Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Việt Nam kết thúc với chiến thắng oanh liệt Điện Biên Phủ ngày 7 tháng 5 năm 1954, buộc thực dân Pháp ký kết Hiệp định Genève, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương. Ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève được ký kết, nhưng do Mỹ có âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, nên đã không ký vào Hiệp định Genève.

Trước đó, chính phủ Mỹ đã ép “Quốc trưởng” Bảo Đại (đang sống lưu vong ở nước ngoài) phải ký Sắc lệnh 38/QT ngày 16/6/1954 “mời” Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng để lập nên chính phủ bù nhìn ở miền Nam Việt Nam. Như vậy, với âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam, Mỹ – Diệm đã độc chiếm miền Nam Việt Nam, thiết lập chế độ Việt Nam cộng hòa đối kháng với Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa – nhà nước do nhân dân Việt Nam xây dựng từ cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945. Từ thực tế lịch sử đó đã dẫn đến việc tài liệu lưu trữ của Việt Nam bị phân chia làm hai với hai hoạt động lưu trữ riêng biệt. Ở niềm Bắc, hoạt động lưu trữ và tài liệu lưu trữ do Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quản lý. Từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam do chính quyền Việt Nam cộng hòa kiểm soát.

Tại miền Nam, trong khoảng thời gian từ năm 1955 đến 1959, do phải tập trung cho nhiệm vụ xây dựng bộ máy chính quyền và đàn áp các phong trào đấu tranh chống khủng bố, đòi hòa bình và các quyền tự do dân chủ của nhân dân, nên công tác lưu trữ của chính quyền Việt Nam cộng hòa chưa mang tính toàn diện. Trước tình hình đó, từ năm 1959, chính quyền Sài Gòn nhận thấy rằng cần phải sớm chấn chỉnh công tác lưu trữ trên toàn bộ lãnh thổ miền Nam do Việt Nam cộng hòa quản lý và đã có một số chủ trương, biện pháp cần thiết nhằm cải thiện tình hình nói trên.

Ngày 13/4/1959, Tổng thống Việt Nam cộng hòa đã ban hành Sắc lệnh số 86-GD về việc thiết lập Nha Giám đốc Văn khố và Thư viện quốc gia. Nha Văn khố có chức năng lưu trữ các hồ sơ, tài liệu do các bộ, nha, sở gửi về lưu trữ; hướng dẫn các Sở trong toàn quốc tổ chức điều hành các hoạt động chuyên môn; huấn luyện nhân viên các công sở thành những chuyên viên có khả năng phụ trách việc quản thủ thư viện hay lưu trữ hồ sơ, tài liệu. Trong năm 1959, Chi nhánh Nha Văn khố và Thư viện quốc gia Đà Lạt cũng được thành lập để thu thập, sắp xếp, giữ gìn những hồ sơ, tài liệu cũ do các cơ quan hành chính tại Cao nguyên và Trung nguyên trung phần gửi lưu trữ; thu thập, sắp xếp, giữ gìn những tài liệu của cựu Văn phòng Quốc trưởng Bảo Đại và Hoàng triều cương thổ, khối tài liệu của triều đình Nhà Nguyễn,…

Như vậy, cùng với việc tổ chức sắp xếp các hệ thống lưu trữ, chính quyền Việt Nam cộng hòa đã tiến hành thu thập và đưa vào bảo quản trong các kho lưu trữ hàng nghìn mét giá tài liệu của những thời kỳ lịch sử khác nhau, trong đó có nhiều khối tài liệu quan trọng như châu bản, mộc bản, địa bộ triều Nguyễn, tài liệu Tòa Thượng thư Nam Kỳ, Nha kinh lược Bắc Kỳ, Nha Thanh tra chính trị – hành chính, các bộ của Chính phủ Bảo Đại, Phủ Thống đốc Nam Kỳ, Tòa đại biểu Chính phủ Nam phần, Phủ Tổng thống, Phủ Thủ tướng và nhiều bộ, nha, sở ở trung ương của chính quyền Sài Gòn,… cùng hàng vạn hồ sơ quan trọng khác. Các hoạt động này đã góp phần bổ sung khá nhiều hồ sơ, tài liệu quý giá vào Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam ngày nay.

1. Kế hoạch di chuyển tài liệu lưu trữ lịch sử từ Huế lên Đà Lạt

Việc thiết lập tại Đà Lạt một Quốc khố hay một Viện Bảo tàng đã được chính quyền Việt Nam cộng hòa rất quan tâm, trong bản Dự thảo Tờ trình ông Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục của Viện Bảo tàng Huế đã nêu: Ngày 22/4/1959, ông Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống đã hỏi ông Đại biểu Chính phủ tại Cao nguyên Trung phần về ý định của Tổng thống Ngô Đình Diệm trong việc di chuyển cổ thư tàng trữ ở Huế lên Đà Lạt. Ngày 6/5/1959, ông Giám thủ Viện Bảo tàng Huế đã trình bày với ông Đại biểu Chính phủ tại Cao nguyên Trung phần ý kiến của Viện Bảo tàng Huế về việc thiết lập tại Đà Lạt một Viện Bảo tàng và di chuyển các cổ thư được tàng trữ ở Huế lên Đà Lạt như sau: “với khí hậu khô ráo quanh năm của Đà Lạt, sách vở và sử liệu nhất là Mộc bản có thể được bảo tồn lâu dài” và một lý do khác là “Đà Lạt được tổ chức thành một thành phố du lịch thì nên lập tại đây một Viện Bảo tàng để thêm phần hấp dẫn khách ngoại quốc”.

“Vậy nên lập tại Đà Lạt một Quốc khố, đặt thuộc quyền kiểm soát của Viện Khảo cổ, và xin cho chuyển về đó:

– Tất cả mộc bản hiện nay để tại Huế.

– Tất cả các quyển địa bộ của Nam triều cũ.

– Những cổ thư quý của ta bằng chữ Hán và chữ Nôm cũng sẽ được tàng trữ tại đó và gìn giữ cẩn thận như bảo vật của Quốc gia”.

Ngoài ra, trong bản đệ trình cũng đã nhấn mạnh: “Việc tổ chức tại Đà Lạt một Quốc khố để gìn giữ những cổ vật quý giá đồng thời với những cổ thư là một công việc rất hữu ích và hợp lý, có tính cách cấp thiết, nên làm ngay, vì thời cơ rất thuận tiện”.

Ngày 2/4/1960, thực hiện Chỉ thị của Tổng thống Ngô Đình Diệm theo Sự Vụ lệnh số 381-GD/NV, một phái đoàn gồm các viên chức: Phạm Như Phiên, Nguyên Đại biểu tại Cao Nguyên Trung phần; Nguyễn Gia Phương, Phó giám đốc Nha Văn khố và Thư viện quốc gia; Lê Phục Thiện, Nhân viên chuyên về Hán tự tại Viện Khảo cổ đã được cử đi công cán tại Huế để khảo sát và nghiên cứu kế hoạch di chuyển các tài liệu lịch sử lên Đà Lạt.

Cuộc công cán lần thứ nhất diễn ra từ ngày 07/4 đến 11/4/1960, nhằm tiến hành “xem xét tại chỗ và nghiên cứu thể thức di chuyển lên Đà Lạt các cổ thư cùng tài liệu lịch sử đang tàng trữ tại Huế”. Sau khi khảo sát phái đoàn đã xác định thành phần những tài liệu lịch sử gồm: Mộc bản, châu bản, địa bộ các làng, cổ thư, văn khố của Tòa Khâm xưa và Cựu Nam triều, phái đoàn đã đưa ra kiến nghị về việc di chuyển các tài liệu như sau:

– Về mộc bản: Xin chuyển ngay tất cả phần mộc bản đã được phân loại, phần còn lại sẽ đợi phân loại và chuyển sau; về thể thức di chuyển sẽ bó thành từng bó 5 hay 10 bản tùy theo khổ và trọng lượng, bằng dây thép 2 ly, buộc chữ thập để xách được, rồi xếp lên xe lửa có cặp chì.

– Về châu bản: Xin tạm giao cho Viện Đại học Huế gìn giữ  để khai thác, tới khi nào xong hết thì sẽ gửi ngay lên Đà lạt.

– Về địa bộ: Sẽ xếp hết các sách địa bộ vào những thùng bằng gỗ, chằng ngoài bằng dây thép, những thùng này sẽ xếp lên toa xe lửa đi Đà Lạt cùng với những mộc bản.

– Cổ thư và văn khố: Loại này cũng được di chuyển hết theo thể thức áp dụng cho loại địa bộ.

Thực hiện Sự Vụ lệnh số 601-GD/NV/SVL ngày 01/6/1960, cuộc công cán lần thứ hai đã diễn ra từ ngày 05/6 đến 16/6/1960 để “kiểm điểm tại chỗ và tổ chức việc di chuyển lên Đà Lạt các cổ thư chữ Hán cùng tài liệu lịch sử như mộc bản, địa bộ và một số hồ sơ cũ của Tòa Khâm tàng trữ tại Viện Bảo tàng Huế”.

Cuộc công cán lần thứ ba diễn ra từ ngày 8/12 đến 20/12/1960, một phái đoàn gồm 2 viên chức: Nguyễn Gia Phương, Phó giám đốc Nha Văn khố và Thư viện quốc gia; Nguyễn Văn Thu, Chủ sự phòng Kỹ thuật Nha Văn khố và Thư viện quốc gia đã được cử đến Huế để thực hiện Sự Vụ lệnh số 1.322-GD/NV/SVL ngày 5/12/1960, nhằm hoàn tất việc di chuyển lên Đà Lạt các tài liệu lịch sử như châu bản, mộc bản, địa bộ, sách, hồ sơ của Tòa Khâm cũ cùng một số sách chữ Hán Ngự lãm của 2 lăng Hòa Khiêm và Chấp Khiêm.

2. Khối lượng tài liệu lưu trữ được chuyển từ Huế lên Đà Lạt

Việc di chuyển các tài liệu lưu trữ lịch sử được tiến hành rất cẩn trọng và công phu, không phải di chuyển một lần mà phải thực hiện ba lần mới hoàn thành. Nhiệm vụ này được giao cho lực lượng quân sự làm chủ lực vận chuyển. Quá trình vận chuyển tài liệu lưu trữ từ viện Bảo tàng Huế ra ga xe lửa được thi hành kín đáo và mau lẹ và phải sử dụng xe của quân đội (Quân khu II) và 24 quân nhân để bốc dỡ cho nhanh gọn.

Đợt 1 diễn ra ngày: 28/6/1960

Ngày 28/6/1960, chuyến xe lửa đầu tiên chở khối tài liệu lịch sử quý hiếm trên được khởi hành. Toàn bộ 69 thùng tài liệu được xếp lên một toa 25 tấn. Còn các bó mộc bản được xếp lên 2 toa khác, mỗi toa 25 tấn. Cụ thể như sau: Toa số 13.105 gồm: 69 thùng sách và mộc bản; Toa số 14.303 là mộc bản; Toa số 2.317 gồm mộc bản và 3 bó dây gói hàng. Các toa đều có mui và cửa đóng kín cặp chì được 18 quân nhân hộ tống và bảo vệ số tài liệu quý hiếm.

Ngày 2/7/1960, xe lửa đến Đà Lạt, các thùng tài liệu và các bó mộc bản đã được các quân nhân đi hộ tống cùng một số quân nhân của Trường Võ bị liên quân Đà Lạt vận chuyển từ toa xe lửa xuống các xe G.M.C để chở về trụ sở số 3 đường Trần Hưng Đạo. Công việc vận chuyển lần 1 được tất vào ngày 5/7/1960.

Theo biên bản giao nhận ngày 15/6/1960 giữa Viện Bảo tàng Huế và Ủy ban phụ trách chuyên chở các cổ thư và tài liệu có tính lịch sử lên Đà Lạt với số lượng vận chuyển đợt 1 cụ thể như sau:

Mộc bản: 15.045 tấm, gồm 2.058 bó, đã được phân loại theo từng bộ sách, dãn nhãn đề số quyển, số trang.

Địa bạ: 8.398 tập, trong đó:

* Miền Trung: 3.685 tập, gồm:

– Thanh Hóa:                            721 tập
– Nghệ An:                              327 tập
– Hà Tĩnh:                               259 tập
– Quảng Bình:                        301 tập
– Quảng Ngãi:                       228 tập
– Bình Định:                         1.220 tập
– Phú Yên:                             163 tập
– KHánh Hòa:                      209 tập
– Bình Thuận:                       256 tập
– Kon Tum:                                1 tập
* Riêng địa bạ các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Nam, vẫn để lại tại Viện Bảo tàng Huế để cho dân chúng tham khảo, sao lục.

* Miền Nam: Tổng cộng 480 tập, gồm:

– Biên Hòa:                           118 tập
– Hà Tiên:                              32 tập
– Gia Định:                          102 tập
– Vĩnh Long:                         111 tập
– An Giang:                           43 tập
* Miền Bắc: Tổng cộng 4.223 tập, gồm:

– Sơn Nam thượng:            763 tập
– Sơn Nam hạ:                    633 tập
– Sơn Tây:                           586 tập
– Kinh Bắc:                       622 tập
– Thái Nguyên:                  189 tập
– Hà Nội:                                 1 tập
– Thái Bình:                           2 tập
– Kiến An:                             1 tập
– Hải Dương:                    883 tập
– Hưng Hóa:                        57 tập
– Quảng An:                        44 tập
– Tuyên Quang:                 42 tập
– Cao Bằng:                    157 tập
– Lạng Sơn:                        91 tập
– Ninh Bình:                   162 tập
Cổ thư chữ Hán: 3.185 quyển, gồm:

– Sách chính trị:           39 quyển
– Sách giáo khoa:         83 quyển
– Sách hành chính:    129 quyển
– Sách khảo cứu:        854 quyển
– Sách kinh tế, quân sự, xã hội:55 quyển
– Sách luật học:           42 quyển
– Sách Nghệ thuật:      12 quyển
– Sách sử địa:            883 quyển
– Sách tạp chí:             36 quyển
– Sách tiểu thuyết:   82 quyển
– Sách tôn giáo:          53 quyển
– Sách triết học:     196 quyển
– Sách tự điển:           29 quyển
– Sách văn chương: 558 quyển
– Sách y dược:          134 quyển
Tài liệu Tòa khâm sứ và Nam triều cũ: 144 bó với 2.871 hồ sơ, gồm:

– Loại tài liệu về công sản:     1.969 hồ sơ
– Loại tài liệu về chính trị:         191 hồ sơ
– Loại tài liệu về nhân viên:       711 hồ sơ
Sau đợt di chuyển lần thứ nhất, phái đoàn đã nêu nên một số ý kiến rất quan trọng là: Ngoài số tài liệu nói trên, hiện nay tại Huế có một số mộc bản ngang với số đã di chuyển cần phải kiểm kê, phân loại, dán nhãn hiệu từng bộ sách trước khi gửi về Đà Lạt. Công việc này cần xúc tiến gấp để có thể chuyển nốt lên Chi nhánh Văn khố Đà Lạt trong năm 1960. Nếu Bộ xét thấy cần tập trung ngay số mộc bản này tại Đà Lạt, trước hết xin trù liệu thuyên chuyển một số nhân viên thông thạo Hán văn đã chuyên làm mộc bản từ Huế lên Đà Lạt. Có như vậy thì việc tập trung mộc bản về Đà Lạt thì mới có hiệu quả tốt.

Đợt 2 diễn ra ngày: 17/12/1960

Thi hành Thượng lệnh của Tổng thống Ngô Đình Diệm về việc cần chuyển gấp bằng hỏa xa số tài liệu lịch sử còn lại ở sở Tu thư Huế lên Đà Lạt, từ ngày 15 đến ngày 16/12/1960, quân khu II đã điều 4 chiếc xe G.M.C và 24 quân nhân phụ trách việc vận chuyển 41 thùng tài liệu cùng 3.909 bó mộc bản xếp lên 3 toa xe, trong đó 1 toa 20 tấn và 3 toa 10 tấn.

Ngày 17/12/1960, chuyến xe lửa vận chuyển những tài liệu lịch sử được khởi hành từ Huế lên Đà Lạt.

Tại Đà Lạt, ngày 15/12/1960, Giám đốc Chi nhánh Nha Văn khố Đà Lạt đã gửi công văn đến Cơ quan quân sự Đà Lạt yêu cầu trợ giúp cho 5 chiếc xe vận tải nhà binh và 10 binh sĩ để chuyên chở tài liệu từ nhà ga về trụ sở của Chi nhánh.

Công việc vận chuyển và kiểm đếm tại Đà Lạt được hoàn tất vào ngày 22/7/1960.

Số lượng tài liệu lưu trữ lịch sử được vận chuyển vào đợt 2 gồm:

– Mộc bản: 3.909 bó trong đó có 1.088 bó đã được xếp thành bộ nhưng chưa dán nhãn về nhan đề sách, số quyển, số trang; 2.769 bó còn lộn xộn chưa được sắp xếp thành bộ; 52 bó được để riêng vì có vết mục, mối.

– Châu bản: 528 quyển được đóng vào 11 thùng, bao gồm các châu bản từ triều Gia Long đến triều Bảo Đại, riêng 83 tập châu bản triều Minh Mạng lúc đó còn giữ lại Viện Đại học Huế để hoàn tất việc biên mục, dự định làm xong được phần nào thì sữ gửi ngay đi Đà Lạt, có thêm 6 tập bị “hẩm tệ” không đóng thành quyển.

Ngoài ra còn 27 bó văn kiện thuộc các triều đại nhà Nguyễn được đóng vào 2 thùng.

– Sách: đóng vào 13 thùng.

– Địa bạ 3 tỉnh: Quảng Nam: 934 tập; Thừa Thiên: 327 tập; Quảng Trị: 176 tập được đóng vào 9 thùng.

Đối chiếu với số biên bản kê của Viện Bảo tàng Huế (Quảng Nam: 930 tập; Thừa Thiên: 326 tập; Quảng Trị: 325 tập), thì tỉnh Quảng Nam thừa 4 tập, Thừa Thiên thừa 1 tập, còn Quảng Trị thiếu 149 tập.

– Công báo và một số ít sách (đều là chữ Pháp): 391 quyển đóng vào 6 thùng.

– Hồ sơ: 31 hồ sơ xếp vào 2 thùng; hồ sơ cũ có: 106 bó.

Tài liệu Mộc bản bảo quản dưới thời kỳ Việt Nam Cộng hoà  (Nguồn: Sưu tầm)

Đợt 3 diễn ra ngày: 14/6/1961

Theo báo cáo về các hoạt động của Chi nhánh Nha Văn khố và Thư viện quốc gia Đà Lạt gửi Giám đốc Nha Văn khố và Thư viện quốc gia ngày 11/9/1961 thì đợt vận chuyển những cổ thư và tài liệu lịch sử từ Huế lên Đà Lạt diễn ra vào ngày 14/6/1961.

Số lượng là: 351 quyển tứ khố toàn thư.

Công tác lưu trữ của chính quyền Việt Nam cộng hòa thời kỳ Đệ nhất (1955-1963) đã đạt được những kết quả nhất định trong việc thành lập được hệ thống cơ quan quản lý lưu trữ gồm Nha Văn khố quốc gia (thành lập năm 1959) và sau đó thiết lập tại Đà Lạt một Chi nhánh Văn khố để lưu trữ hồ sơ tài liệu của các tỉnh Cao nguyên và miền Trung. Việc di chuyển các cổ thư cùng tài liệu lịch sử đang tàng trữ tại Huế lên Đà Lạt diễn ra vào năm 1960 đến năm 1961, đã góp một phần làm giảm những tổn thất hư hại, mất mát cho khối tài liệu lịch sử quý hiếm khi chiến sự xảy ra tại vùng giới tuyến Trị Thiên.

Theo Công văn số 91/VKTV ngày 2 tháng 6 năm 1962 của Chi nhánh Nha Văn khố và Thư viện quốc gia Đà Lạt gửi Giám đốc Nha Văn khố và Thư viện quốc gia về tổ chức và tình hình hoạt động của Chi nhánh, thì số lượng tài liệu, tư liệu lịch sử mà Chi nhánh tiếp nhận từ Huế chuyển lên Đà Lạt trong 3 đợt như sau:

Việc vận chuyển một khối lượng lớn tài liệu lưu trữ lịch sử từ Huế lên bảo quản tại Đà Lạt đã tạo cho Đà Lạt một diện mạo mới, bên cạnh việc phát triển du lịch cảnh quan, Đà Lạt còn được du khách biết đến là nơi lưu trữ những giá trị văn hóa, lịch sử thông qua những khối thư tịch cổ.

3. Về số phận khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn

Sau khi được chuyển lên Đà Lạt, dưới sự quản lý của Chi nhánh Nha văn khố Đà Lạt, Mộc bản triều Nguyễn được đưa về bảo quản tại nhiều địa chỉ khác nhau 24 Yersin, số 3 Trần Hưng Đạo và 14 Yersin (tầng hầm của Ngân hàng Quốc gia cũ), tài liệu được đặt chồng lên nhau dưới tầng hầm của các tòa nhà, thậm chí có những phòng tài liệu bị ngập nước nhưng cũng không có phương thức nào để cứu nguy.

Sau khi đất nước được giải phóng, thực hiện Chỉ thị số 242-CT/TW ngày 20/11/1976 của Ban Bí thư và Thông tư số 101-BT ngày 09/05/1977 của Bộ trưởng Phủ Thủ tướng về việc tập trung quản lý và sử dụng tài liệu lưu trữ của chính quyền cũ ở miền Nam, đồng thời giao cho Cục Lưu trữ quản lý.

Năm 1981, Cục trưởng Cục Lưu trữ đã gửi công văn số 14/CLT ngày 15/01/1981 cho UBND tỉnh Lâm Đồng về việc chuyển giao khối tài liệu lịch sử của Chi nhánh Văn khố Đà Lạt cho Kho Lưu trữ TW II tại thành phố Hồ Chí Minh quản lý. Tuy nhiên, do khối Mộc bản khá nặng, phương tiện bảo quản còn khó khăn, nên Cục Lưu trữ đã đề nghị gửi lại trụ sở Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng và Kho Lưu trữ TW II, phương án sẽ thu nhận về bảo quản vào cuối năm 1981.

Từ năm 1986, Mộc bản triều Nguyễn được bảo quản tại Tòa nhà dòng Chúa Cứu thế. Sau năm 1988, Mộc bản được chuyển về Khu Biệt điện Trần Lệ Xuân số 2 – Yết Kiêu – Phường 5 – Thành phố Đà Lạt.

Ngày 25 tháng 8 năm 2006, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tại Đà Lạt được thành lập. Ngày 28 tháng 11 năm 2006, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước chấp thuận chuyển giao khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia II (Kho Lưu trữ TW II trước đây) sang cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV quản lý cho đến nay.

Với những giá trị về lịch sử và nghệ thuật chế tác, khối tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn được đã UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam vào ngày 31/7/2009.

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ sơ 1055, Phông Nha Văn khố và Thư viện Quốc gia, Trung tâm Lưu trữ  Quốc gia II;

2. Hồ sơ 1304, Phông Nha Văn khố và Thư viện Quốc gia, Trung tâm Lưu trữ  Quốc gia II;

2. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II – 35 năm trên đường phát triển, Nxb Chính trị Quốc gia, 2011;

3. Lịch sử lưu trữ Việt Nam, Nguyễn Văn Thâm – Vương Đình Quyền – Đào Thị Diến – Nghiêm Kỳ Hồng, Nxb Đại học Quốc gia HCM, 2010.

Nguyễn Xuân Hùng – Phạm Thị Yến