Quảng Trị là một tỉnh ven biển thuộc dải đất miền Trung của nước ta. Đây là một trong những tỉnh thành có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Và trong quá trình hình thành, phát triển, Quảng Trị là tỉnh có nhiều sự thay đổi về tên gọi cũng như địa giới hành chính.

Theo ghi chép của các bộ sách thuộc khối tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn, thời Hùng Vương dựng nước, vùng đất Quảng Trị nằm trong bộ Việt Thường và đến khi thuộc Hán, nằm ở quận Nhật Nam. Từ thế kỷ IV đến thế kỷ X, cả khu vực này là các châu Ma Linh, Địa Lý, Ô, Lý. Năm 1075, vua Lý Nhân Tông cho đổi châu Địa Lý thành châu Lâm Bình, châu Ma Linh thành châu Minh Linh. Năm 1307, sau cuộc hôn nhân giữa công chúa Huyền Trân và vua Chiêm Thành là Chế Mân, hai châu Ô và Lý trở thành một phần lãnh thổ của quốc gia Đại Việt; Vua Trần Anh Tông đã cho đổi châu Ô, Lý thành châu Thuận và Hóa. Đến thời nhà Lê đời vua Lê Thánh Tông đã cho định bản đồ cả nước thành 12 Thừa tuyên, Quảng Trị thuộc Thừa tuyên Thuận Hóa.

Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 1, mặt khắc 28 ghi chép về lịch sử vùng đất châu Ô, châu Lý

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Năm 1558, Nguyễn Hoàng được sai vào trấn thủ Thuận Hóa đã đóng dinh ở gò Phù Sa, xã Ái Tử, huyện Vũ Xương. Từ đây, vùng đất Thuận Hóa thuộc cương vực xứ Đàng Trong của các Chúa Nguyễn. Năm 1801, chúa Nguyễn Phúc Ánh đã cho lập Dinh Quảng Trị. Đến năm 1831, vua Minh Mạng đã cho lập tỉnh Quảng Trị.

 

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 76, mặt khắc 15 ghi chép về việc Vua Minh Mạng cho lập tỉnh Quảng Trị, năm Tân Mão (1831)

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Đến thời thuộc Pháp, tỉnh Quảng Trị với Quảng Bình được gộp lại thành tỉnh Bình Trị. Năm 1900, Quảng Trị được tách ra khỏi Thừa Thiên thành một tỉnh riêng biệt gồm 4 phủ Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Cam Lộ và huyện Gio Linh. Ngày 05/9/1929, Khâm sứ Trung kỳ đã ra Nghị định thành lập Khu trung tâm thị xã Đông Hà.

Cách mạng tháng Tám thành công, các đơn vị hành chính cấp phủ đổi thành cấp huyện, bỏ đơn vị hành chính tổng và lập cấp xã. Cuối tháng 7 năm 1954, theo Hiệp định Genève, sông Bến Hải được chọn làm giới tuyến quân sự tạm thời chia đôi tỉnh Quảng Trị. Đại bộ phận các huyện, thị xã, thị trấn và một số thôn xã của Vĩnh Linh ở phía Nam giới tuyến do Chính quyền Việt Nam cộng hòa quản lý. Hơn ¾ huyện Vĩnh Linh nằm ở phía Bắc giới tuyến do nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quản lý và trở thành đặc khu Vĩnh Linh trực thuộc trung ương. Sau khi thống nhất nước nhà năm 1976, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và Vĩnh Linh được sáp nhập thành tỉnh Bình Trị Thiên. Năm 1989 tỉnh Quảng Trị được lập lại.

Trải qua thời gian, mặc dù tỉnh Quảng Trị có nhiều thay đổi về tên gọi và địa giới hành chính nhưng các địa danh như Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh, Đông Hà,… vẫn luôn hiện hữu và tạc vào lịch sử của một vùng đất anh hùng.

Tài liệu tham khảo:

1.      Hồ sơ H59/1, H60/3, H20/7, H60/21, H60/24, H22/77, Mộc bản Triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

2.      Lịch sử Đảng bộ Quảng Trị, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, năm 1996.

3.      Lịch sử Đảng bộ Quảng Trị, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, năm 1999.

4.      Lịch sử Đảng bộ Quảng Trị, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2005.

5.      Lịch sử Đảng bộ Quảng Trị, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2020.

6.      Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập 3, Lê Mậu Hãn (chủ biên), Nxb Giáo dục, năm 2006.