THÂM NHẬP VÀO KHO MỘC BẢN TRIỀU NGUYỄN

Biển Đông trong những lần thiết triều

 

Uông Thái Biểu – Lê Khắc Niên

Tuổi trẻ số 178 – 7/2010

Những việc về Hoàng Sa và Trường Sa được triều đình nhà Nguyễn đem ra luận bàn trong những lần thiết triều. Đó không phải là việc riêng của bộ nào mà là việc chung của toàn Nội các.

Thiết triều, hướng phía biển Đông

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 165 năm Minh Mạng thứ 17 (1836) ghi lại: “Bộ Công tâu: “Cương giới mặt biển ta có xứ Hoàng Sa rất là hiểm yếu. Trước kia đã phái vẽ bản đồ mà hình thế nó xa rộng, mới chỉ được một nơi cũng chưa rõ ràng. Hàng năm nên phái người đi dò xét cho khắp để thuộc đường biển.

Xin từ nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, chọn phái biền binh thủy quân và vệ giám thành đáp một chiếc thuyền ô, nhằm thượng tuần tháng hai thì đến Quảng Ngãi, bắt hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định thuê bốn chiếc thuyền của dân, hướng dẫn ra đúng Hoàng Sa. Khi thuyền đi đến phải tường tất đo đạc, vẽ thành bản đồ…”.

Vua y lời tâu, sai đội suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi. Chuẩn cho mang theo 10 cái bài gỗ, đến nơi đó dựng làm dấu ghi. Mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, mặt bài khắc chữ “Minh Mệnh thứ 17, năm Bính Thân, thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng lệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ”.

Nhưng trước đó, từ các thời chúa thì câu chuyện biển Đông đã được nhắc đến rồi. Mộc bản sách Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 10 thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, có chép: “Ở ngoài biển, về xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, có hơn 130 bãi cát cách nhau hoặc đi một ngày đường, hoặc vài trống canh, kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là “vạn lý Trường Sa”.

Trên bãi có giếng nước ngọt. Sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích, ba ba… Buổi quốc sơ khai đặt đội Hoàng Sa 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào. Hằng năm, đến tháng 3 thì đi thuyền ra, độ ba đêm ngày thì đến bãi, tìm lượm hóa vật, đến tháng 8 thì về nộp. Lại có đội Bắc Hải, mộ người ở thôn Tứ Chánh thuộc Bình Thuận hoặc xã Cảnh Dương sung vào, sai đi thuyền nhỏ đến các xứ Bắc Hải, Côn Lôn để lượm hóa vật. Đội này cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản”.

Như vậy, từ thời các chúa đã cho lập hải đội Hoàng Sa với nhiệm vụ bảo vệ và khai thác tài nguyên trên các đảo. Sang thời các vua triều Nguyễn, Hoàng Sa và Trường Sa còn được triều đình quan tâm hơn. Ngoài hải đội Hoàng Sa, nhà Nguyễn đã cho xây dựng ở hai quần đảo trên một số công trình như: chùa chiền, miếu thờ, bia xác lập chủ quyền…

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 154 năm Minh Mạng thứ 16 (1835), chép rằng: “Hoàng Sa ở hải phận Quảng Ngãi, có một chỗ nổi cồn trắng, cây cối xanh um, giữa cồn cát có cái giếng, phía tây nam có miếu cổ, có tấm bài khắc bốn chữ “Vạn lý ba bình” (tức là: muôn dặm sóng êm). Cồn Bạch Sa có chu vi 1.070 trượng, tên cũ là núi Phật Tự, bờ đông, tây, nam đều đá san hô thoai thoải uốn quanh mặt nước.

Phía bắc, giáp với cồn toàn đá san hô, sừng sững nổi lên, chu vi 340 trượng, cao 1 trượng 3 thước, ngang với cồn cát gọi là Bàn Than thạch. Năm ngoái (tức năm 1834) vua toan dựng miếu lập bia chỗ ấy, bỗng vì sóng gió không làm được. Đến đây mới sai cai đội thủy quân là Phạm Văn Nguyên đem lính thợ giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định, chuyên chở vật liệu đến dựng miếu (cách tòa miếu cổ 7 trượng). Bên tả miếu dựng bia đá, phía trước miếu xây bình phong. Mười ngày làm xong rồi về”.

Gửi gắm “việc muôn đời” nơi hải phận

Không những thế, trong ý vị của vương triều nhà Nguyễn, cương vực lãnh hải đã được gửi gắm một cách sâu xa ở tầm chiến lược. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 104 năm Minh Mạng thứ 14 (1833) ghi lại rằng: “Vua bảo bộ công rằng: Trong hải phận Quảng Ngãi có một dải Hoàng Sa, xa trông trời nước một màu, không phân biệt được nông hay sâu.

Gần đây, thuyền buôn thường bị nạn (mắc cạn). Nay nên dự bị thuyền mành, đến sang năm sẽ phái người tới đó dựng miếu, lập bia và trồng cây cối. Ngày sau cây cối to lớn xanh tốt, người dễ nhận biết, ngõ hầu tránh khỏi được nạn mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời”.

 

Mộc bản sách Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 10, mặt khắc 24 ghi chép về “Vạn Lý Hoàng Sa – Bãi cát vàng vạn dặm”

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Trong mộc bản triều Nguyễn, chưa có văn bản nào phản ánh việc liên quan đến việc tranh chấp về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều đó cho thấy chủ quyền của nhà Nguyễn về hai quần đảo này là rất rõ ràng. Bên cạnh đó Hoàng Sa và Trường Sa còn được sách địa lý Đại Nam nhất thống chí miêu tả chi tiết và đưa vào hải phận cụ thể của địa phương trực thuộc.

Mộc bản triều Nguyễn, sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 6, về tỉnh Quảng Ngãi có đoạn: “Đảo Hoàng Sa ở phía đông cù lao Ré (đảo Lý Sơn) huyện Bình Sơn. Từ bờ biển Sa Kỳ đi thuyền ra, thuận gió thì độ ba bốn ngày đêm có thể đến nơi. Có đến hơn 130 đảo nhỏ cách nhau hoặc một ngày đường hoặc mấy trống canh. Trong đảo có bãi cát vàng, liên tiếp kéo dài không biết hàng mấy ngàn dặm, bằng phẳng, rộng rãi tục gọi là “Vạn lý Trường Sa”, nước rất trong, trên bãi có giếng nước ngọt, chim biển tụ tập không biết cơ man nào. Sản vật nhiều ốc hoa, hải sâm, đồi mồi, vích…

Hồi đầu bản triều có đặt đội Hoàng Sa, có 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào hàng năm, cứ tháng 3 là ra biển tìm kiếm hải vật, đến tháng 8 mang về cửa biển Tư Hiền để nộp, lại đặt đội Bắc Hải, do đội Hoàng Sa kiêm quản, để đi lấy hải vật của các đảo. Đầu đời Gia Long phỏng theo lệ cũ đặt đội Hoàng Sa. Đầu đời Minh Mệnh, thường sai người đi thuyền công đến đấy thăm dò đường biển. Năm Minh Mệnh thứ 16, sai thuyền công chở gạch đá đến xây đền, dựng bia đá ở phía tả đền để ghi dấu và tra hột các thứ cây ở ba mặt tả, hữu và sau. Binh phu đắp nền miếu đào được lá đồng và gang sắt có đến hơn 2.000 cân”.

Việc khẳng định chủ quyền cương vực, ngoài các quần đảo, nhà Nguyễn cũng chú ý đến các đảo như: Côn Lôn (Côn Đảo), Phú Quốc, Lý Sơn… Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 134 năm Minh Mạng thứ 13 (1832), ghi: “Vua nghĩ: Côn Lôn thủ và Hà Tiên Phú Quốc thủ đều là những nơi xung yếu, dân ở đông đúc, thế mà thường có giặc biển ẩn hiện. Liền truyền dụ cho quan thành chọn đất hai chỗ thủ ấy xây đặt pháo đài, liệu cấp súng đạn khí giới, thuyền bè, phái quân đóng giữ. Những cư dân cũng cấp cho khí giới để cùng phòng giữ. Lại chuyển sức cho năm trấn trong thành hạt, ra lệnh cho các làng sở tại ven biển đều sẵn sàng thuyền bè khí giới, nếu thấy thuyền giặc đến gần bờ thì cùng nhau tiếp ứng góp sức cùng đánh”.

Mộc bản triều Nguyễn cho thấy vương triều luôn ý thức mạnh mẽ về chủ quyền khi ngó mặt ra phía biển Đông./.