Tổ tiên của Trần Đại Luật vốn là người ở huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Cha ông tên là Trần Độ, sau dời đến ở tỉnh Vĩnh Long. Sinh thời, Trần Đại Luật có tướng mạo khôi ngô, tuấn tú, có chí khí, hiểu về văn võ. Dưới triều Nguyễn, Trần Đại Luật được đánh giá là vị quan tài giỏi, luôn yêu thương dân chúng. Qua Mộc bản Triều Nguyễn – Di sản Tư liệu thế giới, độc giả sẽ hiểu hơn về con người ông.

Từ quan văn chuyển sang quan võ

Trần Đại Luật vốn khởi nghiệp là một quan văn, nhưng cuộc đời của ông lại gắn liền với binh nghiệp. Sự nghiệp quan văn của ông theo Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ thì đầu năm Ất Tỵ (1785), trong thế trận giằng co, trước sự truy đuổi ráo riết của quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã phải bỏ thành Gia Định, lưu vong sang nước ngoài lánh nạn. Trần Đại Luật cũng là người có mặt trong đoàn phò giá Nguyễn Ánh chạy trốn. Năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy niên hiệu là Gia Long, khi thăng thưởng cho bề tôi có công giúp vua khôi phục cơ đồ, Trần Đại Luật cũng được nhận chức Chế cáo viện Hàn Lâm. Giữ chức quan được một thời gian thì Trần Đại Luật chuyển sang quan võ. Cơ duyên quan võ của ông bắt nguồn từ một cuộc đối thoại với các quan trên đường về sau khi vào chầu vua. Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, quyển 16, mặt khắc 6, 7 ghi lại câu chuyện rằng: “Có lần, ông vào chầu rồi về cùng với các quan võ, mọi người bàn luận về sự dũng cảm và hèn nhát. Có người cười rằng: “Bọn quan văn chưa nghe tiếng súng đã tự són đái trước, sao rỗi mà nói đến việc quân lữ, chiến trận”. Trần Đại Luật nói: “Ông sao biết được ta, ông chỉ xem tướng người bề ngoài mà thôi. Ngày xưa, Ban Định Viễn quẳng bút mà được phong hầu, đâu phải là quan võ. Thử xem ta làm được hay không?”. Khi về, ông lấy ý của ban võ nói với người cùng viện, Trịnh Hoài Đức cười bảo rằng: “Ngươi dũng cảm thì ngươi làm”. Hoàng Văn Đệ cũng cùng Trần Đại Luật dâng biểu xin đổi sang chức võ. Vua khen rồi y cho”.

Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, quyển 16, mặt khắc 6, 7 ghi về

cơ duyên Trần Đại Luật từ quan văn chuyển sang quan võ

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Từ ngày là quan võ, Trần Đại Luật đã ra sức làm việc, được chúa Nguyễn Ánh (tức vua Gia Long sau này) đánh giá rất cao và hết lòng tin tưởng. Ông được vua giao cho nhiều nhiệm vụ quan trọng và được nhiều lần thăng chức khác nhau. Dù ở cương vị nào, Trần Đại Luật cũng đều làm tròn chức trách, nhiệm vụ của mình: “Trần Đại Luật thi hành quân lệnh nghiêm minh nên binh sĩ đều sợ mà quy phục. Ông lại dạy bảo phải lấy lễ mà nhường nhịn nhau, kiện cáo vì thế mà hết hẳn”.

Ngoài ra, trong quá trình làm quan, Trần Đại Luật luôn chăm lo đời sống cho nhân dân, ông luôn đặt quyền lợi của người dân lên trước để giải quyết thấu tình đạt lý. Vì thế, đời sống nhân dân ở những nơi ông đến làm việc đều ổn định, ấm no. Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập cũng ghi lại rằng: “Mùa xuân năm Giáp Dần (1794), giặc vây thành Diên Khánh, Trần Đại Luật và Vệ úy Phan Văn Triệu đem thuộc hạ theo vua đi cứu viện, đánh đuổi quân giặc, giải được vây. Mùa đông năm ấy, ông được thăng chức Vệ úy vệ Phấn uy, quân vệ ấy đều là người Nghệ An trở ra Bắc, thường có nhiều việc kiện tụng khó trị, các quản suất thường bị tội. Vua cho rằng Trần Đại Luật khéo trị quân nên sai ông cai quản. Năm Bính Thìn (1796), ông được thăng chức Chánh trưởng chi Hữu quân tiền chi, đóng ở thành Diên Khánh. Năm Đinh Tỵ (1797), ông được triệu về, chuyển làm Vệ úy vệ Hùng uy. Năm Canh Thân (1800), ông theo đánh thành Quy Nhơn, giặc xâm phạm đồn Hữu doanh, Trần Đại Luật cùng Vệ úy vệ Hùng dũng là Nguyễn Tiến Lộc đem quân tiếp đánh, đại phá được quân giặc. Năm Tân Dậu (1801), đại binh tiến đánh rồi lấy thành Phú Xuân, ông ở lại theo Nguyễn Văn Thành đóng quân ở Cù Mông để chống cự với giặc. Năm Nhâm Tuất (1802), lại lấy được Bình Định, Trần Đại Luật và Hoàng Viết Toản đem binh thuyền về Gia Định để đón Từ giá về Kinh. Mùa đông năm ấy, ông được thăng chức Khâm sai Thuộc nội Chưởng cơ, Chánh quản cơ Ngũ kích, lĩnh chức Trấn thủ Sơn Nam Thượng. Khi tại chức, uy tín của ông tăng lên rõ rệt, quan lại và dân chúng sống yên ổn”.

Đến ông quan hiếu thảo

Bên cạnh là vị quan tài năng, Trần Đại Luật còn nổi tiếng là người hiếu hạnh, chí khái. Mộc bản triều Nguyễn, sách Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, quyển 16, mặt khắc 9 ghi lại câu chuyện về Trần Đại Luật chịu tội thay cho cha mình như sau: “Cha của Trần Đại Luật là Trần Độ, trước kia làm Giám lâm kho Vĩnh Trấn; kho bị cháy, Trần Độ bị tội phải đánh roi. Trần Đại Luật còn nhỏ tuổi nhưng xin lấy thân chịu thay cha. Vua bảo rằng: Phạt cha không bằng phạt con, ngươi muốn có hiếu với cha ngươi thì cho ngươi chịu thay 30 roi, bèn đánh Trần Độ 20 roi”.

Không chỉ là người con hiếu thảo, Trần Đại Luật còn là người có tính tình thẳng thắn. Khi gặp việc chướng tai, gai mắt, ông đều quyết đem ra ánh sáng. Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập ghi lại sự việc như sau: “Đến khi ông ra làm việc quân, thấy người Tây là Bá Đa Lộc kiêu ngạo, ông bí mật dâng sớ tâu: “Cái hại của đạo Phật, Lão tệ hơn đạo Dương Mặc, mà cái hại của đạo Gia Tô lại hơn cả đạo Phật, Lão. Nên trị các mối dị đoan, thánh nhân đề phòng, cho các mối hại ấy là tà đạo. Tiên vương bảo tất phải giết, là do rất ghét loạn khuôn phép, dối dân để họa cho đời sau. Nay Bá Đa Lộc dựa vào Thiên Chúa giáo để lừa ngu dân, không có tình thân cha con và nghĩa lớn vua tôi, lại tự cậy là bảo hộ Đông cung có chút công lao, nên sinh lòng kiêu ngạo, không sợ hãi gì. Ngày nay như thế, ngày khác lại thế nào?.  Kẻ ấy mà không giết, sao gọi là pháp luật được. Thần xin được dùng thanh gươm của vua để chém đầu hắn treo ở cửa chợ, để tạ lỗi với thiên hạ và bỏ được sự mê hoặc của mọi người”. Sớ dâng lên, vua rất khen nhưng vì sợ ông bị báo thù bèn bỏ hết họ tên, cất vào tráp, rồi triệu Trần Đại Luật vào, mật bảo rằng: “Khanh có lời nói thẳng, trẫm không phải là không tin. Nhưng nay đánh Đông dẹp Tây, việc dùng người, nhất là việc quan trọng thì kẻ dối trá và ngu si cũng có thể dùng, không nên tỏ ra là người hẹp hòi. Hãy tạm để đó”. Khi Trần Đại Luật sắp dâng sớ, ông dặn người nhà đóng áo quan để đợi, người nhà sợ hãi cầu khấn rồi việc ấy lại thôi, cũng là do ông thẳng thắn nên được vua biết đến”.

Ngoài ra, Trần Đại Luật còn được biết đến là người giỏi về quốc âm. Mỗi khi có chiếu chỉ, ông đều soạn thảo, phần nhiều hợp ý vua.

Có thể nói, với nhân cách, đức nghiệp và công nghiệp như vậy, Trần Đại Luật xứng đáng là một trong những công thần tiêu biểu của triều Nguyễn./.

Tài liệu tham khảo:

1.    Hồ sơ H16, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

2.    Hồ sơ H17, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

3.    Hồ sơ H21, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Cao Thị Quang