Khi điểm tên những ngôi chợ xưa nổi tiếng ở thành phố Huế, người ta thường nghĩ ngay đến chợ Đông Ba, chợ Dinh – những ngôi chợ đã đi vào ca dao của người Việt. Nhưng ít ai biết rằng dưới thời vua Minh Mạng, có một ngôi chợ quy mô lớn và nằm cạnh chợ Đông Ba, được vua Minh Mạng cho xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu buôn bán của người dân, đó là chợ Gia Hội.

Sách Đại Nam nhất thống chí chép: chợ Gia Hội ở huyện Hương Trà, phía Đông cầu Gia Hội, tục gọi là chợ Mụ Đặng, một dải ven sông nhà tranh của dân ở xen nhau, thường có hỏa hoạn.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 181, mặt khắc 28, 29 chép: (Năm Đinh Dậu, Minh Mạng năm thứ 18 (1837)), khi đổi tên cầu An Hội làm cầu Gia Hội, vua đã cho lập chợ Gia Hội, xây dựng phố dài.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ ghi chép về việc vua Minh Mạng cho lập chợ Gia Hội

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Vua nghĩ một dải phố ở bờ phía Đông sông tả hộ thành, dân cư xen lẫn nhà gianh, thường bị nạn cháy, bèn sai thự Thống chế Hữu dực quân Vũ lâm là Lê Văn Thảo coi đem biền binh làm nhà ở chợ Gia Hội lợp bằng ngói (89 gian). Mặt trước chợ ra đến sông làm một cái đình gọi là đình Quy Giả, đình làm 2 tầng, lại từ phía Bắc cầu Gia Hội đến chỗ ngang với góc đài Trấn Bình làm lên phố dài gọi là phố Gia Hội, Đông Ba, Đông Hội (tất cả 399 gian, dài suốt hơn 319 trượng, dân xin làm lại 147 gian, nhà nước làm 252 gian, đều cột bằng gạch, xây bằng vôi, mặt trước làm cửa ngõ, cứ 3 gian ngăn bằng tường gạch, mặt sau xây gạch, vách mở cửa cuốn, sau vách để không 5 thước làm đường nhỏ, từ phía Bắc cầu Gia Hội đến phía Nam cầu Đông Ba gọi là phố Gia Hội, từ phía Bắc cầu Đông Ba đến phía Nam cầu Thế Lại gọi là phố Đông Ba, từ phía Bắc cầu Thế Lại đến chỗ ngang với góc đài Trấn Ninh gọi là phố Đông Hội, bờ sông xây bờ đá, lan can xây bằng gạch để
làm chắn).

Cho dân thường tự làm hai nhà thì không phải đóng thuế địa tô, nhà của nhà nước làm mà dân muốn ở thì mỗi gian mỗi năm nộp tiền 20 quan, nhận đủ 120 quan thì được nhận làm của riêng, tiền ấy do phủ Thừa Thiên thu giữ, để phòng chẩn cấp cho dân nghèo và chi phí việc sửa sang cầu cống, đường sá. Quan phủ Thừa Thiên lại xin ở 2 tầng trên, dưới đình Quy Giả như gặp khi có xe vua đi qua đều đặt hương án, treo cờ đỏ để đón và tiễn theo như lễ nghi. (các phố Gia Hội, Đông Ba, Đông Hội cũng thế). Còn ngày thường ngồi từng hàng và lên đấy ngắm cảnh thì không cấm. Những người bày hàng ở phố chợ thì chia ra từng hạng đánh thuế (hằng năm 1.286 quan tiền) cùng với tiền nhà ở phố phải nộp (30.240 quan tiền) sung cấp cho dinh vệ các quân để chi phí việc công nhu.

Vua cho rằng: “Làm ra phố chợ, cốt để phòng hỏa hoạn, tiện cho dân ở, nguyên không thèm tính toán tiền thuê, duy nhân dân có lợi được ở, mà biền binh phái làm rất là khó nhọc. Vả lại dinh vệ các quan thường năm theo lệ có cấp tiền công nhu, nay các nhà ở phố chợ, số tiền phải nộp xem ra nhiều, nên lấy số tiền ấy cấp thêm cho một nửa, cho được cùng hưởng lợi ấy. Vậy cho bộ Hộ châm chước bàn định thi hành”.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ ghi chép về việc vua Minh Mạng cho rằng làm ra phố chợ, cốt để phòng hỏa hoạn, tiện cho dân ở, dân có lợi được ở

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Các đội Túc trực, Trường trực, Thường trực vệ Cẩm y, 10 vệ 2 dực tả hữu quân Vũ lâm; các dinh Thần cơ, Tiền phong, Long võ, Hổ uy, Hùng nhuệ, mỗi dinh 10 vệ; 6 vệ Trung bảo nhất nhị, Tiền bảo nhất nhị, Hậu bảo nhất nhị; 15 vệ 3 dinh Thủy sư; mỗi vệ mỗi năm cấp cho 200 quan tiền. Vệ Long Thuyền, 4 vệ dinh Kỳ võ, mỗi vệ cấp cho 150 quan tiền, 3 vệ kinh tượng nhất nhị tam, 2 vệ Phi kỵ, Khinh kỵ viện Thượng tứ và vệ Võng thành, mỗi vệ đều 100 quan tiền, 5 đội vệ giám thành; 4 đội Dực võ ty kỳ cổ, 3 đội Trấn phủ; 3 đội thự Hòa thành; 7 đội ty Lý thiện; 2 đội Dực thắng; 5 đội Dực hòa; 2 đội Dực hùng; 3 đội Dực cường; 4 đội Dực vĩnh; 2 đội Dực oai; 4 đội Dực thịnh; 4 đội Dực chấn; 2 đội Dực tín; 4 đội Dực mỹ; mỗi đội ty đều 10 quan.

Rồi vua Minh Mạng cho 3 phố Gia Hội, Đông Ba, Đông Hội đều lấy tên hàng gọi là 3 hàng ở phía Đông thành. Lại từ chợ Gia Hội thẳng đến hạ ấp chợ doanh, chia đặt làm 8 hàng, tên hiệu riêng biệt, gọi là 8 hàng dọc sông (Gia Thái hàng, Hòa Mỹ hàng, Phong Lạc hàng, Doanh Ninh hàng, Hội Hòa hàng, Mỹ Hưng hàng, Thụy Lạc hàng, Tam Đăng hàng, dài suốt hơn 452 trượng), các hàng đều có biển ngạch (viết rõ tên hàng như các chữ Gia Hội hàng…) đặt 1 người hàng trưởng, để truyền bảo công việc cho nhanh.

Chợ Gia Hội được vua Minh Mạng quan tâm cho xây dựng, quy hoạch rõ ràng, hai bên tả hữu nhà ngói liền nhau, nên buôn bán tấp nập, ở sông thuyền buôn thuyền chài đi lại như mắc cửi. Tuy nhiên, do chợ Gia Hội ở gần chợ Đông Ba (Đông Gia) có quy mô rộng lớn hơn nhiều nên chợ Gia Hội dần dần mất hẳn vị thế, đến nay thì chợ Gia Hội đã không còn tồn tại./.

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ sơ H22/182, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

2. Đại Nam nhất thống chí, Quốc Sử quán triều Nguyễn, Viện khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa (2006);

3. Đại Nam thực lục, Viện khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Nxb Giáo dục (2004).

Nhật Phương