Quế là loại cây mọc hoang và được trồng ở khắp vùng rừng núi Việt Nam, nhưng chủ yếu ở dọc dãy núi Trường Sơn từ Bắc Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tuy được trồng nhiều nơi, những quế ở Thanh Hóa là tốt nhất. Điều này được khẳng định trong lời tâu của bộ Hộ lên vua Minh Mạng rằng: “Quế là vật xuất ở Thọ Xuân, Thanh Hoa là hạng tốt, ở Quỳ Châu, Nghệ An là hạng thứ hai”. Dưới triều Nguyễn, quế Thanh Hóa là sản vật quý được triều đình chọn lựa dâng tiến và rất được các vua ưa chuộng.

Sản vật được vua ưa chuộng:

Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 15 ghi về quế Thanh Hóa rằng: “Quế: sản ở ba châu Thường Xuân, Lang Chánh và Quan Hóa, nhưng quế ở xã Trịnh Vạn, châu Thường Xuân tốt hơn. Theo lệ có đặt quế hộ đi lấy quế để nộp… Quế có cây to quầng đến vài ba thước, hoa nhỏ như hạt gạo mà không thơm, lá to mà trơn nhẵn, dài và nhọn, có ba đường gân dọc, vỏ dài mà làm thuốc chữa bệnh”.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển 16, mặt khắc 34, 35 cho biết trong số các loại quế ở Thanh Hóa, thì quế Thần cho được xem là loại quế thượng hạng nhất

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Do có nhiều công dụng trong việc chữa bệnh nên dưới triều Nguyễn, quế Thanh Hóa được triều đình lựa chọn để cung tiến. Các vua Nguyễn bên cạnh sử dụng quế Thanh, còn dùng ể ban tặng cho hoàng thân quốc thích, các đại thần có công với triều đình nhân dịp lễ tết. Dưới mỗi đời vua, quế Thanh Hóa được ban tặng nhiều lần. Có thể kể đế là năm Mậu Thìn (1808), vua Gia Long đã ban quế Thanh Hóa, trầm hương và long diên hương cho công thần Nguyễn Văn Nhân khi bị ốm. Năm Kỷ Hợi (1839), vua Minh Mạng đã ban quế Thanh Hóa cho hoàng tử, tước công, các thân công, cùng văn từ Viên ngoại, võ từ Quản vệ trở lên. Năm Canh Tý (1840), vua ban tặng quế cho các quan địa phương: “Ban quế Thanh Hoa cho các đốc, phủ, bố, án và chánh phó lãnh binh các địa phương đều có thứ bậc khác nhau, viên nào về Kinh thì lĩnh lấy, viên nào ở tỉnh thì phái thị vệ đem đến ban cho”. Hay dưới triều vua Thiệu Trị, vào năm Tân Sửu (1841) vua: “Ban quế Thanh cho các hoàng tử, hoàng thân và đình thần có thứ bậc…”

Trong số các loại quế ở Thanh Hóa, thì loại thượng hạng nhất có tên gọi là “quế thần cho”. Tên gọi này được các quế hộ Thanh Hóa đặt tên với ý nghĩa là “vị quế của thần”, thần – một nhân vật siêu nhiên ban tặng cho con người sản vật quý hiếm. Loại quế này rất hiếm, may mắn lắm mới tìm thấy được, vỏ quế thần cho có vỏ dày, vị ngọt, mùi hương rất đặc biệt. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển 56, mặt khắc 34, 35 ghi về loại quế này như sau: “Khi ấy tỉnh Thanh Hóa, mới đệ thứ quế tốt nhất ít có gọi là thần cho, quế dày, vị ngọt, tuy hạng ba, hạng tư cũng tốt hơn hạng nhất, hạng nhì từ trước đến nay. Vua bảo rằng: Phàm được của quý ngon ngọt, nhớ cho người thân, người giúp việc cùng hưởng, bèn chia cho hoàng thân, hoàng tử, công chúa, ấn quan trong ngoài có tầng bậc. Tòng nhị phẩm trở lên đều 1 phiến hạng ba, ấn quan tam, tứ, ngũ phẩm đều 1 phiến hạng tư”.

Như vậy, có thể thấy, quế Thanh Hóa là phẩm vật rất được các vua triều trân trọng. Bên cạnh việc chế thuốc chữa bệnh, ban tặng cho công thần triều đình. Quế Thanh Hóa còn được vương triều dùng làm phẩm vật trao tặng trong mối quan hệ ngoại giao với các nước lân bang.

Quy định cung tiến quế Thanh Hóa:

Ngay từ thời vua Gia Long, các quế hộ (hộ tìm quế) ở Thanh Hóa đã được thành lập. Các hộ này có nhiệm vụ vào rừng lấy vỏ quế, một nửa nộp lên quan tỉnh để cung tiến, còn một nữa được trả tiền công bóc. Để quản lý các đội quế hộ này, năm Quý Hợi (1803), vua Gia Long đã giao cho Thống lãnh thượng đạo Thanh Hoa là Hà Công Thái trông coi quế hộ. Năm Mậu Dần (1818), vị vua đầu tiên của triều Nguyễn đã cấp ấn đồng cho Hà Công Thái thuận tiện hơn trong việc giám sát các hộ tìm quế.

Đến triều vua Minh Mạng, năm Kỷ Sửu (1829), vua ra định lệ thuế cho quế hộ ở Thanh Hóa và Nghệ An: “Lệ trước, người chủ quế hộ bóc vỏ quế chia làm ba hạng thượng, trung, hạ, một nửa nộp nhà nước, một nửa trả công cho người bóc. Lại trích 2 phần 10 ở người bóc quế làm lễ thượng tiến, hoặc chỉ có hai hạng trung và thứ thì cũng chia đôi mà lấy hạng trung làm quế thượng tiến… Xin từ nay phàm quế ở hai trấn ấy hạng thượng phải nộp nhà nước hết; còn thì chia mỗi bên một nửa. Nếu chỉ có hai hạng trung và thứ, thì hạng trung nộp nhà nước, hạng thứ chia đôi, để chính danh ngạch. Vua cho là phải”.

Năm Mậu Tuất (1838), vua định mức nộp vỏ quế vào cung đối với tỉnh Thanh Hoa như sau: “Tỉnh Thanh Hoa hằng năm phải 7, 8 cây, vỏ nặng trên dưới 60 cân, thừa thì nhà nước thu mua, thiếu thì cứ hộ đi lấy quế phải bồi thường, dám giấu giếm thì trị tội nặng hơn”.

Do quá trình thu nộp vỏ quế, có sự thất thoát ra ngoài, vị vua thứ 2 của triều Nguyễn đã định lệ thưởng phạt cho các hộ lấy quế ở Nghệ An và Thanh Hóa: “Vua cho là từ trước đến nay, thuế quế hai hạt ấy chưa từng có phép cũ định rõ. Các hộ lấy quế, phần nhiều trong đó có gian xảo, bèn chuẩn y bộ Hộ nghị định, 3 châu Quan Hoá, Lương Chính, Thường Xuân, thuộc Thanh Hoa, 2 huyện Quế Phong, Thuý Vân thuộc Nghệ An, sản xuất ra cây quế, hằng năm đến kỳ đi tìm, quan tỉnh đều sức rõ cho phủ huyện trách tổng lý đem dân xã sở tại hết sức tìm kiếm, phàm tìm được mấy cây quế, đem cả số báo quan, phái thuộc viên hội đồng xem xét, quế còn non mỏng, thì giao cho giữ, già tốt thì theo phương pháp, bóc lấy, trong đó tổng xã nào tìm được mấy cây, bóc được mấy mảnh lần lượt đăng ký vào sổ, cất riêng đến kỳ đệ nộp, đem cả họ tên người tìm được quế và số cây số mảnh đã lấy được, kê khai tâu lên, rồi chiểu theo số mảnh nhiều ít, chất quế tốt, xấu, lượng cấp cho tiền, không phải lấy vỏ quế để thưởng, phủ huyện tỉnh phái đi cũng phân biệt thưởng cấp. Địa phận tổng xã nào có cây quế mà không tìm xét ra, lại để cho người khác tìm được, thì đem ngay tổng lý sở tại xử tội, người tìm được được thưởng gấp đôi, người nào dám giấu giếm mưu lợi thì theo luật trị tội, người tố cáo, được thực thì thưởng thêm cho, phủ huyện thiếu xem xét cũng nghị xử cả. Quan tỉnh đợi đến cuối năm, chiểu số hạt ấy nộp được trong một năm chước định thưởng phạt”.

Đến triều Tự Đức, vào năm Đinh Tỵ (1857), vua cho định rõ lại hộ bóc quế Thanh Hoá: “Lệ trước, do 2 châu Thường Xuân, Lương Chính chọn bổ mỗi xã 1 đến 2 người, hay 4 đến 5 người sung làm phu bóc quế 100 người. Chuẩn cho chọn lấy người ở 2 tổng Quân Nhân, Trịnh Vạn, châu Thường Xuân và ở 4 tổng Tòng Chính, Nhân Sơn, Thiện Thổ, An Thọ, châu Lương Chính (2 tổng thuộc châu Thường Xuân 50 người, 4 tổng thuộc châu Lương Chính 50 người) là 100 người, sung làm quế hộ; còn những người ở các tổng không quen việc bóc quế thì rút về làm lính thổ. Quan tỉnh ấy lại tâu xin chọn núi đất ở 2 châu ấy đặt làm vườn quế, giao cho dân sở tại canh giữ. Chuẩn cho thi hành (vườn quế sau làm không thành hiệu)”.

Bản dập Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển16, mặt khắc 33 ghi về việc vua Tự Đức cho định rõ lại hộ bóc quế ở Thanh Hoá, năm Đinh Tỵ (1857)

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Bên cạnh đó, vua cũng định rõ ngạch thuế quế ở châu Quan Hoá rằng: “Thuế quế châu ấy từ trước được bao nhiêu thì đem nộp, nguyên không định ngạch đã 20 năm nay, không có tìm được, năm Tự Đức thứ 23 phát giác ra người khách nước Thanh bóc trộm 1 cây; và cai tổng sở tại tìm được 1 cây. Bộ Hộ xin cho tỉnh ấy bắt viên phủ Quảng Hoá nghiêm sức đi tìm để đệ nộp, đợi 1 – 2 năm được bao nhiêu, chiểu theo nhiều ít sẽ định ngạch thuế, từ trước đến giờ không thấy đệ nộp. Đến nay tìm được 1 cây, bóc được 9 cân 9 lạng 7 đồng cân 4 phân, bèn định ngạch thuế 8 cân (Thương hạng 1 cân, hạng nhất 1 cân, hạng nhì 3 cân, hạng ba 3 cân) để tiện cho dân, đợi sau nếu có nhiều hơn, sẽ định”.

Các đời vua sau này, như vua Thành Thái, Khải Định vẫn tiếp tục hạ lệnh cho tỉnh Thanh Hóa dâng tiến quế cung. Năm Mậu Ngọ, Khải Định thứ 3 (1918), vua đã thân định ngạch thuế cho quế hộ ở Thanh Hóa. Điều 305, sách Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ, chép: “Quế hộ ở Thanh Hóa trước có nghị định ngạch thuế, đến năm Thành Thái thứ 10 bàn định đình bãi, vẫn do quế hộ hai tổng Trịnh Vạn, Nhân Thọ tỉnh ấy tìm nạp theo số nhất định hàng năm, chiểu giá trả tiền cho, nhưng từ lâu chỉ hư ứng, có kẻ không tuân lệ định. Đến lúc ấy, bề tôi bộ Hộ vâng chỉ bàn chiểu theo lệ cũ chước định.. Phàm thổ ty sĩ dân tỉnh ấy vào núi tìm được cây quế phải lập tức báo quan hội khám, bóc vỏ đánh dấu xong sẽ chọn lấy, sung một phần ba quế hai hạng nhất, nhì làm quế quan để cung đốn việc quốc dụng, còn hai phần và quế hạng ba thì do quan đấu giá phát mại, được bao nhiêu tiền chia cho Tri châu, dân sở tại và người tìm được quế”.

Có thể nói, qua ghi chép của Di sản Mộc bản triều Nguyễn, mới thấy được quế Thanh Hóa rất được triều đình trân quý. Ngày nay, dù cây quế được trồng ở nhiều nơi nhưng quế ở Thanh Hóa vẫn có hương vị đặc biệt nhất. Đó là niềm vui, niềm vinh dự lớn đối với địa phương có thổ sản như tỉnh Thanh Hóa. Hy vọng trong thời gian tới, huyện Thường Xuân sẽ phát huy hiệu quả hơn nữa trong việc bảo tồn và khai thác quế của mình./.

Cao Thị Quang