Phan Thiên Tước là một danh thần dưới triều Lê sơ. Ông nổi tiếng là ngôn quan(1) ngay thẳng, gặp việc dám nói, đến vua cũng nể sợ. Qua tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn, xin giới thiệu một vài câu chuyện về Thị Ngự sử Phan Thiên Tước để hiểu rõ hơn về con người, sự nghiệp và tính cách của ông.

Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, quyển 4, mặt khắc 16 cho biết: “Phan Thiên Tước người ở huyện Vũ Ninh (nay là huyện Võ Giàng). Bản tính hết sức cương trực và khảng khái. Nhờ tài văn học, dưới triều Lê Thái Tổ, ông được giữ chức Đài gián. Năm đầu niên hiệu Thiệu Bình đời Lê Thái Tông, ông được bổ dụng giữ chức Thị ngự sử trong Ngự sử đài…”. Với chức trách của một vị quan trong Ngự sử đài – cơ quan có đặc quyền được hặc tấu(2) tất cả mọi việc trong triều, Phan Thiên Tước đã làm tốt nhiệm vụ can gián nhà vua, giám sát các quan lại góp phần giữ gìn kỷ cương, phép nước.

phan thiên tước

Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, quyển 4, mặt khắc 16 ghi chép về thân thế và sự nghiệp của Phan Thiên Tước

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc  gia IV

Phan Thiên Tước từng dâng sớ hạch tội quan Tư đồ Lê Thụ và 20 người khác vì lợi dụng quân nhân để phục dịch xây cất nhà riêng. Đặc biệt, khi vua Lê Thái Tông mới lên ngôi, thấy vua có biểu hiện ham chơi, Phan Thiên Tước đã dâng sớ can răn chỉ ra 7 điều vua không đúng. Vua xem xong sớ liền nổi giận, sai người quở trách nhưng Phan Thiên Tước đã khảng khái nói rằng “Cái tối quan trọng của kẻ làm bầy tôi là yêu vua, làm hết chức trách là được, dù cho khi phải chết cũng có sao đâu ”. Câu trả lời này khiến vua Thái Tông càng kính nể Phan Thiên Tước.

Năm Ất Mão (1435), triều đình nghị bàn riêng về các ngạch thuế. Triều đình định rằng về việc cấp đất cho quân và dân làm sản nghiệp để trồng trọt: quân thì 5 sào, dân thì 4 sào, đều được miễn thuế. Còn riêng hạng quan, quả (đàn ông không vợ, đàn bà không chồng) thì không được miễn. Thấy vậy, Phan Thiên Tước đã đấu tranh cho quyền lợi cho những trường hợp này. Ông nói rằng: “Chính sự của vương giả, đối với những người quan, quả, phải thương xót trước, nay ơn huệ chỉ thấm nhuần đến quân và dân, còn hạng quan, quả phải riêng chịu khô héo! Thể thống chính sự há nên như vậy ư?”. Do đó, hạng người quan, quả cũng được miễn tô 3 sào.

Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 16, mặt khắc 31 ghi chép về việc Phan Thiên Tước đấu tranh cho quyền lợi của những người quan, quả

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc  gia IV

Bản tính chính trực cùng lòng yêu nước, yêu vua, Phan Thiên Tước đã đấu tranh không khoan nhượng với những chính sách không phù hợp mà triều đình đưa ra, lại dốc hết sức để ủng hộ những chủ trương đúng đắn. Ông không tiếc cả mạng sống của mình, mà sẵn sàng can ngăn vua và các quan lại về những việc làm không đúng với phép nước, không đúng với đạo lý. Để rồi, tiếng thơm của ông vẫn còn mãi đến ngày nay, tiếng thơm về một vị quan chính trực, đầy nghĩa khí. Phan Thiên Tước – một vị quan tài hết lòng vì nước, vì dân.

Chú thích:

(1) Ngôn quan có nhiệm vụ giúp vua sửa điều lỗi, chữa điều lầm, từ bỏ điều ác, biểu dương điều thiện. Chức trách của họ còn là hặc tội những viên quan tham nhũng, lạm quyền, phạm luật,…

(2) Hặc tấu là tâu vua để hạch hỏi tội lỗi của quan lại.

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ sơ H97/5, mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

2. Hồ sơ H60/16, mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

3. Bản dịch sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập thượng của Ban Cổ văn, Ủy ban dịch thuật Phủ Quốc vụ khanh Đặc trách Văn hóa, xuất bản năm 1970.

Chiêu Đan