Thất bại nặng nề và bất ngờ ở Ung Châu làm cho nhà Tống vô cùng tức tối. Chúng liền tiến hành cuộc xâm lược Đại Việt.

Cuối năm 1076, quân Tống bắt đầu cuộc nam chinh xâm lược nước ta. Vua Tống là Tống Thần Tông giao cho Quách Quỳ và Triệu Tiết (phó tướng) là các võ tướng có nhiều kinh nghiệm trận mạc cầm đầu đội quân lớn gồm 10 vạn quân chiến đấu tinh nhuệ , một vạn ngựa chiến cùng 20 vạn dân phu do các tướng quách quỳ, Triệu Tiết chỉ huy, chuẩn bị tiến vào nước ta. Một đạo quân khác do Hòa Mâu dẫn đầu, theo đường biển vào tiếp ứng.

Đại quân Tống tiến theo hướng Lạng Sơn rồi vào thành Thăng Long. Thủy quân sẽ đi dọc theo ven biển vào sông Bạch Đằng, tạo thế gọng kìm để tấn công Đại Việt. Sau khi đánh tan các đạo quân thủy bộ của ta, chúng sẽ hội quân, dùng thuyền vượt sông Hồng đánh chiếm Thăng Long.

Lý Thường Kiệt đã phán đoán và đánh giá đúng cuộc tiến công của địch. Để bảo vệ an toàn kinh thành Thăng Long và các địa bàn cơ bản, hạn chế tối đa thiệt hại do quân xâm lược tàn phá và giành thắng lợi, Lý Thường Kiệt chủ trương không chặn địch tại biên giới, nhưng cũng không để cho quân địch tiến vào nước ta quá sâu. Do nắm chắc tình hình địch và những con đường chúng có thể tấn công, Lý Thường Kiệt đã cân nhắc, chủ động chuẩn bị các mặt cho cuộc kháng chiến. Một mặt, Lý Thường Kiệt giao cho các địa phương tổ chức các đạo quân tận dụng thế hiểm trở của thiên nhiên để xây dựng thế trận, với phương châm đánh kiềm chế để tiêu hao sinh lực địch. Mục tiêu kế hoạch tác chiến là đánh bại cánh quân đường thủy, không cho chúng hợp quân với đường bộ. Đặc biệt, về kế sách chiến lược, ông đã cho xây dựng phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu) để chặn địch, hãm chúng vào tình trạng bị tiêu hao, mệt mỏi, khốn đốn, rồi thực hiện trận phản công quyết chiến. Trên hướng biển, Lý Thường Kiệt bố trí lực lượng thủy do tướng Lý Kế Nguyên chỉ huy, nhằm ngăn chặn, không cho thủy binh địch vào đất liền hợp quân với bộ binh… Như vậy, Lý Thường Kiệt đã xây dựng được thế trận phòng bị và tấn công trên cả hai mặt trận trên bộ và thủy.

Tháng 1 năm 1077, khoảng 30 vạn quân Tống vượt cửa ải Nam Quan qua Lạng Sơn tiến vào nước ta. Đúng như dự đoán, quân xâm lược Tống tiến vào nước ta theo hai ngả ở biên giới phía Bắc và một ngả theo đường biển, nhằm mục đích đánh về Thăng Long. Khi đạo quân chủ lực của quân xâm lược Tống do Quách Quỳ chỉ huy đã tiến tới bờ bắc sông Như Nguyệt nhưng phải dừng lại trước tuyến phòng thủ của quân nhà Lý.

Sau khi tập trung lực lượng tiến hành trinh sát, Quách Quỳ phải đóng quân bên bờ Bắc sông Như Nguyệt, chờ thủy quân đến. Nhưng lúc đó thủy quân của chúng bị quân Lý Kế Nguyên chặn đánh liên tiếp 10 trận tại vùng ven biển nên không thể tiến sâu vào để hỗ trợ cho đồng bọn.

Chờ mãi không thấy thủy quân đến, quân Tống nhiều lần tìm cách tấn công quân ta. Chúng bắc cầu phao, đóng bè lớn ào ạt tiến qua sông đánh vào phòng tuyến của ta. Quân đội Đại Việt đã kịp thời phản công mãnh liệt, mưu trí, đẩy lùi đợt tiến công của địch, một phần lực lượng của địch bị tiêu diệt, phần còn lại vội vã tháo chạy về phía Bắc.

Thất vọng vì cuộc tấn công lần nhất thất bại, Quách Quỳ quyết mở đợt tấn công thứ hai. Quách Quỳ ra lệnh: “Ai bàn đánh sẽ bị chém”, nhưng vì phương tiện thiếu, vấp phải phòng tuyến kiên cố, dày đặc chướng ngại và sự phản công mạnh mẽ của quân ta, quân Tống phần bị tiêu diệt, phần xin hàng, cả đạo quân vượt sông bị tan vỡ. Cuộc tiến công thứ hai của chúng bị thất bại, đành chuyển sang cố thủ, phòng ngự. Quân sĩ ngày một chán nản, mệt mỏi, chết dần chết mòn.

Sau hai lần tấn công lớn không thành, quân Tống lâm vào tình trạng khốn quẫn: Thiếu lương ăn, thiếu thuyền bè để tiếp tục chiến đấu, quân lính bị giết, bị thương và ốm đau nhiều. Sử cũ chép: “Quách Quỳ án binh 40 ngày, lương thảo không chở đến được… tám vạn quân sĩ chết mất quá nửa”.

Chính vào lúc đó, Lý Thường Kiệt tổ chức cho hai vạn quân từ Vạn Xuân ngược sông Như Nguyệt, tiến công vào tuyến phòng ngự của đạo quân do Quách Quỳ chỉ huy; trận đánh diễn ra rất quyết liệt. Nhân lúc quân giặc rối loạn, quân ta tổ chức một hướng tập kích khác vào các doanh trại chính của đạo quân do Triệu Tiết chỉ huy ở phía Bắc bến đò Như Nguyệt. Quân Tống mười phần chết đến năm, sáu phần.

Một đêm, Lý Thường Kiệt cho người vào đền thờ Trương Hống, Trương Hát ở phía Nam bờ sông Như Nguyệt, giả làm thần đọc vang bài thơ “Nam quốc sơn hà”:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

Tiệt nhiên phân định tại thiên thư.

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.

Tạm dịch là:

“Sông núi nước Nam, vua Nam ở,

Rành rành phận định ở sách trời.

Cớ sao lũ giặc đến xâm phạm,

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.

Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép về bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà”

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Bài thơ “Nam quốc sơn hà” sau này được coi như “Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên” của Việt Nam. Nhờ thế tinh thần binh sĩ thêm hăng hái. Thời cơ đến, ông tổ chức một trận quyết chiến, vượt sông đánh vào trại của giặc. Hơn một nửa số quân giặc bị tiêu diệt.

Lúc này, quân Tống đã ở vào cảnh thế cùng lực kiệt nếu còn đóng quân thì rõ ràng sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn. Nhưng rút lui thì mất thể diện của “thiên triều”. Biết rõ ý chí xâm lược của giặc đã bị đè bẹp, Lý Thường Kiệt liền chủ động kết thúc chiến tranh bằng biện pháp mềm dẻo đề nghị “giảng hòa”, thực chất là mở một lối thoát cho quân Tống.

Tháng 3 năm 1077 quân Tống bí mật rút lui vào ban đêm trong sự hỗn loạn, đó là cuộc tháo chạy của kẻ thua cuộc. Quân Tống rút đến đâu, quân Đại Việt theo đến đó và thu hồi đất đai bị chiếm đóng. Cuộc chiến tranh xâm lăng do nhà Tống phát động với chủ ý thôn tính Đại Việt đã thất bại.

Với chiến thắng Như Nguyệt vào mùa xuân năm 1077, quân và dân nhà Lý đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược; độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc. Đây cũng là một trong những trận đánh tuyệt vời trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Người chỉ huy trận đánh – Lý Thường Kiệt thực sự là một vị tướng tài. Tên tuổi của ông mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Quân Tống buộc phải từ bỏ mộng xâm lược Đại Việt, trong vòng 200 năm sau đó, nhà Tống không dám xâm lược nước ta nữa.

 

 Tài liệu tham khảo:

1. Mộc bản triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 3;

2. Mộc bản triều Nguyễn, Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 3;

3. Bản dịch Viện sử học, Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb KHXH, năm 2004.

Yến – Phương