LỜI GIỚI THIỆU TRIỂN LÃM

QUỐC HIỆU VÀ KINH ĐÔ NƯỚC VIỆT

TRONG MỘC BẢN TRIỀU NGUYỄN – DI SẢN TƯ LIỆU THẾ GIỚI

Mộc bản là những tài liệu đặc biệt quý hiếm của Việt Nam và thế giới, khắc ngược chữ Hán, Nôm trên gỗ để in ra thành sách, được dùng phổ biến trong thời kỳ phong kiến ở nước ta và đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa  Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Tư liệu thế giới vào ngày 31 tháng 7 năm 2009. Khối di sản này đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV – Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ.

Với mỗi quốc gia, quốc hiệu là tên chính thức được dùng trong quan hệ ngoại giao, pháp lý, thương mại, v.v… biểu thị tính chính thống của một vương triều hay chính phủ. Bên cạnh đó, quốc hiệu cũng thể hiện quốc thể, chủ quyền lãnh thổ, thể chế chính trị của một dân tộc trên trường quốc tế. Cùng với quốc hiệu, kinh đô (thủ đô) cũng luôn được các thể chế nhà nước đặc biệt coi trọng.

Từ thời xa xưa, các bậc đế vương nước Việt đã có nhiều lần đặt, thay đổi quốc hiệu hoặc kinh đô cho phù hợp với tình hình đất nước. Đặc biệt, việc đặt quốc hiệu, xưng đế của các triều vua nước Việt thể hiện lòng tự tôn dân tộc rất cao với những quốc hiệu như Đại Cồ Việt hay Đại Việt để ngang hàng với Đại Tống, Đại Minh; Đại Nam để ngang hàng với Đại Thanh…  Những lần thay đổi kinh đô cũng thể hiện sự cân nhắc sâu sắc để lựa chọn được nơi thắng địa, chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương.

Từ năm 2018 đến nay, Cục Văn thư Lưu trữ nhà nước – Bộ Nội vụ đã phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện Triển lãm Quốc hiệu và Kinh đô nước Việt qua Mộc bản Triều Nguyễn – Di sản Tư liệu thế giới tại nhiều địa điểm trong cả nước như Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội), Bảo tàng Hà Nội, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng) ,… Đây là những tài liệu có nội dung phản ánh về những lần đặt, đổi Quốc hiệu và Kinh đô nước Việt trong lịch sử đến Triều Nguyễn, thể hiện khát vọng và ý chí độc lập, tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc của các bậc tiền nhân nước Việt.

Trân trọng giới thiệu.