lòng cố sức, có những khoản nên sửa chữa, đã vâng lệnh làm xong”(18).Bộ Liệt thánh thực lục tiền biên, bắt đầu được khởi soạn từ năm Minh Mạng thứ 2 (1821) cho đến năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) thì việc khắc in xong. Như vậy riêng phần tiền biên của bộ chính sử lớn nhất của triều Nguyễn đã phải thực hiện trong vòng 23 năm mới hoàn thành, qua đó chúng ta có thể thấy được bề dày về thời gian, công sức, trí tuệ của các sử thầnđã đóng góp.

Mỗi bản thảo sau khi hoàn thành, đều được kính cẩn dâng lên vua ngự lãm, sau khi vua xem và phê duyệtsẽ ban dụ cho đi khắc in. Việc khắc ván in cũng rất công phu và phức tạp, tốn nhiều thời gian, các công đoạn được tiến hành rất cẩn trọng. Trong lời dụ của vua Thiệu Trị về việc khắc in bộ sách Liệt thánh thực lục tiền biên đã ghi “Sai ngay Thái sử chọn ngày khởi công ở quán, lại giao cho các viên Toản tu kiểm điểm khoản thức chữ viết, mọi việc cho chu đáo ổn thỏa; các đại thần Tổng tài cũng cần xem xét luôn cho sớm xong việc lớn, để truyền bá về sau. Có cần dùng vật liệu nhân công thì sai Hữu ty kính cẩn ứng biện” (19).

Việc tuyển chọn thợ viết chữ và thợ san khắc cũng hết sức tỉ mỉ và thận trọng, thợ viết chữ, thợ san khắc phải là những người giỏi được tuyển chọn trong cả nước sung vào làm việc tại Quốc Sử quán. Bản thân những người thợ này vốn là những người trọng chữ nghĩa, văn chươngnên mỗi thao tác thực hiện đều rất tỉ mỉ, ít khi để sai sót.Để đảm bảo đúng quy trình san khắc, các viên quan có chức trách cao ở Quốc Sử quán được điều phái đến trông coi, kiểm duyệt. Các công đoạn được diễn ra như sau:

Một là, cử các viên quan viết chữ đẹp và rõ ràng chép lại bản thảo, bản thảo đưa đi khắc inđược làm khung cố định cùng ván khắc;

Hai là, sau khi ván khắc đã được chuẩn bị xong, bản thảo sẽ được dán lên trên bề mặt gỗ để tạo thành các đường nét làm cơ sở cho các nghệ nhân bắt đầu quá trình chạm khắc. Bột hồ được phết lên tấm gỗ đã được chuẩn bị, khi dán bản thảo phải dán từ ngoài vào trong và phết thêm một lần bột hồ nữa. Sau khi bản thảo khô, phết dầu thực vật và các ký tự sẽ nổi lên, dầu thấm vào gỗ nhanh và sâu hơn nước, do vậy mỗi nét bút của chữ sẽ nổi rõ giúp cho việc chạm khắc trở nên dễ dàng hơn.(Ván khắc là những tấm gỗ đã trải qua các công đoạn xử lý như: chọn gỗ, quá trình làm ngấu, quá trình tẩy nhựa cây, xẻ gỗ; loại gỗ được chọn làm ván khắc thường là những loại có độ bền cao, mền, mịn dễ san khắc, đồng thời có khả năng chống cong vênh, mối mọt).

Ba là, quá trình chạm khắc, công việc này đòi hỏi có một kỹ thuật khéo léo mới có thể san khắc chính xác từng đường nét của chữ Hán Nôm,đảm bảo đúng nội dung của bản thảo đã ghi. Sau khi chạm khắc, nếu phát hiện lỗi, 1 ký tự hoặc 1 dòng sẽ được thay thế bằng một mẩu gỗ khác và sử dụng kỹ thuật khảm để thay thế. Ván khắc có nét chữ nổi lên thì gọi là “dương văn”, nếu chữ lõm xuống thì gọi là “âm văn”, thông thường các ván khắc in Mộc bản là “dương văn”.

Những bộ ván sách (tài liệu Mộc bản) sau khi khắc in xong, được đưa vào bảo quản tại Tàng bản đường trong Quốc Sửquán để phục vụ việc in dập và ban cấp cho các nơi theo mệnh lệnh vua. Nhờ đó, những bộ chính văn, chính sử khi in ra sẽ tránh được tình trạng “tam sao thất bản” trong quá trình nghiên cứu, sử dụng. Với Bộ biên tập và quy trình biên soạn, san khắc như vậy, các tác phẩm chính văn, chính sử của triều Nguyễn đồng thời cũng là những tác phẩm mang tính pháp lý cao của triều đình nhà Nguyễn.

4. Một số bộ chính sử tiêu biểu của triều Nguyễn

Bộ Đại Nam thực lục là bộ quốc sử lớn nhất, quan trọng nhất của triều đình nhà Nguyễn do Quốc Sử quán biên soạn. Bộ sử này đã được các sử thần nối tiếp nhau biên soạn và san khắc trong vòng 88 năm mới hoàn thành, từ năm Minh Mạng thứ 2 (1821) đến năm Duy Tân thứ 3 (1909). Đại Nam thực lục được viết theo thể  biên niên, gồm hai phần Tiền biên và Chính biên.

Đại Nam thực lục tiền biên (còn gọi là Liệt thánh thực lục tiền biên), ghi chép về các mặt hoạt động của 9 đời chúa Nguyễn, bắt đầu từ Thái tổ Gia Dụ hoàng đế – Nguyễn Hoàng (còn gọi là chúa Tiên) vào trấn thủ Thuận Hóa năm 1558 đến hết đời Duệ tông Hiếu Định hoàng đế (chúa Sãi) – Nguyễn Phúc Thuần năm 1777. Đại Nam thực lục tiền biên được khởi soạn năm Minh Mạng thứ 2 (1821), khắc xong vào năm Thiệu Trị thứ 4 (1844).

Đại Nam thực lục chính biên tiếp tục ghi chép về lịch sử vương triều Nguyễn, từ năm Mậu Tuất (1778) đến đời vua Đồng Khánh (1888), bộ sách được chia làm nhiều kỷ, mỗi kỷ là một đời vua: đệ nhất kỷ (ghi chép các sự kiện lịch sử dưới thời vua Gia Long); đệ nhị kỷ (về vua Minh Mạng); đệ tam kỷ (về vua Thiệu Trị); đệ tứ kỷ (về vua Tự Đức); đệ ngũ kỷ (cuối đời vua Tự Đức đến đời vua Kiến Phúc); đệ lục kỷ (từ đời vua Hàm Nghi đến đời vua Đồng Khánh); đệ thất kỷ (đời vua Khải Định).

Mộc bản và bản dập bìa sách “Đại Nam thực lục tiền biên”

Để có thể biên soạn một cách tỉ mỉ, cụ thể với các thông tin ghi chép đạt độ xác thực cao, thì các sử thần làm việc tại Quốc Sử quán đã phải nghiên cứu, thực hiện một khối lượng công việc đồ sộ, do vậy, đây thực sự là bộ quốc sử quy mô nhất, giá trị nhất của triều Nguyễn.

Minh Mạng chính yếu do Quốc Sử quán triều Nguyễn biên soạn vào năm Minh Mạng thứ 18 (1837); “Chính yếu” được hiểu là những “đại yếu của chính thể”. Đó là những chính sách lớn, cốt yếu được đưa ra thi hành. Theo quy định, những việc lớn thì được chép rõ ràng, đầy đủ, còn việc nhỏ thì chép sơ lược…Năm Minh Mạng thứ 21 (1840), sách biên soạn xong, sau đó tiến hành khảo duyệt.

Về thể thức, sách được kết cấu theo trình tự từng mặt hoạt động, trong từng quyển có các thiên (chương). Trong mỗi thiên, các sự kiện, các việc được ghi chép theo trình tự thời gian từ trước về sau, khởi chép từ năm Minh Mạng thứ nhất (1820).

Mộc bản và bản dập bìa sách “Minh Mệnh chính yếu”

Về nội dung: là những ghi chép về các chính sách, những việc thiết yếu đã được đưa ra thi hành dưới triều vua Minh Mạng trên nhiều lĩnh vực như: sinh hoạt cung đình, hình luật, lễ nhạc, ngoại giao, trị an, khai hoang khẩn hóa…

Sách được khắc in vào năm Thành Thái thứ 9 (1897).

Đại Nam nhất thống chído Quốc Sử quán biên soạn năm Duy Tân thứ 3 (1910).

Về nội dung: sách biên chép một cách tổng quát và đầy đủ những việc, những sự tích của từng tỉnh, thành từ năm Thành Thái thứ 18 trở về trước. Việc biên chép thực hiện theo 30 nguyên tắc được nêu trong phàm lệ. Sách gồm các mục: Phân dã (ranh giới), diên cách (quá trình hình thành và phát triển), hình thể, khí hậu, phong tục, thành trì, học hiệu (trường học), hộ khẩu, điền phú (thuế ruộng đất), sơn tấn (đồn ải), dịch trạm, lý lộ (đường sá), bến đò, cầu cống, đê điều, chợ, nhân vật (gồm có: con có hiếu, liệt nữ, tăng thích…) và thổ sản của địa phương.

Mộc bản và bản dập bìa sách “Đại Nam nhất thống chí”

Khâm định Đại Nam hội điển sự lệlà bộ sách do Nội các triều Nguyễn biên soạnrất công phu, kéo dài 12 năm, bộ sách chứa đựng một khối lượng đồ sộ những kiến thức, sử liệu chân xác, đặc biệt là về thiết chế và hoạt động của bộ máy nhà nước triều Nguyễn.

Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ được biên soạn theo Chỉ dụ của nhà vua vào các năm Thiệu Trị thứ 3 (1843); Thiệu Trị thứ 6 (1846); Tự Đức thứ 3 (1850) và Tự Đức thứ 4 (1851). Số lượng quan chức tham gia biên soạn sách khá lớn. Ngoài các Đại thần, các bậc danh tài như Miên Định, Miên Nghi, Vũ Xuân Cẩn, Trương Đăng Quế, Phan Thanh Giản,…ngoài ra, còn có quan lại của 6 Bộ, của các Ty, Viện…lên tới khoảng 160 người.

Về thể thức, sách được sắp xếp theo từng loại mục; về nội dung ghi chép khá đầy đủ các điển pháp, quy chuẩn và các dữ kiện liên quan đến tổ chức và hoạt động của các tổ chức trong bộ máy nhà nước triều Nguyễn.

Sách được khắc in vào năm Mậu Thìn (1865).

Việc triều đình nhà Nguyễn thiết lập và tổ chức được một hệ thống bộ máy cơ quan công quyền có nhiệm vụ biên soạn quốc sử, thực lục đã ghi dấu ấn vào lịch sử bởi những công trình sử học mang tính chất đồ sộ và giá trị.

Hiện nay, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đang lưu giữ và bảo quản 34.619 tấm Mộc bản với 152 đầu sách được sản sinh ra dưới triều Nguyễnđã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Đây thực sự là kho tư liệu quý, là nguồn sử liệu có giá trị cao, cung cấp cho giới nghiên cứu nguồn tư liệu gốc, phong phú và đáng tin cậy khi nghiên cứu về lịch sử, văn hóa Việt Nam và một số nước trên thế giới. Những bộ thư tịch giá trị trên không chỉ là di sản quý giá của Việt Nam mà còn mang trong mình ký ức nhân loại, đã được ghi vào bộ nhớ của thế giới.

………………………………………

Tài liệu tham khảo:

1. Mộc bản triều Nguyễn, Di sản tư liệu thế giới, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV:

(1). Hồ sơ số H21/43, Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ;

(2). Hồ sơ số H22/4, Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ;

(3). Hồ sơ số H24/18, Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ;

(4). Hồ sơ số H97/1, Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập;

(5),(6), (7). Hồ sơ số H21/43, Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ;

(8). Hồ sơ số H22/10, Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ;

(9). Hồ sơ số H22/4, Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ;

(10). Hồ sơ số H22/147, Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ;

(11). Hồ sơ số H21/1, Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ;

(12). Hồ sơ số H22/1, Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ;

(13). Hồ sơ số H48/98, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ;

(14). Hồ sơ số H22/10, Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ;

(15). Hồ sơ số H22/66, Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ;

(16). Hồ sơ số H28/1, Đại Nam thực lục tiền biên;

(17). Hồ sơ số H22/3, Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ;

(18). Hồ sơ số H28/1, Đại Nam thực lục tiền biên;

(19). Hồ sơ số H21/2, Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ.

2. Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 1,2,3,4,5,6,7,  Nxb Giáo dục, 2004.

3. Quốc Sử quán triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 4, Nxb Thuận Hóa, 2005.

4. Triều Nguyễn & lịch sử của chúng ta, Tạp chí Xưa &Nay, Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2008.