Trong số hơn 100 công trình kiến trúc đẹp nằm trong Hoàng thành Huế, Ngọ Môn với vóc dáng đồ sộ, nguy nga đã trở thành hình ảnh tiêu biểu nhất của thành phố Huế và Quần thể di tích cố đô Huế – Di sản văn hoá thế giới.
Ngọ Môn (tiếng Hán 午 門) có nghĩa là chiếc cổng xây mặt về hướng Ngọ và là cổng chính của Hoàng thành Huế. Các nhà kiến trúc lúc bấy giờ đã dựa vào các nguyên tắc địa lý phong thuỷ của phương Đông và thuyết Âm dương, Ngũ hành của Dịch học, bố trí cửa quay về phía hướng Nam. Đồng nghĩa với việc vua luôn ngồi quay mặt về hướng Nam để trị thiên hạ.
Ý định xây dựng Ngọ Môn của vua Minh Mạng được bắt đầu từ tháng 8 năm 1832. Vua ban dụ rằng: “Điện Thái Hoà, cửa Ngọ Môn là chỗ bốn phương triều hội, thiên hạ quan chiêm, định đến mùa xuân sang năm thì xây dựng, nên trước hết phải sửa sang bờ ao ở mặt trước để kịp thời khởi công, bèn sai các biền binh phải đến làm việc”.
Hình ảnh Ngọ Môn Huế (Nguồn: Sưu tầm)
Đến mùa xuân, năm Quý Tỵ (1833), Ngọ Môn đã được vua cho khởi công xây dựng: “Ngày Canh Dần, xây dựng điện Thái Hòa, cửa Đại Cung và cửa Ngọ Môn. Điều 10.000 kinh binh làm việc. Sai thự Hiệp biện Đại học sĩ Lê Đăng Doanh, Thống chế Nguyễn Tăng Minh, thự Thống chế Hồ Văn Khuê, thự Thượng thư Lê Văn Đức, chia coi mọi việc. Thị lang bộ Công là Nguyễn Trung Mậu và Đoàn Văn Phú theo giúp việc”.
Ngọ Môn không chỉ là một cái cửa (cổng) đơn thuần mà còn là cả một tổng thể kiến trúc phức tạp. Trên nền cổng có lầu Ngũ Phượng (Phụng) với chức năng giống như một lễ đài, hằng năm dùng để tổ chức một số nghi lễ trọng thể của triều đình như lễ Duyệt binh, lễ Truyền lô (đọc tên các sĩ tử thi đỗ tiến sĩ), lễ Ban sóc (phát lịch) … Sau này, đây cũng là nơi diễn ra lễ thoái vị của vua Bảo Đại vào ngày 30/8/1945. Với tính chất quan trọng đó, sau khi khởi công, vua Minh Mạng thường xuyên đi lại xem xét, động viên thợ thuyền: “Việc làm đó là cả một công trình to lớn, nên muốn tìm cách để dè dặt sức lực quân lính, bèn định rõ thời hạn làm việc và nghỉ ngơi: mỗi ngày làm từ sáng sớm đến đầu giờ Ngọ thì nghỉ; đầu giờ Mùi làm, chập tối nghỉ. Lại phái 5 người trong Thái Y viện đem thuốc nhà nước đến chỗ thợ, có ai đau ốm thì chữa cho”. Đặc biệt, khi nhìn thấy thợ xây phải làm việc vất vả dưới tiết trời nắng nóng của xứ Huế, vua đã dụ cho Nội Các thay đổi lại giờ giấc, tránh nhọc sức thợ: “Mùa hè, trời nóng, mà biền binh thường phải chạy vạy dưới ánh mặt trời gay gắt, ta rất thương. Vậy chuẩn định: hằng ngày, cứ đầu giờ Dần thì đến làm, giờ Thìn 2 khắc thì nghỉ, đầu giờ Thân lại đến làm, giữa giờ Tuất nghỉ để tránh nóng nực, đỡ mệt mỏi”.
Ngoài ra, khi xét thấy lầu Ngũ Phượng và 2 cửa tả, hữu đều đẹp đẽ khéo léo, chỉnh tề, vị vua thứ 2 của triều Nguyễn đã ban thưởng cho thợ mộc 300 quan tiền và các thợ khác 200 quan.
Mộc bản Triều Nguyễn khắc vị trí Ngọ Môn trong sơ đồ Hoàng thành nội
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Đến mùa hạ tháng 4 năm Quý Tỵ (1833), cùng với điện Thái Hoà, cửa Đại Cung, cửa Ngọ Môn đã được xây dựng xong. Vua Minh Mạng ban thưởng cho những người có liên quan đến việc xây dựng kim tiền, ngân tiền theo thứ bậc khác nhau.
Về kiến trúc của Ngọ Môn, sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 88 ghi rằng: “Mặt trước hoàng thành, chỗ chính giữa dựng cửa Ngọ Môn (giữa 1 cửa, 2 bên tả hữu mỗi bên 2 cửa, tất cả 5 cửa). Cửa giữa và 2 cửa giáp 2 bên, trên cửa có gác dầm ngang thẳng đều làm bằng đồng, 58 cái dầm ngang bằng đồng đỏ và kẽm trắng, pha chế 3 phần đồng, 7 phần kẽm, 12 cái dầm thẳng pha chế 4 phần đồng, 6 phần kẽm, đều 3 tấc bề mặt, 2 tấc bề dày. Hai cửa bên tả hữu, xây làm 2 cửa quyết). Phía trên cửa, làm lầu Ngũ phượng, phía trước cửa có hồ, đặt tên là Ngoại Kim Thủy Trì; trên hồ xây cầu Kim Thủy (giữa và tả hữu mỗi chỗ 1 cái). ở đan bệ, long trì, hồ Thái Dịch, cầu Kim Thủy và tầng trên cửa Ngọ Môn đều có câu lơn (đều dùng gạch hoa bằng lưu ly các màu). Kiểu mẫu tôn nghiêm, thực là chế độ đời thái bình”.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 88, mặt khắc 15 ghi về kiến trúc của Ngọ Môn Huế
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Như vậy, có thể thấy kiến trúc Ngọ Môn bao gồm 2 phần chính: phần nền đài ở dưới và phần lầu Ngũ Phượng ở trên. Hai phần này được thiết kế ăn khớp với nhau, tạo thành một tổng thể hài hoà, thống nhất dù tính chất và vật liệu xây dựng khác nhau.
Nền đài được xây dày và cao, ở giữa trổ 5 lối đi: Ngọ Môn (dành cho vua đi), Tả Giáp môn (cửa bên trái) và Hữu Giáp môn (cửa bên phải) dành cho các quan văn, võ theo hầu đoàn ngự đạo. Hai lối đi bên ngoài cùng nằm ở hai cánh chữ U là Tả Dịch môn và Hữu Dịch môn dành cho lính tráng và voi ngựa theo hầu đoàn Ngự đạo. Vật liệu chính để xây dựng nền đài là gạch vồ và đá thanh. Gạch ở đây mỏng và có độ nung cao, được xây với những mảnh vữa rất mỏng, lại để trơn tạo ra những bờ tường phẳng. Các tảng đá xanh cũng được gia công ghè đẽo một cách vuông vắn, lắp ghép thành những điểm chạy viền quanh cổng và điểm chân nhằm tăng thêm vẻ đẹp và độ bền vững cho công trình.
Phía trên nền đài là lầu Ngũ Phượng gồm hai tầng, tầng dưới lớn, tầng trên nhỏ, với 13 gian kết cấu thành một bộ khung theo hình chữ U như nền đài. Tuy cùng chung một bộ khung sườn làm bằng gỗ lim, nhưng ở phần trên lại tách ra thành 9 bộ mái riêng biệt to nhỏ, cao thấp khác nhau, tạo nên sự nhấp nhô của các hình khối trong không gian như những hình chim phượng đang bay.
Có thể nói, với những nét độc đáo về kiến trúc, Ngọ Môn được xem là đỉnh cao của nghệ thuật cung đình Huế. Mặc dù được xây dựng cách đây gần 200 năm, chịu nhiều tác động của gió bão, lụt lội và chiến tranh nhưng Ngọ Môn vẫn còn giữ được những nét kiến trúc ban sơ. Ngọ Môn không chỉ mang biểu tượng của cố đô Huế thơ mộng mà còn là sự ghi nhận tài năng khéo léo, đầu óc sáng tạo của các nghệ nhân Việt Nam một thời./.
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ sơ H48, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
2. Hồ sơ H21, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
3. Hồ sơ H22, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
4. Hồ sơ H23, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
5. Hồ sơ H24, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
Cao Quang