Nguyễn Tường Phổ – Ông quan được ví với Đào Tiềm
Tọa lạc tại số 33 đường Lê Quý Đôn, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, là phủ thờ dòng họ Nguyễn Tường. Cũng như nhiều dòng họ nổi tiếng ở vùng đất Hội An – Quảng Nam, họ Nguyễn Tường dưới thời Nguyễn nổi tiếng với nhiều người đỗ đạt, làm quan. Có thể kể đến là các vị danh nhân Nguyễn Tường Vân, Nguyễn Tường Vĩnh và Nguyễn Tường Phổ. Trong đó, nổi danh nhất là Đốc học Nguyễn Tường Phổ.
Được ví với Đào Tiềm
Nguyễn Tường Phổ có tên tự là Quảng Thúc, lại có tên tự là Hy Nhân, hiệu là Thứ Trai, người ở Diên Phước, Quảng Nam. Ông là con trai thứ 3 của Thượng thư bộ Binh Nguyễn Tường Vân. Lúc nhỏ, Nguyễn Tường Phổ được đánh giá là “đĩnh đạc khác lạ, khẳng khái có khí chất, học rộng nghe nhiều. Ngoài các kinh sách chính, về kiếm thư, cầm phả không nghề gì là ông không thông thạo”.
Năm Tân Sửu (1841), niên hiệu Thiệu Trị thứ nhất, tại trường thi Thừa Thiên, Nguyễn Tường Phổ thi đỗ Cử nhân. Đây cũng là khoa thi mà hai viên sơ khảo là Cao Bá Quát và Phan Nhạ đã ngầm lấy muội đèn làm mực để sửa bài văn thi của học trò. Sau khi sự việc chấn động bị phát giác, Cao Bá Quát và Phan Nhạ đều bị phạt tội nặng.
Một năm sau, tức vào mùa hạ, tháng 5, năm Nhâm Dần, ông tiếp tục dự kỳ thi Hội (Ân khoa) và đỗ Tiến sĩ cập đệ. Mộc bản sách Quốc triều Đăng khoa lục, quyển 1, mặt khắc 14 có ghi về Nhà khoa bảng Nguyễn Tường Phổ như sau:
“Nguyễn Tường Phổ
Sắc ban đệ Tam giáp (Đồng Tiến sĩ xuất thân)
(Anh em cùng đăng khoa)
Sinh năm: Đinh Mão (1807).
Quê quán: Cẩm Phố, Diên Phước, Quảng Nam.
Đỗ Cử nhân khoa thi năm Tân Sửu (1841).
Đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân năm 36 tuổi.
Làm quan, chức Tri phủ; bị giáng chức, sau được bổ chức Giáo thụ, quyền Đốc học.
Ông là người chính trực, không ham thăng tiến, chỉ lấy văn thơ, chén rượu làm vui. Người đời ví ông như Đào Bành Trạch (tức Đào Tiềm).
Ông là em của Phó bảng Nguyễn Tường Vĩnh”.
Mộc bản sách Quốc triều Hương khoa lục, quyển 2, mặt khắc 30 và Mộc bản sách Quốc triều Đăng khoa lục, quyển 1, mặt khắc 14 ghi chép về nhà Khoa bảng Nguyễn Tường Phổ thi đỗ Cử nhân và Đồng Tiến sĩ xuất thân
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Nguyễn Tường Phổ là người chính trực, không ham thăng tiến, chỉ lấy văn thơ, chén rượu làm vui. Người đời ví ông như Đào Bành Trạch (tức Đào Tiềm). Dưới triều vua Tự Đức vào tháng 2 năm Kỷ Dậu (1849), vua cho mở nhà Kinh Diên (nơi vua nghe giảng quan). Đến tháng 11, năm Canh Tuất (1850), vua mệnh sai Kinh Diên giảng quan tiến cử người học nhiều, tài giỏi, văn chương tao nhã để sử dụng. Nguyễn Tường Phổ cùng với 17 danh nhân tiếng tăm khác đã được lựa chọn như Phạm Chi Hương, Nguyễn Tư Giản, Nhữ Bá Sĩ, Nguyễn Văn Siêu, Phan Thúc Trực …
Ông quan chính trực
Sau khi thi đỗ, Nguyễn Tường Phổ được giữ chức Biên tu Hàn Lâm viện, rồi vào làm ở Nội Các và được thăng chức Tri phủ Hoằng An. Lúc bấy giờ, ông làm quan nổi tiếng thanh liêm, chính trực, tuy nhiên vì có tính trách người thái quá nên ông ít hợp với người khác. Mộc bản sách Đại Nam liệt truyện chính biên đệ nhị tập, quyển 34, mặt khắc 10 cho biết: “Ông có tiếng thanh liêm, công bằng, chỉ có tính thích sai khiến là phần nhiều không hợp với người khác. Lúc ấy nước Cao Man gây loạn, tỉnh cần tuyển binh lính ở làng 1.000 người, ông chỉ lấy 100 người tới ứng tuyển. Ông đốc thúc không gắng sức nên bị cách chức, cho lưu lại. Rồi ông được khai phục chức Tri phủ Tân An, ông chuyên tâm vỗ yên dân. Mỗi khi có tranh kiện, người nào đem lễ vật đến ông đều dạy bảo, không nhận, nên trong phủ được bình yên”. Tuy nhiên, sau vì chính sách thu thuế chưa tốt nên ông bị cách chức và đổi sang chức khác, sau ông xin về nghỉ hưu.
Đến năm Quý Sửu (1853), Nguyễn Tường Phổ được bổ chức Giáo thụ Điện Bàn, sau thăng đến chức Đốc học Quảng Nam. Đối với việc dạy người, Nguyễn Tường Phổ đã dạy nghĩa lý trước, sau mới đến văn học. Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập, quyển 34, mặt khắc 10 cho biết: “Về việc dạy người, ông cốt thực bỏ hư, dùng nghĩa lý trước văn học sau. Tính của ông cương quyết mà hào phóng, tự giữ kỷ luật rất nghiêm nên phạt người mắc lỗi rất nặng. Ông thường nói: “Ta bình sinh không hay khoan thứ cho người khác nên đặt hiệu là Thứ Trai mà tự là Quảng Thúc. Đó là muốn châm biếm cái tính thiên lệch mà chưa được. giảng dạy nhàn hạ, rèm buông nơi tĩnh viện, có ý tưởng tượng như tiên ở ngoài hình vật, lại thích uống rượu, mà uống phải say, ngồi ngoảnh trông tự hào rằng : “Vương Hiếu Bá có nói: danh sĩ không cốt ở tài lạ, cốt sao thường được vô sự, uống rượu thật thích, rồi đọc thuộc bài Ly tao, đó là danh sĩ”. Một hôm có con chim bằng đậu ở giảng đường, ông bèn đối với bạn cố giao làm bài biên tập riêng. Bình sinh ông chỉ làm thơ, có nói: “ta không hay làm phú để cho rộng thêm, chỉ để lại quyển “Thứ Trai thi tập” thôi”.
Mộc bản sách Đại Nam liệt truyện chính biên đệ nhị tập, quyển 34, mặt khắc 10 ghi chép đầy đủ về thân thế, sự nghiệp và con người của Nguyễn Tường Phổ
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Nguyễn Tường Phổ thọ 50 tuổi, con của ông là Nguyễn Tường Tiếp nối nghiệp theo chí hướng của cha. Hậu duệ của Nguyễn Tường Phổ sau này có nhiều người nổi danh trong lịch sử văn học, báo chí Việt Nam như Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tường Bách, Nguyễn Tường Long… Đúng như lời nhận xét trong Mộc bản sách Đại Nam liệt truyện chính biên đệ nhị tập: “Là một họ làm quan có danh vọng ở Nam châu”./.
Cao Quang
……………………………………
Tài liệu tham khảo
1. Hồ sơ H17, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
2. Hồ sơ H135, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
3. Hồ sơ H136, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
4. Hồ sơ H97/5, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.