Dưới triều Nguyễn, việc quy hoạch và thiết lập các tòa thành từ trung ương đến địa phương là cơ sở đảm bảo cho kinh đô và các tỉnh thành có sự quy hoạch mang tính bền vững trong việc quản lý hành chính, giao thương và phòng thủ tại mỗi vùng. Tòa thành thời Nguyễn có thể chia thành những loại sau: Đô thành (Kinh thành Huế), Trấn thành – Tỉnh thành (thành ở các tỉnh), Phủ thành, Huyện thành và đồn, pháo đài.

Trong số các toà thành được xây dựng ở Phủ, thì thành phủ Diễn Châu được xem là một trong những toà thành được quy hoạch cụ thể và có kiến trúc đặc biệt.

Thông qua những tư liệu ghi chép trong khối Mộc bản triều Nguyễn, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả những dấu tích xưa về thành Phủ Diễn Châu. Dù hiện nay, tòa thành này không còn, nhưng từ những tư liệu lưu trữ chúng ta có thể biết thêm về cách thức thiết lập, quy hoạch của triều Nguyễn trong quá trình xây dựng, phát triển sinh dân và bảo vệ vùng lãnh thổ.

Thành phủ Diễn Châu nằm ở vị trí rất đắc địa, nhìn về phía Đông là biển xanh mênh mông sóng nước; nhìn về phía Tây là lèn Hai Vai sừng sững nhô đầu như lính tiền tiêu bảo vệ vùng đất địa linh nhân kiệt. Con sông Bùng uốn lượn quanh co, lượn lờ trôi bên chân thành cổ kính. Nguồn gốc thành phủ Diễn Châu, theo sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 14 có ghi lại rằng: “Thành phủ Diễn Châu: Chu vi 237 trượng 2 thước, cao 5 thước 6 tấc, mở 3 cửa, hào rộng 1 trượng, sâu 6 thước ở xã Cao Xá, huyện Đông Thành. Đời Lê, lỵ sở phủ ở xã Đông Luỹ, nhà Nguỵ Tây dời đến xã Tiên Lý, gọi là bảo Tiên Lý…”.

Như vậy trước khi có tên gọi là thành phủ Diễn Châu thì thành còn được gọi tên là bảo Tiên Lý, tên gọi này được xuất phát từ thời Tây Sơn và giữ nguyên dưới triều vua Gia Long và đầu đời Minh Mệnh. Đến tháng 11, năm Nhâm Ngọ (1822), vua Minh Mệnh đã cho đổi bảo Tiên Lý thành phủ Diễn Châu. Tên gọi thành phủ Diễn Châu bắt đầu xuất hiện từ đây. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 18, mặt khắc 4 có ghi lại rằng: “Đổi bảo Tiên Lý ở Nghệ An làm thành phủ Diễn Châu, bảo Hà Trung làm thành phủ Hà Hoa, bảo Đại Nại làm thành huyện Thạch Hà”.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 18, mặt khắc 4 ghi chép về việc  vua Minh Mệnh cho đổi tên bảo Tiên Lý làm thành phủ Diễn Châu

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Sau khi đổi tên là thành phủ Diễn Châu được 1 năm thì vào năm Quý Mùi (1823), vua Minh Mệnh bàn với đình thần xây đắp thành ở hai phủ Diễn Châu và Tĩnh Gia. Tuy nhiên, do vào tháng 8 mưa lụt, nên thành phủ Tĩnh Gia công việc đành phải hoãn lại. Còn thành phủ Diễn Châu vẫn tiến hành công việc xây đắp bình thường, Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 21, mặt khắc 10, 11 ghi về việc này như sau: “Vua bàn xây đắp thành hai phủ Diễn Châu và Tĩnh Gia và thành đạo Ninh Bình, lấy công thay phát chẩn (phát tiền, gạo. Sai chọn phái 6 người Lang trung, Chủ sự chia đi hội đồng với Trấn thần, Đạo thần phát tiền gạo thêm giá mà thuê dân làm và sắm vật liệu. Sau vì tháng tám mưa lụt, bèn đình công việc. Duy có phái viên ở phủ Diễn Châu là Lang trung Nguyễn Hữu Dực và Chủ sự Trương Minh Giảng khéo xếp đặt, dân đến làm thuê nhiều, khỏi bị đói mà việc cũng thành công. Vua khen lắm, thưởng kỷ lục đều 1 thứ”.

Để chuẩn bị việc xây thành phủ Diễn Châu, trước đó vua Minh Mệnh đã xuống dụ: “Năm thứ 4 (1823), Dụ rằng: Gần đây 3 trấn, đạo Thanh, Nghệ, Ninh Bình, đời sống nhân dân khá khó khăn, nghĩ rất thương xót. Cho phép 2 bộ Hộ, Công hội họp với quan Giám thành, căn cứ vào số nhân công cần dùng và số vật liệu phải sắm là bao nhiêu cho hai cái thành phủ Diễn Châu, Tĩnh Gia thuộc 2 trấn ấy và thành đạo Ninh Bình, rồi liệu xuất tiền kho, định giá thuê mướn đến làm. Như thế cũng là ban ơn kịp thời để giúp dân đói. Công việc nên như thế, bàn bạc thoả đáng tâu lên, hãy kính cẩn theo đó”.

Về vật liệu xây thành phủ Diễn Châu hết sức đặc biệt, tận dụng bãi Sò ở gần đấy, vua Minh Mệnh ra sức kêu gọi người dân địa phương cũng như dân thuê nơi khác đến bãi Sõ lấy đá sò để xây tường thành. Về bãi Sò, Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 14, mặt khắc 30, 31 có ghi: “Bãi Sò: ở xã Tiên Lý, Hương Quan thuộc huyện Đông Thành, có tên nữa là Ngoạ Long Cương, cũng có tên là Xác Long Cương. Trong khoảng đất từ núi Mộ Dạ (Mỗi Dạ) đến sông Phùng đều có vỏ sò, vỏ trai kết chặt, cứng rắn như đá, có mấy đường sống nổi lên, khi nối khi đứt, người địa phương lấy để xây tường, xây nhà và làm đá tảng, phủ thành Diễn Châu xây bằng đá sò đều lấy ở đấy”.

Thành phủ Diễn Châu được xây dựng bằng đá sò nên rất vững chãi, chắc chắn. Để phục vụ việc xây dựng, một lượng lớn đá sò đã được vận chuyển về đây. Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 68, mặt khắc 3 ghi như sau: “Chuẩn y lời nghị rằng, cứ số nhân công vật liệu cần dùng cho các thành ấy, đã liệu châm chước ấn định, nên sức các quan trấn, đạo ấy chiêu mộ dân phu đến làm việc khoản giá trả tiền như sau: về vật liệu thành phủ Diễn Châu 269.270 phiến đá sò (đệ đến chỗ xây thành, mỗi phiến ngang dọc đều 1 thước 2 tấc giá 15 đồng tiền); 68.440 phiến bột vỏ sò hạng nhỏ dùng nung vôi (đệ đến tận lò nung, mỗi trăm cân giá 5 đồng tiền), 17.111 cân than gỗ (mỗi trăm cân 3 tiền)”.

Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 68, mặt khắc 3 ghi chép  về công tác chuẩn bị vật liệu xây thành phủ Diễn Châu

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Sau khi hoàn thành được 8 năm, thì vào năm Tân Mão (1831), thành phủ Diễn Châu tiếp tục được vua Minh Mạng cho xây lên cao hơn so với quy mô trước. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 74, mặt khắc 8 ghi rằng: “Vua cho rằng các thành của các phủ huyện Tĩnh Gia, Diễn Châu, Hà Hoa, Thạch Hà thuộc 2 hạt Thanh, Nghệ xây đắp trước đây, so với quy chế thành các phủ huyện (do bộ) mới tư ra Bắc Thành, thì có hơi thấp. Sắc cho bộ Công vẽ kiểu xây cao hơn, tư ra quan trấn trù tính nhân công vật liệu xây đắp thêm lên”.

Năm Ất Dậu (1825), vị vua thứ 2 của triều Nguyễn đã định lệ lính thú canh giữ ở thành phủ Diễn Châu. Năm Bính Tuất (1826), vua tiếp tục sai hai vệ Tráng võ, Cường võ Hậu dinh quân Thần sách đóng thú ở thành phủ Diễn Châu. Đến năm Ất Mùi (1835), vua Minh Mệnh tiếp tục đặt pháo, súng ở thành Diễn Châu để phòng ngự. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ,  quyển 158, mặt khắc 15 ghi: “Chuẩn định chia đặt các cỗ súng đại bác ở các thành phủ, huyện các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoa, Ninh Bình, (Thành tỉnh Nghệ An: 16 cỗ hồng y cương pháo, 4 cỗ phách sơn cương pháo, 16 cỗ quá sơn đồng pháo; phủ thành Diễn Châu: hồng y cương pháo, quá sơn đồng pháo mỗi thứ 4 cỗ: tất cả 44 cỗ”.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ,  quyển 158, mặt khắc 15 ghi chép về việc vua Minh Mệnh cho chia đặt súng, pháo ở thành phủ Diễn Châu

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Trải bao thăng trầm của lịch sử, thành cổ Diễn Châu giờ đây không còn, nhưng những dấu tích từ sử sách, chúng ta có thể hiểu thêm về toà thành cổ được xếp vào một trong tám cảnh đẹp của “Đông Yên Nhị Châu”[1], gồm Dạ Sơn linh tích (Dấu thiêng núi Mộ Dạ), Cao Xá long cương (Gò rồng Cao Xá), Bùng Giang thu nguyệt (Trăng thu trên sông Bùng), Bích Hải quy phàm (Cánh buồm về cửa Bích), Thiên uy thiết cảng (Kênh sắt oai trời), Diễn Thành thạch bảo (Thành đá phủ Diễn Châu).

[1] vùng đất thuộc tổng Yên Thành xưa.

…………………………………………………

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ sơ H22/15, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

2. Hồ sơ H22/44, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

3. Hồ sơ H22/212, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

4. Hồ sơ H23/40, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

5. Bản dịch sách Đại Nam thực lục của Viện Sử học, Nxb Khoa học xã hội, năm 2004.

Phương Thảo