Theo sách Danh tiết lục của Trần Ký Đằng thì Lê Văn Thịnh người làng Đông Cứu, huyện Gia Định. Lê Văn Thịnh có tính ham học, là người tài năng, là khai khoa đầu tiên dưới triều vua Lý Nhân Tông. Tuy nhiên, hậu thế vẫn hoài nghi về nghi án Lê Văn Thịnh hóa hổ hại vua.
Bấy giờ chưa có khoa cử, dầu ai thông minh sáng dạ đến đâu cũng phải từ con đường Phật giáo mà được lựa chọn đề bạt; riêng có Lê Văn Thịnh chăm đọc các loại sách. Đến năm Ất Mão (1075), vua Lý Nhân Tông xuống chiếu tuyển Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường. Có hơn 10 người trúng tuyển, Lê Văn Thịnh đỗ đầu. Người đời truyền rằng Lê Văn Thịnh là người khai khoa đầu tiên. Ông được cho vào hầu vua học. Đó là một vinh dự lớn không dễ có được.
Suốt quá trình làm quan, Lê Văn Thịnh có nhiều đóng góp cho triều đình, nhưng có lẻ được chú ý nhất là công trạng sang Tống để định lại cương giới lãnh thổ. Mùa hạ, tháng 6, Anh Vũ Chiêu Thắng năm thứ 9 (1084), ông được sai đến trại Vĩnh Bình bàn việc cương giới với người Tống. Lúc ấy, bờ cõi giữa nước ta và nhà Tống chưa được ngã ngũ. Nhà vua sai Binh bộ thị lang Lê Văn Thịnh sang Tống để hội nghị. Sau đó, nhà Tống trả lại cho ta 6 huyện và 3 động.
Theo Danh tiết lục của Trần Ký Đằng, Lê Văn Thịnh sang Quảng Tây, hội nghị với tuần kiểm ti nhà Tống là Thành Trác. Lê Văn Thịnh thường giữ thái độ mền dẻo, từ từ lấy lý lẽ mà giải thích, và nói: “kẻ bồi thần này không dám tranh giành”. Vua Tống khen là biết cung kính, biết lẽ phải. Theo sử Cương mục tục biên (Trung Quốc) và sách Giao Chỉ di biên, quân Tống sang xâm lược, chiếm lấy các châu Quảng Nguyên, Tư Lang, Tô Châu, Mậu Châu và huyện Quang Lang, rồi đổi Quảng Nguyên làm Thuận Châu. Đến khi nhà Lý trả lại những dân bị bắt thì mới trao trả Thuận Châu. Về sau, khi định lại cương giới, Tống trả lại ta 6 huyện, 3 động.
Người Tống đã có thơ về sự việc trả đất này rằng:
“Nhân tham Giao Chỉ tượng
Khướt thất Quảng Nguyên kim”.
(Vì tham voi Giao Chỉ
Bỏ mất vàng Quảng Nguyên).
Cùng với công trạng đó, năm Quảng Hựu thứ 1 (1085), Lê Văn Thịnh được gia phong là Thái sư.
Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 3, mặt khắc 45 ghi chép về việc Lê Văn Thịnh được gia phong là Thái sư
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Tháng 3, mùa xuân năm Bính Tý (1096), Thái sư Lê Văn Thịnh bị kết tội hóa hổ mưu phản, bị bắt đi an trí ở trại Thao Giang. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên, quyển 4, mặt khắc 1,2 chép về nghi án này như sau:
Trước kia, Lê Văn Thịnh có một tên gia nô người nước Đại Lý. Người này có phép thuật lạ. Nhân thế, Lê Văn Thịnh manh lòng toan tính. Bấy giờ, vua dạo chơi ở hồ Dâm Đàm, đi chiếc thuyền con xem đánh cá. Bỗng nhiên nổi đám sương mù, có chiếc thuyền từ đám sương mù ấy vụt tới, sát đến thuyền vua. Vua Lý Nhân Tông cầm giáo lao theo, thì đám sương mù tan đi, trong thuyền hiện ra một con hổ. Mọi người sợ hãi. Ông chài Mục Thận quăng lưới chụp lấy, thì ra là thái sư Lê Văn Thịnh. Vua cho rằng Lê Văn Thịnh là bậc đại thần có công lao, nên không nỡ giết, bắt đi an trí ở trại Thao Giang, thưởng quan tước cho Mục Thận và ban cho đất Dâm Đàm để làm thái ấp.
Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 4, mặt khắc 1,2 ghi chép về nghi án Lê Văn Thịnh hóa hổ
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho rằng Lê Văn Thịnh mượn thuật kỳ lạ của gia nô để toan làm chuyện thí nghịch. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì có lời phê: Văn Thịnh do văn học được đỗ đầu, làm quan đến cực phẩm, mà hành vi còn thế, thì lòng người còn lường biết thế nào được!
Lê Văn Thịnh một lòng trung thành hay mưu nghịch đến nay vẫn còn chưa rõ, nhưng tài năng và công lao của ông thì không thể phủ nhận. Chính vì thế mà vua Lý Nhân Tông đã không nỡ giết, chỉ đày ông lên trại Thao Giang./.
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ sơ H60/3, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
2. Hồ sơ H60/4, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
3. Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên, Viện Khảo cổ Sài Gòn, 1974;
4. Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản, Nhà Xuất bản Khoa học xã hội, 2004.
Nhật Phương