Trần Thì Kiến (có sách gọi là Trần Kiến), người ở làng Cự Xạ, huyện Đông Triều, phủ Tân Hưng (nay là thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Dưới triều Trần, Trần Kiến là vị quan tài giỏi, chính trực. Qua Di sản Mộc bản triều Nguyễn, hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, Đà Lạt cùng hiểu hơn về vị quan đặc biệt này.

Cùng với Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Phạm Lãm, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực…, Trần Thì Kiến vốn là môn khách của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Vì quý mến tài năng của ông, Trần Quốc Tuấn đã tiến cử lên vua và được vua sử dụng. Trần Kiến là một người rất am hiểu về Kinh dịch, ông đã bốc quẻ và dự đoán đúng kết quả trận chiến giữa quân đội Đại Việt và quân Nguyên. Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 5, mặt khắc 60 có ghi về việc này như sau: “Trước đây, quân Nguyên vào cướp, vua sai Thì Kiến bói, được quẻ Dự biến sang quẻ Chấn, đoán là tốt. Mùa hạ năm sau, quân Nguyên đại bại, quả đúng như lời đoán. Mùa thu năm Trùng Hưng thứ 2, quân Ngyên lại vào cướp, vua lại sai bói, được quả Quan biến sang quẻ Hoán, Thì Kiến đoán: “Hoán nghĩa là tan, là điềm giặc tan”. Sau quân Nguyên đến sông Bạch Đằng, quả nhiên tan chạy. Vua khen tài của Kiến, cho nên có lệnh này”.

Bản dập Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 5, mặt khắc 60 ghi về việc Trần Thì Kiến 2 lần đoán đúng quân đội Đại Việt thắng trận trước quân Nguyên

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Sau khi dẹp yên giặc, vào năm Nhâm Thìn (1292), Trần Thì Kiến được bổ chức An phủ sứ lộ Yên Khang (nay là huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình), sau đó ông được thăng chức Trị thiên trưởng. Tháng 4, năm Đinh Dậu (1297), Trần Thì Kiến chuyển sang giữ chức Đại an phủ sứ, kiêm chức Kiểm pháp quan. Khi đang giữ chức quan Kiểm pháp, ông xét xử mọi việc kiện tụng rất công bằng và thỏa đáng. Trần Kiến nổi tiếng khắp nơi là người thẳng thắn, cương trực. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 8, mặt khắc 25 ghi lại câu chuyện rằng: “Trần Kiến là người cương trực, trước làm quan An phủ ở Thiên Trường, có người đưa biếu món ăn, Trần Kiến hỏi: “Có việc gì mà biếu?”. Người ấy nói: “Vì ở gần lỵ sở nên đem biếu”. Mấy hôm sau, người ấy đem việc đến thỉnh thác. Trần Kiến giận lắm, móc cổ họng cho thổ ra”.

Bản dập Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 8, mặt khắc 25 ghi chép về sự cương trực hiếm có của Kiếm pháp Trần Kiến

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Về chuyện này, Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, quyển 4, mặt khắc 3 cũng có ghi như sau: “Ở nơi đây, một hôm có một người trong làng nhân nhà có giỗ, tới biếu ông một mâm cơm. Ông mới hỏi lý do nào mà có việc kính biếu đó. Người làng kia trả lời rằng: chỉ vì ở gần nơi làm việc của quan, chứ không có ý tạo môi trường để cầu cạnh việc gì cả. Nhưng sau đó vài hôm, người đó lại tới cầu xin một việc. Ông liền móc họng khạc mửa những thức ăn hôm trước ra hết. Buổi đầu triều Trần Anh Tông, ông được giữ chức Kiểm tra Tư pháp. Mỗi lần xử kiện, đều căn cứ vào sự lý. Trước mỗi vụ ông đều có phương pháp ứng phó rất tài tình. Người đương thời đều tặng ông câu: Khả dĩ chiết ngục (có nghĩa là: nửa lời nói của ông cũng có thể thanh thỏa một vụ kiện)”. Về hành động này của Trần Thì Kiến, bản thân Sử thần Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư cũng bình luận rằng: “Thì Kiến hành động lạ lùng quá mức để uốn nắn cái tệ xin xỏ của người bấy giờ, cũng như Án Anh tằn tiện quá mức để uốn nắn cái thói xa xỉ tiếm lễ của Quan Trọng vậy”.

Năm Mậu Tuất (1298), vua Trần Anh Tông bổ dụng Trần Thì Kiến làm Nhập nội hành khiển hữu gián nghị đại phu. Thấy Trần Kiến là người có tính tình cương trực, vua đã ban tặng cho ông một cái hốt (1), trên đó có khắc bài minh rằng: “Thái Sơn trinh cao, tượng hốt trinh liệt, linh trĩ trãi giốc, vì hốt nan chiết”. Có nghĩa là: núi Thái Sơn vừa kiên trinh vừa cao; hốt ngà voi vừa kiên trinh vừa sáng; ngà voi có linh tính như ngà giải trãi; dùng làm hốt, khó sức mạnh nào chiết phục được. Ba năm sau, tức năm Tân Sửu (1301), ông lại được bổ chức Tham tri chính sự. Đến năm Ất Tỵ (1305), Trần Thì Kiến lại được bổ chức Tả bộc xạ (Tể tướng). Và dù ở cương vị nào, Trần Thì Kiến cũng làm tròn chức trách nhiệm vụ của mình. Thời bấy giờ, cùng với nhiều nhân tài nở rộ như Đoàn Nhữ Hài, Đỗ Thiên Hư, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Dũ, Nguyễn Trung Ngạn, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Trương Hán Siêu,… Trần Thì Kiến đã góp phần giúp triều Trần trở nên vững mạnh.

Sau này, cảm kích trước tài năng và bản tính cương trực của Trần Thì Kiến, vua Tự Đức đã làm bài thơ ngự chế về ông. Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, quyển 4, mặt khắc 3 ghi bài thơ này rằng:

Phiên âm:

Hưng đạo môn nhân quốc ỷ hành,

Hốt minh sủng tích biểu cao danh.

Bàn xan nhất ngộ do thám thổ,

Thảng chí “Tham Tuyền” tất dị trình.

Dịch nghĩa:

Khách nhà Hưng đạo, nước tài danh,

Sủng ái vua ban Hốt lại Minh

Trót lỡ mâm cơm ăn lại mửa,

Tham Tuyền(2) dẫu tới, dễ qua nhanh

Bản dập Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, quyển 4, mặt khắc 3

khắc bài thơ ngự chế của vua Tự Đức về Trần Thì Kiến

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Có thể nói, qua những trang thông tin được ghi chép trong Mộc bản triều Nguyễn, cho thấy Trần Thì Kiến là vị quan tài năng, thao lược. Ông xứng đáng được các sử gia xếp vào hàng những danh thần tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam./.

Chú thích:

(1): Cái hốt có tên riêng là “thủ bản”, vua quan cầm trong lúc yết triều, có việc gì thì ghi chép vào hốt để khỏi quên. Đời cổ, hốt của thiên tử bằng ngọc, của vua chư hầu bằng ngà voi, từ đại phu đến sĩ làm bằng tre hoặc gỗ; về sau, đại phu và sĩ đều có thể được dùng hốt bằng ngà voi cả. Chiều dài chiều rộng cái hốt của từng cấp bậc đã có kích thước nhất định.

(2)Tham Tuyền: xuất phát từ điển cố: ở đất Lĩnh Nam có một con suối rất sâu. Tương truyền rằng, người nào uống phải nước suối này thì sinh ra lòng tham lam, nên suối này mới có tên là Tham Tuyền (suối tham)

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ sơ H31, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

2. Hồ sơ H60, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Cao Thị Quang