Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, mỗi triều đại thường tổ chức biên soạn hội điển, có khi còn gọi là đại điển, chính điển…, như dưới thời Trần có “Hoàng triều đại điển” do Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn biên soạn; triều Lê có “Quốc triều chính điển lục”do Bùi Huy Bích biên soạn. Đến triều Nguyễn, nhằm phổ biển các điển pháp, quy chuẩn và dữ liệu liên quan đến hoạt động của bộ máy nhà nước, triều đình đã cho biên soạn bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, đây là một trong số ít công trình khoa học có quy mô lớn và giá trị của Nội các triều Nguyễn.

1. Bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (chính biên)

Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (phần chính biên) là bộ sách được biên soạn vào năm Quý Mão (1843), dưới triều vua Thiệu Trị. Để biên soạn bộ sách này, vua Thiệu Trị đã cho tuyển chọn số lượng quan viên lớn tham gia biên soạn. Ngoài các đại thần, các bậc danh tài như Miên Định, Miên Nghi, Vũ Xuân Cẩn, Trương Đăng Quế, Phan Thanh Giản…còn có quan lại của 6 bộ, của các ty, viện lên tới khoảng 160 người: “Ai học vấn sâu rộng, đều phân phái theo Lục bộ, cùng làm việc này, sưu tầm từ năm Gia Long thứ nhất (1802) đến năm Minh Mệnh thứ 21 (1840): phàm chỉ, dụ, điều lệ, lời bàn của bộ và sớ tâu trong Kinh ngoài trấn đã được chỉ chuẩn, điều gì có quan hệ đến chính thể, thì từng điều một, chia thành môn loại, chiếu theo năm tháng trước sau, sắp xếp thứ tự, biên chép thành một bộ sách, sao cho chia ra từng điều, tách ra từng mục, không thiếu sót. Khi thành bản thảo thì tâu lên, đợi ta chọn phái một viên đại thần làm Giám tu, Tổng tài, lại khảo đính thêm, đặt tên sách là Đại Nam hội điển sự lệ, cho khắc thành bản in, tỏ ra hiến chương một đời để lại về sau”.

Sau khi vua cha mất, vua Tự Đức tiếp tục chỉ đạo việc biên soạn bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Vì đây là bộ quốc sử quan trọng, nên vua Tự Đức cũng rất quan tâm đến đội ngũ biên soạn. Năm Tân Hợi (1851), vua hạ lệnh cấp thêm lương ăn cho sở làm sách Hội điển: “Chánh, phó đổng lý mỗi tháng cấp tiền 6 quan (nguyên trước có 5 quan); tứ, ngũ phẩm tuỳ biện tiền 4 quan (nguyên trước 3 quan); lục phẩm trở xuống đến bát, cửu phẩm tiền 3 quan (nguyên trước 2 quan); vị nhập lưu thư lại tiền 2 quan (nguyên trước 1 quan 5 tiền)”.

Bản in Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ phần chính biên  (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)

Đến mùa thu, năm Ất Mão (1855), bộ sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (chính biên) đã được biên soạn xong. Như vậy, sau 12 năm biên soạn (1843 – 1855), bộ sách mới được hoàn thành. Ban đầu, dự định việc biên soạn sẽ hoàn thành vào năm Canh Tuất (1850), niên hiệu Tự Đức thứ 3. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà 5 năm sau, bản thảo bộ sách này mới xong.

Về thể thức, sách được phân chia ra theo từng môn loại. Sau quyển Thủ giới thiệu về các chỉ dụ, tấu sớ, phàm lệ về việc biên soạn sách phần nội dung gồm 262 quyển. Sách biên chép tất cả các Dụ chỉ, sắc lệnh, chiếu chỉ… đã đem thi hành kể từ năm Gia Long thứ nhất (1802) đến năm Tự Đức thứ 4 (1851).

2. Bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (phần tục biên A và B)

Bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ không chỉ có phần chính biên, mà còn có phần tục biên. Căn cứ theo thể lệ biên chép Hội điển, năm Kỷ Sửu (1889), vua Thành Thái cho biên soạn tiếp “Hội điển tục biên”, ghi chép những chính sách và các chiếu chỉ đã đưa ra thi hành từ năm Tự Đức thứ 5 (1851) đến năm Duy Tân thứ 8 (1914).

Hiện nay, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, đang lưu giữ được bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ phần chính biên và tục biên. Riêng phần tục biên, có 2 phần tục biên A và tục biên B. Về quy mô, bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên A gồm 60 quyển và 01 quyển mục lục, trong đó quyển 1 ghi chép về phủ Tôn Nhân; quyển 2: Viện Cơ mật, quyển 3 -10: bộ Lại; quyển 11 – 16: bộ Hộ; quyển 17 – 33: bộ Lễ; quyển 34 – 37: bộ Binh; quyển 38 – 43: bộ Hình; quyển 44 – 49: bộ Công; quyển 50: Nội Các; quyển 51: Đô Sát viện; quyển 52: Đại Lý tự; quyển 53: Thị Vệ xứ và Cẩm Tín ty; quyển 54: Phủ Nội vụ; quyển 55: Võ khố; quyển 56: Thương trường; quyển 57: Khâm Thiên giám; quyển 58: Nha Phụng Hộ; quyển 59: Nha Thông bảo và quyển 60: Nha Hộ thành.

 

Bản in Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)

Còn bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên hậu thứ (tục biên B) gồm 1 quyển Thủ, 1 quyển Mục lục và 53 quyển thuộc phần nội dung. Bộ sách này hiện đang được Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiến hành dịch thuật ra tiếng Việt. Hiện nay, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV là đơn vị duy nhất ở Việt Nam còn lưu giữ được các ván khắc bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên hậu thứ (tục biên B).

Có thể nói, để nghiên cứu toàn diện xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX, bên cạnh các bộ sử chính thống của triều Nguyễn như Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, Đại Nam nhất thống chí… thì bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ thực sự không thể bỏ qua. Đây là bộ sách chứa đựng một khối lượng tư liệu khổng lồ về bộ máy hoạt động của triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ sơ H20, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

2. Hồ sơ H21, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

3. Hồ sơ H22, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

4. Hồ sơ H23, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

5. Hồ sơ H24, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Phương Thảo