Phạm Phú Thứ còn có tên gọi khác là Phạm Hào, tự Giáo Chi, hiệu Trúc Đường, biệt hiệu Giá Viên, người ở làng Đông Bàn, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam. Phạm Phú Thứ được xếp vào hàng ngũ những người có quan điểm canh tân đất nước vào những năm nửa cuối thế kỷ XIX. Bên cạnh đó, ông còn được đánh giá là nhà thơ tài năng của dân tộc. Trong các bộ sách thuộc khối Mộc bản Triều Nguyễn có nhiều tư liệu ghi danh và tôn vinh công trạng của Phạm Phú Thứ – một người con ưu tú của xứ Quảng.
Chân dung Phạm Phú Thứ (Ảnh sưu tầm)
2 năm đỗ 3 kỳ thi:
Phú Thứ sinh ra trong một gia đình nghèo và nổi tiếng thông minh, có cha là Phạm Phú Sung, mẹ là Phạm Thị Cẩm, bà là con gái một thầy đồ người ở làng Trừng Giang nhưng mất sớm, sau này, ông nhờ được Tùng Thiện vương Miên Thẩm giúp đỡ nên mới có điều kiện học hành. Mùa thu, tháng 7, năm Nhâm Dần (1842), khi mới 22 tuổi, Phạm Phú Thứ tham dự kỳ thi Hương tại trường thi Thừa Thiên và đã đỗ Cử nhân.
Mộc bản sách Quốc triều Hương khoa lục, quyển 2, mặt khắc 39 ghi về nhà khoa bảng Phạm Phú Thứ đỗ thi Hương như sau:
Phạm Phú Thứ 范 富 恕
(Được nhà vua ban tên là Phạm Phú Thứ 范 富庶)
(Anh em, chú cháu cùng đăng khoa)
Quê quán: Đông Bàn, Diên Phước.
Ông đỗ đầu khoa thi Hội.
Đỗ Tam giáp khoa thi năm Quý Mão (1843).
Làm quan, chức Thượng thư bộ Hộ, Thự Hiệp biện Đại học sĩ, lãnh Tổng đốc Hải Yên; bị giáng chức, sau được phục chức Tham tri. Sau khi mất, ông được truy phục nguyên hàm Thự hiệp tá Đại học sĩ, lại chuẩn cho được thực thụ.
Ông có tác phẩm Trúc đường thi văn tập lưu hành ở đời.
Ông là em của Phạm Tân Hồng; chú của Phạm Phú Lâm.
Mộc bản sách Quốc triều Hương khoa lục, quyển 2, mặt khắc 39 ghi chép việc Phạm Phú Thứ đỗ thi Hương
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Một năm sau, tức năm Quý Mão (1843), vua Thiệu Trị tiếp tục mở kỳ thi Hội ân khoa, và cũng tại trường thi Thừa Thiên vào tháng 3, ông đã đỗ Giải nguyên (đỗ đầu). Tháng 5, năm ấy ông dự kỳ thi Đình và đỗ luôn Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tam kỷ, quyển 31, mặt khắc 1 ghi rằng: “Thi Đình. Sai: Trung quân Chưởng phủ sự Tạ Quang Cự sung Giám thí đại thần; Thái bảo Trương Đăng Quế, thự Thượng thư bộ Hình Phan Bá Đạt đọc quyển; Thị lang bộ Binh Phạm Thế Hiển, sung biện Các vụ Hoàng Tế Mỹ duyệt quyển. Cho: Mai Anh Tuấn (nguyên tên là Thế Tuấn, sau vua cho tên này) đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ tam danh, Nguyễn Bá Nhạ đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, Phạm Phú Thứ, Đỗ Phát, Vũ Văn Tuấn, Nguyễn Phiên, Nguyễn Uy đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân”.
Như vậy, chỉ trong vòng 2 năm 1842 và 1843, Phạm Phú Thứ thi đỗ cả 3 kỳ thi do vua Thiệu Trị tổ chức đó là thi Hương, Hội và thi Đình, trong đó kỳ thi Hội ông đứng đầu bảng. Và sau khi đỗ thi Đình, ông được vua ban tên là Phạm Phú Thứ 范 富 庶 thay cho tên cũ là Phạm Phú Thứ 范 富 恕. Đương thời, tài văn chương của ông được đánh giá là người đứng đầu ở Nam Châu. Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập, quyển 34, mặt khắc 26 ghi rằng: “Tài văn học của ông thực là người đứng đầu ở Nam châu… Ngày ông làm Tổng đốc Hải An có cho khắc bản thảo các sách “Vạn quốc công pháp”, “Bác vật tân biên”, “Hàng hải kim châm”, “Khai môi yếu pháp”, “Tòng chính di quy” và tự làm bài tựa gồm các lược yếu. Đó là muốn cho những người có chí được hiểu rộng để thêm phần hữu ích”.
Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập, quyển 34, mặt khắc 26 vinh danh tài văn học của Phạm Phú Thứ là đứng đầu ở Nam châu
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Tinh anh trong việc tiến cử:
Trong quá trình làm quan, với nhãn quan đặc biệt, Phạm Phú Thứ đã tiến cử, cân nhắc trình lên vua Tự Đức những vị quan hiền năng giúp nước. Có thể kể đến là Nguyễn Kham, người ở Đông Ngạn, Bắc Ninh, rất hợp ý vua. Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập, quyển 35, mặt khắc 18 ghi: “Lúc đầu, Nguyễn Kham được bổ chức Biên tu viện Hàn Lâm. Nguyễn Tư Giản nhân đó dâng chương sớ xin cho Nguyễn Kham được ở nhà đọc sách 10 năm. Vua chuẩn cho được 5 năm. Đến khi hết hạn, Tổng đốc Hải An là Phạm Phú Thứ cho rằng Nguyễn Kham giỏi văn học nên tiến cử. Vua triệu đến thử tài, vì rất hợp với ý chỉ của vua nên ông được vượt thăng chức Thừa chỉ viện Hàn Lâm, sung chức Hành tẩu sở Ty luân ở Nội các”.
Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập, quyển 35, mặt khắc 18 ghi việc Phạm Phú Thứ tiến cử Nguyễn Kham lên vua Tự Đức, khi thử tài Nguyễn Kham, vua rất hài lòng
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Bên cạnh đó, khi đang giữ chức Thượng thư bộ Hộ, trong quá trình làm việc, vào năm Tân Mùi (1871), nhận thấy Lê Quang Bỉnh (quê ở Hương Trà, Thừa Thiên), tuy là một vị quan nhỏ nhưng lại rất chịu khó, hết lòng với công việc. Lê Quang Bỉnh từng trải nhiều gian lao với công việc mà chức vụ chưa xứng. Phạm Phú Thứ đã chọn xin cho Lê Quang Bỉnh được thăng chức Chủ sự. Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập, quyển 33, mặt khắc 21 ghi việc này rằng: “Thượng thư bộ Hộ là Phạm Phú Thứ lựa chọn xin cho Lê Quang Bỉnh được thăng chức Chủ sự, sung làm Chủ giữ kho thóc ở Kinh. Bộ Lại cho rằng ông mới thăng chức nên đổi thành thăng lĩnh. Vua phê bảo rằng: “Người này tuy làm việc nhỏ không cẩn thận, nhưng vì có công lao nên không nỡ bỏ đi, chuẩn cho được thăng chức Chủ sự, rồi ghi tên”.
Vì lựa chọn được đúng người, hợp ý vua, nên khi cần người, vua Tự Đức đã không ngần ngại gọi hỏi Phạm Phú Thứ. Vào năm Giáp Tý (1864), khi thấy sinh viên ở Quốc Tử giám phần nhiều vắng thiếu, hỏi Tham tri Bộ Lại là Phạm Phú Thứ rằng: “ở tỉnh Quảng Nam có người nào phẩm hạnh đoan chính không”. Phú Thứ thưa: “Có Dục”, tức thì cất lên Tế tửu vì đặc cách lựa chọn.
Quan tâm quê nhà:
Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập, quyển 34, mặt khắc 26 có ghi một câu ngắn gọn về tình cảm đặc biệt mà Phạm Phú Thứ dành cho quê hương Quảng Nam rằng: “Tuy làm quan xa nhưng tình hình quê nhà lúc nào cũng quan tâm”.
Khi đang làm quan, trong một lần nghỉ phép về quê, Phạm Phú Thứ đã cho dò xét dân tình ở Quảng Nam. Khi trở lại Kinh thành vào mùa thu, tháng 7 năm Bính Dần (1886), ông dâng sớ xin khơi sông Trà Kiệu, đào rộng cảng Bình Lục, đắp đê Cu Nhí, đào giếng tưới ruộng…, mục đích là nhằm ổn định cuộc sống cho người dân Quảng Nam. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển 35, mặt khắc 2 ghi về việc này như sau: “Nguyên do tỉnh Quảng Nam mất mùa mấy năm liền, hoặc có người nói vì cớ tỉnh thành ở chỗ thấp trũng không tốt, xin tìm đất đặt tỉnh ra chỗ khác. Lại xin khai nhiều giếng ở phủ Điện Bàn dùng guồng nước hút nước để tưới ruộng, đào khơi sông Trà Kiệu, làm cánh chắn giữ chỗ nước giáp nhau ở làng Văn Lý để bớt thế nước, đào rộng cảng Bình Lục, khơi thông đoạn dưới cảng Mỹ Xuyên, làm kho ở Đà Nẵng, để chứa đồ vật của công, 2 chiếc tàu thuỷ đi buôn về, xin cho thay đổi nhau đi tuần tiễu, thuyền bọc đồng đi theo, thì vừa làm thuyền buôn, vừa làm thuyền chiến, thanh thế thêm mạnh, giữ được không lo giặc biển quấy rối, còn như các làng thừa một vài người, phải chịu 1 suất lính và thuế lệ còn thiếu năm trước, có nên cho hoãn cho giảm, xin do quan tỉnh điều tễ, cho nỗi khổ của dân được thư. Vua bèn sai quan tỉnh xét thực châm chước mà làm, còn như tàu thuỷ đi buôn về, tư bàn với quan viện thần và bạc thần”.
Hoặc khi đang làm quan Tổng đốc Hải Yên, hay tin hạt Quảng Nam nhiều năm liền bị đói kém, Phạm Phú Thứ đã khuyến khích thuyền buôn người Thanh chở gạo vào để bán cho dân. Ngoài ra, ông còn tự bỏ tiền mua 1000 phương gạo gửi về quê nhà. Việc làm này của ông, được Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập, quyển 34, mặt khắc 26 ghi chép lại: “Như khi ở Hải Yên, biết tin hạt Quảng Nam nhiều năm đói kém, mà việc tuần phòng ở ngoài biển thì gạo cấm khá nghiêm. Phạm Phú Thứ bèn thương lượng tạm bỏ điều cấm, hoặc cho thuyền người Thanh, người Hán chở gạo từ bắc về Quảng Nam để bán. Ông còn bỏ lương bổng ra mua 1.000 phương gạo gửi về chia ra phát chẩn cho dân đói ở huyện hạt, vì thế mà cứu sống được nhiều người, đến nay mọi người vẫn còn nhớ ơn”.
Đương thời, không chỉ người dân Quảng Nam nhớ ơn, mà Phạm Phú Thứ còn được vua Tự Đức và các đại thần trong triều kính trọng, ngay bản thân Thượng thư bộ Binh Lê Bá Thận – một người được vua Tự Đức đánh giá là tài năng mẫn cán, cũng ưu ái dành lời khen cho Phạm Phú Thứ rằng: “… Nay được lạm nhận chức ở Cơ mật, nhưng cơ mưu ứng đối thần diệu, lo liệu cần mẫn thì thần không bằng Phạm Phú Thứ; học thức sâu rộng, kế hoạch tinh tường thần không bằng Nguyễn Tư Giản; khi có việc thì mưu tính đúng thời cơ thần không bằng Nguyễn Văn Tường. Thế mà thần lại được hàm nhất phẩm, được tôn cao ở triều đình, được kính trọng…”.
Năm Tân Tỵ (1881), Phạm Phú Thứ mất, thọ 62 tuổi, vua Tự Đức thương tiếc không nguôi, Mộc bản sách Đại Nam liệt truyện chính biên nhị tập, quyển 34, mặt khắc 25, ghi lời Dụ của vua dành cho Phạm Phú Thứ rằng: “Phạm Phú Thứ trải qua nhiều vất vả, đi Đông sang Tây, dẫu mệt mỏi cũng vâng mệnh không dám từ chối. Về Thương chính ở Hải Dương, khi tới đó thì mọi việc đều có kết quả, sau này nên lấy đó mà noi theo. Những lưu dân gian ác ở Quảng Yên, khi Phạm Phú Thứ tới kinh lý cũng đều được yên bình. Rồi việc mở đồn điền ở Nam Sách, thực là người biết lo xa chu đáo, đó là công lao, tài năng ngày thường rực rỡ đáng nêu khen. Gia ơn cho được truy phục nguyên hàm Thự Hiệp biện đại học sĩ và chuẩn cho thực nhận hàm thự, sắc cho địa phương tới lập đàn tế”. Có thể thấy vua quyến luyến quan tâm đến Phạm Phú Thứ thế nào.
Mộc bản sách Đại Nam liệt truyện chính biên nhị tập, quyển 34, mặt khắc 25 ghi lời khen tặng của vua Tự Đức dành cho Phạm Phú Thứ
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Còn nhiều lời tốt đẹp mà người đời dành cho Thượng thư Phạm Phú Thứ cả khi ông còn sống cũng như lúc ông đã khuất 130 năm nay. Cuộc đời, sự nghiệp và đặc biệt là tài năng, tư tưởng và nhân cách của Phạm Phú Thứ sẽ mãi mãi là bài học quý giá và nguồn cổ vũ không chỉ cho người dân Quảng Nam./.
……………………………………
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ sơ H17, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
2. Hồ sơ H20, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
3. Hồ sơ H135, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
4. Hồ sơ H136, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
Phương Thảo