“Đất mở nơi đâu, dấu chân ông in nơi đó.

Dòng kênh chảy về đâu, lòng dân nhớ về ông đến đó.”

Trong tiến trình Nam tiến của dân tộc Việt Nam, vùng đất Nam Bộ – từ vùng đất hoang sơ trở thành một khu vực trù phú – không thể không nhắc đến công lao của các bậc danh thần triều Nguyễn. Trong đó, Thoại Ngọc Hầu (Nguyễn Văn Thoại) là một nhân vật tiêu biểu, người không chỉ giữ vững vùng biên viễn phía Tây Nam Tổ quốc, mà còn là nhà tổ chức khai hoang, mở kênh, lập ấp, dựng làng, để lại dấu ấn bền vững trong lịch sử.

Thăm Lăng Thoại Ngọc Hầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính tưởng nhớ Thống chế Khâm sai Thượng đạo Đại tướng quân Nguyễn Văn Thoại – người có những đóng góp to lớn trong quá trình bình định, bảo vệ cương thổ vào thời nhà Nguyễn (Nguồn: Trang thông tin Chính phủ).

1. Vị tướng từ miền Trung nắng gió

Nguyễn Văn Thoại, tự là Ngọc Hầu, sinh năm 1761 tại Diên Phước, Quảng Nam – vùng đất nổi tiếng là cái nôi của nhiều danh thần triều Nguyễn. Trong bối cảnh biến loạn cuối thế kỷ XVIII, ông sớm theo phò chúa Nguyễn Ánh, tham gia chinh chiến khắp Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Từng vào sinh ra tử, lập nhiều công trạng, ông được phong tước Thoại Ngọc Hầu, một trong những võ quan trụ cột dưới triều Gia Long và Minh Mạng.

Theo Mộc bản sách Đại Nam liệt truyện thì ông được mô tả là người cần kiệm, thanh liêm, giỏi việc dân sinh, am hiểu quân cơ, được triều đình tin tưởng cử làm trấn thủ Vĩnh Thanh, sau chuyển làm trấn thủ An Giang. Những năm đầu thế kỷ XIX, đây là vùng đất còn hoang vu, cư dân thưa thớt, tình hình an ninh phức tạp, ông phải đối mặt với một thực tế: đất rộng, dân thưa, rừng rậm hoang vu, thú dữ và giặc giã nổi lên liên miên. Nhưng với tư duy tổ chức xuất sắc và tấm lòng “yêu dân như con”, ông đã biến vùng đất cận biên đầy hiểm trở ấy thành miền trù phú, nông thương phát đạt.

Bản dập Mộc bản sách Đại Nam liệt truyện sơ tập, quyển 27, mặt khắc 11 ghi chép về việc  vào năm Gia Long 17 (1818) Nguyễn Văn Thoại  đem quân đào kênh Thoại Hà và kênh Vĩnh Tế vào năm Gia Long 18 (1819).

2. Đại công trình khơi dòng đất mới

Kênh Thoại Hà – Dòng chảy đầu tiên của khát vọng khai mở

Khi được bổ làm Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh, Thoại Ngọc Hầu nhận thấy vùng đất này gặp nhiều trở ngại trong giao thương. Việc trao đổi hàng hóa giữa miền duyên hải như Hà Tiên, Rạch Giá (nay thuộc Kiên Giang) với nội địa phải phụ thuộc vào đường biển vòng xa, vừa tốn kém, vừa tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, hệ thống sông ngòi chằng chịt nhưng bị bùn lầy, cỏ mọc ngăn cản, khiến thuyền bè khó lưu thông, đặc biệt trong mùa nước lũ.

Để cải thiện tình trạng này, đồng thời tạo tuyến thoát nước cho sông Hậu đổ ra biển Rạch Giá, năm Mậu Dần (1818), ông quyết định đào một con kênh lớn nối từ sông Đông Xuyên (nay là Long Xuyên) đến Rạch Giá. Công trình nhanh chóng được thi công với sự tham gia của 1.500 dân phu người Việt và người Khmer, do nhà nước cấp phát tiền gạo. Chỉ trong hơn một tháng, con kênh hoàn thành, rộng hơn 10 trượng, sâu 18 thước, mang lại lợi ích lớn cho cả cư dân người Hán (Việt) lẫn người Di (chỉ người Khmer).

Theo Mộc bản Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 56, mặt khắc 12, nhà vua đánh giá rất cao công trình này và dụ rằng:

“Vua thấy đất ấy gần Chân Lạp, mênh mông lầy rậm, đường sông đi qua Kiên Giang bị bùn cỏ ủng tắc, thuyền bè không đi được, bèn sai Trấn thủ Nguyễn Văn Thoại sửa sang đường sông, điều động dân Hán, dân Di 1.500 người để vét… Hơn một tháng sông vét xong… dân Hán, dân Di đều lợi cả. Vua khen công của Thoại, đặt tên sông là Thoại Hà. Ở phía đông sông có núi Lạp Sơn, cũng đặt tên Thoại Sơn, cấm dân không được chặt cây cối”.

Về phía Thoại Ngọc Hầu, để ghi dấu công trình trọng đại này, ông soạn bài văn bia và cho dựng bia đá, lập miếu thờ bên triền núi Thoại – tạo nên không chỉ dấu mốc thủy lợi mà còn là biểu tượng văn hóa – tâm linh gắn bó với đời sống cư dân.

Kênh Thoại Hà không chỉ là tuyến thủy lợi huyết mạch, mà còn là công trình khởi đầu cho quá trình khai phá vùng Thoại Sơn, mở ra diện mạo mới cho khu vực Tây Nam Bộ – nơi tên tuổi Thoại Ngọc Hầu gắn liền với từng dòng chảy, từng nhánh ruộng, từng mái đình làng.

Kênh Vĩnh Tế – Biểu tượng của ý chí và lòng dân

Trong khoảng thời gian từ năm 1819 đến 1824, nhận lệnh vua Gia Long, Thoại Ngọc Hầu đã chỉ huy một trong những công trình thủy lợi lớn nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam: kênh Vĩnh Tế. Con kênh dài hơn 87 km, chạy song song với đường biên giới Việt Nam – Campuchia, bắt đầu từ bờ tây sông Châu Đốc đến sông Giang Thành (thuộc Hà Tiên ngày nay), có ý nghĩa chiến lược về cả giao thông, kinh tế và quốc phòng.

Kênh được đặt tên theo phu nhân của ông là Châu Thị Tế (tên huý Vĩnh Tế, văn bia tại miếu thờ bên núi Sam – Châu Đốc và lăng Thoại Ngọc Hầu cũng nhắc đến bà với tên Châu Thị Vĩnh Tế), người luôn đồng hành cùng chồng trong công cuộc khai hoang, mở đất, tên gọi Vĩnh Tế như minh chứng cho tình nghĩa vợ chồng cùng gánh vác việc nước non.

Theo Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 60, mặt khắc 7, vua Gia Long nhận thấy Vĩnh Thanh và Hà Tiên đều giáp Chân Lạp, việc đi lại trước không có đường thủy thuận tiện, bèn cho phép “vét đào đường sông Châu Đốc thông đến Hà Tiên”. Lúc đó, Chiêu Chùy nước Chân Lạp là Đồng Phù đến chầu, được hỏi ý kiến và tỏ rõ sự đồng thuận: “Khai sông ấy thì dân Chân Lạp được nhờ lợi, vua Phiên cũng muốn thế, không dám xin mà thôi.”

Vua liền sai Trấn thủ Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thoại và Chưởng cơ Phan Văn Tuyên đốc suất 5.000 dân phu và 500 binh dân, đồng thời huy động thêm 5.000 dân Chân Lạp, chính thức khởi công vào tháng Chạp năm ấy. Nhà vua cũng dụ rằng:

“Đào con sông này công việc rất khó nhọc. Kế sách của nhà nước, mưu hoạch về biên thùy đều quan hệ không nhỏ. Các ngươi nay khó nhọc, mà thực có lợi muôn đời. Vậy nên bảo nhau đừng sợ khó nhọc.”

Công trình được thi công trong điều kiện khắc nghiệt, dưới cái nắng gay gắt, qua vùng đầm lầy hoang vu, khiến hàng vạn dân phu kiệt sức. Thoại Ngọc Hầu trực tiếp giám sát, chăm lo từng phần ăn, thuốc thang, chia gạo, phát chăn chiếu – khiến người dân vô cùng cảm kích. Không chỉ là kỳ tích về mặt thủy lợi, kênh Vĩnh Tế còn góp phần thay đổi diện mạo toàn bộ vùng Tây Nam Bộ: mở đường giao thương với biển Tây, đảm bảo quốc phòng tuyến biên giới, đồng thời khuyến khích cư dân đến khai hoang lập ấp.

Sau khi kênh hoàn thành, Thoại Ngọc Hầu tổ chức định cư dân chúng, chia ruộng đất, hình thành các vùng cư trú mới như Vĩnh Tế, An Hải, Vĩnh Điều, mở rộng từ Thoại Sơn về phía biên giới. Ông còn cho xây dựng đình làng, chùa chiền, văn miếu, hướng dẫn dân giữ nếp sống Việt, đồng thời tôn trọng phong tục Khmer, góp phần ổn định mối quan hệ dân tộc nơi biên thùy.

Không chỉ là người kiến thiết, Thoại Ngọc Hầu còn là nhà quân sự nhạy bén. Ông cho xây thành Châu Đốc với vị trí chiến lược, tổ chức hệ thống đồn biên giới, đẩy lùi quân Xiêm xâm lược và dẹp yên nạn thổ phỉ vùng rừng núi.

3. Một vị khai quốc công thần thầm lặng mà vĩ đại

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Lăng Thoại Ngọc Hầu (Nguồn: Trang thông tin Chính phủ).

Sau khi mất năm 1829, ông được an táng tại Châu Đốc, nơi lăng mộ uy nghi nay trở thành di tích quốc gia, được nhân dân khắp miền Tây đến viếng, cúng giỗ hằng năm. Bên cạnh ông là người vợ thủy chung Châu Thị Tế đã đồng hành cùng ông trong việc khai hoang, mở đất.

Các địa danh như núi Thoại Sơn, kênh Thoại Hà, và hàng loạt đường phố mang tên ông trải dài từ An Giang, Cần Thơ đến Tp. Hồ Chí Minh là minh chứng cho lòng biết ơn của hậu thế.

Thoại Ngọc Hầu không chỉ đào kênh, mở đất, giữ biên thùy – mà còn mở lòng người dân phương Nam, xây dựng một nền tảng bền vững cho đời sống, văn hóa và quốc phòng. Trong hành trình Nam tiến của dân tộc, ông là vị đại công thần lặng lẽ nhưng rực rỡ như dòng Vĩnh Tế âm thầm chảy suốt hai thế kỷ qua.

Tên ông – và dòng nước ông khai – vẫn chảy giữa lòng đất, trong lòng dân.

Tài liệu tham khảo:

1.     Mộc bản triều Nguyễn – Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập – Hồ sơ 16/28;

2.     Mộc bản triều Nguyễn – Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ – Hồ sơ 22/44;

3.     Mộc bản triều Nguyễn – Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ – Hồ sơ 21/57;

4.     Mộc bản triều Nguyễn – Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ – Hồ sơ 21/61.

Khánh Vy