Nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum luôn giữ vai trò chiến lược về kinh tế, chính trị, quốc phòng và an ninh. Nơi đây được biết đến là vùng đất chứa đựng nhiều vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí, đầy nắng gió; là địa bàn sinh sống của nhiều thành phần tộc người khác nhau với truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời và có nhiều đóng góp trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Từ vùng đất tự trị, các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Kon Tum, dần trở thành phiên quốc lệ thuộc vào các triều đại phong kiến Đại Việt và trở thành bộ phận không thể tách rời lãnh thổ của quốc gia Việt Nam.

Từ thế kỷ thứ XVII, các chúa Nguyễn cai trị ở Đàng Trong đã thực hiện chính sách cứ 5 năm một lần sai người lên các tiểu quốc ở Tây Nguyên ban vật phẩm như áo gấm, mão, nồi đồng, đồ sứ. Mối quan hệ này được giữ vững từ thời các chúa Nguyễn và chặt chẽ hơn dưới Triều Nguyễn. Rất nhiều thông tin về nước Thủy Xá và Hỏa Xá đã được tìm thấy trong sử liệu của Triều Nguyễn. Theo Mộc bản sách Đại Nam thực lục nước Thủy Xá và Hỏa Xá xưa gọi là Nam Bàn, dòng dõi Chiêm Thành. Nước có độ hơn 50 thôn, trong nước có Núi Bà rất cao, Thủy vương ở phía Đông núi, Hỏa vương ở phía Tây núi. Hai nước này thường hợp nhau để sang tiến cống cho Triều Nguyễn.

Tuy nhiên đến cuối thế kỷ XIX, trong quá trình thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, nhận thấy tầm quan trọng của vùng đất Tây Nguyên, thực dân Pháp đã cử nhiều phái đoàn điều tra, khảo sát và cả quân đội đến truyền đạo, nghiên cứu dân tộc và thực hiện ý đồ chiếm đóng vùng đất này. Từ sau năm 1898, chính quyền thực dân Pháp bắt đầu tổ chức cai trị trực tiếp ở Tây Nguyên và luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vùng đất Kon Tum. Ngày 25/7/1904, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Plei-Kou-Derr. Đến năm 1907, tỉnh Plei-Kou-Derr bị bãi bỏ, toàn bộ đất đai của tỉnh Plei Ku Der gồm hai tòa đại lý hành chính Kon Tum và Cheo Reo được sáp nhập trở lại hai tỉnh Bình Định và Phú Yên như trước đó.

Đầu tháng 2/1913, Khâm sứ Trung Kỳ gửi một báo cáo tới Toàn quyền Đông Dương lại đề xuất thay đổi đơn vị hành chính tại Trung Kỳ. Trong báo cáo này có đề xuất bãi bỏ tỉnh Đắc Lắc và sáp nhập vào tỉnh Plei-Kou-Derr . Chính vì vậy, Ngày 9/2/1913, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định số 47 về việc đặt tỉnh Phú Yên dưới sự quản lý hành chính của Công sứ Quy Nhơn và bãi bỏ các tỉnh Phan Rang, Đắc Lắc và thành lập một tỉnh tự trị, lấy tên là tỉnh Kon Tum. Lãnh thổ của tỉnh này sẽ bao gồm Trung tâm hành chính Cheo Reo và Kon Tum tách từ tỉnh Đắc Lắc”. Ngày 09/02/1913 trở thành dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của tỉnh Kon Tum.

Nghị định số 47 ngày 09/02/1913 của Toàn quyền Đông Dương về việc thành lập tỉnh Kon Tum

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Từ sau năm 1913, để kiểm soát chặt chẽ Kon Tum, người Pháp thực hiện nhiều chính sách đối với vùng đất này. Tỉnh Kon Tum có nhiều sự thay đổi về đơn vị hành chính. Tháng 11/1917, Toàn quyền Đông Dương thành lập Đại lý An Khê, đặt dưới quyền Công sứ Kon Tum. Ngày 24/5/1925, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định thành lập Đại lý Pleiku đặt dưới quyền quản lý của Công sứ Kon Tum. Sau đó, ngày 24/5/1932, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định về việc tách Đại lý Pleiku ra khỏi tỉnh Kon Tum và thành lập một tỉnh mới. Tỉnh này phía đông giáp với các tỉnh Bình Định và Phú Yên, phía nam giáp tỉnh Đắc Lắc, phía tây giáp Campuchia, phía bắc giáp tỉnh Kon Tum, ngày nay chính là tỉnh Gia Lai. Đến năm 1946, người Pháp tái chiếm lại Kon Tum và sau đó trao lại quyền kiểm soát về danh nghĩa cho Quốc gia Việt Nam. Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, phía Quốc gia Việt Nam tiếp quản Kon Tum. Đến ngày 24/3/1975, chiến dịch Tây Nguyên kết thúc thắng lợi, Tây Nguyên hoàn toàn được giải phóng trong đó có tỉnh Kon Tum. Tháng 10/1975, tỉnh Kon Tum được sáp nhập với tỉnh Gia Lai thành tỉnh Gia Lai – Kon Tum và sau đó được tái lập vào năm 1991.

Trải qua chặng đường 110 năm hình thành và phát triển, dù nhiều lần chia tách, sáp nhập nhưng tỉnh Kon Tum đã đạt được những thành tựu to lớn, tạo được những dấu ấn rõ nét về phát triển kinh tế – xã hội; quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xứng đáng với truyền thống kiên cường, bất khuất được hun đúc từ trong quá trình xây dựng và bảo vệ vùng đất của cha ông.

Nguyễn Thị Duyên

Đăng trên báo Kon Tum online ngày 09/02/2023