TỔ CHỨC THƯ VIỆN DƯỚI TRIỀU NGUYỄN

DẤU ẤN NHỮNG TÀNG BẢN TRÊN MỘC BẢN

TẠI TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA IV

Nguyễn Huy Khuyến

Tạp chí VTLT tháng 4 năm 2008

 

Việc tàng bản và xuất bản thư tịch đã được các triều đại phong kiến Việt Nam quan tâm và xây dựng. Kể từ khi Lý Công Uẩn cho xây dựng một số cơ sở để chứa kinh sách, lập Văn Miếu (1067) và các nhà chứa kinh lớn như Tàng thư Trấn Phúc (1011), nhà Bát giác chứa kinh thành lập năm Tân Dậu (1021) triều Lý Thái tổ, kho Đại Hưng năm Quý Hợi (1023). Lý Thái tổ sai chép kinh Tam Tạng (gồm Kinh tạng chép các lời Phật nói, Luật tạng chép các điều răn cấm, Luận tạng chép những thuyết minh giảng giải của các nhà sư về kinh Phật) cất vào kho Đại Hưng.

Các triều đại Trần, Lê, Lê Mạt, Tây Sơn đều cho xây dựng những cơ sở, thư viện và những cơ quan chuyên trách biên soạn, xuất bản và tàng bản tài liệu, sách vở. Nhà Trần cho xây dựng Quốc sử viện, Bí thư các, điện Bảo Hòa, một thư viện lớn của nhà Trần làm trên núi Lạn Kha (tức núi Phật Tích, nay thuộc Tiên Sơn, Hà Bắc) do Trần Tốn làm Viện trưởng. Năm Quý Hợi (1383), vua Trần Nghệ Tông đã tới đây cùng một số bề tôi như Nguyễn Mậu Tiến, Phan Nghĩa, Vũ Hiến hầu để soạn bộ sách Bảo Hòa điện dư bút gồm 8 quyển.

Thư viện Sùng Chính thành lập năm Quang Trung thứ 4 (1791) tại làng Nam Hoa (nay là Nam Kim, Thanh Chương, Nghệ Tĩnh) do Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng. Đây vừa là nơi để sách, vừa là nơi dịch chú các sách kinh điển chữ Hán.

Đến triều Nguyễn, việc thu thập và tàng bản thư tịch đã có một bề dày lịch sử, cho dù trải qua chiến tranh liên miên, nội chiến kéo dài dẫn đến một số lượng không nhỏ sách vở, tài liệu bị hủy hoại hoặc bị mất mát hư hỏng, song số lượng tài liệu, sách vở còn lưu lại là rất lớn. Chính vì những giá trị lịch sử lâu đời đó mà nhà Nguyễn kể từ khi thành lập đã quan tâm nhiều đến việc sưu tầm, bổ sung, xây dựng các cơ sở tàng bản và thành lập những cơ quan chuyên trách đặc thù để quản lý công việc này.

Bước sang thế kỷ XIX, Việt Nam phải trải qua nhiều biến động lớn, chịu tác động và cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều xu hướng tư tưởng. Triều đại nhà Nguyễn được kế thừa một di sản văn hóa với quá trình phát triển gần 10 thế kỷ. Ngay từ khi xây dựng, triều chính nhà Nguyễn đã hết sức quan tâm đến việc thu thập sách vở tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau để xây dựng một kho sách cổ của dân tộc. Năm 1811, vua Gia Long đã xuống chiếu cho các trấn từ Quảng Bình trở vào “Đặt chiếu cho các sĩ dân từ năm Quý Tỵ trở về sau, năm Nhâm Tuất trở về trước, phàm những việc quan hệ đến việc nước ai hay biên chép thành quyển đưa nộp cho quan sở tại, các cụ già ai hay nhớ việc cũ thì được quan sở tại mời đến hỏi ghi chép chuyên tâm, lời nói nào được ghi vào sử sẽ có thưởng, thảng có can phạm húy thì không bắt tội”.

Theo sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ cho biết: Minh Mạng năm thứ 8 (1827) xuống chỉ: Văn Miếu ở Bắc thành nguyên trữ các bản in ngũ Kinh tứ Thư đại toàn và Võ kinh trực giải, chuẩn cho sức soạn lấy đủ số. Nếu như tấm in bản nào lâu năm mọt nát thì khắc bản khác bổ sung vào, đến khi có đoàn thuyền vận tải thì đưa đến kinh giao Quốc tử giám lưu giữ, đặng phòng khi dùng in ra để ban cấp”.

Bản dập Mộc bản ghi chép về việc xây dựng Quốc Tử Giám (Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 7, mặt khắc 20) – Nguồn Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Sách Minh Mạng chính yếu cũng cho biết: “Vua sai quan ở Bắc thành kiểm điểm sách vở nguyên trữ ở Văn Miếu trong thành, như Tứ thư, Ngũ kinh đại toàn”.

Khi lên ngôi, vua Tự Đức rất quan tâm đến thư tịch và biên soạn xuất bản sách vở. Lịch sử đã ghi chép và thực tế đã cho thấy, là một vị hoàng đế nhưng vua Tự Đức rất yêu thích thơ văn, số lượng thơ văn lúc đó còn lưu lại đến ngày nay là rất nhiều, cả về số lượng bản in và bản gốc Mộc bản. Năm 1858, vua đã ra chỉ dụ về vấn đề làm sử: “Việc làm sử là việc rất lớn, vì rằng phải kê cứu việc đời xưa, chép thành sách sử, vừa ngụ ý khuyên răn, cho nên về phần lý và thể loại phải tinh tường và xác đáng, việc ghi chép hay bỏ bớt đi phải nghiêm chỉnh và công bằng”.

Hiện nay, những thư viện, những cơ sở tàng bản của triều Nguyễn còn lưu giữ được nhiều bộ sách quý giá, như bộ sách Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Đại Nam nhất thống chí…

Truyền thống lưu trữ thư tịch Hán Nôm của triều Nguyễn được mở đầu bằng việc xây dựng các thư viện tại kinh thành Huế, bắt đầu là việc thành lập Quốc sử quán. Thế kỷ XIX, các vua triều Nguyễn rất chú ý xây dựng thư viện như: Tàng thư lâu (ở phía Tây hồ Tĩnh Tâm), Tân thư viện, Tử khuê thư viện, Thư viện Đông các, Thư viện Bảo Đại.

Bản dập Mộc bản ghi chép về việc thành lập Quốc Sử Quán (Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 3, mặt khắc 12) –  Nguồn Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Qua các bản thư mục và mục lục của những thư viện này, hiện nay còn giữ ở thư viện khoa học xã hội. Viện Thông tin Khoa học Xã hội chứng minh rằng kho sách của các thư viện còn tương đối nhiều và đang tiến hành các khâu kỹ thuật như phân loại ấn phẩm, sắp xếp sách, xây dựng mục lục… Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp bắt đầu xâm lược Việt Nam, chữ quốc ngữ đã được sử dụng trong các cơ quan nhà nước, đồng thời dùng để in sách, thư viện bắt đầu bổ sung một bộ sách chữ quốc ngữ và sách phương Tây bằng nguyên bản hoặc bản dịch. Năm 1874, vua Tự Đức đã cho thư viện tàng trữ 16 bộ sách phương Tây như: Vạn quốc công pháp, Bác vật tân biên, Hàn hải kim châm, Khai mỏ yếu thuật… Từ đây, các vua triều Nguyễn chú ý đến sách khoa học kỹ thuật, nhưng sách khoa học kỹ thuật nhập vào thư viện vẫn còn bị hạn chế.

Một trong những nơi lưu trữ tài liệu sách vở đồ sộ nhất của triều Nguyễn là Quốc sử quán, ngoài chức năng cơ quan biên soạn và khắc in những bộ sách chính văn chính sử quý giá của triều Nguyễn ra, cơ quan này còn góp phần không nhỏ trong việc tập trung thư tịch Hán Nôm về Huế.

Thư viện của Sử quán (xây dựng năm 1820): lưu trữ các tập tài liệu sưu tập, các văn kiện hành chính các châu bản của triều đình đương thời. Nơi đây vừa sử dụng làm nơi tàng trữ, vừa là nơi phục vụ nghiên cứu, xuất bản các bộ sách sử. Thư viện này đã được chuyên gia lưu trữ và cổ tự học đương thời, Giám đốc thư viện đầu tiên ở Việt Nam – Paul Boudet đánh giá là thư viện lớn, có nhiều tài liệu, tư liệu viết tay quý hiếm của các đời vua chúa và vua Nguyễn để lại. Theo Tạp chí Hán Nôm số 2, năm 1988 thống kê thì: Theo một tổng kiểm kê vào năm Duy Tân thứ 1 (1907), số sách lúc bấy giờ tàng trữ tại thư viện là 169 bộ, gồm thực lục, ngọc điệp, thơ văn những người thuộc tông thất nhà vua, di chiếu, hòa ước, thương ước.

Tàng Thơ Lâu (xây dựng năm 1825): Theo Đại Nam thực lục và Đại Nam nhất thống chí, Tàng Thơ Lâu được xây dựng vào mùa hè năm Minh Mạng thứ 6 (1825). Dưới sự ủy thác của triều đình, Thử Thống chế Đoàn Đức Luân điều khiển hơn 1.000 binh lính để thi công. Tòa nhà được xây dựng bằng gạch và đá, gồm 2 tầng, tầng dưới 11 gian, tầng trên 7 gian 2 chái, xung quanh xây lan can, bốn mặt là hồ vuông, gọi là hồ Ngọc Hải, phía Tây hồ bắc cầu để ra vào. Nơi đây tàng trữ tất cả văn thư, sổ sách của Lục Bộ và các Nha sở của triều đình trung ương.

Thư viện Đông Các (xây dựng năm 1826): được vua Minh Mạng cho thành lập để tàng trữ văn thư của Nội các, cơ quan văn phòng cao nhất làm việc bên cạnh nhà vua, bao gồm nhiều tài liệu như các tài liệu ngoại giao, bản đồ quốc gia, bản đồ tỉnh và bản đồ thế giới, các tập châu bản của các vua triều Nguyễn, các tập thơ văn do vua sáng tác.

Tụ khuê thư viện (xây dựng năm 1852): được thành lập ở đời vua Tự Đức. Nơi đây dùng để lưu giữ các sách cổ, các tài liệu viết tay của các vị tiến sĩ trong các khoa thi. Theo một tổng kiểm kê vào năm Thành Thái XIV (1902), số sách lúc bấy giờ tàng trữ tại thư viện gồm 3.970 bộ cùng 8.531 bản sách rời; trong đó Bản quốc thư 232 bộ cùng 703 bản sách rời, Kinh 776 bộ cùng 69 bản sách rời; Sử 712 bộ cùng 173 bản sách rời; Tử 1.081 bộ cùng 216 bản sách rời; Tập 1.089 bộ cùng 84 bản sách rời. Tây thư 77 bộ cùng 16 bản sách rời; sách ở Đông các 7.190 bản.

Thư viện Nội các: Theo số liệu tổng kiểm kê vào năm Duy Tân II (1908), số sách lúc bấy giờ tàng trữ tại thư viện gồm 271 tên sách thuộc triều Nguyễn, 344 tên sách thuộc Kinh bộ, 406 tên sách thuộc Sử bộ, 861 tên sách thuộc Tử bộ, 642 tên sách thuộc Tập bộ.

Tân thư viện (xây dựng năm 1909): Là thư viện của Quốc Tử giám, thư viện trường đại học dưới triều Nguyễn. Sau này thư viện được đổi thành Thư viện Bảo Đại. Theo một tổng kiểm kê vào năm 1912, số sách hiện có tại thư viện lúc này là 2.640 bộ, trong đó có 7.996 bản thuộc Kinh bộ; 15.935 bản thuộc Sử bộ; 15.297 bản thuộc Tử bộ; 5.342 bản thuộc Tập bộ; 6.801 bản xếp lộn xộn gồm sách Việt Nam, Trung Quốc, Anh, Mỹ.

Thư viện Bảo Đại (có tên gọi từ năm 1923): tồn tại hơn 20 năm. Ở đây tập trung sách vở, tài liệu ở các kho lưu trữ và thư viện của triều Nguyễn kể từ khi Pháp chiếm Huế. Đào Duy Anh đã nhận xét về giá trị của thư viện này rằng: “Về phương diện tài liệu lịch sử Việt Nam thì ở Huế có thư viện Bảo Đại có chứa những sách cũ của Nội các trong hoàng thành được tập hợp từ thời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Kê tài liệu chính thức về lịch sử nhà Nguyễn thì thư viện ấy có tương đối đầy đủ”.

Nhìn chung, triều Nguyễn rất coi trọng việc đào tạo nhân tài và khuyến khích việc học cho con em và những hiền sĩ khắp cả nước. Vì vậy, việc thành lập những tổ chức thư viện là việc làm cần thiết để khuyến khích việc học tập và nghiên cứu. Ngoài ra, những vị vua của nhà Nguyễn như Minh Mạng còn rất quan tâm đến việc mua sách vở, tài liệu nghiên cứu. Sách Minh Mạng chính yếu cho biết: “Xem sách rất có ích cho thần trí con người, các ngươi trong khi việc công nhàn rỗi nên mượn về nhà mà xem…”.

Hay việc tìm mua sách vở để làm tư liệu và học tập, trong sách Minh Mạng chính yếu chép: “Vua mới lên ngôi, tìm mua sách cũ, ai đem sách hiến thì có thưởng, đến đây vua đi tuần phương Bắc, xuống dụ rằng: Trẫm sau khi làm muôn việc nhàn rỗi, mở sách ra coi những sự tích hưng phế và chế độ đổi thay của các đời trước, cùng là các nhân vật hay dở, phong thổ dị đồng, thường nghĩ góp nhặt lấy để tham khảo.

Xét Bắc thành là đất văn hiến, ai có sách vở đời trước để lại hoặc tạp chí của tư gia và thư tịch ngoại quốc, đều cho phép đem hiến. Trẫm sẽ hậu thưởng”.

Song song với việc làm trên, các vị vua của triều Nguyễn còn mở nhiều kỳ thi ân khoa để tuyển chọn người tài vào làm quan. Tổng cộng triều Nguyễn đã mở được 39 khoa thi tiến sĩ và lấy 558 vị. Như vậy việc xây dựng những tổ chức thư viện ở từng thời điểm khác nhau đã tạo nên một phong trào học tập và tự nghiên cứu của các quan và các vị hoàng thái tử. Từ đó góp phần thúc đẩy sự học, đưa lại những kết quả ban đầu đáng trân trọng.

Việc xây dựng những tổ chức thư viện như vậy cũng đã góp phần lưu trữ được một số lượng lớn sách vở, tài liệu hiện còn lại đến ngày nay. Đây là một kho tư liệu vô giá của dân tộc và cũng là nguồn tư liệu phong phú cho các nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa của nhà nước.

II. DÂU ẤN NHỮNG TÀNG BẢN TRÊN MỘC BẢN TRIỀU NGUYỄN

Ngoài những tổ chức thư viện nói trên, dưới triều Nguyễn còn có những cơ sở chuyên lưu trữ những bộ cổ thư, những bộ ván khắc chữ Hán Nôm có giá trị. Tiêu biểu cho số thư viện tư nhân này là thư viện Long Cương ở Nghệ An do Cao Xuân Dục đứng đầu, Liễu Văn đường ở Hà Nội tàng bản bộ sách nổi tiếng của vua Tự Đức Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, Quan văn đường, Thư viện gia đình Lê Nguyên Trung có bài ký soạn năm Bính Ngọ (1846) đời Thiệu Trị cho biết sách ở thư viện tư nhân này được xếp thành 7 loại khác nhau gồm có Kinh, Thư, Sử, Tử, Tập, Cử nghệ, Tạp trữ… Qua đây có thể nhận xét rằng nghề in ở nước ta rất được coi trọng. Hiện nay số Mộc bản còn giữ được ở nước ta đa phần là của triều Nguyễn để lại. Có những bộ sách chúng tôi không tìm ra được cơ sở tàng bản, nhưng cũng có những bộ sách chúng tôi tìm ra được nơi tàng bản thời kỳ đó trước khi nó được tập trung đưa về Thư viện Bảo Đại. Dưới đây là phần thống kê tên bộ sách và nơi tàng bản của những bộ ván khắc Mộc bản qua đợt khảo sát kho Mộc bản triều Nguyễn lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

A. Những bộ sách do Quốc sử quán biên soạn và khắc in (1821-1945):

1.        Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập

2.        Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập

3.        Đại Nam liệt truyện tiền biên

4.        Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ

5.        Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ

6.        Đại Nam thực lục chính biên đệ tam kỷ

7.        Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ

8.        Đại Nam thực lục chính biên đệ ngũ kỷ

9.        Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ

10.     Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ

11.     Đại Nam thực lục tiền biên

12.     Khâm định Việt sử thông giám cương mục tiền biên

13.     Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên

14.     Đại Nam nhất thống chí

15.     Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ

16.     Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên

17.     Minh Mạng chính yếu

18.     Hoàng Việt luật lệ

19.     Nhân thế tu tri

20.     Quảng Bình khoa lục

21.     Thư kinh tân ước

22.     Thánh chế thi tam tập

23.     Thi vận tập yếu

24.     Đồng Khánh Khải Định chính yếu

25.     Ngự chế văn sơ tập (Thiệu Trị)

26.     Ngự chế văn sơ tập (Minh Mạng)

27.     Ngự chế văn nhị tập (Thiệu Trị)

28.     Ngự chế văn nhị tập (Minh Mạng)

B. Những bộ sách do Hải học đường tàng bản (1814-1881)

1.        Lịch triều sách lược

2.        Văn tuyển

3.        Bạch Vân Am thi tập

4.        Danh phú

5.        Danh thi hợp tuyển

6.        Danh văn tinh tuyển

7.        Độc sử si tưởng tập

8.        Giang thương thi tập

9.        Truyện phú

C. Những bộ sách do Đền Quan thánh tàng bản:

1.        Dưỡng chính di quy

2.        Giáo nữ di quy

3.        Tại quan pháp giới lục

4.        Tòng chính di quy

5.        Tứ lục hợp tuyển

D. Những bộ sách do nhà in Long Cương Nghệ An tàng bản (1845-1851):

1.        Quốc triều Hương khoa lục

2.        Quốc triều đăng khoa

E. Những bộ sách do Hà Đình tàng bản (1878-1922):

1.        Cung kỷ luân âm

G. Những bộ sách Quốc tử giám tàng bản (1821):

1.        Bích ung canh ca hội tập

2.        Đại Việt sử ký toàn thư (bản khắc in lại)

H. Những bộ sách do Mạc Vân Sào tàng bản (1857-1867):

1. Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập

Nhận xét

Thông qua việc thống kê những bộ sách có dấu ấn tàng bản dưới triều Nguyễn, chúng ta có thể nhận thấy công việc in ấn và biên soạn sách vở dưới thời kỳ này rất nghiêm ngặt. Công việc in ấn do cơ sở nhà nước quản lý chiếm một phần lớn, bởi cơ sở này có điều kiện ưu việt về tài chính, kỹ thuật ấn loát. Đa phần các bộ quốc sử sách kinh điển, các tuyển tập thơ văn ngự chế đều do cơ quan này đảm nhiệm. Ở triều Nguyễn, cơ quan có thẩm quyển cao nhất là Quốc sử quán.

Theo Sử quán thủ sách, tính từ đầu thế kỷ XX, số lượng sách do Quốc sử quán khắc in đã lên đến 68 bộ. Tại Việt Nam, có lẽ không có một cơ quan trước tác nào trước thế kỷ XIX từng biên soạn và khắc in một khối lượng công trình lớn đến thế. Có thể xem, Quốc sử quán là Viện Hàn lâm của Việt Nam một thời. Cùng với những cơ sở in ấn của nhà nước còn có một số những nhà in tư nhân, các tàng bản có dấu ấn của tư nhân cũng chiếm một khối lượng lớn, những tàng bản này đa phần là của tư nhân hoặc của một số người chung vốn thành lập. Những bộ sách mà các cơ sở này in ấn đa phần là sách của các cá nhân sáng tác và tự bỏ tiền ra in. Tuy nhiên, việc in ấn của những tàng bản này có gặp khó khăn vì việc in ấn rất phức tạp và tốn kém. May ra chỉ có các tập đoàn hay các phường hội mới có khản năng in ấn. Nếu các tư nhân làm được thì đó cũng là những người có thế lực làm quan hoặc giàu có. Do vậy, mặc dù nghề in sách Mộc bản của nước ta phát triển khá sớm nhưng hiện nay số lượng sách in chỉ chiếm 30% tổng số lưu hành. Đến thời Nguyễn, năm 1820 triều đình tập trung việc in ấn vào kinh đô Huế và di chuyển toàn bộ số ván khắc của các triều đại khác từ Văn Miếu Hà Nội về Văn Miếu Huế. Từ đó, ai muốn in tác phẩm nào thì phải gửi đơn từ và giấy mực lên Sử quán. Chính điều này đã cản trở không nhỏ đến việc in ấn thư tịch.

Bìa sách Hoàng Việt luật lệ – Nguồn Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Ngày nay, với tinh thần phát huy vốn văn hóa dân tộc, thư tịch và tài liệu Hán Nôm đã và đang được quan tâm đúng mức hơn, với nhiều tổ chức lưu giữ và bảo quản, như các thư viện tỉnh, các trung tâm nghiên cứu văn hóa, các trung tâm lưu trữ quốc gia, và đặc biệt Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Ngoài ra, còn có nhiều tư gia cũng đã và đang góp phần giữ gìn một nguồn thông tin tư liệu quý giá cho đất nước. Song song với việc lưu giữ, bảo quản thì nhiều những tài liệu đã được dịch thuật, công bố để phục vụ tốt hơn đến với độc giả trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu.

………………….

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Mộc bản triều Nguyễn – Đề mục tổng quan, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2004;

2. Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ H48;

3. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004;

4. Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Tạp chí Hán Nôm, số 2 năm 1988.