Từ giữa thế kỷ XI, nhà Tống gặp nhiều khó khăn chồng chất. Trong nước ngân khố cạn kiệt, tài chính nguy ngập, nội bộ mâu thuẫn. Nhân dân bị đói khổ, nhiều nơi nổi dậy đấu tranh. Vùng biên cương phía bắc của nhà Tống thường xuyên bị hai nước Liêu – Hạ quấy nhiễu. Nhà Tống muốn dùng chiến tranh để giải quyết tình trạng khủng hoảng nói trên, nên tiến hành xâm lược Đại Việt.

Trước tình hình nhà Tống ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta, vua Lý Nhân Tông triệu các quần thần bàn kế chống giặc. Lý Thường Kiệt tâu rằng: “Ngồi yên đợi giặc, sao bằng đem quân đánh trước để chặn các mũi nhọn của giặc”. Ông là người đầu tiên đề ra chiến lược “Tiên phát chế nhân” (ra tay trước, chế ngự địch).

1.    Nhà Tống âm mưu xâm lược Đại Việt

Để tiến đánh chiếm Đại Việt, nhà Tống xúi giục vua Cham-pa đánh lên từ phía Nam. Để ổn định địa phận phía Nam, vua Lý Thánh Tông cùng với Lý Thường Kiệt đem quân đánh bại ý đồ tiến công phối hợp của nhà Tống với Cham-pa.

Để chuẩn bị tiến công xâm lược, nhà Tống đã xây dựng các căn cứ quân sự, hậu cần làm nơi xuất phát của các cánh quân ở vùng giáp biên giới Đông Bắc nước ta. Đây là vùng tập trung nhiều đầu mối giao thông thủy – bộ tiến xuống Đại Việt, nhà Tống kiểm soát chặt chẽ. Trong đó, thành Ung Châu (Nam Ninh, Quảng Tây) giữ vị trí quan trọng nhất, nơi tập kết quân rất tiện lợi vì có nhiều đường đi đến các tỉnh biên giới nước ta và đi đến hai cửa biển Khâm Châu và Liêm Châu (Quảng Đông). Căn cứ Ung Châu có 5 trại lính, thành trì vững chắc, nhiều kho tàng cất trữ lương thảo… Ung Châu cùng với các trại quân biên giới và hai cửa biển Khâm Châu, Liêm Châu trở thành “những mũi dao nhọn” de dọa sự sống còn của nước Đại Việt.

Để chuẩn bị tấn công vào Đại Việt nhà Tống ngăn cản việc buôn bán, đi lại của nhân dân hai nước, dụ dỗ các tù trưởng dân tộc ít người. Các châu Ung – Khâm – Liêm (thuộc Quảng Đông Quảng Tây ngày nay) trở thành căn cứ quan trọng, nơi tập trung quân đội, lương thực, khí giới của quân Tống để chuẩn bị cho cuộc tấn công Đại Việt vào năm 1075.

2. Nhà Lý chủ động tiến công

Sớm phát hiện được mưu đồ của kẻ thù, vua tôi nhà Lý đã chủ động tiến hành các biện pháp chuẩn bị đối phó. Thái úy Lý Thường Kiệt được cử làm người chỉ huy, tổ chức cuộc kháng chiến.

Vua tôi nhà Lý tính toán rằng quân Tống có vào Đại Việt tất phải qua châu Ung theo đường bộ và qua các cửa biển châu Khâm và châu Liêm theo đường thủy nên vua tôi quyết tâm chủ trương ra tay trước, quyết tâm phá trước các cứ điểm này của người Tống.

Từ năm 1073, Lý Thường Kiệt đã tập trung nhiều quân ở biên giới.

Năm 1074, vua Tống được tin nhà Lý tập hợp binh lính, liền cấp báo cho Tô Giám rằng nếu Đại Việt tấn công vào châu Ung thì phải kiểm quân cố thủ, không được khinh địch.

Mùa đông năm 1075, Lý Thường Kiệt mang khoảng 10 vạn quân vào đất Tống. Để có danh chính ngôn thuận trong việc dùng binh Bắc phạt, Lý Thường Kiệt soạn bài Phạt Tống lộ bố văn (Tuyên bố về việc đánh Tống), công bố cho dân Trung Hoa trong những vùng quân Đại Việt đi qua được biết. Bài hịch trước hết giải thích cho mọi người dân Trung Hoa vùng biên giới thấy rõ tội ác của triều đình nhà Tống, đồng thời nêu nghĩa vụ mình phải đi đánh dẹp để cứu dân. Nội dung của bài Hịch như sau:

 “Trời sinh ra dân chúng, vua hiền ắt hòa mục. Đạo làm chủ dân, cốt ở nuôi dân. Nay nghe vua Tống ngu hèn, chẳng tuân theo khuôn phép thánh nhân, lại tin kế tham tà của Vương An Thạch, bày những phép “thanh miêu”([1]), “trợ dịch”([2]), khiến trăm họ mệt nhọc lầm than mà riêng thỏa cái mưu nuôi mình béo mập. Bởi tính mệnh muôn dân đều phú bẩm tự trời, thế mà bỗng sa vào cảnh éo le độc hại. Lượng kẻ ở trên cố nhiên phải xót, những việc từ trước, thôi nói làm gì nữa. Nay bản chức vâng mệnh quốc vương chỉ đường tiến quân lên Bắc, muốn dẹp yên làn sóng yêu nghiệt, chỉ có ý phân biệt quốc thổ, không phân biệt chúng dân. Phải quét sạch nhơ bẩn hôi tanh để đến thuở ca ngày Nghiêu, hưởng tháng Thuấn thanh bình. Ta nay ra quân, cốt để cứu vớt muôn dân khỏi nơi chìm đắm. Hịch văn truyền tới để mọi người cùng nghe. Ai nấy hãy tự đắn đo, chớ có mang lòng sợ hãi.”([3])

Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi chép về việc Lý Thường Kiệt đem quân sang đánh nhà Tống và viết bài hịch “Phạt Tống lộ bố văn”

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Các đạo quân thủy – bộ do Lý Thường Kiệt chỉ huy bất ngờ tập kích vào các căn cứ xâm lược của quân Tống mà trung tâm là thành Ung Châu. Cùng với các đạo quân bộ đánh phá các trại quân Tống dọc biên giới, đạo quân chủ lực do Lý Thường Kiệt trực tiếp chỉ huy dùng thuyền vượt biển đánh Khâm Châu, Liêm Châu. Theo Lời cẩn án sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên chép tháng 2 năm ấy (Ất Mão – 1075), Thường Kiệt sang đánh thành nhà Tống, phá được Khâm Liêm. Tôn Đản vây Ung Châu hơn 40 ngày, phá được thành, nay theo sử Cương mục tục biên (Trung Quốc) thì tháng 11 mùa đông năm Ất Mão (1075), Giao Chỉ đem đại binh vào lấn cướp, phá Khâm Châu và Liêm Châu. Tháng giêng, mùa xuân, năm Bính Thìn (1076), phá Ung Châu.

Theo ghi chép của sách Đại Việt sử ký toàn thư thì đội quân nhà Lý được chia làm hai cánh tiến vào đất Tống “Lý Thường Kiệt, Tông Đản đem hơn 10 vạn binh đi đánh. Quân thủy, quân bộ đều tiến. Thường Kiệt đánh các châu Khâm, Liêm; Đản vây châu Ung, Đô giám Quảng Tây nhà Tống là Trương Thủ Tiết đem quân đến cứu. Thường Kiệt đón đánh ở cửa ải Côn Lôn (nay là phủ Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây của nhà Minh) phá tan được, chém Thủ Tiết tại trận. Tri Ung châu là Tô Giám cố thủ không hàng. Quân ta đánh đến hơn 40 ngày, chồng bao đất trèo lên thành. Thành bèn bị hạ. Giám cho gia thuộc 36 người chết trước, chôn xác vào hố, rồi châm lửa tự đốt chết. Người trong thành cảm ân nghĩa của Giám, không một người nào chịu hàng, giết hết hơn 5 vạn 8 nghìn người, cộng với số người chết ở các châu Khâm, Liêm thì đến hơn 10 vạn. Bọn Thường Kiệt bắt sống người ba châu ấy đem về. Vua Tống truy tặng Giám là Phụng quốc quân tiết độ sứ, thụy là Trung Dũng, cho một khu nhà lớn ở kinh thành, 10 khoảnh ruộng tốt cho thân tộc 7 người làm quan, cho con là Nguyên chức Cáp môn chi hậu”.

Sau thắng lợi ở Khâm Châu, Liêm Châu, Ung Châu, Lý Thường Kiệt rút quân về nước, tích cực chuẩn bị phòng thủ chống quân Tống xâm lược làm nên chiến thắng Như Nguyệt (1077), đánh bại ý chí xâm lược của nhà Tống, giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Chú thích:

[1] Phép thanh miêu: là khi lúa còn xanh thì nhà nước cho dân vay tiền, đến khi lúa chín thì dân phải trả tiền lai, tính theo lệ nhà nước đã định mà trả tiền lãi.
[2] Phép trợ dịch: cho những người dân đinh mà ai phải sưu dịch thì được nộp tiền, để nhà nước lấy tiền ấy thuê người làm.
[3] Bản dịch của Trần Văn Giáp, trích Thơ văn Lý Trần – tập 1.

 Tài liệu tham khảo:

1. Mộc bản triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 3;

2. Mộc bản triều Nguyễn, Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 3;

3. Bản dịch Viện sử học, Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb KHXH, năm 2004.

Yến – Phương