Chùa Thánh Duyên (聖緣寺) hay còn gọi là chùa Thúy Vân là một danh lam cổ tự nằm ở núi Mỹ Am (sau đổi là núi Thúy Hoa rồi núi Thúy Vân nhưng người địa phương vẫn quen gọi là núi Túy Vân), nằm bên cạnh cửa biển Tư Dung nay là cửa biển Tư Hiền thuộc xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là một ngôi cổ tự mang vẻ đẹp chốn bồng lai tiên cảnh nổi tiếng xứ Huế nằm ở vị trí đặc biệt giữa núi và biển.
Chùa được xây dựng vào nửa sau thế kỷ XVII dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần với quy mô nhỏ. Đến tháng giêng năm Nhâm Thân (1692) chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho tu sửa lại, chùa lúc ấy có tên là Mỹ Am sơn tự. Đến năm 1836, vua Minh Mệnh cho xây dựng chùa, các, lầu, tháp ở núi Thuý Hoa đặt tên là chùa “Thánh Duyên”. Sự kiện này được chép trong nhiều bộ sách khác nhau nằm trong khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
Ảnh chùa Thánh Duyên (Ảnh: Sưu tầm)
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ quyển 168, mặt khắc 15 chép về việc vua Minh Mệnh cho xây dựng chùa như sau: “Xây dựng chùa, các, lầu, tháp ở núi Thuý Hoa và núi Linh Thái. Vua dụ rằng hai núi ấy chung quanh xanh biếc tốt tươi, là nơi khí thiêng hun đúc lại. Hoàng tổ ta là Hiếu Minh hoàng đế cầu phúc cho dân, đã từng lập chùa thờ Phật ở đấy, nơi chiếm cảnh động đẹp. Từ khi trải qua binh lửa, đất Phật còn trơ gò đống. Hoàng khảo ta, Thế tổ Cao hoàng đế, lại sửa sang cơ đồ như nhà Hạ, đổi mới mệnh trời, như nhà Chu. Mới bắt đầu kinh lý, chưa rảnh làm đến việc khác. Nay trong ngoài yên ổn, nước nhà rỗi rãi. Hôm trước, trẫm nhân đi tuần du ven biển, lòng vương dấu cũ, chạnh nghĩ đến phận mình là con phải trát vách lợp mái khi cha đã xây tường, và sơn thếp tô vẽ khi cha đã đóng đồ mộc. Chuẩn cho dựng ở núi Thuý Hoa 1 chùa, 1 gác, 1 tháp. Chùa đặt tên là Thánh Duyên tự, gác đặt tên là Đại Từ các, tháp đặt tên là Điều Ngự tháp”.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chép về việc vua Minh Mệnh cho xây dựng và đặt tên chùa là chùa Thánh Duyên năm 1836
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ cũng ghi chép lại sự kiện này như sau: “Núi Thúy Vân và núi Linh Thái ở cửa biển Tư Hiền khói biếc bao quanh, mây xanh lợp lại, là chỗ khí thiêng hun đúc. Hoàng tổ Hiển tôn Hiếu minh hoàng đế vì dân cầu phúc từng dựng chùa cầu phật ở hai núi ấy, chiếm riêng một bầu trời tốt đẹp, trước nhân binh biến cõi phật thành ra gò cồn. Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế, dựng lại cơ đồ nhà Hạ, làm nối lại vận mệnh nhà Chu, lúc buổi đầu đương vội sửa sang việc nước, chưa kịp nghĩ tới. Trẫm kính nối ngôi cao, noi theo phép lớn, trên nhờ trời giúp, tôn miếu để phúc cho trong lặng ngoài yên, nước nhà nhàn rỗi, trước nhân đi tuần chơi cõi biển, nhớ mến dấu cũ, để mắt vào chỗ nền cũ móng xưa, sực nổi một lòng muốn xây đắp vàng son rực rỡ. Nay chuẩn cho dựng lên ở núi Thúy Vân: một chùa, một gác, một tháp, chùa gọi là Thánh Duyên, gác gọi là Đại Từ, tháp gọi là tháp Điều Ngự”.
Sách Đồng Khánh địa dư chí chép: “Đầu đời quốc triều (nhà Nguyễn) đã từng vâng mệnh xây chùa trên núi Thúy Vân. Đời Minh Mệnh vâng mệnh trùng tu chùa trên nền chùa cũ, đặt tên là chùa Thánh Duyên. Phía trên chùa có gác gọi là gác Đại Từ, có đình gọi là đình Tiến Sảng, có tháp gọi là tháp Điều Ngự; phía dưới chùa có hành cung để dừng nghỉ khi vua đến viếng chùa”.
Chùa được xây dựng đến tháng giêng năm 1837 thì xong. Đến tháng 3 năm 1837 vua Minh Mệnh rước từ giá (Hoàng Thái hậu) đến thăm chùa Thánh Duyên, thưởng cho biền binh chuyên xây chùa tháp 400 quan tiền. Vua dụ rằng: “Núi này là danh nham phúc địa, xưa đức Hoàng tổ Hiếu Minh hoàng đế ta đã dựng chùa ở đấy, để lưu truyền danh thắng. Trước đây gặp phải binh hỏa, bỗng đến điêu tàn, năm vừa qua trẫm nhân lúc rỗi đi tuần, chỉ nghĩ làm tốt đẹp thêm, làm tòa chùa lớn, sắc tường trang nghiêm, nay được Hoàng thái hậu thân đến hương, thánh từ vui vẻ, trẫm kính dâng từ chỉ, thưởng cho chùa ấy 1.000 quan tiền”.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chép về việc vua Minh Mệnh ban thưởng cho chùa và biền binh xây dựng chùa vào năm 1837
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Chùa Thánh Duyên được xây dựng theo phong cách kiến trúc đặc trưng của triều đại nhà Nguyễn, được gọi là trùng thềm điệp ốc, với bố cục gồm Chùa (Thánh Duyên) gồm 3 gian 2 chái – Gác (Đại Từ) gồm 2 tầng, tầng trên 3 gian, tầng dưới 3 gian 2 chái, Tháp (Điều Ngự) gồm 3 tầng tất cả cao 3 trượng thước 9 tấc. Kiến trúc không nguy nga, đồ sộ mà có nét nhỏ nhắn, khiêm nhường, lại rất tinh tế.
Sau khi chùa Thánh Duyên được xây xong, vua Minh Mệnh quy định về lễ thờ cúng vào các ngày lễ, tiết, khánh đản. Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ chép: “Lệ các ngày lễ hàng năm bộ Hộ chiểu cấp 411 quan 2 tiền 8 đồng, do nhà sư ở chùa ấy mua sắm hương nến, cỗ chay và giấy vàng bạc các hạng cúng hiến. Lại hàng năm gặp tiết Thánh thọ, tiết Vạn thọ, mỗi lễ, lễ phẩm trị giá tiền 21 quan 6 tiền 38 đồng, tiết Chính đán lễ phẩm trị giá tiền 21 quan 3 tiền 6 đồng, lễ phẩm tết Đoan dương, trị giá tiền 20 quan, 9 tiền, 36 đồng, 3 tiết Tam nguyên, mỗi tiết lễ phẩm 15 quan, 6 tiền, 10 đồng, các ngày lễ Phật đản 11 lễ, lễ phẩm cộng trị giá tiền 23 quan 8 tiền 43 đồng. Hàng tháng đốt đèn dầu cho sáng, mỗi tháng trị giá tiền 21 quan 2 tiền 25 đồng”.
Ngoài ra, vua Minh Mệnh còn cho xây dựng tăng xá ở bên tả chùa Thánh Duyên gồm một tòa 3 gian 2 chái để làm chỗ cho sư chùa ấy trụ trì và 2 sở nhà bếp đều một gian.
Năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), vua đi tuần chơi núi Thủy Ba đến chùa Thánh Duyên và có đề thơ rằng:
Phiên âm:
Ký hữu hành cung phạm vũ,
Khởi vô liễu lục đào hồng.
Cảnh như thị, nhân như thị,
Không thị sắc, sắc thị không”.
Dịch nghĩa:
Đã có cung vua chùa Phật,
Há không liễu biếc đào hồng.
Cảnh như thế, người như thế,
Không là sắc, sắc lại là không”.
Sau đó, vua sai triệu thị thần là Trương Đăng Quế đọc thơ ấy và bảo rằng: “4 câu thơ ấy, ý vị vô cùng. Kể ra thanh tĩnh điềm đạm là tôn giáo của nhà Phật, thì người ta thờ Phật, lại cần gì phải sắc tướng rỡ ràng, chuông trống rầm rĩ ư ? Nhưng theo lòng thiện vô lường, làm nên cõi vui thiên nhiên cũng là theo tục đấy thôi. Trẫm đối với đạo Phật, cái ý không khen không chê, đã có thể biểu hiện ra ở một bài thơ này vậy?”.
Dưới triều vua Thiệu trị năm thứ 5 (1845), vua ngự chơi núi Thúy Vân, hành hương chùa Thánh Duyên, sai hoàng tử dâng lễ ở gác Đại từ.
Đây là một ngôi cổ tự rất linh thiêng nên vua Tự Đức đã từng đến đây để cầu đảo “Vua rước Thái hậu ngự chơi hành cung Thuý Vân. Khi bấy giờ, ở Kinh sư ít mưa, đã sai quan phủ Thừa Thiên cầu đảo chưa được mưa. Vua nhân đấy, vào yết chùa Thánh Duyên mật khấn cầu đảo, ở đấy 5 ngày về cung. Rồi được mưa, đặc sai làm lễ tạ tất cả”.
Là một trong những thắng cảnh nổi tiếng tại Huế nên trước đây núi Túy Vân và chùa Thánh Duyên là nơi thường được giới tao nhân lui tới ngắm cảnh làm thơ. Trong số đó có vua Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức đều đã nhiều lần ghé thăm và để lại nhiều áng văn thơ ca ngợi nơi đây như bài thơ “Vân Sơn thắng tích” của vua Thiệu Trị và một số bài thơ ca ngợi cảnh đẹp chùa Thánh Duyên, gác Đại Từ, tháp Điều Ngự, núi Túy Vân của vua Minh Mệnh.
Chùa Thánh Duyên không chỉ là nơi thờ cúng mà còn là biểu tượng của sự phát triển văn hóa và tâm linh ở xứ Huế. Sau các đợt trùng tu và sửa chữa, đến nay chùa vẫn giữ được vẻ đẹp và giá trị lịch sử đặc biệt. Vào năm 1996 chùa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Trên đây là những tài liệu gốc ghi chép về công việc xây dựng, kiến trúc, lễ thờ cúng của chùa Thánh Duyên dưới triều Nguyễn, xin được trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bản dịch Viện Sử học, sách Đại Nam thực lục, Nxb Giáo dục, năm 2004;
2. Bản dịch Viện Sử học, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nxb Thuận Hóa; năm 2005;
3. Bản dịch Viện Sử học, Đại Nam nhất thống chí, Nxb Thuận Hóa, năm 2006;
4. Hồ sơ H22/169, Mộc bản Triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
5. Hồ sơ H22/180, Mộc bản Triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
Bùi Mai