Theo sách Đại Nam nhất thống chí, phủ Thừa Thiên Đông Tây cách nhau 91 dặm, Nam Bắc cách nhau hơn 289 dặm. Phía Đông đến biển 31 dặm, phía Tây đến động núi 60 dặm, phía Nam đến động núi 94 dặm, phía Bắc đến địa giới tỉnh Quảng Bình 195 dặm. Phía Đông Nam đến cửa Hải Vân giáp địa giới tỉnh Quảng Nam 130 dặm, phía Tây Nam đến động núi hơn 90 dặm, phía Đông Bắc đến biển 39 dặm, phía Tây Bắc đến động núi tỉnh Quảng Bình 230 dặm.
Phía Đông giáp biển lại có các phá, phía Tây dựa núi, núi rừng chập chùng. Phá Tam Giang ở phía Bắc, phá Hà Trung ở phía Đông, các núi nguồn Tả Trạch vòng quanh ở phía Nam, các núi nguồn Hữu Trạch giăng dài ở phía hữu. Núi sông bao quanh, ruộng nương màu mỡ, vừa giáp biển, vừa gần núi, nên tôm cá, gỗ lạt, không sao dùng hết, thật là kho tàng của trời.
Khí hậu phủ Thừa Thiên bốn mùa thường ấm, đầu mùa xuân đào đã trổ hoa, tháng giêng tháng 2 khí trời hòa ấm, cau bắt đầu ấp bẹ, tục gọi là “gió cau chửa”. Tháng 3 khí trời nóng dần, thỉnh thoảng có gió mạnh từ phương Nam đến, tục gọi “bão nam”. Tháng 4 tiết tiểu mãn, thỉnh thoảng cũng có lụt. Tháng 5, tháng 6 và tháng 7 gió nam thổi mạnh, trước ngày 7 tháng 7 có mưa tục gọi là “mưa rửa xe”. Tháng 8, tháng 9 khí trời mát dần, thường có mưa lũ, lại thỉnh thoảng có gió đông vài ba ngày mới tắt, tục gọi là “gió từ bến”. Tháng 10 trong những ngày mồng 3, 13, và 23 thường bị lụt, ngạn ngữ có câu: “Ông tha mà bà chẳng tha, làm cho cái lụt ngày 3 tháng 10”. Lụt rút là có mưa, gọi là “mưa rửa bùn”; mùa đông mưa nhỏ sắc nước tối gọi là “mưa tro”. Từ tháng 11 trở về sau, khí rét nhưng không giá buốt, cây cối không rụng lá, cuối năm khí tời đã ấm, tháng 12 sấm bắt đầu dậy.
Một năm có hai vụ lúa, tháng 10 cấy, tháng 3 gặt là vụ hạ, tháng 5 cấy tháng 8 gặt là vụ thu. Tháng 7 và 8, nếu lụt sớm thì hỏng lúa cho nên vụ thu hằng năm dân gian có câu “đánh bạc với trời”, ý nói dầu có cấy mà chưa chắc được ăn.
Thời tiết nói trên liên quan đến việc nông của người dân. Vua Minh Mạng có ngự chế 11 bài nông ngạn (ngạn ngữ về việc nông) để suy nghiệm về việc làm nông. 11 bài thơ như sau:
Bài 1:
Đệ niên trừ tịch bán
Khả nghiệm ngư dữ nông:
Thiên tình, địa thượng ám
Điền gia hạ vụ phong
Địa quang, thiên thượng ám
Chỉ hữu lợi ngư ông
Lưỡng giả nan kiêm cố
Nguyện thành quyến mẫu công.
(Hằng năm nửa đêm trừ tịch
Thường nghiệm việc cá, việc nông:
Trời sáng, mặt đất tối
Nhà nông vụ hạ được
Đất sáng trên trời tối
Chỉ có lợi ông chài
Hai đằng khó vẹn cả
Xin ruộng tốt là hơn).
Tục dân ở Kinh, giờ Tí đêm trừ tịch, hễ thấy sắc trời sáng, sắc đất tối, thì năm ấy được mùa lúa; nếu thấy sắc đất sáng, sắc trời tối thì chỉ lợi cho nghề chài lưới mà thôi.
Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 2, mặt khắc 12 và 13 khắc 11 bài thơ ngự chế của vua Minh Mạng
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Bài 2:
Nguyên đán tình minh hảo
Nông công thập bội thu
Nhược phùng âm vũ lãnh
Duy khủng tổn tây trù.
(Năm mới trời trong sáng
Lúa ruộng thu gấp mười
Nếu gặp mưa dầm, lạnh
Chỉ sợ hại mùa màng).
Tương truyền ngày mồng một đầu năm, tạnh ráo, có gió đông bắc thì năm ấy được mùa to, nếu gió tây bắc giá rét thì vụ hạ sẽ kém.
Bài 3:
Hạ thiên mang thực nhật
Đông chấn yếu thanh trừng
Hậu tiên nhật hữu vũ
Thị tuế bốc phong đăng.
(Tiết mang thực mùa hè
Phương đông trời trong sáng
Mưa sau trước một ngày
Mùa năm ấy phong đăng).
Tiết mang thực, trống canh năm lúc mặt trời bắt đầu mọc, phương đông cần phải sáng sủa không có mây, sao Mão tỏ tường có thể đếm từng ngôi một, kịp khi bừng sáng, gặp trời mưa hoặc trước tiết mang thực 1, 2 ngày hoặc sau 1, 2 ngày, thì năm ấy được mùa.
Bài 4:
Tuế phùng chính nhị đại
Qua quả thục hàng hàng
Nhược phùng ngũ lục đại
Thu vụ cốc nhương nhương.
(Năm nào giêng hai đủ
Hoa quả sai chất chồng
Tháng năm, tháng sáu đủ
Vụ thu lúa đầy đồng).
Lại hằng năm, hễ tháng giêng, tháng hai đủ, thì mùa hè mọi thứ khoai, đậu, dưa rau đều tốt. Nếu tháng 5, tháng 6 đủ thì vụ thu lúa sẽ được mùa.
Bài 5:
Trọng hạ Mão tinh xuất
Khả nghiệm thuỳ tinh minh?
Nhất tinh, nhị tinh lãng
Tiên hạ giá giả thành
Tam tinh, tứ tinh nhuận
Trung hạ giá giả vinh
Ngũ, lục, thất tinh diệu
Hậu hạ giá giả hanh.
(Tháng năm, sao Mão mọc
Nghiệm xem sáng ngôi nào?
Ngôi nhất, ngôi nhì sáng
Cấy trước sẽ được mùa
Ngôi ba, ngôi bốn sáng
Cấy giữa lúa tốt tươi
Ngôi năm, sáu bảy sáng
Cấy muộn mới tốt lành).
Tháng năm, lúc sao Mão mọc, nếu thấy ngôi thứ nhất và thứ nhì ở phía trên chòm sao sáng tỏ, thì ruộng cấy sớm sẽ được mùa. Nếu thấy ngôi thứ ba và thứ tư ở giữa chòm sao sáng tỏ thì ruộng cấy không sớm không muộn sẽ được mùa, nếu thấy 3 ngôi sao thứ năm, sáu và bảy sáng tỏ thì ruộng cấy muộn lại được mùa.
Bài 6:
Tứ nguyệt đường lang đa
Thị tuế bất nghi hòa
Cánh khủng đại phong thậm
Dương trần tẩu thạch sa.
(Tháng tư lắm châu chấu
Năm này lúa không tốt
Lại e có gió bão
Sỏi cát bay mù trời).
Nếu nhiều châu chấu sẽ làm hại lúa, lại phải đề phòng sẽ có bão.
Bài 7:
Duẫn sinh trúc tùng ngoại
Đầu hướng trúc tùng trung
Chiêm bất nghi hòa cốc
Tu phòng hữu đại phong.
(Măng mọc ngoài bụi tre
Đầu chui vào trong bụi
Chắc không lợi mùa màng
Nên phòng có gió bão).
Mùa hè tre mọc măng, nếu thấy đầu măng nhọn mà hướng vào trong bụi, thì năm ấy lúa không lợi, mà lại có nhiều gió to.
Bài 8:
Đoan ngọ nhật đắc vũ
Nông phố tịnh vân nghi
Ngọc lạp thuỳ mật mật
Kim quả quải luy luy.
(Mưa giữa ngày Đoan ngọ
Ruộng vườn được cả hai
Lúa ngọc chíu chít ruộng
Dưa vàng nặng trĩu vàng).
Ngày mồng 5 tháng 5, nếu có mưa, thì lúa vụ mùa sẽ bội thu, mà rau dưa cũng được mùa.
Bài 9:
Quí hạ vũ nan đắc
Đắc xưng long huyết trân
Thảng phùng cam trạch phổ
Thị tuế nẫm phong chân.
(Tháng sáu mưa rất hiếm
Mưa được gọi máu rồng
Nếu được mưa thỏa thích
Năm ấy lợi nhà nông).
Ở Kinh về tháng 6, khó được mưa, nếu được mưa thì người ta cho là máu rồng, ý nói giọt nước rất quí, nếu năm nào trong tháng này mưa nhiều, thì ruộng lúa có hy vọng bội thu.
Bài 10:
Hà niên long nhãn thịnh
Thị tuế đạo lương phong
Tứ cảnh hoan ngu nhất
Tam nông khánh ủy đồng.
(Năm nào nhãn sai quả
Năm ấy được gạo kê
Bốn cõi đều vui vẻ
Nhà nông được hả hê).
Năm nào nhãn sai quả, thì năm ấy các giống lúa đều được mùa.
Bài 11:
Đông quý xuân sơ hậu
Xuân lôi dĩ phát thanh
Nhược phùng du Tị, Ngọ
Thị tuế miễn hô canh.
(Cuối đông đầu xuân tiết
Ầm ầm sấm đã vang
Nếu qua giờ Tị, Ngọ
Năm ấy tốt mùa màng).
Phương nam khí hậu ấm, mùa đông có sấm là thường, nhưng về tháng chạp, nếu sấm dậy quá khỏi giờ Tị, giờ Ngọ thì năm ấy sẽ được mùa. Theo truyền thuyết nghe sấm mới vào lúc sáng dậy bụng còn đói, thì năm ấy sẽ đói, nếu nghe sấm mới lúc gần nửa ngày bụng ăn no, thì năm ấy sẽ được no nê.
Tài làm thơ của vua Minh Mạng vốn được ca ngợi nhiều. 11 bài thơ nông ngạn này được xem là ngạn ngữ về việc nông, được đúc kết từ các hiện tượng thời tiết, rất hữu ích cho người dân khi gieo vụ cày cấy, đoán biết mùa màng được hay mất./.
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ sơ H20/3, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
2. Đại Nam nhất thống chí, Quốc sử quán triều Nguyễn, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, 2006.
Nhật Phương