Dưới Triều Nguyễn, Thái Y viện trong hậu cung là quan phòng chuyên trách chăm sóc sức khỏe cho vua và hoàng cung. Thái Y viện được thành lập vào năm Gia Long thứ nhất (1802); đến năm 1804, cơ bản được hoàn thành. Ban đầu, Thái Y viện được xây dựng ở phường Dưỡng Sinh trong Kinh thành; đến đời vua Minh Mạng được dời về phía đông Duyệt Thị đường, trong Tử Cấm Thành (Huế).

Năm Gia Long thứ 9 (1810) cho dựng Thái Y viện

Năm Gia Long thứ 9 (1810) cho dựng Thái Y viện

Năm Gia Long thứ 9 (1810) cho dựng Thái Y viện

(Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 40, mặt khắc 14)

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Dưới triều vua Gia Long, bộ máy tổ chức của Thái Y viện còn sơ sài, đơn giản. Đến năm 1820, khi vua Minh Mạng lên ngôi, cơ cấu bộ máy Thái Y viện mới được hoàn chỉnh dần, đứng đầu là quan chính Ngự y (hàm chánh ngũ phẩm), cấp phó có 2 người quan Phó ngự y (hàm tòng ngũ phẩm), tiếp đến là các quan y chính (12 người, hàm chánh thất phẩm, bát phẩm và cửu phẩm), quan y phó (12 người, hàm tòng thất phẩm, bát phẩm và cửu phẩm), dưới quan y chính là quan chính y sinh (12 người, hàm chánh cửu phẩm) và phó y sinh (30 người, hàm tòng cửu phẩm); ngoại khoa, có 20 người, gồm y chính (2 người, hàm chánh bát phẩm), phó y chính (2 người, hàm tòng bát phẩm) và quan y sinh (16 người, hàm tòng cửu phẩm). Năm 1829, niên hiệu Minh Mạng thứ 10, người đứng đầu Thái Y viện được nâng lên chức Viện sứ hàm Chánh tứ phẩm. Đến năm 1833, thì đặt thêm chức Tả Viện phán và Hữu Viện phán, Tòng thất phẩm y chánh là Lê Phúc Thụ được bổ làm Tả viện phán, Nguyễn Văn Đường làm Hữu viện phán, giữ công việc ghi chép sổ sách, công văn.

Cơ cấu tổ chức của Thái Y viện dưới triều vua Gia Long năm thứ 4 (1805)

Cơ cấu tổ chức của Thái Y viện dưới triều vua Gia Long năm thứ 4 (1805)

(Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 10, mặt khắc 8)

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Việc cấp ấn cho Thái Y viện, năm Minh Mệnh thứ 4 (1823), chế ấn cấp quan phòng bằng đồng và dấu kiềm bằng ngà cho Thái Y viện, vua dụ cấp cho 1 quả ấn quan phòng bằng đồng, khắc 5 chữ triện “Thái Y viện quan phòng”, 1 quả kiềm ngà khắc 3 chữ “Thái Y viện” do viên quản lý việc ấy giữ làm việc.

Việc sát hạch, tuyển chọn quan lại làm việc tại Thái Y viện được thực hiện chặt chẽ, “viện cơ mật Nội Các đem các tên hiện tại ở viện Thái y sát sách xem qua. Tên nào khá thông nghề chữa bệnh, biết rõ phương pháp, cùng tìm tòi hỏi bên ngoài có danh y nào cũng lập tức đòi đến sát hạch, tâu lên” (1)

Chức năng chính của Thái Y viện: “Phàm việc phân biệt hư, thực, âm, dương và phép gốc, ngọn, sau, trước, những sự có liên quan đến thuốc thang đều giao cho viện Thái Y cả”. Với tầm quan trọng của một cơ sở chăm sóc sức khỏe đặc biệt là cho thiên tử nên việc tuyển chọn thầy thuốc vào Thái Y viện được công bố rộng rãi và không tuân theo một luật lệ nhất định nào cả. Những ai đã từng học nghề thuốc và hành nghề thầy lang giỏi dù ở hoàn cảnh nào, không kể nguồn gốc xã hội cũng đều có thể sát hạch vào tổ chức Thái Y viện thông qua việc tuyển chọn các Ngự y.

Bản khắc về dụ của vua Tự Đức năm 1852 cho biết: “Truyền chỉ cho các quan địa phương, đều xét hỏi trong hạt, có người nào quen nghề làm thuốc, được mọi người khen là xuất sắc ở trong hạt, thì mỗi tỉnh chọn kỹ, lấy 1 đến 2 người, kê rõ họ tên, tuổi, quê quán, rồi tư giao cho bộ Lễ, hội lại làm danh sách tâu lên. Lại hậu cấp tiền lộ phí, cấp giấy cho đến Kinh chờ đợi, rồi giao cho viện Cơ Mật, Nội các, xứ Thị vệ hội đồng sát hạch, chia hạng tâu lên, đợi Chỉ bổ dụng cho rộng nghề làm phúc. Nếu quan tỉnh để cho họ giấu giếm, trốn tránh, đến nỗi bỏ sót người giỏi, khi phát giác ra thì có lỗi không phải nhỏ”. Năm Tự Đức thứ 29 (1876), sai Cơ mật viện, bộ Lễ, Nội các, viện Thái y hội đồng sát hạch các người ứng cử nghề làm thuốc. (Một quyển của Tư vụ Lê Kinh Hợp bàn luận rõ ràng; các quyển của Tú tài Dương Bá Nghị, Nguyễn Địch, Phan Huân, viên tử Phạm Văn Tuệ, sĩ nhân Trần Đức Mậu, nửa được nửa hỏng, đều bổ làm quan. Còn không dự hạng, đều cấp cho mỗi người 20 quan tiền, đi đường trạm về quê quán).

Chế độ lương bổng cho quan lại làm việc tại Thái Y viện, năm Gia Long thứ 5 (1806), cấp lương tháng cho Thái Y viện, đến năm Gia Long thứ 9 (1810), định lệ chia ban chi lương cho các viên dịch ở các nha sáu bộ. (Ty Lệnh sử đồ gia ở sáu bộ, ty Chiêm hậu ở Khâm thiên giám đều chia làm ba ban, một ban làm việc, hai ban nghỉ. Người ở ban mỗi tháng được cấp gạo lương mỗi người 1 phương; Thái y viện cùng y sinh ngoại khoa chia làm năm ban: một ban làm việc, bốn ban nghỉ, ở ban mỗi tháng được cấp gạo lương mỗi ban 30 phương) (2).

Hoạt động của Thái Y viện, lịch trình làm việc của Thái Y viện được tuân thủ theo quy định hết sức nghiêm ngặt, chặt chẽ. Viện sứ và Ngự y ngày đêm cắt lượt nhau chầu trực phòng khi có việc cần đến, còn các thuộc viên cũng đều túc trực ở viện để phụ giúp. Nếu trường hợp vua đi ngự tuần xa, thì Thái Y viện sẽ cử người mang theo thuốc thượng phương theo hầu, phòng khi vua gặp trường hợp bất trắc.

Việc khám bệnh và dâng thuốc cho nhà vua được thực hiện thường xuyên và hết sức cẩn trọng, không phải người nào trong Thái Y viện cũng được đến khám và chữa bệnh cho vua, Chỉ có những người am hiểu về mạch lý, phương pháp chữa bệnh rõ ràng, hiệu quả thì mới được cấp bài ngà vào ngự chẩn. Ngự y tham gia khám chữa bệnh cho vua, có khi chỉ 1 người, có khi 2 đến 4 người, hoặc nhiều hơn, tùy theo bệnh trạng. Người khám bệnh được chỉ định có thể là quan Ngự y, cũng có thể là các quan khác am tường về y thuật. Nhưng cũng có khi thầy thuốc không phải là người của Thái Y viện mà là một vị quan hay thầy lang ở ngoài. Những người xem mạch cho vua thường được chọn trước như năm Minh Mạng thứ 19 (1838) chuẩn lời tâu: “Y chính viện Thái Y là Đặng Văn Giảng, Trần Duy Huân đều là người cẩn hậu, cấp cho bài ngà để vào cung xem mạch”; năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) thì chọn Y chính Hoàng Đức Hạ, Y phó Nguyễn Văn Đường; thời Tự Đức chọn Nguyễn Tất Cát, Lê Quang, đều là người lão thành, am hiểu mạch, được đeo bài ngà vào cung xem mạch”.

Sau khi ngự chẩn xong, Ngự y phải giải thích chứng bệnh cho vua biết, sau đó trở về Viện họp bàn trị bệnh và kê đơn thuốc làm giấy dâng lên. Nếu được vua bằng lòng dùng thì lập tức bào chế vị thuốc tinh khiết, thượng hạng, có công hiệu cao trong việc chữa bệnh. Trước khi cung tiến thuốc lên, thuốc đã được đường quan ở Viện và Nội các xem xét, kiểm tra kĩ lưỡng. Nguồn thuốc này chủ yếu dựa vào chế độ thu thuế bằng dược liệu. Vua có quy định cho các địa phương nộp thuế bằng dược liệu theo từng loại vốn là thế mạnh “đặc sản” của từng địa phương, đồng thời, định lượng số lượng thuốc phải nộp tính theo đầu người. Ngoài ra, nguồn dược liệu còn do các Đông y, Thái Y viện tìm cách mua của Trung Quốc thông qua các nhà buôn thuốc người Hoa kiều.

Các y quan làm nghề thuốc, cứ 2 năm Triều Nguyễn có chế độ định kỳ kiểm tra chất lượng và năng lực chữa bệnh. Các Ngự y trong Thái Y viện nếu chữa được khỏi bệnh cho người trong hoàng cung, đặc biệt là bệnh của vua thì vinh quang nhận được cũng ít ai sánh bằng. Khi dùng ngọc dược mà bệnh tình thuyên giảm, vua vui mừng ra sắc lệnh ban khen: “Thái Y viện dâng thuốc Ôn tạng hoàn, gần đây, ta dùng thuốc ấy có hiệu nghiệm, thực hay trị được chứng giun để trừ bệnh hoạn tâm phúc. Đáng khen là thuốc hay”, Vua Minh Mạng lập tức ban thưởng hậu đãi cho các Ngự y kỷ lục và tiền vàng, tiền bạc theo thứ bậc khác nhau. Ngoài ra, các quan Ngự y có công lớn cũng được thăng chức hàm: “Nguyên y phó Thái Y viện là Đặng Văn Chức, văn học khá thông, biết nghề chữa bệnh, làm việc đắc lực. Vậy gia ân thăng bổ Đặng Văn Chức làm Tả viện phán”(3). Còn vua Thiệu Trị vào năm 1847 cũng có Chỉ dụ: “Lần này hoàng tử lên đậu mùa, bệnh được tốt lành. Vậy gia ân cho những người trông coi việc thuốc thang là y chính Nguyễn Văn Hạnh được thăng thụ chức Hữu viện phán, Đoàn Công Loan cho chuyển bổ làm Tả viện phán”.

Nhưng cũng có lần vì sơ suất mà Thái Y viện dâng thuốc lên, trong thuốc lại có mọt. Khi Nội giám xét ra, tâu lên thì Y chính Đoàn Văn Hòa, Nguyễn Tăng Long đều bị giáng 4 cấp. Cũng có khi Thái Y viện kê thuốc không hiệu quả, vua Minh Mạng xuống dụ quở trách Cơ Mật viện là Nguyễn Kim Bảng và Trương Đăng Quế: “Từ nay, bản tâu về đơn thuốc do Thái Y viện dâng, các ngươi nên xét kỹ xem bài thuốc có hợp không. Phàm tôi con đối với vua cha khi có bệnh, không thể không biết đến bài thuốc, huống chi các ngươi đều là đại thần. Gặp khi nào tiến thuốc thì cho bộ hộ thượng thư Lương Tiến Tường, vệ úy lĩnh thị vệ Lê Thuận Tĩnh, quản lý văn thư phòng thượng bảo khanh Thân Văn Quyền hội đồng với Ngự Y xét nghiệm vị thuốc để tỏ sự thận trọng” (4).

Trường hợp nặng hơn, nếu vua uống thuốc mà vẫn trọng bệnh, chẳng may bị qua đời, ngay lập tức các quan ngự y trở thành kẻ phạm tội, bị bắt tống giam, Mộc bản sách Đại Nam thực lục đệ tam kỷ, quyển 163 có chép: “Giam hai thầy thuốc là Hoàng Đức Hạ và Đặng Công Tuấn vào ngục. Khi trước, Thánh tổ Nhân hoàng đế yếu nặng, bọn Hạ chữa thuốc không có công hiệu, đưa xuống đình thần bàn xét, đều nói là: bọn Hạ biết mà không nói, là bất trung; dám tự theo ý mình, là bất kính. Tội bất trung và bất kính không gì to bằng. Xin khép vào tội trảm giam hậu”. Mãi đến khi vua Thiệu Trị lên ngôi, vua xét rõ tội mới cho giảm án: “Bọn Hoàng Đức Hạ giữ việc chữa thuốc, ta vẫn thường gọi vào thăm bệnh, khi xem mạch hỏi bệnh, trông khí sắc, nghe tiếng nói, không phải là không kỹ, kê dâng phương thuốc không phải là không hiểu,… Theo lời đình nghị, giảm tội xuống, điều đi làm việc đồn điền ở trên nguồn”.

Như vậy, có thể thấy cuộc sống của các Ngự y ngày đêm chăm lo sức khỏe cho Nội cung quả đúng với câu “làm bạn với vua như làm bạn với hổ”, trách nhiệm công việc mà các Ngự y gánh vác thật nặng nề; hầu hết trong số họ khi vào khám chữa bệnh cho vua đều mang một tâm thế sợ hãi. Nhưng vì ý thức “sức khỏe là vàng” nên các Ngự y trong Thái Y viện cũng đã cố gắng làm hết chức phận của họ được giao./.

Chú thích:

1. Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 258, mặt khắc 10;

2. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 41, mặt khắc 1,2;

3. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 160, mặt khắ 1;

4. Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 258, mặt khắc 14.

Tài liệu tham khảo:

Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 10, mặt khắc 8;

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 40, mặt khắc 14;

Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 10, mặt khắc 8;

Mộc bản sách Đại Nam thực lục đệ tam kỷ, quyển 163;

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 160, mặt khắ 1;

Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 258, mặt khắc 14.

Trần Minh – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV