Phú Yên – vùng đất nằm ở trung tâm duyên hải Nam Trung Bộ, nơi giao thoa giữa biển cả và núi rừng, nơi ghi dấu những bước chân đầu tiên của cư dân Việt trong hành trình mở cõi. Với địa hình bán sơn địa phức tạp, Phú Yên không chỉ là mảnh đất giàu tiềm năng mà còn giữ vị trí chiến lược quan trọng trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong suốt hơn 400 năm lịch sử, vùng đất này đã chứng kiến biết bao thăng trầm, hun đúc nên truyền thống yêu nước, kiên trung, bất khuất của con người nơi đây.
1. Phú Yên – Danh xưng hơn 400 năm
Lần theo nguồn sử liệu, Phú Yên là vùng đất có lịch sử từ lâu đời và có nhiều lần thay đổi tên gọi cũng như điều chỉnh địa giới, đơn vị hành chính. Về lịch sử vùng đất Phú Yên, Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên, quyển 45, mặt khắc 2, 3 có chép: Phú yên, từ vùng đất địa vực của thị tộc Việt Thường xưa trở thành huyện Lâm Ấp đời nhà Tần; đất huyện Tượng Lâm đời nhà Hán, nhà Tùy đổi làm quận, nhà Đường đổi làm châu; sau là đất Chiêm Thành, nhà Lê đặt là huyện Tuy Viễn, khoảng năm Gia Long đổi là trấn. Nay là tỉnh Phú Yên.
Năm Tân Mão (1471), vua Lê Thánh Tông đem quân thuỷ bộ đi đánh Chiêm Thành, hạ được thành Chà Bàn, tiến vào đèo Cù Mông. Dưới thời chúa Nguyễn, vào năm Mậu Ngọ (1558), chúa Nguyễn Hoàng được vua Lê cử làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa và sau đó tới năm Canh Ngọ (1570), chúa Nguyễn Hoàng kiêm nhiệm trấn thủ Quảng Nam. Lúc này vùng đất Phú Yên vẫn thuộc quyền cai quản của các vua Chăm Pa. Năm Mậu Dần (1578), chúa Nguyễn Hoàng sai tướng Lương Văn Chánh mở đất vào thành Hồ. Lương Văn Chánh vốn làm quan miền biên viễn dưới triều Lê và theo Nguyễn Hoàng vào Nam. Lương Văn Chánh thật đáng tôn thờ như một vị tiền hiền có công khai hoang lập ấp trên khắp dải đất Cù Mông – Bà Đài – Đà Rằng, biến vùng đất này trở nên giàu mạnh. Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 10, mặt khắc 22 ghi về tướng Lương Văn Chánh, trong đó có đoạn viết như sau: Lương Văn Chánh, người ở phủ Tuy Hòa. Buổi đầu mở nước, làm Đô chỉ huy sứ thuộc vệ Thiên Vũ, đi đánh Chiêm Thành, phá Hồ Thành, thăng Phụ quốc Thượng tướng quân, Phù Nghĩa hầu. Sau được thăng chức Trấn dinh. Ông chiêu tập lưu dân, khai khẩn đất hoang. Khi mất, trở nên linh ứng, được gia tặng Phù Quận công, phong Thượng đẳng thần.
Năm 1611 phủ Phú Yên được thành lập, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử hình thành địa giới hành chính của tỉnh, và từ vị trí phủ năm 1744 dinh Phú Yên được thành lập, thể hiện vị trí quan trọng trong chiến lược mở rộng lãnh thổ của chúa Nguyễn. Đến năm Mậu Thìn (1808), vua Gia Long cho đổi dinh Phú Yên làm trấn Phú Yên đánh dấu bước chuyển mình lớn trong quá trình hình thành tỉnh. Năm 1826, trấn Phú Yên hạ cấp thành phủ Phú Yên (thuộc Bình Định). Năm Tân Mão (1831), vua Minh Mệnh cho đổi phủ Phú Yên làm phủ Tuy An. Một năm sau, tức năm Nhâm Thìn (1832), để nhất thể hóa các đơn vị hành chính trong cả nước, vị vua thứ 2 của triều Nguyễn đã cho thực hiện một cuộc cải cách hành chính với quy mô lớn là cho đổi các dinh, trấn thành tỉnh. Cuộc cải cách này được chia thành hai đợt, đợt đầu tiên được thực hiện vào năm Tân Mão (1831), vua Minh Mệnh cho chia các trấn từ Quảng Trị trở ra Bắc, tổng tất cả 18 tỉnh. Đợt 2 thực hiện vào năm Nhâm Thìn (1832), vua Minh Mệnh chia các trấn, doanh còn lại từ Quảng Nam trở vào Nam, và phủ Tuy An được thăng thành tỉnh Phú Yên. Lúc này tỉnh Phú Yên bao gồm 1 phủ Tuy An và 2 huyện Đồng Xuân, Tuy Hoà.
Dưới triều vua Tự Đức vào năm Quý Sửu (1853), vua đã cho đổi 3 tỉnh Quảng Trị, Phú Yên, Hà Tĩnh làm đạo. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển 9, mặt khắc 24 cho biết về sự kiện này rằng: “Đổi lại 3 tỉnh Quảng Trị, Phú Yên, Hà Tĩnh làm đạo, bấy giờ, đình thần bàn, phần nhiều nói: 3 tỉnh đều là tỉnh nhỏ, việc ít, nên đổi làm đạo, để rút bớt quan lại”. Tuy nhiên, 22 năm sau, vào năm Ất Hợi (1875), vị vua thứ 4 của triều Nguyễn lại cho lấy 3 đạo Quảng Trị, Phú Yên, Hà Tĩnh đặt làm tỉnh.
Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 36, mặt khắc 16, cũng chép Phú Yên trải qua nhiều phân cấp hành chính là dinh, trấn, phủ, tỉnh.
2. Phú Yên dưới thời kỳ Pháp thuộc và Việt Nam Cộng hòa
Ngày 6/6/1884 triều đình Huế ký hiệp ước với đại diện Chính phủ Pháp, quy định Trung kỳ có 12 tỉnh. Tại thời điểm này, Phú Yên có diện tích 3700 Km2, dân số 251.000 người. Theo ghi chép của Công sứ Phú Yên năm 1886 tỉnh Phú Yên được chia ra gồm 1 phủ và 2 huyện: phủ Tuy An, 2 huyện là Đồng Xuân và Tuy Hoà.
Năm 1899, tỉnh Phú Yên chia thành 2 phủ và 2 huyện đó là phủ Tuy An và phủ Tuy Hòa, huyện Đồng Xuân và huyện Sơn Hòa. Theo Báo cáo số 836 ngày 03 tháng 12 năm 1912 của Khâm sứ gửi Toàn quyền về việc chia lại ranh giới của các tỉnh Trung kỳ: Bỏ tỉnh Phú Yên, sáp nhập Phú Yên vào Bình Định,…
Ngày 09/02/1913, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Kon Tum. Địa bàn tỉnh Kon Tum gồm đại lý Kontum tách ra từ Bình Định, Đại lý Cheo Reo tách ra từ Phú Yên. Phú Yên trở thành đại lý Phú Yên do công sứ Quy Nhơn (Bình Định) cai quản cho đến năm 1921 khi Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định (ngày 17/10/1921) thành lập lại tỉnh Phú Yên. Trước năm 1940, phủ Tuy Hòa lập thêm một tổng mới lấy tên là tổng Hòa Đồng. Đến ngày Cách mạng tháng 8/1945, tỉnh Phú Yên có 4 huyện: Tuy Hòa, Tuy An, Đồng Xuân và Sơn Hòa với 19 tổng (huyện Tuy Hòa 7 tổng, huyện Tuy an 5 tổng, huyện Đồng Xuân 3 tổng, huyện Sơn Hòa 4 tổng).
Sau hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, Phú Yên đặt dưới sự quản lý của Việt Nam Cộng Hòa. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã ban hành một số Sắc lệnh, Nghị định điều chỉnh địa giới và đơn vị hành chính trên địa bàn Phú Yên. Ngày 27 tháng 5 năm 1958 Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa ký Nghị định số 263/BNV/HC/P6 về quy định đơn vị hành chính tỉnh Phú Yên. Theo đó, tỉnh Phú Yên được chia thành 5 quận: Tuy Hòa, Sông Cầu, Đồng Xuân, Tuy An, Sơn Hòa. Đến ngày 17/3/1959, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa ký Sắc lệnh 65/NV lập một quận mới gọi là Phú Đức thuộc tỉnh Phú Yên gồm một phần phía Đông Nam Cheo Reo (nguyên thuộc tỉnh Pleiku), một phần đất của tổng Cư – Dlieya (nguyên thuộc tỉnh Đăk Lăk), hai xã Sơn Thành, Sơn Bình, quận lỵ Phú Đức đặt tại Phú Bổn.
Ngày 12 tháng 7 năm 1962 ký Nghị định số 723-NV thành lập quận Hiếu Xương thuộc tỉnh Phú Yên gồm 7 xã: Đức Thành, Hòa Đồng, Hòa Thịnh, Hòa Phong, Hòa Mỹ, Hòa Tân, Hòa Bình, quận lỵ đặt tại xã Hòa Phong.
Ngày 18 tháng 5 năm 1965 Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Cộng hòa ký Nghị định 91/GT/CC về việc duyệt y đồ án thiết kế tỉnh lỵ Tuy Hoà (Phú Yên), năm 1965.
3. Phú Yên sau ngày giải phóng năm 1975
Sau giải phóng năm 1975, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 245-NQ/TW ngày 20/9/1975 về việc bãi bỏ khu, hợp tỉnh. Trong đó, tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa hợp thành tỉnh Phú Khánh. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu quản lý và phát triển phù hợp với điều kiện địa phương, Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 5 năm 1989 đã ban hành nghị quyết tách tỉnh Phú Khánh thành hai tỉnh: Phú Yên và Khánh Hòa. Ngày 1/7/1989, tỉnh Phú Yên chính thức được tái lập, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của địa phương.
Sau khi tái lập, tỉnh Phú Yên tiếp tục điều chỉnh địa giới hành chính để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Năm 2002, Chính phủ ban hành Nghị định chia thị xã Tuy Hòa thành thành phố Tuy Hòa và huyện Phú Hòa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý đô thị và phát triển nông thôn. Thị xã Tuy Hòa có 8 phường và 3 xã Bình Ngọc, Bình Kiến và Hòa Kiến. Huyện Phú Hòa gồm có 7 đơn vị hành chính trực thuộc.
Tiếp nối quá trình sắp xếp tổ chức hành chính hợp lý, ngày 16 tháng 5 năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2005/NĐ-CP về việc làm chia huyện Tuy Hòa thành hai đơn vị hành chính mới: huyện Đông Hòa và huyện Tây Hòa. Đây là bước đi chiến lược nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy tiềm năng từng vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư phát triển hạ tầng, kinh tế. Qua những lần thay đổi địa giới hành chính và thiết lập các đơn vị hành chính mới, đến nay, tỉnh Phú Yên có 09 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: Thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu, thị xã Đông Hòa, huyện Tây Hòa, Tuy An, Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh, Phú Hòa; 106 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 82 xã, 18 phường và 06 thị trấn.
4. Thay lời kết
Trải qua những giai đoạn lịch sử, Phú Yên là vùng đất mang đậm dấu ấn của quá trình khai phá và hình thành trên dải đất miền Trung. Từ thời Chăm Pa cổ đại cho đến khi trở thành một phần của Đại Việt, Phú Yên luôn giữ vai trò quan trọng trong tiến trình mở cõi về phương Nam. Những di tích như Tháp Nhạn – biểu tượng văn hóa Chăm Pa còn sót lại, hay Thành Hồ – dấu ấn lịch sử từ thời nhà Tây Sơn, đều là minh chứng cho một giai đoạn phát triển rực rỡ của vùng đất này.
Không chỉ có bề dày lịch sử, Phú Yên còn nổi tiếng với những danh thắng thiên nhiên kỳ vĩ, mang vẻ đẹp hoang sơ và cuốn hút. Gành Đá Đĩa – kỳ quan thiên nhiên độc đáo, Vịnh Xuân Đài với vẻ đẹp thơ mộng hay Bãi Môn – nơi đón bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam, tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, góp phần đưa Phú Yên trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ sơ bản dập Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên, quyển 22,45 – Sưu tập Mộc bản triều Nguyễn.
2. Hồ sơ bản dập Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 10 – Sưu tập Mộc bản triều Nguyễn.
3. Hồ sơ bản dập Mộc bản sách Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 1, 8,10 – Sưu tập Mộc bản triều Nguyễn.
4. Hồ sơ bản dập Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ 11,12,36, quyển 1, 8,10 – Sưu tập Mộc bản triều Nguyễn.
5. Sách Lương Văn Chánh – Thân thế và sự nghiệp của TS Nguyễn Văn Thưởng (chủ biên) xuất bản năm 2011.
Hoàng Ánh Phượng