Đi đâu cũng nhớ quê mình

Nhớ sông Hương gió mát, nhớ non Bình trăng treo

Câu ca dao nổi tiếng ấy được người dân xứ Huế tự hào truyền tai nhau qua biết bao nhiêu đời. Cùng với sông Hương, núi Ngự là món quà vô giá thứ hai mà thiên nhiên đã dành tặng cho Cố đô Huế thơ mộng. Vì vậy mà Huế còn được gọi là xứ sở của sông Hương – núi Ngự. Không chỉ đến bây giờ, người ta mới đắm say trước cảnh quan tươi đẹp của núi Ngự, mà cách đây hàng trăm năm trước, các vị vua chúa nhà Nguyễn đã bắt đầu phát hiện ra vẻ tiềm ẩn của núi Ngự và bắt đầu dần khai thác nó.

Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc Sử quán triều Nguyễn biên soạn có ghi về núi Ngự Bình ngắn gọn như sau: “ở phía Đông bắc Hương Thủy, nổi vọt lên ở quảng đất bằng như hình bức bình phong làm lớp án thứ nhất trước kinh thành, tục gọi là núi Bằng. Đời Gia Long đặt cho tên hiện nay (Ngự Bình), đỉnh núi bằng phẳng, khắp nơi trồng thông”.

Núi Ngự Bình cao chừng 105m, dáng uy nghi, cân đối. Hai bên núi có hai ngọn núi nhỏ chầu vào, gọi là Tả Bật sơn và Hữu Bật sơn. Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Trăn, núi Ngự Bình đã được xem như án ngự của kinh đô Huế. Mộc bản sách Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 6, mặt khắc 4,5 có ghi rằng: “Mùa thu, tháng 7, lấy phủ cũ làm miếu Thái Tông, dời dựng phủ mới sang Phú Xuân (tên xã, thuộc huyện Hương Trà, tức là kinh thành bây giờ), lấy núi đằng trước (tức núi Ngự Bình) làm án; đắp tường thành, xây cung điện, trước mặt đào hồ lớn, trồng hoa cỏ cây cối, thể chế rất tráng lệ. Lại thấy nước sông ở thượng lưu chảy xói vào phía hữu, sai xây tháp ở bờ sông để trấn áp”.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 6, mặt khắc 4, 5 ghi về việc chúa Nguyễn Phúc Trăn cho lấy núi Bằng làm án ngự của Kinh thành

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Sau khi vương triều Nguyễn được thành lập, quyết định xây dựng kinh thành Huế, thấy Bằng Sơn như một bức bình phong án ngự trước mặt, vua Gia Long đã tiếp tục quyết định chọn ngọn núi này làm tiền án của hệ thống phòng thành đồ sộ, kiên cố và đổi tên là núi Ngự Bình.

Với cảnh sắc tươi đẹp, núi Ngự đã trở thành quà tặng vô giá mà tạo hóa đã ban cho Kinh đô Huế. Núi Ngự Bình được vua Minh Mạng cho khắc hình tượng vào Nhân đỉnh thuộc cửu đỉnh đặt trước Thế Miếu cùng với các hình khác như mặt trăng, biển Nam, sông Hương, sông Phổ Lợi, cá voi, hoa sen, quả nam trân… Năm Đinh Dậu (1837), vua bảo với thị thần về ý định lên núi Ngự Bình thưởng ngoạn thiên nhiên. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 184, mặt khắc 4 ghi: “Vua bảo thị thần rằng: Triều nhà Thanh, tiết Trùng cửu, vua tôi cùng lên chỗ cao, thưởng thú uống rượu làm vui, ở phía trước Kinh thành, cách sông, có núi Ngự Bình hơi cao, nên khai thác 1 chỗ, trồng khắp hoa cỏ, hằng năm đến ngày Trùng cửu, đặt bày bức màn vàng, để trẫm cùng các khanh lên đấy, cùng thưởng tiết tốt cũng nên”.

Một năm sau, tức năm Mậu Tuất (1838), vào mùa xuân, tháng 3, vua Minh Mạng cho sửa sang núi Ngự Bình. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 190, mặt khắc 14 có ghi chép như sau: “Sửa sang núi Ngự Bình. Vua cho núi ấy là nơi thắng cảnh ở Kinh kỳ, từ trước tới nay chưa từng sửa sang, cây cỏ um tùm, đường sá rậm rạp, bèn phái ra 500 biền binh, cứ theo đường từ bờ sông Lợi Nông chạy dài đến chân núi, tuỳ thế sửa sang, chỗ rậm rạp thì cắt bỏ đi, chỗ gập ghềnh thì san bằng phẳng, rồi ở bến sông thì xây bậc đá, khe nhỏ thì bắc cầu ván gỗ, hai bên đường từ chân núi đến đỉnh núi thì trồng hoa cỏ để tỏ làm nơi danh thắng”.

Sau khi sửa sang lại đẹp đẽ, đến tết Trùng cửu (mồng 9/9) năm đó, vua Minh Mạng cùng quần thần đến chơi núi Ngự Bình. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 195, mặt khắc 6, 7 ghi rằng: “Tiết Trùng dương. Vua đi chơi núi Ngự Bình. Trước đấy, vua bảo bộ Lễ rằng: “Trùng dương nhai tiết, từ xưa đã có. Nước ta tục dân thuần phác, phàm các tiết Thất tịch, Trùng dương, phần nhiều không thưởng ngoạn, nay trong nước được yên, chính là gặp thời vui chơi, nên lấy năm nay làm bắt đầu, mồng 9 tháng 9 trẫm đi chơi núi Ngự Bình, cho các quan theo hầu dự yến, nhân dân được du thưởng để tỏ cùng vui. Đến nay quan có trách nhiệm chăng màn vàng ở trên núi, kiệu vua lên đến nơi, trăm quan đều mặc áo đẹp lạy đón ở bên tả núi”.

 Đứng trên đỉnh núi Ngự Bình, vươn tầm mắt ra xa, nhìn toàn cảnh Kinh đô với cung điện nguy nga, mái chùa cổ kính, dòng sông Hương xanh biếc uốn lượn vòng quanh đã khiến vua Minh Mạng vui lòng. Vua hào hứng bảo quần thần rằng: “Lên cao trông xuống, lầu nhà đều thấp, cho nên nói “lên núi Thái Sơn mà thấy thiên hạ nhỏ”.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 195, mặt khắc 6, 7 ghi về việc vua

Minh Mạng thưởng lãm núi Ngự Bình vào ngày tết Trùng cửu, năm 1838

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Đến triều Tự Đức, vua cho sửa chữa lại nhà bia ở núi Ngự Bình được dựng thời vua Minh Mạng. Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên, quyển 47, mặt khắc 2, 3 ghi về việc này như sau: “Năm Tự Đức thứ 26 (1873), Bộ Công tâu xin sửa chữa nhà bia núi Ngự Bình. Đã được vua phê rằng: Phàm là bia xây lại bằng gạch vôi với mật mía xây hình cửa Phàm là bia xây lại bằng gạch vôi với mật mía xây hình cửa cuốn, không dùng gỗ ngói, há chẳng bền hơn ư? Bộ xét rồi đặt kiểu mà làm”. Bản Bộ đã xét định một kiểu nhà bia (tất cả cao 8 thước, cột dài 6 thước 1 tấc; bậc trên dài rộng đều 3 thước, cao 1 thước 2 tấc; bậc dưới dài 7 thước 2 tấc, rộng 6 thước 6 tấc; nền cao 7 tấc) phải dùng gạch loại xây thành 3500 viên, vôi 7500 cân, mật mía 300 cân, thuê dân phu 15 người, thợ 2 người (dân phu mỗi người ngày cấp 1 tiền, thợ 1 tiền 20 đồng, gạo đều một bát), làm việc 25 ngày thì xong; chi tiền 44 quan 1 tiền 40 đồng, gạo 14 phương 5 bát, do phủ Thừa Thiên phái thuộc viên làm đơn lĩnh về lo liệu. Đã được phê chuẩn”.

Dưới triều vua Khải Định, tiếp nối truyền thống của các đế vương trước, việc chăm sóc núi Ngự Bình cũng được vị vua thứ 12 của triều Nguyễn đặc biệt chú ý. Năm Canh Thân, Khải Định thứ 5 (1920): “Tháng 5. Ngày 1 đến kỳ ra triều, bề tôi bộ Công xin trồng thêm tùng ở núi Ngự Bình để mặt trước kinh thành thêm phần xanh tươi, vua thu nạp lời ấy”.

Qua ghi chép của các thư tịch cổ, có thể thấy được sự quan tâm đặc biệt của các vua triều Nguyễn đối với bức bình phong – núi Ngự Bình như thế nào. Cho đến nay, trải qua hàng thiên niên kỷ, dòng chảy thời gian cũng không thể vùi lấp đi vẻ đẹp vốn có của danh lam này. Bên cạnh vẻ đẹp nên họa, nên thơ, núi Ngự Bình còn mang theo những mạch nguồn lịch sử, văn hóa xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại./.

Tài liệu tham khảo

1. Hồ sơ H31/7, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

2. Hồ sơ H60/9, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

3. Hồ sơ H97/11, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Cao Thị Quang