Kỳ cuối: VỮNG BIÊN CƯƠNG CHO ĐỘC LẬP CHỦ QUYỀN

 

                                                                Uông Thái Biểu – Khắc Niên

Tuổi trẻ số 179 tháng 7 năm 2010

 

Bất kỳ vương triều nào cũng vậy, việc khẳng định chủ quyền cương vực đất nước trên đất liền trước hết là phải xác định biên giới lãnh thổ. Tài liệu Mộc bản cho thấy triều Nguyễn luôn coi trọng việc xác định biên giới là sự thể hiện tinh thần độc lập tự chủ.

Rạch ròi cương vực…

Mộc bản triều Nguyễn, sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 79 năm Minh Mạng thứ 13 (1832) phản ánh việc nhà Nguyễn xác định biên giới với nhà Thanh ở phía Bắc như sau: “Sửa đắp lại tấm bia phân chia địa giới ở sông Đổ Chú, tỉnh Tuyên Quang. Khoảng năm Thái Bảo (1720-1728) đời Lê, biên lại ở phủ Khai Hóa nhà Thanh chiếm đất biên giới. Vua Lê đưa thư cho nhà Thanh, người Thanh sai quan đi hội khám, bèn trả lại đất cho ta, chia địa giới ở sông Đổ Chú, bờ phía nam và bờ phía bắc sông này đều dựng bia để làm mốc. Ở bờ phía nam, bia nước ta khắc những chữ: “Châu địa giới châu Vị Xuyên, trấn Tuyên Quang, nước An Nam lấy sông Đổ Chú làm mốc”. Ở bờ phía bắc, bia nhà Thanh ghi: “Huyện Khai Dương là nơi xa tận chân trời, tiếp giáp với nước Giao Chỉ…”. Từ đó chốn biên cương được vững bền muôn ức năm hưởng sự tốt lành không đời nào bỏ mất. Bấy giờ là năm Thái Bảo đời thứ 9 nhà Lê, tức năm Ung Chính thứ 6 (1728) nhà Thanh. Đến nay (nhà Nguyễn) các bia ở bờ phía nam sông ấy đổ gãy, quan tỉnh Thái Nguyên tâu lên. Vua (Minh Mạng) sai sửa lại mốc biên giới cho rõ ràng”. Việc làm đó cho thấy nhà Nguyễn luôn đề cao việc xác định biên giới của đất nước nhằm tránh những chuyện không hay có thể dẫn đến tranh chấp làm nảy sinh những vấn đề khó xử…

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 79, mặt khắc 14

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Thế đứng sơn hà

Nhà Nguyễn đã có tầm nhìn xa trong việc xây dựng những vùng chiến lược ảnh hưởng đến sự phòng vệ của đất nước. Mộc bản triều Nguyễn, sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 88 năm Minh Mạng thứ 14 (1833) nói về việc xây dựng tỉnh An Giang phục vụ việc phòng bị đất nước, có ghi: “Vua cho rằng tỉnh An Giang là đất xung yếu, tất phải xây dựng thành trì để cho sự phòng thủ biên cương được hùng tráng. Còn đồn Châu Đốc thế đất hẻo lánh chật hẹp, chưa được tiện lợi. Sai giám thành theo tuần phủ Ngô Bá Nhân cùng đi xem đất chọn lấy chỗ nào cao ráo, chống chế được cả Tiền Giang, Hậu Giang mà đường cái được trung độ thì lập làm tỉnh thành. Sau đó, được chọn hai nơi: một là thôn Long Sơn, một là thôn Kiến Long và thôn Tú Điền (ba thôn Long Sơn, Kiến Long, Tú Điền đều thuộc huyện Đông Xuyên) vẽ thành bản đồ dâng lên. Vua sai đình thần bàn xét, tâu lên. Họ cho rằng tỉnh An Giang phía tây liền với Chân Lạp, phía nam chống đỡ Xiêm La. Sự khống chế biên cương là quan hệ ở việc xây thành này. Theo bản đồ thì thôn Kiến Long và thôn Tú Điền ở vào giữa tỉnh, địa thế hơi thấp. Nhân dân tuy đông đúc, tiện việc đóng góp nhưng đông – bắc đi Nam Vang hơn 31.000 trượng, tây – nam đi Hà Tiên hơn 28.000 trượng. Khi có việc cần tiếp ứng chẳng khỏi cách trở xa khơi! Còn Long Sơn thì là đất thượng du, địa thế cao rộng lại thêm có Tiền Giang, Hậu Giang như vạt áo và đai lưng ôm thắt lấy. Thực là nơi hiểm trở hữu tình. Dẫu người còn ở ít, đường bộ hơi xa nhưng tây – nam đi Hà Tiên hơn 19.000 trượng, đông bắc đi Nam Vang hơn 25.000 trượng. Dùng nó làm nơi đi lại tiếp ứng thì tình thế rất dễ dàng. Nếu đóng tỉnh thành ở đấy, tưởng cũng là nơi hình thắng để khống chế biên giới”. Đó chỉ là một trong nhiều địa phương được triều đình chú ý. Nhà Nguyễn đã trải qua nhiều thời kỳ yên ổn bởi những chính sách về biên giới lãnh thổ được thực hiện rất khoa học. Qua những việc đó làm các nước có cái nhìn tôn trọng, khâm phục mà không dám “gây sự”.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển 11, mặt khắc 4

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Ngoài ra, nhà Nguyễn cũng rất quan tâm đến việc xây dựng quân đội vững mạnh làm tiền đề khi có những biến cố liên quan đến cương vực lãnh thổ. Triều đình đã đề ra những định lệ trong việc tuyển quân, các cuộc tập trận, duyệt binh, việc thưởng phạt trong quân đội. Dưới triều Nguyễn, về mặt tổ chức quân đội, trên hết có năm phủ đô đốc chỉ huy năm quân (trung quân, tiền quân, hậu quân, tả quân, hữu quân). Đứng đầu mỗi phủ đô đốc có chức đô thống chưởng phủ sự, rồi đến các chức thống chế, chưởng vệ. Năm phủ đô đốc đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của nhà vua. Hoàng đế nắm quyền quyết định tốt hậu về việc điều động và di chuyển quân đội. Quân đội thời Nguyễn có tổ chức chặt chẽ, quy củ, từng bước đi vào chính quy hóa từ tổ chức đến trang bị, là một quân đội khá mạnh ở vùng Đông Nam Á bây giờ. Không những thế, việc phòng bị đất nước luôn được đề cao, nhất là việc phòng thủ ở những vùng biên giới.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển 11, năm Tự Đức thứ 7 (1854) phản ánh về việc phòng thủ ở biên giới Cao Bằng – Lạng Sơn ghi: “Nguyễn Đăng Giai tâu: Lạng Sơn – Cao Bằng có nhiều ngả giáp với nước Thanh, xin đặt chòi canh và đài đốt khói lửa báo hiệu, tùy thế đắp tường và cắm hàng rào chung quanh để tự giữ lấy, chọn mỗi tổng một người làm thiên hộ hoặc bách hộ để xướng suất, cấp cho súng ống, thuốc đạn và dự bị thứ tên bắn thuốc độc. Mỗi đoàn luyện (đoàn quân do tự dân lập ra, theo binh pháp mà luyện tập) của một tổng thì cấp cho một lá cờ vuông. Lâm thời có việc biến động cũng ra tiếp ứng, người nào có công trạng thực sự sẽ được thưởng”.

Mộc bản còn rất nhiều chi tiết liên quan đến thái độ của triều đình nhà Nguyễn trong việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ cương thổ. Tuy nhiên, như bất kỳ vương triều phong kiến nào, hết giai đoạn thịnh vượng sẽ đến giai đoạn suy thoái, nhà Nguyễn cũng không nằm ngoài quy luật đó. Sau giai đoạn thịnh trị ở các triều Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, từ triều vua Tự Đức nhà nước phong kiến nhà Nguyễn đã bắt đầu suy yếu. Cũng từ đó, lãnh thổ của đất nước bắt đầu bị đe dọa. Sự xuất hiện của người phương Tây đã làm thay đổi toàn bộ những vấn đề của triều Nguyễn.