Chiều ngày 30 tháng 11 năm 2020, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức triển lãm chuyên đề “Những dấu mốc lịch sử hình thành tỉnh Nghệ An trong Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới”.

Ông Đặng Thanh Tùng – Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phát biểu tại Lễ khai mạc

Ông Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu tại Lễ khai mạc

     Với gần 70 tài liệu Mộc bản triều Nguyễn gồm phiên bản, ảnh chụp, bản số hóa được đưa ra đã giới thiệu cho công chúng hiểu hơn về lịch sử hình thành, quá trình phát triển và con người của vùng đất địa linh nhân kiệt.

Du khách tham quan triển lãm tại Quảng trường Hồ Chí Minh (Tp. Vinh – Nghệ An)

     Lần theo nguồn sử liệu, vùng đất Nghệ An vốn có nhiều tên gọi khác nhau. Trong sách Mộc bản Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 21, mặt khắc 21, 22 đã chép về lịch sử tên gọi vùng đất Nghệ An từ thời Hùng Vương dựng nước đến thời Tiền Lê như sau:“Đời Hùng Vương xưa, Nghệ An thuộc đất Việt Thường; nhà Tần, thuộc Tượng quận; nhà Hán, là huyện Hàm Hoan thuộc quận Cửu Chân; nhà Ngô chia Cửu Chân đặt làm quận Cửu Đức; nhà Tấn, nhà Tống vẫn theo như nhà Ngô; nhà Lương chia đặt làm Đức Châu, Lỵ Châu và Minh Châu; nhà Tùy năm Khai Hoàng thứ 8 đổi Đức Châu làm Hoan Châu, Lỵ Châu làm Trí Châu; năm Đại Nghiệp thứ 3 hợp cả Minh Châu, Trí Châu vào Hoan Châu, đổi lệ thuộc quận Nhật Nam; nhà Đường, niên hiệu Vũ Đức chia quận Nhật Nam đặt làm Nam Đức châu, Lạo châu, Minh Châu và Hoan Châu, năm Trinh Quán nguyên niên đổi Đức Châu lại làm Hoan Châu, còn Hoan Châu cũ thì đổi làm Diễn Châu; năm thứ 16 bỏ Diễn Châu hợp vào Hoan Châu; hồi đầu năm Thiên Bảo lại đổi Hoan Châu lệ thuộc vào quận Nhật Nam… Nhà Đinh, nhà Lê gọi là Hoan Châu”. Như vậy, sau một thời gian dài, tên gọi Hoan Châu được sử dụng vào các triều đại Ngô, Đinh và Tiền Lê.

     Đến triều vua Lý Thái Tông, nhà vua đã cho đổi tên gọi Hoan Châu thành Nghệ An. Sự kiện này được chép trong Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 14, mặt khắc 2 “Nhà Đinh phân làm đạo, nhà Lê đổi là lộ. Lý Thái Tổ năm Thuận Thiên nguyên niên đổi là trại. Thái Tông năm Thiên Thành thứ 3, đổi Hoan Châu là Nghệ An (tên gọi Nghệ An bắt đầu từ đây). Có thể nói, đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu chặng đường phát triển không ngừng của vùng đất Nghệ An trong suốt gần một thiên niên kỷ. Vua Lý Thái Tông đặt tên gọi “Nghệ An” với mong muốn nơi đây trở thành một vùng đất “bình yên”, bởi trước khi triều Lý được thành lập, Nghệ An là một vùng biên viễn, dân cư thường xuyên chịu cảnh mất mùa, đói kém, lại phải chịu sức ép từ các cuộc chiến tranh xâm lược.

     Bước sang thời Trần, vào năm Ất Mão (1375), vua Trần Duệ Tông cho đổi Hoan Châu thành 4 lộ: Nhật Nam, Nghệ An nam, Nghệ An bắc và Nghệ An trung. Năm Đinh Sửu (1397), vua Trần Thuận Tông lại cho đổi trấn Nghệ An thành trấn Lâm An.

     Trải nhiều thăng trầm lịch sử, vào năm Bính Tuất (1466), vua Lê Thánh Tông cho đặt các đơn vị hành chính trong nước làm 12 đạo thừa tuyên, trong đó có Đạo thừa tuyên Nghệ An. Năm Kỷ Sửu (1469), nhà vua tiếp tục ấn định các đơn vị hành chính trực thuộc đạo Thừa Tuyên Nghệ An. Nghệ An lúc này quản lĩnh 8 phủ, 18 huyện và 2 châu. Đến năm Canh Tuất (1490), vua Lê Thánh Tông cho đổi thừa tuyên Nghệ An thành Xứ Nghệ An. Và cái tên Xứ Nghệ mà chúng ta vẫn thường hay gọi cũng được xuất phát từ tên gọi này.

     Cuối thế kỷ XVIII, dưới triều Tây Sơn, vua Quang Trung đã cho đổi trấn Nghệ An thành Trung Đô (còn được gọi là trấn Nghĩa An), đồng thời cho xây Phượng Hoàng Trung Đô tại thành phố Vinh ngày nay, với mong muốn định đô tại đây.

     Dưới triều Nguyễn, Nghệ An là một vùng đất rộng lớn, giữ nhiều vị trí chiến lược quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Sau khi lên ngôi, vào năm Nhâm Tuất (1802), vua Gia Long cho đặt trấn Nghệ An. Lúc này, trấn Nghệ An bao gồm 9 phủ, 26 huyện, 2 châu. Dưới triều vua Minh Mệnh, vào năm Tân Mão (1831), để nhất thể hóa các đơn vị hành chính trong cả nước, nhà vua đã thực hiện một cuộc cải cách hành chính với quy mô lớn, cho đổi các dinh, trấn thành tỉnh, tên gọi “tỉnh Nghệ An” chính thức xuất hiện vào năm Tân Mão (1831).

     Nghệ An còn được vinh danh là vùng đất của những bậc hiền tài. Bởi những người con của quê hương Xứ Nghệ, đã đem trí dũng để phò vua, giúp nước tiêu biểu như: Mai Hắc Đế – Người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Đường; Nguyễn Cảnh Mô – Vị tướng tài ba trong lịch sử dân tộc; vua Quang Trung Nguyễn Huệ – Vị hoàng đế uy dũng của Triều Tây Sơn; Đông các Đại học sĩ Cao Xuân Dục; Tiến sĩ xuất thân Văn Đức Giai; Khai quốc công thần Nguyễn Đình Đắc; Trước tác Hàn Lâm Viện Nguyễn Tiếp Phương; Bố chánh sứ Hà Nội Lê Nguyên Trung; Át sát sứ Bình Thuận Nguyễn Xuân Ôn; Nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu; đặc biệt cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – Thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

     Kỷ niệm 990 năm danh xưng Nghệ An, triển lãm “Những dấu mốc lịch sử hình thành tỉnh Nghệ An trong Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới” là hoạt động thiết thực, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước và quyết tâm xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh phát triển như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.

Duyên Yến