Dù ở nơi đâu, mỗi dịp Tết đến xuân về, những người con xa quê hương đều muốn trở về nơi chôn rau cắt rốn để được sum vầy bên bữa cơm gia đình. Đây là dịp mỗi người dân Việt bày tỏ lòng biết ơn đến tổ tiên, chia sẻ tình cảm yêu thương trong bầu không khí cổ truyền.
Nhân dịp đón Tết Cổ truyền – Xuân Ất Tỵ 2025, xin gửi đến quý độc giả những thông tin ghi chép về không khí đón Tết cổ truyền xưa!
Tranh “Tết quê nhà”
Nguồn: laodong.vn
Tết Cổ truyền trong Hoàng Cung
Tết Cổ truyền là lễ hội lớn nhất trong tất cả các lễ hội của dân tộc Việt Nam. Công tác chuẩn bị Tết cũng như các nghi lễ diễn ra trong ngày Tết ở Hoàng Cung đã được ghi chép cụ thể trong tư liệu Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới.
Công tác chuẩn bị đón Tết Cổ truyền trong Hoàng Cung diễn ra từ rất sớm, thậm chí trước cả 1 tháng. Vào ngày mồng 1 tháng Chạp, các vua triều Nguyễn tổ chức lễ ban lịch cho toàn bộ bách quan trong triều tại lầu Ngọ Môn. Người dân cũng làm lễ nhận lịch ở địa phương của mình. Cũng vào thời điểm này, các vua sẽ ấn định thời gian nghỉ Tết cho các Sở thọ ở Kinh. Thời gian nghỉ từ ngày 28 tháng Chạp cho đến ngày mồng 8 tháng Giêng. Sau khi công bố, triều đình sẽ cho trang hoàng khắp Hoàng Cung. Từ câu đối, cờ hoa, lồng đèn… không khí Tết bắt đầu khởi lên từ những ngày này.
Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 69, mặt khắc 11 ghi chép về việc các vua triều Nguyễn tổ chức lễ ban lịch vào ngày mồng 1 tháng 12 âm lịch
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Thời khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới là thời điểm mà nhiều người mong đợi nhất. Dưới thời Nguyễn, các vua tổ chức lễ Tuế trừ (Giao thừa) với nhiều nghi lễ trong Hoàng Cung được tiến hành. Lễ Tuế trừ sẽ được tổ chức vào ngày 30, nếu năm đó có tháng đủ, còn tháng thiếu thì sẽ tổ chức vào ngày 29.
Ngày mồng 1 Tết, ở mỗi đời vua sẽ có cách thức tổ chức Tết khác nhau. Vua Gia Long sẽ lựa chọn điểm đến đầu tiên là Thái Miếu để kính cẩn làm lễ đầu xuân. Khi nghi lễ này được thực hiện xong, vua sẽ đến điện Thái Hòa làm lễ Khánh hạ, cùng các quan văn võ, ban yến tiệc và tiền thưởng xuân. Còn vua Tự Đức, vị vua thứ tư của triều Nguyễn mang Biểu văn đến chầu cung Hoàng mẫu đầu tiên, kính dâng 100 lạng vàng, 1000 lạng bạc và lời chúc mừng nhân dịp đầu xuân đến Hoàng mẫu. Sau nghi thức đó vua Tự Đức sẽ ngự ở điện Văn Minh cùng hoàng thân và văn võ đại thần, ban nước chè, ngồi đàm thoại. Vua Đồng Khánh có cách tổ chức đặc biệt hơn, trong ngày đầu tiên của năm mới, sau khi thực hiện các nghi lễ trong Hoàng Cung, vua Đồng Khánh ngự điện Thái Hoà nhận lễ triều hạ. Trong buổi triều hạ đó, vua tổ chức một cuộc du xuân để thưởng ngoạn cảnh Tết, từ điện Càn Thành ngự ra điện Cần Chánh. Quan quân triều đình đều nô nức. Từ đó tục du xuân được duy trì đến về sau.
Không khí Tết ngày mồng 2 trong Hoàng Cung đã được ghi chép như sau “…ngày mồng 2 năm 1838, vua Minh Mạng tiếp tục ban thưởng yến tiệc và tiền vàng cho các quan văn võ” còn vua Kiến Phúc, vì ngày mồng 2 Tết trùng với sinh nhật của ngài nên vua mặc áo cát phục ngự điện Văn Minh, hoàng thân, vương công, các quan văn võ đều mặc áo thịnh phục và tổ chức như ngày mồng 1 Tết để mừng sinh nhật vua.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 188, mặt khắc 1 ghi chép vua Minh Mạng chuẩn định việc ban yến cho các quan trong triều, năm Mậu Tuất (1838)
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Ngày mồng 3 Tết là ngày cuối cùng của Tết Cổ truyền tương đối giống với phong tục trong nhiều địa phương hiện nay, các vua triều Nguyễn sẽ hạ lệnh làm lễ hóa vàng cầu âm phúc. Các loại hương trầm, bạch đàn, các loại giấy vàng, giấy bạc được bỏ vào lư đồng đốt để thấu đến thần linh.
Tết Cổ truyền Việt Nam qua cảm nhận của người Pháp
Hầu tước Pièrre François Sauvaire De Barthelémy (1870-1940) sinh ra và lớn lên tại Paris. Ông là một nhà văn quý tộc ưa mạo hiểm, đã từng chu du khắp thế giới. Trong đó, ông đã đến Đông Dương nhiều lần và dành cho xứ sở này một mối cảm tình đặc biệt. Trong chuyến du ký Đông Dương năm 1986 – 1987, ông đã trải nghiệm những ngày Tết ở Vinh và ghi chép các hoạt động cũng như phong tục tập quán của người Vinh nói riêng và người An Nam nói chung qua cảm nhận của mình.
Theo lời kể của Barthelémy, công tác chuẩn bị Tết diễn ra như sau: Vào những ngày giáp Tết, xưởng cưa của anh em nhà Mange nằm ở Bến Thuỷ chỉ lác đác vài công nhân làm việc nhưng ngược lại các cửa hàng nhà buôn lại tấp nập người ra người vào. Người dân của các vùng lân cận đổ về trên một mảnh đất chung của làng để họp chợ rất đông, có nhiều tiếng xì xào trả giá, tiếng cười, tiếng pháo nổ và thậm chí có cả bài cờ được bày ra ở ngay trong chợ.
Tiếng pháo nổ, tiếng hò reo sung sướng của dân chúng báo hiệu một ngày mới bắt đầu, một ngày trọng đại. Ngược lại, vào buổi chiều, một bầu không khí yên tĩnh bao trùm lên Vinh, do phong tục nơi đây, nhà nào cũng phải làm mâm cơm dâng lên bàn thờ tổ tiên. Những thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, đàn ông và phụ nữ đều quỳ lạy trước bàn thờ của gia đình để dâng lời thành kính của mình đến tổ tiên đã khuất. Người ta đốt giấy tiền, vàng bạc và nhang thơm, rất ít người ra khỏi nhà vào ngày mồng 1 Tết.
Ngày mồng 2 Tết, hầu như ai cũng đi thăm và chúc Tết bà con, láng giềng. Trong những ngày này, người nào cũng chi tiêu nhiều hơn và phóng khoáng hơn, tiệc tùng diễn ra liên tục và kéo dài đôi khi vượt quá giới hạn.
Có một thú vui không thể thiếu trong những ngày Tết của người xưa đó là “chơi bài”. Họ lập sòng bài trên một chiếc chiếu, “thú vui” này được tổ chức trong các gia đình và thậm chí trên những con đường.
Ngày mồng 3 Tết, mọi người thường đi lễ chùa để cầu cho một năm mới thật nhiều sức khoẻ, vạn sự bình an cho bản thân và gia đình.
Trải qua hơn hai thế kỷ, những phong tục tốt đẹp của Tết Cổ truyền Việt Nam vẫn được gìn giữ và phát huy từ đời này sang đời khác, đó là nét văn hoá đặc sắc. Ngày Tết là thời khắc mà mỗi người dân Việt đều mong đợi./.
…………………………………………..
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ sơ H22/189, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
2. Hồ sơ H23/54, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
3. Hồ sơ H48/69, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
4. En Indo-Chine, 1896-1897, Tonquin, Haut Laos, Annam septentrional.
Thanh Biên