Trên dải đất miền Trung đầy nắng gió, Quảng Nam được biết đến là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, có vị trí chiến lược quan trọng, đã đóng góp nhiều công sức lớn lao cho công cuộc mở cõi của đất nước. Và kể từ dấu mốc năm 1307, khi vùng đất này chính thức nhập vào bản đồ của quốc gia Đại Việt cho đến nay, Quảng Nam luôn là vùng đất trọng yếu ghi nhiều dấu ấn trong chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quảng Nam xưa là đất Việt Thường, đời Tần thuộc Tượng quận, đời Hán thuộc Nhật Nam, đời Đường là Cảnh Châu; thời Tống phía bắc Chiêm Thành gọi là châu Ô Lý. Đến năm 1306, chúa Chiêm Thành là Chế Mân đã dâng đất này làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân. Sau đó, năm 1307, vua Trần Anh Tông đổi thành Thuận Châu và Hóa Châu.

Tài liệu Mộc bản triều Nguyễn giới thiệu về lịch sử hình thành vùng đất Quảng Nam (Nguồn: TTLTQGIV)

Nhà Hồ năm Thiệu Thành thứ 2 (1402) lấy được đất Chiêm Động (nay thuộc tỉnh Quảng Nam) và Cổ Lũy (nay thuộc tỉnh Quảng Ngãi), Hồ Quý Ly cho chia đất ấy làm lộ Thăng Hoa, đem dân ở nơi khác không có ruộng đến đây làm ăn và sinh sống.

Tháng 6, năm Tân Mão (1471), với việc phân định địa giới trong nước thành 12 đạo thừa tuyên, trong đó có Thừa tuyên Quảng Nam, vua Lê Thánh Tông đã khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Đại Việt đối với vùng đất này. Và rồi, từ dấu mốc lịch sử ấy, hành trình mở cõi về phương Nam của người Việt tiếp diễn. Đặc biệt từ sau câu nói ẩn dụ “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, một trang sử mới đã mở ra cho sự phát triển của vùng đất Quảng Nam, để rồi xa hơn nữa là mở rộng đất nước về tận phương Nam như hiện nay.

Dưới thời các chúa Nguyễn, Quảng Nam trở thành đất tốt dân đông, sản vật giàu có, số thuế nộp vào nhiều hơn Thuận Hóa mà số quân thì cũng bằng quá nửa. Vì vậy, Chúa thường để ý kinh lược đất này. Năm 1602, chúa đến đây, đi chơi núi Hải Vân, thấy một dải núi cao dăng dài mấy trăm dặm nằm ngang đến bờ biển. Chúa khen rằng: “Chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận Quảng”. Liền vượt qua núi xem xét hình thế, dựng trấn dinh ở xã Cần Húc (thuộc huyện Duy Xuyên), xây kho tàng, chứa lương thực, sai hoàng tử thứ sáu trấn giữ. Lại dựng chùa Long Hưng ở phía đông trấn.

Năm Giáp Thìn (1604), chúa Nguyễn Hoàng cho thành lập phủ Điện Bàn quản lĩnh 5 huyện gồm Tân Phúc, An Nông, Hòa Vang, Diên Khánh, Phú Châu; lệ thuộc vào xứ Quảng Nam.

Ở thời kỳ này, các chúa Nguyễn thi hành nhiều chính sách phát triển kinh tế, đã biến Hội An trở thành thương cảng nổi tiếng, thuyền buôn các nước qua lại tấp nập. Hội An cũng trở thành nơi giao thoa văn hoá giữa người Việt, người Hoa, người Nhật. Chùa Cầu hay còn gọi Cầu Lai Viễn là biểu tượng của sự giao thoa này.

Sau khi triều Nguyễn được thành lập vào năm 1802, vua Gia Long cho dời dinh lỵ Quảng Nam đến xã Thanh Chiêm (thuộc huyện Diên Phước). Đến năm 1827, vua Minh Mạng cho đổi dinh Quảng Nam thành Trấn Quảng Nam. Năm 1832, trấn Quảng Nam được đổi thành tỉnh Quảng Nam. Tỉnh Quảng Nam lúc này gồm 2 phủ Điện Bàn, Thăng Hoa và 5 huyện là Diên Phước, Hoà Vinh, Duy Xuyên, Lễ Dương, Hà Đông.

Năm 1836, nhận thấy vị trí đặc biệt quan trọng của Quảng Nam, vua Minh Mạng đặt quân phòng vệ tại thành Điện Hải và An Hải, nơi quan trọng xung yếu ở bờ biển. Vị trí của Quảng Nam được thể hiện rõ qua nhận định của Vua Thiệu Trị. Vua cho rằng tỉnh Quảng Nam là tỉnh quan trọng ở gần Kinh đô, hai nơi đầu nguồn Chiên Đàn, Hữu Bang, địa thế dài và rộng, đều là nơi địa đầu quan yếu, bèn truyền dụ quan tỉnh cắt thêm biền binh đến đó, hợp với những biền binh đã phái đến trước, chia đóng để giữ yên nơi đó, đợi khi Bắc tuần hồi loan, sẽ lại đưa về các hàng ngũ trước.

Năm Thiệu Trị thứ 1 (1841), đổi tên phủ Thăng Hoa thành phủ Thăng Bình (kiêng húy tên mẹ vua Thiệu Trị là Hồ Thị Hoa), năm thứ 7 (1847) bỏ chức Tuần phủ đặt chức Tổng đốc Nam – Ngãi. Cuối đời vua Tự Đức, tỉnh Quảng Nam lãnh 2 phủ, 6 huyện; trong đó, phủ Điện Bàn lãnh 3 huyện: Diên Phước, Duy Xuyên, Hòa Vang; phủ Thăng Bình lãnh 3 huyện: Lễ Dương, Hà Đông, Quế Sơn.

Dưới thời Pháp thuộc, nhận thấy tầm quan trọng của Đà Nẵng, người Pháp buộc triều đình nhà Nguyễn phải nhượng lại vùng đất này cho họ. Năm 1888, vua Đồng Khánh ban Dụ được Toàn quyền Đông dương chuẩn y đem phần đất đai thuộc Đà Nẵng (Pháp gọi là Tourane) nhượng cho Pháp. Từ đây Đà Nẵng bị tách khỏi Quảng Nam trở thành nhượng địa của thực dân.

Ngày 20/10/1898, vua Thành Thái ban Dụ thành lập một loạt các thị xã tại miền Trung gồm Thanh Hóa, Vinh, Huế, Quy Nhơn, Phan Thiết; trong đó có thị xã Faifo (tức Hội An) thuộc tỉnh Quảng Nam. Ngày 30/8/1899, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định chuẩn y Dụ các ngày 20/10/1898 và 12/7/1899 của vua Thành Thái về việc thành lập thị xã Hội An có thu nhập và ngân sách riêng.

Trong giai đoạn này, đơn vị hành chính thuộc tỉnh Quảng Nam có nhiều thay đổi. Năm 1899, đặt thêm huyện Đại Lộc; năm 1900, tách huyện Hòa Vang khỏi tỉnh Quảng Nam. Đến năm 1935, vua Bảo Đại ban Dụ cho sửa đổi ranh giới của các Khu Đại Lộc, Điện Bàn, Đại Lộc và Hoà Vang thuộc tỉnh Quảng Nam.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, đất nước bị chia cắt làm hai miền lấy Vĩ tuyến 17 tại Quảng Trị làm ranh giới. Toàn bộ địa giới từ Vĩ tuyến 17 trở vào Nam thuộc quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, được phân chia thành Cao nguyên Trung phần, Trung nguyên Trung phần, Đông Nam phần và Tây Nam phần. Tỉnh Quảng Nam thuộc Trung nguyên Trung phần gồm 1 thị xã là Hội An và 12 quận gồm Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn, Hòa Vang, Hòa Tân, Hiên Giằng, Quế Sơn, Phước Sơn, Tam Kỳ, Thăng Bình, Tiên Phước, Trà My được thể hiện rõ trên Bản đồ tỉnh Quảng Nam năm 1955.

Ngày 31/7/1962, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 162-NV thành lập một tỉnh mới có tên là Quảng Tín, tỉnh lị đặt tại Tam Kỳ. Cũng khoảng thời gian đó Uỷ ban Kháng chiến Nam bộ tại Quảng Nam lại tách tỉnh Quảng Nam thành 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà. Trong đó, tỉnh Quảng Đà gồm: 7 huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn, Hòa Vang, Hiên, Giằng, Phước Sơn.

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, địa giới hành chính tỉnh Quảng Nam có nhiều thay đổi, có lúc sáp nhập với Quảng Đà thành tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng đến năm 1996 Quảng Nam – Đà Nẵng được tách thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc trung ương.

Đến nay sau nhiều lần chia tách, sáp nhập, tỉnh Quảng Nam hiện nay gồm 2 thành phố là Tam Kỳ (tỉnh lị), Hội An; 1 thị xã là Điện Bàn và 15 huyện.

Đi suốt chiều dài lịch sử dưới thời các vua nhà Nguyễn, Quảng Nam có vị trí chiến lược quan trọng, có những đóng góp lớn lao cho công cuộc mở cõi của đất nước, nhân dân Quảng Nam dù liên tiếp trải qua nạn binh đao nhưng lúc nào cũng thể hiện tinh thần hiếu học, điều này đã được minh chứng dưới triều Nguyễn từ đời vua Gia Long đến vua Khải Định, triều đình nhà Nguyễn đã tổ chức hàng trăm khoa thi Hương, thi Hội và thi Đình. Nho sinh Quảng Nam đã đỗ đạt kết quả rất cao. Có nhiều vị đỗ Tiến sĩ và Phó bảng. Tiêu biểu phải kể đến như Phạm Phú Thứ, Phạm Liệu, Phan Quang, Đỗ Thúc Tĩnh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Hoàng Diệu,…

Mộc bản triều Nguyễn khắc về nhà khoa bảng Huỳnh Thúc Kháng và nhà khoa bảng Phan Châu Trinh

Với những thông tin được lưu lại từ tài liệu lưu trữ quý hiếm, chúng ta nhận thấy một Quảng Nam rộng lớn được hình thành từ khá sớm, có lịch sử lâu đời và giàu truyền thống văn hóa. Đúng như ý nghĩa tên gọi, Quảng Nam từ xưa cho đến nay luôn là vùng đất trọng yếu của đất nước. Thông qua nguồn tư liệu lưu trữ sẽ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, luôn tự hào về truyền thống quê hương đất Quảng anh hùng.

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ sơ H60/1, H60/5, Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên, Mộc bản triều Nguyễn.

2. Hồ sơ H20/6, Đại Nam nhất thống chí, Mộc bản triều Nguyễn.

3. Khâm định Việt sử thông giám cương mục, bản dịch Viện sử học, Nxb giáo dục, 2007.

4. http://baotang.quangnam.gov.vn.

 

Nguyễn Phượng