LỜI TỰA

Trong thời gian qua, ngành Lưu trữ đã không ngừng nỗ lực và đạt được nhiều thành tựu trong việc thực hiện Chỉ thị 05/2007/CT-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ, đặc biệt là đối với 2 di sản tư liệu thế giới được UNESCO công nhận là Mộc bản và Châu bản Triều Nguyễn.

Năm 2018, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phát huy giá trị tài liệu lưu trữ với mục đích giới thiệu đến đông đảo công chúng những giá trị đặc biệt quan trọng của tài liệu lưu trữ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tô quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong tiết trời tràn ngập sắc xuân, các Trung tâm Lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã phối hợp với Trung tâm hoạt động khoa học và văn hóa Văn Miếu – Quốc Tử giám tổ chức cuộc triển lãm “Nền Khoa cử Việt Nam xưa trong Di sản Tư liệu thế giới” nhằm tôn vinh các Di sản tư liệu đã được thế giới công nhận như: Mộc bản, Châu bản, Bia Tiến sĩ. Thông qua chuyên đề triển lãm, chúng tôi mong muốn khơi nguồn giá trị nhân văn, truyền thống hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam được tái hiện tại không gian linh thiêng Văn Miếu Quốc Tử giám (nơi thờ tự các bậc Chu Công, Khổng Tử; nơi đào tạo ra hàng ngàn hiền tài phò Vua, giúp nước xây dựng cơ nghiệp trải dài theo tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam thời quân chủ).

Với hơn 50 tài liệu tiêu biểu, là những hiện vật, hình ảnh, phiên bản tài liệu như: Bia tiến sĩ, Châu bản, Mộc bản được giới thiệu tại triển lãm lần này giúp quý vị đại biểu, các nhà nghiên cứu, du khách trong nước và quốc tế có cái nhìn tổng thể về một bức tranh sinh động và khá đầy đủ về nền khoa cử Việt Nam trong thời kỳ Phong kiến. Đây cũng chính là nguồn tư liệu quý cho các nhà khoa học, nhà quản lý và độc giả yêu thích văn hóa lịch sử tìm hiểu sâu hơn về văn hóa Việt Nam nói chung.

Xin trân trọng giới thiệu đến quý vị!

ĐẶNG THANH TÙNG

Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước